Quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên nước cho thủy điện
Trên toàn quốc có hơn 30 dự án thủy điện lớn đang hoạt động, cung cấp gần 40% tổng công suất lắp máy trên mạng lưới điện. Mức công suất lắp máy thủy điện hiện nay chiếm 22,8% tiềm năng kỹ thuật. Theo Ngành điện, từ 2010 - 2025, dự kiến sẽ phát triển thêm 26 đập thủy điện nữa ở các lưu vực sông lớn, đến năm 2020, hầu hết tất cả trữ năng kỹ thuật và kinh tế của thủy điện đều sẽ được phát triển (khoảng 90%). Trong khi đó, dự kiến trong tương lai, Việt Nam sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt vào mùa khô. Như vậy, sự căng thẳng này sẽ gây áp lực lên các con sông.
Hiện nay, gần 57% tổng lượng nước của Việt Nam là ở lưu vực sông Cửu Long và 95% trong số đó là từ sông Mêkông. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng điện thì việc hợp tác phát triển thủy điện liên quan đến các lưu vực sông với Lào, Campuchia và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Phát triển thủy điện mạnh mẽ đang diễn ra ở vùng Mêkông, với nhiều dự án hiện đang được xem xét cho dòng chính sông Mêkông, đặc biệt là Lào. Gần đây, Việt Nam , Campuchia và Lào đã thành lập một diễn đàn để thảo luận các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt phát triển thủy điện ở các vùng biên giới.
Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện ở một số lưu vực, chỉ chú ý đến công suất tiềm năng thủy điện, mà không đánh giá đầy đủ đến việc cấp nước và mức thiệt hại cho các nhu cầu dùng nước khác. Có một số tác động tiêu cực liên quan đến thiết kế và vận hành thủy điện: Các công trình thủy điện ít khi được thiết kế để phục vụ cho nhu cầu nước ở hạ lưu nên không thể xả nước cho hạ du nếu không có thay đổi lớn về công trình; khi tích nước đầy các hồ chứa, dòng chảy hạ lưu hồ thường bị chặn lại. Quy trình vận hành cho các hồ chứa thủy điện thông thường không được lên kế hoạch trước giai đoạn thiết kế; hầu hết các trường hợp đều không có thiết kế giám sát an toàn đập và thiết bị dự báo lũ. Lũ do mưa lớn ở hạ lưu các hồ chứa có thể càng trầm trọng hơn, nếu xả nước từ hồ, và một số đập gặp phải vấn đề lớn về bồi lắng, vấn đề này cần được giải quyết trong giai đoạn thiết kế. Bên cạnh đó, phát triển thủy điện ở Việt Nam không nghiên cứu đầy đủ tác động giảm chất lượng nước, phá vỡ các công trình địa mạo tự nhiên, đa dạng sinh học thủy sinh và đánh bắt cá; những thay đổi lớn về thủy văn bao gồm gây ra những đoạn sông chết. Cải cách ngành điện thường bị chi phối bởi công suất mà ít chú ý đến nhu cầu điều tiết về nước hay môi trường. Nếu không có những tính toán rõ ràng, để xem xét tối ưu hóa các lợi ích của cơ sở hạ tầng khai thác nước, hài hòa các dự án, bảo vệ và đưa ra các quy định về việc sử dụng nước cho mục đích môi trường và hạ du, thì những tác động xấu của phát triển thủy điện có thể còn lớn hơn những lợi ích của việc tối đa hóa sản xuất điện.
Việc quy hoạch phát triển thêm thủy điện đã được thực hiện trên cơ sở lưu vực sông, nhưng chỉ dựa trên triển vọng phát triển của ngành thủy điện. Do vậy, cần sửa đổi lại quy hoạch phát triển thủy điện khi rà soát quy hoạch lưu vực sông. Các vấn đề về tài nguyên nước theo cách tiếp cận này thiếu quy hoạch hoặc phối hợp giữa ngành thủy điện và các ngành khác, dẫn tới các tác động không dự tính trước được. Tác động của phát triển thủy điện đối với các ngành khác bao gồm những thay đổi lớn về sự thay đổi chế độ dòng chảy và tác động tới cấp nước, những rào cản cho giao thông thủy và đường di chuyển của cá, và các tác động môi trường, xã hội, phát triển kinh tế.
