Phát triển cơ điện tử ở Việt Nam
Nhiều định nghĩa về CÐT khác nhau đã được nhiều nhà khoa học và công nghệ (KH và CN) đưa ra với các cách nhìn và quan điểm khác nhau. Tuy vậy, một nét chung nhất được thừa nhận và cũng là bản chất của CÐT là sự "liên kết cộng năng của nhiều lĩnh vực để tạo ra những sản phẩm mới có những tính năng vượt trội". Do vậy, CÐT có phần khoa học dựa trên nền tảng khoa học của từng lĩnh vực riêng rẽ và cả sự liên kết đa ngành. Chính phần khoa học của sự liên kết đa ngành này tạo nên sự khác biệt về mặt khoa học của CÐT.
Sự phát triển của CÐT đang chuyển dần từ các sản phẩm CÐT cao cấp (máy bay, tên lửa, robot vũ trụ...) sang các sản phẩm CÐT công nghiệp (ô-tô, camera, đầu DVD, robot gia đình...). CÐT công nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường sản phẩm chế tạo hàng loạt, như chu kỳ đổi mới sản phẩm ngắn, giá cả phải có sức cạnh tranh và thời gian đưa ra thị trường phải nhanh. Do vậy, CÐT công nghiệp không chỉ đơn thuần có tư duy thiết kế hệ thống mà phải có cả tư duy thiết kế hướng sản phẩm.
Mặt khác, chúng ta cũng thấy sự chuyển dịch thay thế các chức năng, nguyên lý và thiết kế cơ khí sang các giải pháp phần mềm. Tỷ lệ phần mềm sẽ ngày càng lớn trong các sản phẩm CÐT. Phần lớn phần mềm được thể hiện trong các chíp phần cứng, do vậy ta hiểu thiết kế phần mềm ở đây là sự thiết kế phối hợp cứng/mềm.
Ngoài các sản phẩm và hệ thống CÐT thông thường, đã xuất hiện nhiều sản phẩm hệ thống vi cơ điện (MEMS) và hiện nay chúng ta đang được nghe nhiều về hệ thống nano cơ điện tử (NEMS). Trong khi CÐT thông thường và MEMS dựa trên cơ sở khoa học của cơ học và lý thuyết điện từ trường, thì NEMS dựa trên cơ sở khoa học của cơ lượng tử và đi sâu vào thế giới vi mô cấp nguyên tử. Công nghệ nano hứa hẹn nhiều kết quả và ứng dụng phi thường nhưng cũng còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi thời gian và đầu tư lâu dài.
Với bản chất gắn kết nhiều công nghệ cao trong một sản phẩm, CÐT ngày càng tích hợp trong nó những công nghệ mới. Trước tiên, phải nói đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bao gồm cả lĩnh vực xử lý tiếng nói và hình ảnh, sẽ mang lại linh hồn và cảm xúc cho các sản phẩm CÐT trong tương lai.
CÐT của Việt Nam trong quá trình hội nhập
Trong thời gian qua, lĩnh vực CÐT của nước ta đã có những chuyển biến vượt bậc. Hợp tác quốc tế về CÐT đã được thúc đẩy ở cả ba miền. Việc nghiên cứu về CÐT đang được triển khai tốt tại các viện nghiên cứu, trường đại học và nhiều cơ sở sản xuất. Chúng ta cũng đã tổ chức Hội nghị CÐT toàn quốc lần thứ nhất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc năm 2002 và lần thứ hai tại Ðại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh năm 2004. Những gì mà các nhà khoa học đề cập tại các hội nghị đã chứng tỏ tiềm năng nghiên cứu sáng tạo của chúng ta trong lĩnh vực mới mẻ này.
Mặc dù chưa có nền công nghiệp CÐT, song một số sản phẩm CÐT đã được nhiều cơ sở trong nước và các liên doanh tổ chức sản xuất tại Việt Nam như: Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp, Nhà máy sản xuất robot ở Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng.
Trong chiến lược phát triển KH và CN Việt Nam đến năm 2010, CÐT đã được xác định là một trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm. Tuy nhiên sự phát triển của lĩnh vực này ở nước ta gặp không ít khó khăn do bản thân CÐT là một ngành khoa học - công nghệ mới, cho nên việc thâm nhập vào đời sống sản xuất đòi hỏi phải có một quá trình thay đổi nhận thức và chính sách vĩ mô. Sự phát triển có được trong thời gian qua chủ yếu là tự phát, tuân theo quy luật cung - cầu của thị trường, sự nỗ lực của các chuyên gia tâm huyết và sự phát triển do internet mang lại. Có thể nói, CÐT ở Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức.
