Phòng, trị bệnh Gumboro ở gà
Trong những năm gần đây, tình hình chăn nuôi gia cầm nói chung phát triển mạnh, nhất là những mô hình chăn nuôi gà tập trung. Trên địa bàn huyện Vị Thủy trong năm 2010 có 31 đàn gà nuôi tập trung với tổng đàn là 12.330 con, quy mô từ 200 đến 3.000 con/đàn, lợi nhuận từ những mô hình này mang lại tương đối cao, đã góp phần trong việc tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên, thời gian vừa qua thường xảy ra dịch bệnh, nhất là Gumboro, là một bệnh truyền nhiễm gây tổn thất không nhỏ trong quá trình nuôi.
![]() |
Bệnh Gumboro là bệnh truyền nhiễm do Virus gây ra ở gà. Virus thuộc nhóm không có vỏ bọc, họ Birina viridae, có sức chịu đựng rất cao ở nhiệt độ môi trường và một số thuốc sát trùng như ether, chloroform… Thời gian nung bệnh ngắn 1-2 ngày, do đó khả năng truyền bệnh rất mạnh. Gumboro được coi là bệnh truyền nhiễm chính trên gà hiện nay. Gà ta nuôi theo phương thức bán công nghiệp cũng mắc bệnh, trên nhiều đàn tỷ lệ chết lên đến 20-25%. Bệnh được phát hiện đầu tiên vào năm 1962 tại vùng Gumboro - Bang Dalaware ở Mỹ. Lúc ấy người ta gọi là bệnh hư thận trên gà do triệu chứng không tái hấp thu được nước tiểu, làm gà tiêu chảy rất nặng, gây mất nước. Về sau bệnh lan dần và hiện nay khắp các châu lục đều có bệnh.
Ở Việt Nam bệnh được phát hiện vào năm 1981 ở một số trại nuôi gà công nghiệp thuộc các tỉnh phía Bắc, khoảng năm 1987-1993 bệnh phát triển rất mạnh gây chết rất nhiều gà, từ đó gây được sự chú ý cho các nhà chuyên môn. Nhiều biện pháp phòng bệnh đã được nghiên cứu, tuy nhiên hiện nay việc khống chế bệnh vẫn chưa được triệt để.
Căn bệnh:
- Virus Gumboro thuộc nhóm ARN 2 sợi. Cấu tạo virus bao gồm acid ribonucleic bên trong, bao quanh nó là lớp capsid cấu tạo bằng protein. Có 2 serotype là 1 và 2. Ngoài phần capsid virus không có vỏ bọc bằng lipid, do đó virus có sức đề kháng rất mạnh trong môi trường tự nhiên.
- Ở điều kiện môi trường trong chuồng trại, virus có thể tồn tại đến 4 tháng, môi trường acid không diệt được virus. Các loại thuốc sát trùng thông thường cũng không thể giết chết virus, trừ những thuốc sát trùng mạnh như Iodine, formol 0,5%, chloramin 0,5%...
Đường xâm nhập và sự lây truyền:
![]() |
- Virus từ môi trường hoặc trong chuồng trại xâm nhập đường tiêu hóa vào cơ thể để gây bệnh, từ các gà bệnh virus được bài thải ra ngoài sẽ theo thức ăn, nước uống xâm nhập đường tiêu hóa gà con khỏe và làm lan truyền bệnh trên cả đàn.
- Gà con 1 ngày tuổi có thể nhiễm virus Gumboro do virus bám vào vỏ trứng hoặc qua các dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại không được sát trùng đúng mức.
- Tuổi mẫn cảm của gà đối với virus Gumboro từ 1 ngày tuổi đến 6 tuần tuổi, thường gà trên 9 tuần tuổi ít khi mắc bệnh.
Cơ chế gây bệnh:
Đường lây truyền quan trọng nhất là tiêu hóa nhưng cũng có thể lây qua kết mạc và hô hấp.
- Virus xâm nhập qua các đường tiêu hóa của gà, xuyên qua màng ruột đến các đại thực bào và các cơ quan Lympho của ống tiêu hóa, từ đây virus theo máu vào gan rồi đi đến khắp cơ thể, đến ngày thứ 4 virus có mặt ở các cơ quan sinh bạch cầu, tập trung nhiều nhất ở túi Fabricius.
- Virus phá hoại túi Fabricius, làm túi này hư hại rồi teo nhỏ, quá trình nuôi dưỡng và thành thục của tế bào Lympho B là tế bào đích của virus, dẫn đến hậu quả làm suy giảm việc tạo kháng thể của cơ thể gà, đây là nguyên nhân chính của việc gà không tạo được miễn dịch mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ các bệnh, virus sẽ gây nên triệu chứng vỡ mạch máu gây xuất huyết nhiều nơi, virus đến thận phá hoại ống thận làm gà không thể tái hấp thu được nước, hậu quả nước từ thận tràn vào trực tràng, tiêu chảy rất nặng, gà chết chủ yếu là do mất nước.
Triệu chứng:
Thời gian nung bệnh từ 2-3 ngày, bệnh thường xuất hiện đột ngột và mãnh liệt.
- Đối với gà nhỏ: Bệnh thường xuất hiện ở đàn gà con trước 2 tuần tuổi sẽ mắc bệnh ở thể tiềm ẩn, nếu không có kháng thể hoặc kháng thể mẹ truyền dưới mức bảo hộ, gà nhiễm bệnh không có triệu chứng lâm sàng lộ ra ngoài nhưng túi Fabricius bị tổn thương nặng (viêm, phù, xuất huyết và sau đó bị teo) làm cho đáp ứng miễn dịch dịch thể bị ức chế dễ sinh một số bệnh khác.
- Ở gà giò từ 35-40 ngày tuổi. Giai đoạn đầu gà bay nhảy lung tung hoặc mổ cắn lẫn nhau. Giai đoạn sau gà xù lông, bỏ ăn uống, mắt nhắm nghiền, mỏ cắm xuống đất ủ rũ, thậm chí không thể đứng dạy được. Đàn gà bị bệnh mức độ lây lan nhanh. Gà bị bệnh gầy sút nhanh, da nhăn nheo, sẫm mầu. Trên nền chuồng xuất hiện nhiều bãi phân màu trắng đục như sữa, sánh.
- Ở gà đẻ trứng bệnh có thể phát ra ở những lứa tuổi muộn hơn, bệnh thường phát ra đội ngột với thời gian ủ bệnh ngắn (1-2 ngày). Triệu chứng chủ yếu là bỏ ăn, gục đầu vào cánh, hay mổ hậu môn lẫn nhau, uống nhiều nước, ỉa phân lỏng màu trắng hơi nhầy, thường nằm úp, mệt mỏi. Gà gầy sút nhanh do bị mất nước, tiến triển bệnh rất nhanh trong vòng 1-2 ngày, gần như đồng loạt 100%, tỷ lệ chết cao nhất vào những ngày thứ 3, thứ 4 trước khi chết thường kêu ré lên. Gà nằm úp hai chân choãi về phía sau, sau đó hiện tượng chết giảm dần, đến ngày thứ 7,8 gà hồi phục. Tỷ lệ chết dao động trong khoảng 5-30%, đôi khi lên đến 80% tùy thuộc vào độc lực virus và trạng thái miễn dịch của đàn gà.
Gà mắc thể bệnh này sẽ giảm năng suất, khả năng miễn dịch yếu khi chủng ngừa các vaccin phòng bệnh khác, đồng thời tăng khả năng và mức độ trầm trọng khi mắc các bệnh truyền nhiễm khác như: cầu trùng, E.coli, Newcastle …
Bệnh tích:
- Bệnh tích đặc trưng là xác chết khô, mất nước, xuất huyết và hoại tử túi Fabricius, kích thước túi Fabricius tăng gấp 2-3 lần trong 3-4 ngày đầu, sau đó bã đậu được tạo thành trong lòng túi Fabricius rồi túi bị teo dần vào đến ngày thứ 7 đến thứ 10 dẫn đến mất chức năng của một trung tâm miễn dịch dịch thể ở gà. Thường vào ngày thứ 8, trọng lượng túi Fabricius chỉ còn 1/3 so với trọng lượng túi của gà bình thường. Túi Fabricius là cơ quan đích của virus Gumboro nên bệnh có tên là " Viêm túi Fabricius truyền nhiễm" (Infectious bursal disease).
- Một bệnh tích nổi rõ thứ 2 thường thấy là xuất huyết từng điểm hoặc vệt ở cơ ngực và cơ đùi. Cũng có thể thấy một số biến đổi ở những cơ quan khác, trong đó thường thấy hơn cả là thận sưng to, bề mặt nổi cục, các ống niệu chứa đầy muối urat, gan có ổ hoại tử và lách sưng, xuất huyết vùng giữa tiền mề và mề, viêm ruột cata và tăng tiết chất nhầy trong ruột.
Các biện pháp phòng bệnh:
- Tiêm phòng vaccine cho gà 1 tuần tuổi bằng BIO-Burs I, nhỏ mắt mũi hoặc cho uống, lập lại lần 2 khi gà được 3 tuần tuổi. Gà 3 tháng tuổi chủng lần 3 bằng INACTI/VAC BN-ND hoặc Gumboral-CT tiêm dưới da 0,5ml/con. Nếu sử dụng vaccine phòng bệnh Gumboro do Công ty TW 2 sản xuất thì chủng ngừa vaccine 2 lần:
Lần 1; gà 5-10 ngày tuổi 9 (nhỏ mắt, mũi).
Lần 2: gà 20-25 ngày tuổi (uống hoặc nhỏ mắt, mũi).
Cần tiêm phòng đầy đủ cho đàn gà bố mẹ để tạo miễn dịch thụ động cho gà con trong những ngày đầu mới nở. Hiện nay có chế phẩm kháng thể Gumboro do một số công ty thuốc thú y trong nước sản xuất được giới thiệu là có hiệu quả phòng trị bệnh Gumboro, Newcastle , viêm khí quản truyền truyền nhiễm.
- Định kỳ hàng tuần phun xịt thuốc sát trùng vào chuồng gà bằng các loại thuốc như VIME-IODINE pha 15ml/4 lít nước.
- Thường xuyên bổ sung các vitamin nhóm B, C vào nước uống để gia tăng sức kháng bệnh cho gà hoặc 1 lít VIME-PROTEX pha cho 500l nước.
- Khẩu phần đầy đủ dinh dưỡng.
Hiện nay có chế phẩm kháng thể Gumboro do một số công ty thuốc thú y trong nước sản xuất được giới thiệu là có hiệu quả phòng trị bệnh Gumboro, Newcastle , viêm khí quản truyền nhiễm.
Điều trị:
Bệnh không có thuốc điều trị, khi đàn gà phát bệnh biện pháp chủ yếu để giảm tỉ lệ chết là tăng cường sức đề kháng bằng việc nuôi dưỡng, quản lý, chăm sóc, cung cấp đầy đủ chất điện giải, vitamin có thể làm giảm tỉ lệ chết ở gà.
Khi gà mắc bệnh Gumboro, việc dùng kháng sinh để điều trị càng làm bệnh trầm trọng và tăng tỉ lệ chết. khi gà bệnh cần cho uống đường gluco và một trong các loại thuốc hỗ trợ sức đề kháng sau:
+ Vime C Electrolyte: 1g pha cho 1 lít nước dùng liên tục 3-5 ngày.
+ Vimeperos: 5g cho 1000 gà con hoặc 500 gà giò hoặc 200 gà đẻ.
+ Vimix Plus: 1g pha cho 1 lít nước dùng liên tục 3-5 ngày.
+ Vemevit Electrolyte: Gói 100g pha cho 200 lít nước uống.
+ Aminovit: Gói 100g pha cho 500 lít nước uống
+ Vitaral: 1cc pha cho 1 lít nước dùng liên tục 3-5 ngày.
- Cách ly ngay các con bệnh ra khỏi đàn.
- Phun thuốc sát trùng khi có dịch bệnh.
- Dùng kháng thể Gumboro tiêm cho toàn đàn kể cả những con hoàn toàn khỏe mạnh 1-2 ml/con/ngày, tiêm 2 lần, lần 2 cách lần thứ nhất 2 ngày.
- Điều trị mất nước, mất chất điện giải như cho uống hỗn hợp dung dịch Glucoza 1% + vitamin C2%.
Nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực đàn gà có thể đạt tỷ lệ khỏi bệnh cao khoảng 90%.
* Chú ý:Phải bổ sung thêm máng uống cho gà uống nước tự do, tuyệt đối không được để gà thiếu nước. Những gà yếu nên nhỏ trực tiếp thuốc bổ 2-3 lần/ngày.
Sau khi gà khỏi bệnh nhỏ ngay vaccine Lasota và dùng các thuốc kháng sinh chống bội nhiễm.