Mặt khác, hiện nay, tiềm năng sử dụng đa mục tiêu của các hồ chứa chưa được khai thác nhiều, đầu tư lớn là từ các khu vực nhà nước. Vào giai đoạn này, chưa có tiến trình xem xét và tạo ra các lợi ích có thể từ các hồ chứa. Ví dụ, lợi ích giảm lũ tiềm năng của các hồ chứa thủy điện chưa được xem xét. Tăng tiềm năng công suất thủy điện ở các lưu vực sông cụ thể, dường như đã được xác định mà không đánh giá đầy đủ về khả năng của lưu vực trong việc cung cấp lượng nước cần thiết, các tác động tiêu cực đến các hộ dùng nước và sử dụng nước khác.
Hiện có một số dự án chuyển nước liên lưu vực để khai thác thủy điện, và nhiều dự án khác đang trong quy hoạch, bao gồm việc chuyển nước từ sông Đồng Nai sang cụm sông Đông Nam Bộ, từ Sê San sang Trà Khúc, từ sông Ba sang Kone, cũng như một số dự án chuyển nước có quy mô nhỏ khác. Những dự án chuyển nước này không xem xét đầy đủ các tác động đối với lưu vực cho nước, bao gồm những yêu cầu cấp nước tương lai của lưu vực đó đối với toàn bộ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các ngành khác diễn ra trên bản thân lưu vực đó. Đồng thời cũng không xem xét đầy đủ tác động môi trường đối với lưu vực cho nước. Ví dụ, lưu vực sông Đồng Nai là một trong số các lưu vực bị căng thẳng nhất trên toàn quốc, xét về dòng chảy mùa khô, chất lượng nước, các nhu cầu nước cho phát triển công nghiệp và cho các ngành khai thác khác đang tăng lên. Việc giảm hơn nữa dòng chảy trên lưu vực này thông qua chuyển nước liên lưu vực có thể làm hạn chế các giải pháp trong tương lai về quản lý chất lượng nước và dòng chảy môi trường, cũng như cấp nước. (Những khía cạnh này cũng cần được xem xét đầy đủ khi các quy hoạch thành phần của lưu vực sông).
Ở các hồ chứa sử dụng cho thủy điện, thủy lợi, việc khai thác tổng hợp các hồ chứa cũng như công tác bảo vệ môi trường, chất lượng nước và các tài nguyên vùng hồ còn bộc lộ một số bất cập. Tình trạng lấn chiếm đất công, đào ao, đắp đập nuôi cá, chăn nuôi gia súc, tập trung trong vùng bán ngập ở nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của các sông, hồ chứa. Vai trò điều hòa, điều tiết nước của các hồ chứa còn hạn chế, một số nơi không đảm bảo dòng chảy cho nhu cầu dùng nước đa dạng ở hạ du công trình. Công tác tổ chức, điều hành khai thác nhiều hồ còn nặng tính đơn ngành, đơn mục tiêu, chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích tập thể…
Để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước liên quan đến các công trình thủy điện, ngành điện, các chủ đầu tư dự án công trình thủy điện cần phải thực hiện nghiêm Nghị định số 120/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý lưu vực sông. Các ngành, đơn vị, chính quyền địa phương cần có cơ chế phối hợp đồng bộ ngay từ khi xây dựng phê duyệt quy hoạch, đầu tư phát triển của các ngành có liên quan trực tiếp đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Có như vậy, mới lập lại được trật tự trong quản lý, khai thác các lưu vực sông, hồ chứa thủy điện, quản lý, bảo vệ bền vững tài nguyên nước.