Về mặt cơ hội, thị trường CÐT là thị trường mới không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước đang phát triển và phát triển trên toàn cầu. Ðây là thị trường chưa bị bão hòa, cho nên mức độ cạnh tranh chưa khốc liệt. Mặt khác, nhu cầu sử dụng các sản phẩm CÐT ngày càng nhiều và chủng loại sản phẩm có thể nói là vô tận. Các sản phẩm CÐT được hình thành từ các ý tưởng thông minh hóa, bổ sung các chức năng mới cho các sản phẩm hiện hành và tạo ra các sản phẩm mới bằng sự tích hợp liên kết nhiều công nghệ cao trong sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Như vậy, ta có thể thông minh hóa, tạo linh hồn và cảm xúc cho các đồ dùng, thiết bị máy móc chung quanh ta, sáng tạo nên các sản phẩm mới với các chức năng vượt trội. Với sức tưởng tượng phong phú của người Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng sáng tạo các sản phẩm mới kiểu này.
Bên cạnh những cơ hội, ta cũng còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển CÐT. Về đào tạo nguồn nhân lực: CÐT là một lĩnh vực liên ngành, việc đào tạo ở các trường cũng rất đa dạng. Chưa có một giáo trình chuẩn về CÐT, do tính đa dạng sản phẩm của lĩnh vực CÐT.
Mặt khác, sự phối hợp giữa đào tạo và sản xuất trong lĩnh vực CÐT cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc kết hợp bài giảng với việc thực hành CÐT ở các nhà máy. CÐT là lĩnh vực có tính ứng dụng cao và đòi hỏi kỹ năng thực hành của nhiều công nghệ cao, nhất là công nghệ điều khiển thời gian thực, các hệ thống nhúng, vì vậy vấn đề thực hành cũng là một thách thức không nhỏ.
Về nghiên cứu khoa học: CÐT một mặt là công nghệ tạo nên sản phẩm mới, mặt khác lại là một lĩnh vực khoa học hóc búa, cần nhiều nghiên cứu tập trung vào các tác động tương hỗ giữa các lĩnh vực công nghệ khi chúng được tích hợp với nhau một cách hữu cơ.
Về thiết kế sản phẩm: việc thiết kế các sản phẩm CÐT theo phương pháp liên kết các hệ thống nhỏ đi từ dưới lên như hiện nay sẽ dần dần không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, giá thành, thời gian. Việc thiết kế theo hệ thống lớn là một thách thức đối với CÐT. Ðiều này đòi hỏi các chương trình thiết kế CAD cho các sản phẩm CÐT phải được mở rộng ra nhiều lĩnh vực (CAD cho cơ + CAD cho điện tử + CAD cho điều khiển...) và xử lý được độ phức tạp của chương trình thiết kế tổng hợp, khả năng mô hình hóa và mô phỏng hệ thống lớn. Mặt khác, các chương trình thiết kế này còn phải đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của các ứng dụng CÐT.
Thách thức đối với sản xuất: sản xuất các sản phẩm CÐT đòi hỏi những năng lực thiết kế và chế tạo, kể cả các điều kiện lắp ráp mà không phải luôn có trong một cơ sở sản xuất. Ðối với những cơ sở vừa và nhỏ, việc có đủ các điều kiện này không phải dễ dàng. Ngay cả khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng đòi hỏi nhiều trang thiết bị hơn để có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm ở từng công nghệ khác nhau.
Nước ta nằm trong khu vực châu Á, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Với thị trường to lớn và các cơ hội riêng, CÐT sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển và tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần có một chính sách vĩ mô, khuyến khích đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm CÐT.
Trong sự phát triển ngành công nghiệp CÐT, theo chúng tôi các cơ quan chức năng tập trung đầu tư để trong một thời gian ngắn có được một số sản phẩm chủ chốt trong một số lĩnh vực như thiết bị gia dụng, thiết bị y tế, phương tiện giao thông, máy gia công, chế biến nông sản... Việc đào tạo nguồn nhân lực cũng đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh, nhất là đối với lớp trẻ.
Có thể nói, CÐT tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển, phồn thịnh của đất nước, đồng thời đòi hỏi những sự thay đổi ở nhiều lĩnh vực. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo được sự phát triển hài hòa và bền vững trong quá trình chuyển đổi từ tư duy chuyên môn hóa sang tư duy cộng năng đa ngành.
Nguồn: nhandan.com.vn 31/5/2005