Phong trào Duy Tân và tín hiệu canh tân văn hóa
1. Dù thời gian tồn tại ngắn; dù còn giản đơn, chung chung về quan niệm; dù còn chưa hoàn chỉnh chủ thuyết và tổ chức…, song với mục tiêu đặt ra (và đã được thực hành một cách khá sôi động trong phạm vi toàn quốc): khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, có thể thấy rằng phong trào Duy Tân đã thực sự mang dáng dấp của một cuộc đổi mới toàn diện về tư tưởng, xã hội, văn hóa, giáo dục… Hay chí ít, cũng có thể cho rằng phong trào Duy Tân đã hội trong nó những tín hiệu canh tân về nhiều phương diện của đất nước ở thời điểm đó, trong đó có phương diện văn hóa, hay chính xác hơn: văn hóa - giáo dục.
Với tinh thần trân trọng truyền thống, trân trọng sự kế thừa lịch sử - văn hóa và để thêm một lần đánh giá chân xác hơn những đóng góp của các phong trào vận động đầu thế kỷ XX đối với sự phát triển đất nước, gần đây, giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đã tổ chức nhiều cuộc nghiên cứu hoặc hội thảo về phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục, vai trò của trường Dục Thanh, của các thiên đàn, của Hội hướng thiện Đền Ngọc Sơn… Nhiều vấn đề được tái khẳng định. Không ít vấn đề được đặt ra từ góc nhìn hay khía cạnh mới, mở ra những cơ hội thảo luận hoặc nghiên cứu mới.
2. Nhìn phong trào Duy Tân từ góc văn hóa, đúng hơn, tìm hiểu xem từ phong trào Duy Tân đã tỏa ra tín hiệu đổi mới văn hóa gì, có thể là một cách tiếp cận mới, ít ra là đối với người viết bài này. Chúng tôi giả định rằng: Cách đây một thế kỷ, trong thời điểm mà Phan Chu Trinh từng đánh giá là một thời xã hội còn tối ngòm ngòm, thì việc tìm hướng để hiểu được thực chất văn hóa, để canh tân văn hóa là một việc hoàn toàn không dễ dàng. Và hẳn nhiên, quan niệm văn hóa khi đó chắc chắn không thể độc lập, rộng lớn và bao quát theo kiểu hiện tại, mà gắn chặt vào với dân trí , dân khí, dân sinh; gắn vào với giáo dục, vào phương thức sinh hoạt và đôi chút phong tục tập quán. Về cơ bản, đó thuộc dạng văn hóa đời sống, văn hóa sinh hoạt, phù hợp với mục đích của những cuộc vận động, mà dư âm của nó còn đọng lại không ít trong nghiên cứu văn hóa và thực tiễn văn hóa những năm sau này, đặc biệt là nửa đầu thế kỷ XX.
3. Trước hết, phải nhìn nhận tín hiệu canh tân văn hóa qua mục tiêu của phong trào Duy Tân: Đó là quan niệm vì dân, cho dân.Đành rằng truyền thống văn hóa của người Việt Nam vẫn là “dân vi quý”, “lấy dân làm gốc”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”…, song, việc chốt mục tiêu của phong trào Duy Tân ở những phương diện bao quát: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, đã bộc lộ một tư tưởng coi trọng dân, quan tâm tới dân, phấn đấu vì dân, trao văn hóa, văn minh cho dân. Đó là một nét mới trong thời điểm xã hội đầu thế kỷ XX, khi đại đa số người dân còn trong tình trạng một cổ nhiều tròng, còn bị áp bức, ngu dân, nô lệ… Trong bối cảnh ấy, các nhà khởi xướng phong trào Duy Tân đã đưa ra được một cái nhìn toàn cục khi lựa chọn cái mới, cái tiến bộ như là giải pháp cơ bản cho sự phát triển xã hội; lựa chọn cộng đồng người dân như là đối tượng và mục tiêu trong đổi mới xã hội; lựa chọn trang bị sức mạnh cho toàn dân tộc thông qua việc khuyếch trương cái mới, khắc phục định kiến và khuôn mẫu cũ như là trọng tâm của việc tiến tới mục tiêu khai trí dân tộc, canh tân văn hóa, đề cao dân quyền…
Thật vậy, với chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, rất phù hợp và được lòng dân, phong trào Duy Tân, trong một khoảng thời gian ngắn đã lan rộng trên phạm vi toàn quốc và có tiếng vang vượt biên giới. Dù ít, dù nhiều, phong trào Duy Tân cũng đã thực hiện khai dân trí, mở ra trước toàn dân lao động những viễn cảnh mới, trang bị cho họ những thông tin và tri thức mới của xã hội, văn hóa, văn minh nhân loại để có thể xây dựng một xã hội tiến bộ, một đời sống văn hóa tiến bộ. Bằng những hoạt động trên nhiều lĩnh vực, phong trào Duy Tân đã một lần nữa chấn dân khí, khơi dậy tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc theo phương pháp bất bạo động, hòa bình, công khai, hợp pháp nhằm xây dựng xã hội dân chủ, văn minh và tạo lập hạnh phúc cho nhân dân. Và với tiền đề đó, phong trào Duy Tân đã mở những đợt vận động cải cách trên mọi lĩnh vực, tìm cách phát triển kinh tế, chấn hưng công nghệ… nhằm tạo cho mọi người dân một đời sống sung túc, hạnh phúc. Mục tiêu là cho dân, vì dân; phương thức là khai mở sức dân để trang bị sức mạnh toàn dân tộc; kết quả là kế hoạch hậu dân sinh, trong đó người dân được thụ hưởng thành quả hoạt động của mình… Có thể nói, với những đặc trưng đó, phong trào Duy Tân đã cho thấy ý nghĩa văn hóa cao đẹp cũng như những tín hiệu đổi mới văn hóa của nó.
4. Thứ hai, có thể nhận thấy tín hiệu canh tân văn hóa của phong trào Duy Tân qua hoạt động cải cách giáo dụcmang ý nghĩa văn hóa. Với mục tiêu như đã trình bày, phong trào Duy Tân đã dấy lên một loạt cuộc vận động cải cách trên nhiều phương diện, trong đó có chấn hưng công nghệ để tạo tiền đề công nghiệp hóa; thay đổi tư duy coi thường thương mại bằng cách khuếch trương, coi trọng nghề buôn; kêu gọi cải cách phong tục, cắt tóc ngắn, bỏ mê tín… Thế nhưng, có thể nói, một tín hiệu đổi mới văn hóa quan trọng là việc phong trào Duy Tân đề cao văn hóa giáo dục toàn dân, thúc đẩy hình thành quan niệm giáo dục mới, mà việc đấu tranh để sử dụng chữ quốc ngữ là hạt nhân quan trọng. Với ý nghĩa đó, bên cạnh những hoạt động đa dạng khác, có thể coi Đông Kinh nghĩa thục với hàng loạt những hoạt động nhằm đổi mới quan niệm giáo dục; cổ vũ quyền được thông tin; tuyên truyền sử dụng chữ quốc ngữ; bài trừ lối học khoa cử, tìm những tri thức hiện đại qua sách vở, báo chí; mở lớp, lập trường ở nhiều nơi… thực sự là đỉnh cao của phong trào Duy Tân, mang đậm ý nghĩa văn hóa giáo dục đặc biệt. Đặc biệt là ở chỗ, trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời đó bị o ép nhiều mặt, cả chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thẩm mỹ…, các nhà chí sĩ Đông Kinh nghĩa thục nói riêng và phong trào Duy Tân nói chung đã chủ trương chống lại tư tưởng định mệnh giáo điều lạc hậu, thái độ sùng cổ, nệ cổ hủ Nho vốn kìm hãm sự phát triển trí tuệ và khuếch trương tư tưởng khoa học, mở ra khả năng hiểu biết nhân loại để tự làm chủ vận mệnh, làm chủ xã hội… Đặc biệt còn ở chỗ, trong một thời gian không dài, trường lớp truyền bá quốc ngữ đã xuất hiện ồ ạt ở các địa phương trên cả nước (chẳng hạn, chỉ ở Quảng Nam đã có khoảng 60 trường ra đời), tạo nên một làn sóng canh tân giáo dục mạnh mẽ. Không ít nhà nghiên cứu khoa học đã đánh giá phong trào Duy Tân là một cuộc cải cách giáo dục vĩ đại, một cuộc cách mạng văn hóa giáo dục, một cuộc cách tân văn hóa… chính là căn cứ ở tính chất canh tân toàn diện trên phạm vi toàn quốc của phong trào này. Và, tín hiệu canh tân văn hóa, trước hết là canh tân văn hóa giáo dục, cũng xuất phát từ tiền đề đó.
5. Thứ ba, có thể nhận thấy tín hiệu canh tân văn hóa từ sự đổi mới văn hóa sinh hoạtcủa người dân. Cùng với việc trang bị kiến thức mới của nhân loại thông qua cải cách giáo dục; cùng với việc khơi dậy tinh thần chấn hưng xã hội vì dân chủ, văn minh, hạnh phúc của người dân, phong trào Duy Tân cũng đặt ra và thực thi kế hoạch khắc phục những định kiến, lề thói, khuôn mẫu cũ để thực hành những khuôn mẫu văn hóa mới, mà chủ yếu là văn hóa lối sống, văn hóa sinh hoạt. Phá bỏ tinh thần định mệnh Nho giáo vốn ru ngủ và đè nặng người dân để mở ra khả năng tự định đoạt thân phận cho người dân; cải thiện phương thức sinh hoạt, ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội theo hướng thoát ra khỏi những tôn ti trật tự phong kiến đã lỗi thời; xem xét cách tân phong tục, tập quán, lối sống theo hướng văn minh; kêu gọi chối bỏ mê tín dị đoan; hô hào cắt tóc ngắn, cắt móng tay… là một số phương diện được phong trào Duy Tân chú trọng ở góc độ văn hóa đời sống. Đây thực sự là những đổi mới văn hóa trong thời điểm đó, khi điều kiện và tiền đề để thực hiện những đổi mới đó còn rất khó khăn. Và, thực tế, những đổi mới này chưa thực hiện được bao nhiêu. Dù thế, có thể coi đây là những tín hiệu đổi mới mạnh mẽ về tư duy, tư tưởng văn hóa và thẩm mỹ, có tác động đánh thức giấc ngủ dài của người dân, vốn bị trói buộc trong định kiến, lề thói, hủ tục, lạc hậu…, giúp họ có nhận thức mới về việc tự định đoạt cuộc đời, tự định đoạt cách sống, tự định đoạt một môi trường văn hóa sinh hoạt bằng chính hành động của họ. Đây cũng là một nét quan trọng để hợp thành tín hiệu canh tân văn hóa của phong trào Duy Tân.
6. Trong thời điểm xã hội còn nhiều bế tắc, với mong muốn thực hành một cuộc cách mạng toàn diện lớn lao, Phan Chu Trinh và các chí sĩ yêu nước đã nghĩ tới việc cách mạng xã hội để xây dựng một xã hội hoàn toàn khác, văn minh, hiện đại, hòa nhập thế giới. Chủ soái của phong trào Duy Tân đã từng băn khoăn: “Làm thế nào để… dám có cái nhìn đảo lộn ngai vàng, đảo lộn quý tộc, đảo lộn Khổng Mạnh, đảo lộn đặc quyền, đảo lộn phương thức sinh hoạt, phong tục tập quán vào một thời xã hội còn tối ngòm ngòm”. Với sự hiện hữu rộng lớn của phong trào Duy Tân trên cả nước, những băn khoăn hay ước vọng về một xã hội văn minh mới, trong đó người dân trở thành chủ nhân đích thực, đã bước đầu, và ở một chừng mực nhất định, trở thành hiện thực. Chỉ có điều, do nhận thức còn đơn giản, chung chung; do chủ thuyết và cung cách tổ chức chưa hoàn thiện; do lực lượng yếu; do chưa có thời cơ chín muồi…, phong trào Duy Tân đã không thể biến thành một cuộc cách mạng toàn diện theo đúng nghĩa của nó và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
7. Dù thế, tiếng vang của phong trào Duy Tân, với tư cách là một phong trào cải cách, đổi mới, đáng chú ý là đổi mới tư duy văn hóa, đã và sẽ còn vọng mãi. Nó góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển đường lối hoạt động văn hóa xã hội sau này, chẳng hạn Hội truyền bá quốc ngữ (1938), Cương lĩnh Việt Minh (1941), Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), Đời sống mới (1945)… và các Nghị quyết xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Về tổng thể có thể coi phong trào Duy Tân là một đột phá, đồng thời là cuộc tập duyệt đổi mới nhiều phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… Đặc biệt, theo chúng tôi, phong trào Duy Tân có đóng góp hết sức quan trọng về phương diện văn hóa nói chung và văn hóa giáo dục nói riêng ở chỗ, các chí sĩ yêu nước đã biết đi tìm nguyên nhân của sự khổ đau, nô lệ, tụt hậu ở phương diện văn hóa, đã biết tìm ra những nhược điểm cơ bản của văn hóa xã hội Việt Nam thời đó để rung tiếng chuông cảnh tỉnh và tìm giải pháp phát triển. Phát triển bằng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Phát triển bằng cải cách văn hóa giáo dục toàn dân. Phát triển bằng đổi mới văn hóa sinh hoạt, văn hóa phong tục. Phát triển bằng mở ra tư tưởng lựa chọn cái mới, cái tiến bộ để thực hành… Chúng tôi coi đó thực sự là những tín hiệu canh tân đất nước một cách toàn diện, mà cơ bản, hay xét đến cùng, là canh tân văn hóa. Những tín hiệu canh tân văn hóa ấy đã rọi đến hôm nay và, trong bối cảnh mới, nó được kế thừa, nâng cao cho một sự đổi mới văn hóa thực sự do Đảng, Nhà nước và nhân dân khởi xướng và thực hiện.
Nguồn: T/c Văn hóa Nghệ thuật, số 11/2007, tr 21