Quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc
Nghiên cứu của người trước và quan điểm của bài này
Vào cuối thế kỷ 18, quân khởi nghĩa nông dân Tây Sơn đã lật đổ chính quyền họ Nguyễn Đàng Trong. Nguyễn Phúc Anh, hậu duệ họ Nguyễn mưu đồ dựng lại cơ nghiệp, sau nhiều lần thất bại và trốn chạy, năm 1787 một lần nữa tiến công Gia Định và đã trụ vững. Sau đó, ông ta lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ Tây Sơn, qua 15 năm chiến tranh, cuối cùng năm 1802 đã thống nhất được Việt Nam.
Trong quá trình này, các nhà truyền giáo Pháp với Bá Đa Lộc là đại biểu đã đóng vai trò như thế nào?
Bá Đa Lộc cùng 5 người tùy tùng đã được trao quyền lớn về nội chính, ngoại giao, thủy quân, huấn luyện tân binh, tạo dựng trang thiết bị chiến tranh, đóng vai trò rất lớn, thậm chí chi phối trong cuộc chiến tranh này. Cách nhìn này được các bộ sử lớn vận dụng rộng rãi. Theo quan điểm này chủ yếu có Maybon (1), Hall (2) và Thiệu Tuần Chính (3). Một quan điểm khác cho rằng các tùy tùng của Bá Đa Lộc số lượng rất ít, hơn nữa, “lần viện trợ này của phía Pháp cho Nguyễn Phúc Ánh không thể đóng vai trò to lớn trong chiến tranh”. Giữ quan điểm này chủ yếu có Chu Kiệt Cần (4). Tuy nhiên 2 quan điểm trên được trình bày rất giản đơn, các tác giả không có sự khảo chứng kỹ càng cho quan điểm của mình.
Tác giả bài này đã khảo cứu nhiều loại tư liệu ở Trung Quốc và nước ngoài, đặc biệt là thông qua khai thác và đối chiếu tư liệu Việt Nam, phát hiện tổng nhân số quân tình nguyện của Bá Đa Lộc hoàn toàn không nhiều như Hall… nói; địa vị thực tế của Bá Đa Lộc trong triều Nguyễn chẳng qua cũng chỉ hữu danh vô thực, hơn nữa thường bị gạt ra rìa, bản thân ông ta cũng bị triều Nguyễn công kích vì truyền bá Kitô giáo; “5 tùy tùng” của Bá Đa Lộc mà Maybon, Hall nói chỉ là một số võ quan trung cấp, hạ cấp, bị phân tán, cắm vào các loại binh chủng , không hình thành một lực lượng vũ trang độc lập, không thể đóng vai trò quan trọng như Maybon, Hall nói.
Địa vị thực tế của Bá Đa Lộc trong triều Nguyễn
- Ngọn nguồn mối quan hệ Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Ánh
Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine, 1741 – 1799), tiếng Việt dịch là Bi Nhu, nhà truyền giáo Pháp. Quan hệ giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Ánh có duyên do từ rất lâu. Những năm 70 của thế kỷ 18, các nhà thực dân Anh, Pháp bắt đầu tìm người đại lý tại Việt Nam, đã ưng ý Nguyễn Phúc Ánh (5). Mang sứ mệnh nhà truyền giáo Pháp, với danh nghĩa truyền giáo, Bá Đa Lộc tìm cách tiếp xúc với Nguyễn Phúc Ánh. Năm 1782, mẹ con Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn tới Chân Lạp, Bá Đa Lộc dẫn tùy tùng tìm cách che chở. Sau đó, Bá Đa Lộc lại chạy sang Xiêm La cầu viện cho họ Nguyễn. Năm 1784, Nguyễn Phúc Ánh mượn quân can thiệp Xiêm La mưu đồ khôi phục, kết quả gần như toàn quân bị tiêu diệt. Trong tình hình đó, lợi dụng lúc nguy cấp của họ Nguyễn, Bá Đa Lộc thuyết phục Nguyễn Phúc Ánh lấy việc hy sinh chủ quyền và lãnh thổ quốc gia để đổi lấy sự viện trợ của Pháp.
Năm 1787, Bá Đa Lộc đưa ấu tử của Nguyễn Phúc Anh là Cảnh (1780 – 1801) sang Paris cầu viện. Sau khi về tới Paris, trước tiên Bá Đa Lộc dâng lên hoàng đế Pháp Louis 16 một tờ tấu, mong Pháp “thông thương” với Việt Nam để kiềm chế lợi ích của Anh ở Đông Á và lấy đó là cơ sở để “liên thông với miền Trung Trung Quốc” (6). Điều này thể hiện tham vọng của các nhà thực dân Pháp muốn dựa vào Việt Nam để xâm nhập miền Trung Trung Quốc. Sau đó ông ta lại lấy tư cách “sứ giả” của Việt Nam, thay mặt Nguyễn Phúc Ánh ký với đại diện của vua Pháp Louis 16 Hiệp ước Versailles bất bình đẳng giữa Việt Nam và Pháp (7). Sau đó do Đại Cách mạng Pháp bùng nổ, hoàng thất Pháp bị phế truất, hiệp ước này không được thi hành. Bá Đa Lộc cầu viện không đạt kết quả, đành dẫn Nguyễn Cảnh trở về Pondichéry, thuyết phục tổng đốc Ấn Độ thuộc Pháp “viện trợ Việt Nam” và năm 1789 đem theo một số ít người, thuyền trở về Việt Nam.
- Chỉ có hư danh
Khi Bá Đa Lộc trở về Việt Nam, Nguyễn Phúc Ánh đã lấy được thành Sài Gòn, thống trị toàn bộ tỉnh Gia Định và bắt đầu thực hiện cải cách, bước đầu hình thành thế chân vạc (Nguyễn Phúc Anh, Tây Sơn và họ Trịnh Đàng Ngoài). Bá Đa Lộc tuy không đem lại tin lành cho họ Nguyễn, nhưng Nguyễn Phú Ánh cho rằng “ông ta có công bươn trải nên ưu đãi riêng”, lênh cho vương tử Cảnh đối xử với ông ta bằng lễ thầy trò. Đồng thời họ Nguyễn phong Bá Đa Lộc làm “Đạt mệnh điều chế chiến tao thủy bộ viện bình giám mục thượng sư” (8). Qua chức hàm này có thể thấy Nguyễn Phúc Ánh vẫn ảo tưởng rằng Bá Đa Lộc sẽ mang “viện binh” từ Pháp tới. Nhưng do viện binh của Chính phủ Pháp không hề tới nên chức vụ này chẳng qua cũng chỉ là thứ hư danh mà thôi.
Tuy có hư danh nhưng dưới tay Nguyễn Phúc Ánh, Bá Đa Lộc không hề có được sự tôn trọng cần có. Do ông ta nhiệt tình tuyên truyền Kitô giáo, dẫn đến xung đột giữa văn hóa Kitô giáo và văn hóa Nho giáo. Lúc này có võ quan bậc trung Trần Đại Luật thề diệt trừ Bá Đa Lộc, “liều chết dâng mật sớ” xin giết Bá Đa Lộc. Nguyễn Phúc Ánh tuy tỏ ra rất đồng tình với Trần Đại Luật, nhưng lúc bấy giờ chính là lúc dùng người, Nguyễn Phúc Ánh đành một mặt an ủi Trần Đại Luật, mặt khác ỉm chuyện dâng sớ này đi (9).
- Bị gạt ra rìa
Năm 1793, địa vị của Bá Đa Lộc có sự thay đổi căn bản. Lúc bấy giờ vua Louis 16 bị xử tử, nước Pháp lâm vào tình trạng nội loạn và bị đe dọa bởi Liên minh châu Âu chống Pháp. Bởi vậy, yêu cầu Pháp viện trợ đã trở thành bong bóng. Đồng thời, cùng với thực lực được tăng cường và địa vị được củng cố, Nguyễn Phúc Ánh bắt đầu sai người liên lạc với Xiêm La, Vạn Tượng (tức Lào) và triều Thanh Trung Quốc, tìm lực lượng viện trợ bên ngoài mới.
Tháng 3 năm 1793, Nguyễn Phúc Ánh phái Bá Đa Lộc đi cùng vương tử Nguyễn Cảnh tới trấn thủ thành Diên Khánh mới đoạt được (lúc bấy giờ quân đội họ Nguyễn tiến lên bắc, hình thế Diên Khánh tương đối an toàn). Cho đến lúc mất năm 1799, thời gian Bá Đa Lộc tại Việt Nam phần lớn trôi qua bên cạnh Nguyễn Cảnh.
Vậy địa vị Bá Đa Lộc tại Diên Khánh như thế nào?
Trước hết, Bá Đa Lộc không hề chạm được tới đại quyền quân sự, chính trị của Diên Khánh. Lúc bấy giờ Nguyễn Cảnh mới 13 tuổi, Nguyễn Phúc Ánh cử tả quân phó tướng Phạm Văn Nhân, trung doanh giám quân Tống Phúc Đạm phụ tá Nguyễn Cảnh trấn thủ Diên Khánh. Trong đó, Phạm Văn Nhân nắm đại quyền nội chính, quân sự của Diên Khánh. Nguyễn Phúc Ánh cho rằng “Thái tử còn nhỏ, việc phụ đạo là trách nhiệm của khanh. Tất cả các việc quân sự ở bên ngoài, quan lại, liêu thuộc, bộc tùng ở bên trong đều giao phó cho ông ta” (10).
Thứ hai, địa vị “sư phụ” của Bá Đa Lộc cũng bị chèn ép. Lúc đầu khi Nguyễn Cảnh mới được phong ở Diên Khánh, Nguyễn Phúc Ánh yêu cầu Cảnh “tôn kính sư phụ, chuyên cần học kinh tịch”, và lập Thái học đường tại Diên Khánh, đặt một người giữ chức phụ đạo thái tử, 2 người giữ chức thị giảng và mười mấy người giữ chức hàn lâm thị học. Trong đó địa vị “phụ đạo” cao nhất. Vị phụ đạo thứ nhất do Phạm Văn Nhân kiêm nhiệm. Lúc bấy giờ Nguyễn Phúc Ánh rất trọng vọng Phạm Văn Nhân, sánh ông ta với Y Doãn nhà Thương, Chiêu Công nhà Chu. Sau đó Nguyễn Phúc Ánh lại lần lượt phong phó tướng Tống Viết Phúc, thượng thư bộ lễ Ngô Tùng Châu, phó tướng Nguyễn Công Thái, Nguyễn Đình Đức làm phụ đạo. Khi được chọn làm Đông cung phụ đạo, Ngô Tùng Châu cho rằng mình không xứng đáng nên đã khước từ. Nguyễn Phúc Ánh nói: “Đông cung là thái tử của quốc gia, chức vụ sư phụ không thể chọn ai khác ngoài khanh”. Ngô Tùng Châu thụ mệnh, “tận tâm uốn nắn, nói thẳng không e dè, thái tử đối xử rất nồng hậu” (11).
Đối với các giáo viên dưới chức “thị giảng”, Nguyễn Phúc Ánh cũng rất trọng thị, đích thân chọn các nhà nho học nổi tiếng nhất Việt Nam Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định làm đông cung thị giảng.
- Hoạt động truyền giáo bị công kích
Lúc bấy giờ, cùng với sự truyền bá Kitô giáo, vấn đề “tả đạo” là vấn đề rất nhạy cảm. Với sự ủng hộ của các đại thần như Ngô Tùng Châu, Nguyễn Phúc Ánh đã ban bố một đạo luật quản chế các nhà truyền giáo. Ngô Tùng Châu dốc sức vào việc hoằng dương Nho giáo, công kích Kitô giáo, Bá Đa Lộc rất hận ông ta 912). Mâu thuẫn giữa Bá Đa Lộc và các quan chức Việt Nam dưới trướng thái tử ngày càng gay gắt. Năm 1799, võ tướng Tống Viết Phúc nhục mạ Bá Đa Lộc ngay trước mặt mọi người. Trước việc này, thái tử Nguyễn Cảnh chỉ còn cách làm ngơ mà thôi (13).
Không lâu sau khi xảy ra vụ nhục mạ, Bá Đa Lộc qua đời. ĐNTL tổng kết đơn giản về ông ta: “Đa Lộc lúc đầu theo việc binh nhung trong trướng, tham dự vào việc bàn mưu tính kế. Đến lúc đi theo thái tử sang Tây, tận tâm bảo hộ. Nhà vua lệnh cho thái tử đối xử với ông ta theo lễ sư phụ” (14). Có thể thấy, triều Nguyễn cho rằng công lao chủ yếu của Bá Đa Lộc chẳng qua cũng chỉ là đi Pháp cầu viện, làm sư phụ cho thái tử mà thôi.
__________________
1. Tsuboi Yoshiaki (Nhật Bản), Nước Đại Nam đối mặt với Pháp và Trung Quốc, Ban KHXH TP. Hồ Chí Minh, 1990, tr. 60.
2. Hall (Anh), Lịch sử Đông Nam Á, T.1, Thương vụ Ấn thư Quán, 1982, tr. 512 – 513.
3. Thiệu Thuần Chính, “Quan hệ Trung Quốc, Pháp và Việt Nam ”, trong: Thẩm Long Vân (chủ biên), Tư liệu lịch sử cận đại Trung Quốc, tr. 12 – 13.
4. Chu Kiệt Cần, Lịch sử các nước châu Á, Nxb Nhân dân Quảng Đông, 1958, tr. 179.
5. Hall (Anh), Lịch sử Đông Nam Á, T.2, sđd, tr. 237, 508.
6. Zhang Yanshen, Lịch sử quan hệ ngoại giao Trung – Pháp, Nxb Nghiên cứu Lịch sử Triết học, 1950, tr. 143.
7. Hội Sử học Trung Quốc, Tư liệu lịch sử cận đại Trung Quốc. Chiến tranh Trung – Pháp, T. 1, Nxb Nhân dân Thượng Hải, 1961, tr. 247 – 249.
8. Trương Đăng Quế (Việt Nam), Đại Nam thực lục, Chính biên liệt truyện sơ tập, 28 – Bá Đa Lộc, Viện Nghiên cứu Ngữ học, Đại học Keio Gijutsu, Tokyo, Nhật Bản, bản photo – offset năm 1961 (dưới đây, Đại Nam thực lụcđều dẫn theo bản này).
9. - nt -, 16 - Trần Đại Luật.
10. ĐNTL. Chính biên đệ nhất ký, 8.
11. - nt - 10.
12. - nt - 10, cũng xem ĐNTL.Chính biên liệt truyện sơ tập, 6.
13. Như chú thích 11.
14. Trương Đăng Quế , ĐNTL.Chính biên liệt truyện sơ tập, 12 - Bá Đa Lộc.
Nguồn: Xưa & Nay, số 307, 5/2008, tr 16