Phú Thọ: Học tập kỹ thuật trồng, chế biến Trà hoa vàng hữu cơ
Ngày 22/02, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Viện Công nghệ Xanh và Trung tâm Hội nhập và Phát triển tổ chức buổi thăm quan, học tập kỹ thuật trồng, chế biến dược liệu Trà hoa vàng hữu cơ cho cán bộ kỹ thuật và một số hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn huyện Tân Sơn.
Tham gia đoàn công tác của tỉnh Phú Thọ còn có đại diện lãnh đạo Vườn Quốc gia Xuân Sơn, phòng Nông nghiệp huyện Tân Sơn và Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh.

Đoàn công tác thăm quan khu trồng Trà hoa vàng Hakodae
Tại Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn, đoàn công tác đã được nghe Giám đốc Nguyễn Thanh Tuyền chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu quý, đặc biệt là Trà hoa vàng.
Trà hoa vàng (tên khoa học: Camellia chrysantha) hay còn được gọi là kim hoa trà, là một loại thảo dược rất quý xuất hiện ở Việt Nam và Trung Quốc. Theo tạp chí chuyên ngành về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của Trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% và giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu; điều hòa và cân bằng lượng đường có trong máu, cải thiện chứng đái tháo đường, tác dụng tốt đối với tim mạch, thanh lọc cơ thể và hỗ trợ giải độc gan…
Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thanh Tuyền cũng giới thiệu và trao đổi nhiều kinh nghiệm về việc lựa chọn địa điểm xây dựng nguồn nguyên liệu, nguyên tắc xác định chất lượng của từng loại dược liệu quý; ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ dược liệu; công tác bảo quản và chế biến các sản phẩm dược liệu. Một số cây dược liệu chính của hợp tác xã hiện nay bao gồm: Trà hoa vàng Hakodae, Trà hoa vàng Tamdaoensis, Khôi tía, Hoàng kim cúc, Cúc đinh hương, Râu mèo, Thìa canh, Hoa hồng…
Ngoài ra, để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển dược liệu, Hợp tác xã đã tiến hành thu thập, trồng bảo tồn và nhân giống, duy trì gần 100 loại dược liệu quý của Việt Nam như: Bán chi liên, Bách bộ, Bạch hoa xà thiệt thảo, Cát cánh, Cúc vu, Thất diệp nhất chi hoa, Hà thủ ô đỏ, Sa nhân tím, Sâm bố chính, Cát sâm, Sâm nam núi Dành, Lan kim tuyến, Thạch hộc rỉ sắt… Ngoài cây dược liệu, hai năm qua, từ vùng nguyên liệu thử nghiệm 02ha Đậu đen và 01ha Ngưu bàng, Hợp tác xã đã nghiên cứu và sản xuất thành công Xì dầu Đậu đen - Ngưu bàng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Hợp tác xã đang tiến hành xin cấp bằng sáng chế cho sản phẩm này từ Cục Sở hữu Trí tuệ.
Đây là chuyến công tác rất bổ ích đối với các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật để tập huấn, hướng dẫn các hợp tác xã, hộ dân thực hiện thí điểm 02 mô hình canh tác dược liệu Trà hoa vàng dưới tán rừng theo tiêu chuẩn VIETFARM hữu cơ phát thải ESG Phú Thọ sẽ bước đầu thực hiện tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn.