Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
1. Việt Nam - Ấn Độ: mối quan hệ "truyền thống, hữu nghị, gắn bó"
Ấn Độ là một nước lớn với dân số trên 1,1 tỷ người, có ví trí địa chính trị và địa chiến lược quan trọng ở châu Á. Là một quốc gia đang phát triển, nhưng trong những năm gần đây Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao. Ấn Độ là một trong các nước được thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân. Với sự năng động trong phát triển kinh tế và những tiềm lực nội tại đang có, Ấn Độ được đánh giá là một cường quốc đang vươn lên mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh ở khu vực châu Á và trên thế giới. Sự phát triển và sức mạnh của Ấn Độ hiện nay đã góp phần nâng cao vị thế của châu Á, đặc biệt với khu vực Đông Á và Đông Nam Á - khu vực đang có sự phát triển kinh tế năng động của thế giới.
Quan hệ Việt Nam -ẤnĐộ là mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, tốt đẹp trong mọi giai đoạn quan hệ hợp tác giữa hai bên. Mối quan hệ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru dày công vun đắp, giờ đây đang phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập trước đây hai nước đã giành cho nhau những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ tối đa trong khả năng của mỗi bên. Thời kỳ thế giới có chiến tranh lạnh, mặc dù Ấn Độ là nước luôn tuyên bố đứng trung lập song quan hệ Việt Nam- Ấn Độ vẫn được duy trì và Ấn Độ luôn ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Chiến tranh lạnh kết thúc, bất chấp mọi sự biến động của tình hình quốc tế, khu vực và những thay đổi của mỗi nước, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ không ngừng được củng cố, tăng cường, phát triển sống động và hiệu quả hơn.
Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam . Ấn Độ luôn bảy tỏ quan điểm đứng về Việt Nam lên án các thế lực hiếu chiến xâm lược. Đây là sự thể hiện lập trường kiên định của Ấn Độ đối với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước châu Á và các nước trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự ủng hộ đó của Ấn Độ luôn được các nhà lãnh đạo hai bên khẳng định mỗi khi gặp nhau.
Các cuộc mít tinh, biểu tình của những người cộng sản và nhân dân Ấn Độ diễn ra khắp nơi ở Ấn Độ để phản đối chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, đòi quân xâm lược Pháp, Mỹ phải rút về nước những tuyên bố mạnh mẽ lên án các cuộc xâm lược biên giới của các thế lực hiếu chiến, bành trướng; đưa ra tuyên bố công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận thuộc lãnh thổ Việt Nam v.v. .. Tất cả những điều đó thể hiện sự quan tâm và ủng hộ của Ấn Độ đối với Việt Nam trong đấu tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Về phía Việt Nam , chúng ta luôn ủng hộ lập trường thống nhất của Ấn Độ và công nhận Cát-sơ-mia là một bộ phận của Ấn Độ; ủng hộ Ấn Độ trở thành Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc v.v...
Có thể nói trên cơ sở của mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước dựa trên sự hiểu biết và cảm thông của các dân tộc đã từng là nạn nhân của chế độ thuộc địa phương Tây, dựa trên quá trình giao lưu văn hoá, kinh tế lâu đời, hai nước Việt Nam và Ấn Độ luôn có sự nhất trí cao trong việc nhìn nhận, đánh giá những vấn đề quan trọng của tình hình khu vực và quốc tế. Hai nước luôn mong muốn và nỗ lực để có một Đông Nam Á hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, cũng như luôn nhất trí chủ trương giải quyết mọi sự bất đồng, tranh chấp bằng thương lượng, bằng biện pháp chính trị, bằng phương pháp hoà bình. Trong các lần gặp nhau, lãnh đạo của Việt Nam và Ấn Độ thường đánh giá thống nhất rằng hai nước có lợi ích chiến lược tự nhiên giống nhau và có nhiều điểm tương đồng trên các vấn đề khu vực và quốc tế. Đây chính là cơ sở vững chắc để hai bên không ngừng thúc đẩy hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị kinh tế, ngoại giao v.v . . .
2. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thời kỳ Ấn Độ thực hiện chính sách "hướng Đông" đến nay
Tình hình thế giới và khu vực cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX diễn biến phức tạp, mau lẹ và đầy kịch tính: Chiến tranh Lạnh kết thúc, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng, sụp đổ; Chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ (1991). Khu vực Đông Nam Á nổi lên trở thành khu vực phát triển nhanh nhất của thế giới; Ấn Độ bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế một cách toàn diện, triệt để (7/1991) nhằm chuyển nền kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp, đóng cửa sang nền kinh tế thị trường, tự do hoá và mở cửa v.v... Đứng trước những vấn đề thay đổi của thế giới và khu vực cũng như nhu cầu nội tại của đất nước, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã có những điều chỉnh mạnh mẽ. Một trong những thay đổi đó là chính phủ của Thủ tướng N. Rao đưa ra chính sách "hướng Đông" vào năm 1991 .Trong chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ vị trí của Việt Nam được thể hiện rõ ràng hơn với tư cách là một nước bạn bè, truyền thống có quan hệ hữu nghị lâu đời. Cùng với công cuộc đổi mới, mở cửa của Việt Nam từ năm 1986 đã tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, vì trước đây hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực này chưa được quan tâm nhiều. Nhìn lại quá trình quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam - Ấn Độ nhất là từ khi Ấn Độ thực hiện chính sách "hướng Đông" ta thấy nổi lên một số kết quả như sau:
+ Về quan hệ chinh trị
Trên cơ sở mối quan hệ chính trị đã được thiết lập, duy trì và củng cố theo thời gian phát triển đi lên của hai nước, quan hệ chính trị Việt Nam- Ấn Độ tiếp tục được đẩy mạnh và chiếm vị trí nổi bật trong quan hệ hai nước. Những kết quả tốt đẹp trong quan hệ chính trị hai nước tạo tiền đề và là động lực thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực khác của hai nước. Phát triển ngày một sâu rộng, thực chất, hiệu quả hơn. Việt Nam hoan nghênh và chủ động ủng hộ Ấn Độ trong chủ trương tăng cường quan hệ với các nước Đông và Đông Nam Á. Trong các cuộc viếng thăm giữa hai nước, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đều nhấn mạnh rằng, Ấn Độ có vai trò và ảnh hưởng quan trọng tại châu Á, sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, Việt Nam coi Ấn Độ vừa là một nước láng giềng, vừa là một nước bạn bè truyền thống.
Việc hai nước liên tục tổ chức các cuộc viếng thăm, làm việc của các đoàn cấp cao hai bên thể hiện mối quan tâm của hai chính phủ về việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh thế giới có nhiều đổi thay. Điển hình như các cuộc viếng thăm Việt Nam cua tổng thống Venkataraman (1991), Thủ tướng Ấn Độ Rahasimha Rao (9/1994). Thủ tướng A.B. Vajapayee (1/2001), Tồng thống Ấn Độ Pratibha Patil (24 - 28/11/2008). Trong chuyến thăm Việt Nam(năm 2008) của Tổng thống Ấn Độ đã thể hiện rõ tinh thần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đặc biệt có nhiều cuộc viếng thăm Việt Nam của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) và Đảng Cộng sản Ấn Độ Mác- xít (CPI-M). Bên cạnh đó, Đảng ta còn chính thức thiết lập quan hệ với Đảng Quốc đại của Ấn Độ từ 1984 và với nhiều đảng khác của ấn Độ... Về phía Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn đại biểu cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam viếng thám, làm việc tại Ấn Độ. Đáng chú ý như cuộc viếng thăm Ấn Độ của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười dẫn đầu (9/1992), của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (12/1999), của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4/2003). Trong chiến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (2003), hai bên đã ký tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ 21 . Đặc biệt từ ngày 4 - 6/07/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ. Trong dịp này hai nước đã ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ và nhiều Văn kiện hợp tác khác. Động thái này góp phần quan trọng đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới.
Đánh giá chung về quan hệ chính trị Việt Nam - Ấn Độ, dù ở thời kỳ nào dưới sự lãnh đạo của chính đảng nào ở Ấn Độ, quan hệ chính trị song phương Việt - Ấn luôn được đề cao và coi trọng. Điều này không chỉ khẳng định truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát huy, mà còn cho thấy quan điểm giống nhau của hai nước đang phát triển trong bối cảnh mới. Chính vì vậy, bất chấp những thay đổi nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, hai bên vẫn đưa ra nhiều đánh giá tương đồng với nhau luôn ủng hộ nhau và phối hợp tốt cùng nhau trong các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế. Ấn Độ đã nhanh chóng ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, hai bên đã kết thúc đàm phán song phương vào tháng 8/2005. Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trong các vấn đề liên quan đến cải tổ Liên hợp quốc v.v. . .Như vậy, quan hệ chính trị Việt Nam - Ấn Độ đã không ngừng được củng cố, phát huy, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, văn hoá.. .ngày càng phát triển tốt đẹp và hiệu quả hơn.
+ Quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư
Lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư mới được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng, ngang tầm với mong muốn và điều kiện của hai bên. Tuy nhiên quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đang mở ra những tín hiệu khả quan. Quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ liên tục gia tăng qua các năm. Nếu năm 1991 - 1992, tổng kim ngạch xuất khẩu hai bên đạt khoảng 50 triệu USD, năm 2000 tăng lên 225 triệu USD, thì năm 2005 đã đạt gần 700 triệu USD. Một vấn đề chúng ta cần quan tâm là, trước năm 1995, Việt Nam là nước xuất siêu sang Ấn Độ, nhưng giai đoạn 1995 trở lại đây, Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Ấn Độ và thâm hụt thương mại của Việt Nam tăng dần khi thương mại hai chiều gia tăng (năm 2005: thương mại hai nước đạt gần 700 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ đạt 98 triệu USD). Năm 2006, kim ngạch hai chiều hai nước đạt khoảng 1 tỷ USD, năm 2007 đạt trên 1,5 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2008 đạt khoảng 1,7 tỷ USD...(bảng 1)
Trong lĩnh vực đầu tư: Ấn Độ cũng là một trong các quốc gia sớm đầu tư vào Việt Nam . Trong thời kỳ Việt Nam còn bị Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận về kinh tế, nhưng cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Ấn Độ đã ký hiệp định về thăm dò và khai thác dầu mỏ trên thềm lục địa Việt Nam. Tiếp sau đó, Ấn Độ đã đầu tư mở rộng vào nhiều lĩnh vực ở Việt Nam như: chế biến nông lâm sản, giống cây trồng, chế tạo thiết bị tải điện, sản xuất dược phẩm v.v... Sau khi Việt Namđẩy mạnh mở cửa, Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Namđược ban hành đã tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam . Hiện nay số vốn và dự án đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đang tăng lên đáng kế. Tính đến tháng 10/2008, Ấn Độ có 30 dự án đầu tư ở Việt Nam còn hiệu lực với số vốn đã thực hiện đạt 578 triệu USD, trong năm 2007, đã đánh dấu một bước chuyển lớn trong đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam. Tháng 2/2007, tập đoàn ESSAR đã ký thỏa thuận đầu tư một dự án thép cán nóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu trị giá 527 triệu USD; tháng 5/2007, tập đoàn TATA của Ấn Độ đã ký bản ghi nhớ với Tổng công ty Thép Việt Nam để nghiên cứu xây dựng nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh, khai thác mỏ sắt Thạch Khê với trị giá 3,5 tỷ USD. Hai dự án này đã đưa Ấn Độ vào nhóm 10 nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và Việt Nam trở thành quốc gia trong ASEAN nhận đầu tư lớn nhất từ Ấn Độ. Về phía đầu tư của Việt Nam sang Ấn Độ cũng đang có những dự báo mang tính triển vọng khả quan, còn trên thực tế hiện nay kết quả đó còn khiêm tốn. Sự hạn chế này, nguyên nhân chủ yếu là do phía các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm tốt việc thâm nhập thị trường Ấn Độ, thiếu thông tin về thị trường rộng lớn đầy tiềm năng này. Bên cạnh đó, hai nước là các quốc gia đang phát triển, do đó cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu tương đối giống nhau nên cũng gây không ít khó khăn cho việc thâm nhập vào thị trường Ấn Độ của hàng hoá và các doanh nghiệp Việt Nam .
Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chính của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2006 - 2007 và 2007 - 2008
Đơn vị: Triệu USD
STT | Mặt hàng | 2006-2007 | 2007-2008 | Tăng % |
1. | Cà phê, chè, gia vị | 35,15 | 27,25 | -22,47 |
2. | Tinh dầu, mỹ phẩm | 2,71 | 4,60 | 69,60 |
3. | Nhựa, sản phẩm nhựa | 2,74 | 2,53 | -7,52 |
4. | Cao su | 2,87 | 9,12 | 32,79 |
5. | Gỗ, gỗ nguyên liệu | 1,28 | 1,52 | 18,61 |
6. | Đồ gỗ | 2,75 | 0,57 | -79,41 |
7. | Máy, thiết bị điện | 17,20 | 23,62 | 37,30 |
8. | Sắt thép | 9,63 | 10,98 | 14,20 |
9. | Gốm sứ | 0,59 | 0,97 | 64,00 |
10. | Thủy tinh | 2,81 | 1,59 | -43,20 |
11. | Giầy dép | 6,49 | 4,70 | -27,67 |
12. | Hóa chất | 1,87 | 2,80 | 50,16 |
Tổng số: | 167,52 | 173,39 | 3,5 |
(Nguồn: Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ - MOCI)
Hiện nay, để thúc đẩy chính sách thương mại trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, hai bên đã thành lập Hội đồng doanh nghiệp hai nước dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ. Quá trình hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp hai nước từ năm 1993 đến nay đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội làm ăn, hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư; Hai nước đã ký các hiệp định về thương mại, về tránh đánh thuế hai lần, về khuyến khích và bảo hộ đầu tư v.v . . . Mặc dù còn hạn chế như đánh giá phân tích ở trên song hai bên đã cam kết đa dạng hoá cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại; thực hiện các biện pháp ưu đãi thuế quan cho nhau v.v. . . nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư ngày một phát triển tương xứng với tiềm năng của hai nước.
+ Quan hệ về văn hoá, giáo dục, khoa học-kỹ thuật
Trong các lĩnh vực này, quan hệ giữa hai nước diễn ra khá sôi động, phong phú và có xu hướng phát triển hơn trong những năm gần đây. Ấn Độ là quốc gia có hệ thống đào tạo khá phát triển, có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng. Từ năm 1999, Việt Nam đã chú ý quan tâm nghiên cứu hệ thống giáo dục của Ấn Độ, tiến hành nhiều cuộc thảo luận song phương nhằm đưa ra các biện pháp nâng cao hợp tác trong lĩnh vực giáo dục -đào tạo giữa hai nước. Trong những năm gần đây, Ấn Độ luôn dành nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Ấn Độ học tập, nghiên cứu, nâng cao nghiệp vụ. Hiện nay, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập bộ môn Ấn Độ học.
Hoạt động văn hoá giữa hai bên cũng diễn ra khá sôi động. Nhiều Hội thảo trao đổi về Phật học giữa hai nước diễn ra thường xuyên. Trong các dịp Kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ giữa hai nước, Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh tuần lễ Việt Nam, Ấn Độ với hàng loạt các hoạt động văn hoá phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức (giới thiệu phim ảnh, trao đổi nghệ thuật, giới thiệu những công trình văn hoá, lịch sử tiêu biểu v.v. .). Chuyên gia Ấn Độ cũng đã đến Việt Nam tìm hiểu về khả năng hợp tác bảo tồn di sản văn hoá Chăm ở Mỹ Sơn và một số công trình văn hoá khác.
Hợp tác về khoa học - công nghệ giữa Việt Nam - Ấn Độ đã thu được nhiều kết quả tích cực đáng khích lệ. Hai bên đã thiết lập tiểu ban Hợp tác khoa học kỹ thuật do cấp Thứ trưởng phụ trách. Chính phủ Việt Nam đã xem Ấn Độ là đối tác chiến lược trong lĩnh vực phần mềm máy tính và điện tử: Từ năm 1999, Ân Độ đã ký cam kết giúp Việt Nam xây dựng hai trung tâm đào tạo và phát triển phần mềm tin học tại Việt Nam bằng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Ấn Độ. Công ty FPT của Việt Nam cũng đã thành lập một văn phòng ở Bangalore, hiện nay Công ty FPT phối hợp với Công ty APTECH và Công ty NIIT (Ấn Độ) mở trên 20 cơ sở đào tạo cán bộ tin học ở một số tỉnh, thành của Việt Nam. Hiện nay, Ấn Độ đang giúp Việt Namrất có hiệu quả ở nhiều dự án, như: Dự án hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm ở Việt Nam . Dự án thành lập Trung tâm nguồn nhân lực cao ở Hà Nội, nhiều dự án lai tạo giống cây, giống con... Ngoài các lĩnh vực hợp tác nói trên, Việt Nam và Ấn Độ còn có những hợp tác về an ninh - quốc phòng, năng lượng nguyên tử...và đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu.
