Phú Yên: Anh Hai “bánh tráng” sáng chế lò hơi
Những lò làm bánh tráng ở làng nghề truyền thống Hòa Đa lâu nay vẫn dùng củi hoặc than để sấy bánh mỗi khi trời không nắng. Nhưng dùng than thì giá đắt dẫn đến giá thành chiếc bánh cao, khó tiêu thụ, còn dùng củi thì khói bám vào bánh tráng mất đi vị thơm tự nhiên, lại có mùi khói. Làm thế nào để khắc phục được hạn chế ấy?
Anh thợ tráng bánh Nguyễn Hai nhiều ngày đêm trăn trở để tìm ra phương án khả dĩ. Thế rồi một ngày trời không có nắng, bánh ướt phải đưa vào lò sấy. Anh Hai “kèm nhem” hai mắt bởi khói và chợt nhận ra ống khói từ lò tráng rất nóng nhưng lại tỏa ra ngoài rất phí. Nguyễn Hai chợt nảy ra ý tưởng “thu lại nhiệt từ ống khói lò tráng để đưa vào buồng sấy”!
Sau hôm ấy, đêm nào anh cũng hí hoáy viết viết, vẽ vẽ mô hình. Sau khi nghiên cứu kỹ, anh Hai quyết định đầu tư 2 triệu đồng mua tole cuộn tròn để làm hệ thống ống nối trực tiếp vào ống khói lò tráng bánh. Hơi nóng đã xuất hiện trong hệ thống ống dẫn, nhưng oái oăm là hơi tỏa không đều. Một đoạn thì nóng hôi hổi, đoạn khác thì nguội khiến những chiếc bánh tráng trên vỉ khô không đều, cái giòn rúm, cái không khô. Thế là anh phải tháo ra làm lại. Lần thứ hai, lần thứ ba vẫn không xong.
Vợ anh, chị Trần Thị Thơm thấy chồng hì hục, tốn bao nhiêu tiền mà vẫn thực hiện không hiệu quả, cũng đâm nản. Nhưng anh Hai thì không chịu bỏ cuộc, quyết tâm làm lại lần nữa. Lần này anh thay loại tole mỏng bằng tole dày hơn và điều chỉnh đường đi của hệ thống đường ống không đi thẳng mà uốn tạo thành hai lớp. Chính sự điều chỉnh này đã mang lại thành công. Hơi nóng tỏa đều lên phía trên thành ống và ra xung quanh buồng sấy! Những vỉ bánh tráng được khô đều, khiến anh và cả nhà vỡ òa vì sung sướng.
Với chiếc lò hơi này, anh Hai đã tiết kiệm số tiền đáng kể để mua than, củi sấy bánh mỗi khi trời mưa hay tráng bánh ban đêm vào tháng Chạp phục vụ thị trường ngày Tết. Quan trọng hơn, tận dụng được nhiệt lượng lò tráng để sấy mà bánh không bị mùi khói; công việc sấy bánh của người thợ cũng nhẹ nhàng hơn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Anh Nguyễn Hai cười cười nhớ lại: “Lần ấy mà không thành công nữa, chắc tôi nản chí mà bỏ luôn!”.
Sau thành công ấy, anh Nguyễn Hai được một số người trong làng nghề bánh tráng Hòa Đa mời về làm lò hơi. Một hộ, hai hộ... rồi nhiều hộ trong làng nghề dần bỏ cách sử dụng than củi để sấy bánh thay bằng hệ thống ống hơi do anh Nguyễn Hai lắp đặt. Tiếng lành đồn xa, mô hình lò hơi của anh được các hộ làm bánh tráng thủ công ở các xã Hòa An, Hòa Trị (Phú Hòa), Hòa Thành (Đông Hòa), Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa)... và các hộ làm nghề bánh tráng ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa cũng lần tới tham quan và mời anh trực tiếp làm lò, chuyển giao công nghệ.
Theo anh Hai, để làm hệ thống ống hơi sấy bánh thành công phải kết hợp hài hòa hai yếu tố: Chất liệu làm ống hơi có độ dày vừa phải; sự kết hợp giữa điểm đấu nối lò tráng bánh và hệ thống ống hơi phải đảm bảo để hơi tỏa ra nóng đều. Nhưng việc làm cho hệ thống ống nóng đều thì chỉ có anh trực tiếp làm mới được, bởi đây là “bí mật” nghề nghiệp! Giá thành mỗi lò hơi sấy bánh hiện nay do anh làm từ 6-6,5 triệu đồng cả tiền vật liệu và tiền công. Trong đó, phần lớn là tiền mua nguyên liệu và các phụ liệu.
Hiện nhà anh Nguyễn Hai có 3 lò tráng bánh mè và một lò sấy bằng hệ thống ống tận dụng nhiệt từ lò tráng. Anh Hai cũng đã làm trên dưới 50 lò tráng và sấy bánh bằng ống hơi cho những hộ làm nghề trong xã An Mỹ và các hộ khác trong và ngoài tỉnh.
Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên năm 2010-2011, sản phẩm lò sấy bánh bằng hệ thống ống hơicủa anh Nguyễn Hai được trao giải Khuyến khích. Sản phẩm này được đưa đi tham dự Hội thi toàn quốc năm 2012. Ban tổ chức đánh giá cao ý tưởng sáng tạo lò sấy bởi vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Hoài Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Phú Yên, nhận xét: “Có thể sản phẩm lò hơi của anh Nguyễn Hai chưa đoạt giải cao vì trong hội thi còn những sản phẩm tốt hơn, nhưng điều quan trọng là sản phẩm đó được áp dụng và nhân rộng hiệu quả trong thực tế. Một nông dân có tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là điều rất đáng quý”.
Sau thành công lò sấy bằng hệ thống ống hơi, anh Nguyễn Hai đã mở rộng quy mô sản xuất bánh tráng ở nhà mình thành tổ hợp tác. Tổ hợp của anh Nguyễn Hai giải quyết 10 công lao động, thu nhập mỗi người hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Với thành tích này, năm 2011, anh là một trong những nông dân của tỉnh Phú Yên về thủ đô Hà Nội dự Đại hội Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc.