Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 15/10/2009 18:40 (GMT+7)

Phụ tử, vị thuốc khó dùng nhất nhưng cũng dễ dùng nhất

Danh y Trương Cảnh Nhạc (đời Minh) đã liệt phụ tử là một trong tứ duy của đông dược (thời xưa gọi Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là quốc chi tứ duy). Trong sách “Cảnh Nhạc toàn thư”, ông nói: “Nhân sâm, thục địa, phụ tử, đại hoàng đích thực là dược trung chi tứ duy,… Nhân sâm, thục địa là tướng quốc trong thời bình; phụ tử, đại hoàng là tướng tài trong thời loạn”. Danh y Lục Mậu Tu (đời Thanh) trong sách “Thế bổ trai y đã viết: “Những thuốc có tác dụng khởi tử hồi sinh chỉ có thạch cao, đại hoàng, phụ tử và nhân sâm. Những bệnh dùng bốn vị này thì một thang là có thể hồi xuân, nếu không dùng bốn loại này thì không thể có tác dụng như thế”. Theo hồi ức của thầy thuốc danh tiếng đương đại Nhan Đức Hinh khi theo học nghề y, thầy dạy của ông đã từng nói: “Muốn trở thành một danh y thì bắt buộc phải biết dùng bốn vị thuốc, đó là phụ tử, đại hoàng, tê giác và linh dương giác”.

Trong lịch sử của y học cổ truyền Trung Quốc, không ít thầy thuốc vì có sở trường sử dụng phụ tử mà thành danh. Ví như danh y Nghiêm Quang Âm vì dùng phụ tử rất giỏi nên được gọi là “Nghiêm phụ tử”. Trong chữa bệnh hàng ngày, ông thường dùng nước gừng để bào chế phụ tử. Người khác thấy lạ bèn hỏi: “Phụ tử tính nhiệt, nên dùng đồng tiện để điều chế, tại sao lại dùng gừng để thay”. Ông trả lời: “Phụ tử tính đại nhiệt mà có độc, dùng nó cốt lấy cái tính dũng mãnh để dẫn chuyển nhanh, nếu dùng đồng tiện để chế thì sẽ làm chậm lại, chậm lại thì nó không còn bình thường nữa. Nay thêm vị cay của sinh khương, hơn nữa sinh khương lại có thể trừ được cái độc của phụ tử, như thế há chẳng phải là tuyệt diệu sao!”. Trên thực tiễn lâm sàng, phương pháp này đã được nhiều y gia sử dụng và thu được hiệu quả trị liệu rất cao. Ví như, danh y Trịnh Khâm An (đời Thanh) có kinh nghiệm dùng phụ tử gừng, quế và các vị thuốc đại tân đại nhiệt liều cao nên được người đời tôn xưng là “hoả thần”. Ngoài ra, còn phải kể đến các thầy thuốc giỏi đương đại như Chúc Vị Cúc ở Thượng Hải (Chúc phụ tử), Ngô Bộ Hằng ở Vân nam (Ngô phụ tử), Phó Mộng Thương ở Triết Giang (Phụ tử tiên sinh)…

Ở Việt Nam , danh y Lê Hữu Trác là người có khá nhiều kinh nghiệm trong việc dùng phụ tử. Trong “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, ông cho rằng: “Phụ tử làm mạnh nguyên dương, nguyên hoả, tán hết hàn thấp, hàn độc của ba kinh âm, nếu không có phụ tử thì không cứu vãn được, chứng quyết nghịch của ba kinh dương nếu không có phụ tử thì không làm gì nổi”. Theo ý ông thì: “Phụ tử bẩm tính mạnh lắm, có khả năng chém tướng đoạt ải, thật là thánh dược để khởi tử hồi sinh. Sách y học nói “uống lâu thì hại” làm cho người không hiểu biết thấy nó thì sợ, cho nên khi dùng tới nó thì nào giầm nước sôi, nào ngâm, nào lùi, nào nướng, làm sao cho nó kém yếu khí vị rồi mới dám mạnh dạn mà dùng, như thế thì dược lực còn đâu để vãn hồi những bệnh sắp tuyệt”. Thời đương đại, những lương y có bản lĩnh và sở trường về dùng phụ tử ở ta không nhiều, thậm chí có người rất e ngại khi kê đơn có phụ tử nếu có thì liều lượng sử dụng cũng rất thấp. Tuy nhiên, cũng có những thầy thuốc có quan điểm rất đúng và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm khi dùng vị thuốc này, ví như lương y Trần Đình Sóc. Trong sách “Tìm hiểu Đông y (đóng góp một vài vấn đề)”. Ông quan niệm: “Trọng Cảnh sử dụng phụ tử trong dược phương hình như không theo quan niệm “dĩ độc công độc” mà dụng ý ở tính chất hưng phấn của phụ tử, tức là bản tính thuộc dương, phối hợp với những vị thuốc khác trong những bài thuốc chữa bệnh tam âm…, ba bệnh tam dương do dương thiên thắng thì tối kỵ phụ tử… Biết rõ như vậy thì phụ tử có chất độc không phải có hại cho khắp hết bệnh nhân. Vấn đề có hại hay có lợi là ở sự hiểu biết bệnh tật và sự sử dụng phụ tử có đúng bệnh hay không mà thôi”. Bởi vậy, trong thực tiễn chữa bệnh. Ông đã mạnh dạn sử dụng phụ tử với cả những bệnh mà người khác thường không bao giờ dám dùng như cao huyết áp, bệnh tim… và dùng với liều rất cao, thường từ 20g đến 40g hoặc hơn nữa, lại còn phối hợp với can khương, nhục quế với liều lượng cao không kém.

Nhưng, trong lịch sử của y học cổ truyền phương Đông cũng có những thầy thuốc danh tiếng nhưng suốt đời coi phụ tử như rắn rết mà không dám dùng hoặc giả có dùng thì hết sức rụt rè. Ví như, Trương Trí Thông (đời Minh) trong sách “Bản thảo phùng nguyên” đã viết: “Phụ tử không thể uống được, nếu uống chắc chắn sẽ phát cuồng mà cửu khiếu lưu huyết, nếu uống tất phát hoả mà ung độc sinh ra, nếu uống tất ngũ tạng sẽ thối nát, năm nay uống thì năm sau độc phát”. Những thầy thuốc sợ phụ tử như thế nguyên nhân cuối cùng không nằm ngoài việc dùng vị thuốc này có thể gây ra sự cố trúng độc chết người. Ví như ở Trung Quốc, có một người họ Do vốn làm nghề luật sư, sau năm 1949 chuyển sang hành nghề đông y. Vị lương y này thường xuyên dùng xuyên ô, phụ tử với liều lượng trung bình tới 60g, thậm chí có thang dùng đến 120g để chữa chứn phong hàn thấp tý, nhiều lần hiệu quả đạt được rất mỹ mãn, nhưng sau đó không may xảy ra một ca bệnh bị trúng độc mà tử vong nên phải ngồi tù vì tội danh giết người.

Chúng ta đều biết, phụ tử là vị thuốc cực độc, nếu dùng không cẩn thận sẽ dẫn đến hậu quả không hay, thậm chí có thể chết người. Tự cổ chí kim, trên thực tế lâm sàng, việc ngộ độc phụ tử không phải là hiếm gặp. Theo dược học cổ truyền, sử dụng đông dược chữa bệnh chính là dùng cái thiên lệch của vị thuốc để điều chỉnh cái thiên lệch của cơ thể con người. Phụ tử có tính tâm nhiệt mạnh, nếu chẩn đoán chứng hậu không chính xác, khi sử dụng có thể làm bệnh tình nghiêm trọng thêm, thậm chí gây ra tử vong. Hơn nữa, việc phối ngũ thiếu cẩn thận và liều lượng không thích hợp cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Bởi vậy, khi dùng phụ tử phải nghiên cứu rất kỹ về độc tính và tính thiên lệch của vị thuốc này.

Độc tính của phụ tử là vấn đề chắc chắn tồn tại cho dù người thầy thuốc có dựa theo chỉ định hay không. Cũng có nghĩa là cho dù người thầy thuốc biện chứng chính xác, nhưng nếu không nắm chắc các phương pháp nhằm làm giảm độc tính đến mức cho phép thì việc xảy ra các tai biến khi dùng thuốc là khó tránh khỏi. Các phương pháp đó là: kỹ thuật bào chế, phương thức phối ngũ, liều lượng sử dụng, cách sắc và uống thuốc…

Về tính thiên lệch của phụ tử, vấn đề này ai cũng biết, nhưng nắm được tính thiên lệch của cơ thể người bệnh để sử dụng cho đúng chỗ, đúng lúc là điểm trước nhất và khó nhất khi dùng phụ tử. Có ba điều cần chú ý: (1) Phụ tử tính nhiệt tất chỉ dùng trong hàn chứng. Nhưng trên thực tế lâm sàng, phân biệt cho rõ hàn hay nhiệt nhiều khi không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt trong các trường hợp chân nhiệt giả hàn, chân hàn giả nhiệt, hàn nhiệt thác tạp… (2) Phụ tử là vị thuốc cứu nguy, thường dùng cho những chứng bệnh nặng và nguy cấp, thời gian gấp gáp, không được do dự. Bởi vậy không phải là người có hiểu biết, có mưu, có dũng thì không thể sử dụng được. (3) Phụ tử là thuốc thiết yếu, phạm vi ứng dụng khá rộng không chỉ giới hạn trong chứng vong dương, chứng hư hàn. Tự cổ chí kim, kinh nghiệm sử dụng phụ tử tích luỹ được là hết sức phong phú, tuy nhiên còn thiếu sự tổng kết có hệ thống. Vả lại, những kinh nghiệm này có thực là đã được kiểm nghiệm khắc khe và rộng rãi bằng thực tiễn lâm sàng hay chưa; những điều cấm kị khi sử dụng phạm vi đến đâu và có nhất thiết phải tuân thủ một cách cứng nhắc… Đó là những vấn đề cần phải tiếp tục thăm dò và nghiên cứu.

Bàn về tính thiên lệch của phụ tử còn phải chú ý đến cách phối ngũ và liều lượng sử dụng. Sự phối ngũ với các vị thuốc khác có thể làm tăng, làm giảm hoặc dẫn dắt tính thiên lệch của phụ tử. Theo danh y Trần Tu Viên, phụ tử phối hợp với can khương vào mùa hè thì rất đáng sợ, phụ tử phối ngũ với thục địa vào mùa đông lại rất đáng yêu. Trên thực tế, can khương với phụ tử hồi dương cứu nghịch, thục địa với phụ tử ôn thận tư bổ, các vị thuốc khi phối hợp với nhau có tác dụng làm tăng dược lực của mỗi vị. Còn việc điều chỉnh liều lượng chính là trực tiếp tác động đến mức độ thiên lệch của phụ tử. Ví như 3g phụ tử + 3g can khương, 9g phụ tử + 3g can khương, 9g phụ tử + 15g thục địa, ba nhóm thuốc này bất luận về mức độ ôn nhiệt hay phương hướng tác dụng cụ thể đều không giống nhau. Bởi vậy, việc phối ngũ và liều lượng phải dựa trên bệnh tình cụ thể mà xác định.

Tóm lại, muốn dùng phụ tử một cách có hiệu quả và an toàn nhất thiết phải chú ý đến vấn đề giảm độc tính đến mức cho phép, lợi dụng hợp lý tính thiên lệch của phụ tử phải nắm vững toàn diện những kiến thức về bào chế, phối ngũ, liều lượng, cách sắc thuốc… nhận biết được triệu chứng khi bị ngộ độc và phương pháp giải cứu. Muốn vậy, người thầy thuốc cần phải đọc nhiều, làm nhiều, suy nghĩ nhiều, tổng kết nhiều và khi dùng rất cần lòng can đảm và tính cẩn thận. Khi đó, việc sử dụng phụ tử sẽ trở nên dễ dàng và đạt được hiệu quả cao nhất. Bởi thế, phương ngôn có câu: “Phụ tử là thuốc khó dùng nhất nhưng cũng là thuốc dễ dùng nhất”.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.