Như vậy, sau khi Ấn Độ đưa ra chính sách "hướng Đông", quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có những thay đổi quan trọng và mang những nội dung hợp tác mới vào mối quan hệ vốn được xem là "hữu nghị, truyền thống, gắn bó giữa hai bên". Tuyên bố chung Ấn Độ - Việt Nam về quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài bước vào thế kỷ XXII, được hai bên ký kết năm 2003 cho thấy đây vừa là mục tiêu, vừa là quyết tâm của lãnh đạo hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ nhiều mặt và sẵn sàng ứng phó với những thay đổi nhanh chóng, phức tạp của khu vực và thế giới trong giai đoạn phát triển hiện nay.
* Triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Trên cơ sở mối quan hệ "hữu nghị, truyền thống, gắn bó" và những kết quả đạt được theo xu hướng tăng dần lên trong mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ khi Ấn Độ thực hiện chính sách "hướng Đông" đang mở ra một triển vọng lạc quan trong mối quan hệ song phương giữa hai nước thời gian tới. Dự báo triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, ta thấy nổi lên một số vấn đề như sau:
Thứ nhất,Việt Nam và Ấn Độ là những quốc gia đang phát triển và là các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao của khu vực và thế giới trong nhiều năm qua. Cả hai nước đều đang có nhu cầu mở rộng thị trường, thu hút đầu tư từ bên ngoài để duy trì tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Do đó, Việt Nam và Ấn Độ sẽ đẩy mạnh quan hệ với nhau nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá, thu hút đầu tư, trao đổi học tập kinh nghiệm v.v .. .
Thứ hai,quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian qua còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng hợp tác to lớn của hai nước. Vì thế, cả Việt Nam và Ấn Độ đều nhận thấy rằng, hai bên cần phải nỗ lực hơn nữa để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng to lớn của hai nước, thúc đẩy
hợp tác trên lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp mà hai nước đã dày công xây dựng và không ngừng củng cố.
Thứ ba,trong những năm tiếp theo, Việt Nam và Ấn Độ đều tiếp tục chú trọng chính sách đối ngoại để phục vụ phát triển kinh tế và khẳng định vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế. Hai nước sẽ tiếp tục thể hiện nhiều quan điểm đồng thuận của mình trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ Ấn Độ trở thành Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong xu thế cải tổ tổ chức này. Ấn Độ cũng tiếp tục ủng hộ Việt Namđẩy mạnh công cuộc cải cách phát triển đất nước, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường một cách toàn diện.
Thứ tư,trong chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ Việt Nam có một vị trí và vai trò to lớn. Hai nước có mối quan hệ truyền thống bền chặt về lịch sử, văn hoá và chính trị. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nổi lên tại khu vực như một điểm sáng về ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế, có uy tín trong tổ chức ASEAN, đặc biệt vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên. Với những lợi thế và đặc điểm đó: quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới phù hợp và hiệu quả hơn.
Thứ năm,mặc dù Ấn Độ "chậm chân" hơn so với Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác trong việc tạo ảnh hưởng với khu vực Đông Nam Á, song là một nước lớn, Ấn Độ sẽ phải thể hiện một quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn nữa bằng các chương trình và mục tiêu hành động để đưa quan hệ hợp tác Ấn Độ - ASEAN nói chung, Ấn Độ - Việt Nam nói riêng lên một tầm cao mới. Ấn Độ phải thể hiện vị thế của một nước lớn ở khu vực Đông Nam Á. Ngược lại, các nước ASEAN mong muốn Ấn Độ sẽ có những đóng góp thiết thực và nhiều hơn nữa vào sự ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.
Tóm lại, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đang được kế thừa từ mối quan hệ "truyền thống, hữu nghị, gắn bó" có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tuy quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư hai bên chưa ngang tầm với quan hệ chính trị và tiềm năng của hai nước, nhưng với chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ và đường lối đối ngoại mở cửa của Việt Nam, hiện đang mở ra một triển vọng phát triển tốt đẹp, toàn diện trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ. Tinh thần này được Ấn Độ tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh trong cuộc họp Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam- Ấn Độ lần thứ 13 (2/2007): Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam trong các nước ASEAN. Việt Nam có vị trí đặc biệt và là một đối tác then chốt trong chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ và sẽ giúp sức cùng nhau đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược.