Phục hồi thành công cá sấu nước ngọt ở vườn Cát Tiên
Việc phục hồi thành công loài cá sấu này có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì và phát triển tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát tiên và giúp duy trì cân bằng hệ sinh thái trong khu vực, đặc biệt là hệ sinh thái đất ngập nước.
Vườn Quốc gia Cát Tiên nằm trong dạng địa hình chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trường Sơn xuống đồng bằng Nam Bộ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là khu vực giàu về tài nguyên sinh học, vừa có hệ thực vật rừng, hệ động vật rừng mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng, vừa mang đặc trưng của hệ động thực vật rừng các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hệ sinh thái rừng được chia ra làm 5 kiểu gồm rừng thường xanh, rừng thường xanh rụng lá, rừng thường xanh nửa rụng lá, rừng hỗ giao gỗ tre và rừng tre nứa thuần loại.
Vườn Quốc gia Cát Tiên có hơn 1.600 loài thực vật bậc cao có mạch, 384 loài chim, 103 loài thú, 79 loài bò sát, 41 loài ếch nhái, 133 loài cá nước ngọt, 435 loài bướm và hàng nghìn loài côn trùng. Đặc biệt, ở Vườn Quốc gia Cát Tiên có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm được tên ghi trong Sách Đỏ như Gõ đỏ, Cẩm lai, Giáng hương, Gà so cổ hung, Hạc cổ trắng, Tê Giác Việt Nam, cá sấu nước ngọt.
Để bảo vệ sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên, Ban Giám đốc Vườn đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, điều tra về các hệ động thực vật trong khu vực này, đồng thời kết hợp với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước nghiên cứu về các loài quý hiếm đặc hữu để bảo tồn nguồn gen và phát triển tài nguyên thiên nhiên.
Nguồn: thanhnien.com.vn 19/8/2005