Phát hiện rò rỉ điện qua tin nhắn
Đó là công trình của 2 kỹ sư Nguyễn Văn Hoàng (28 tuổi) và Nguyễn Trọng Kiên (24 tuổi), ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, vừa đoạt giải cuộc thi sáng tạo trẻ do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) tổ chức.
Tại TP.HCM có khoảng 22.000 bóng đèn chiếu sáng công cộng. Công suất mỗi bóng đèn thông thường là 300W. Nếu giảm đồng loạt các bóng đèn từ 100% công suất trong giờ cao điểm xuống còn 50% công suất vào giờ thấp điểm trong 4 tiếng đồng hồ (từ 0 giờ đến 4 giờ sáng) thì số điện năng tiết kiệm được mỗi ngày là 13.200 kW |
Rò rỉ điện luôn là mối nguy tiềm ẩn, trở thành nỗi ám ảnh cho người dân, nhất là vào mùa mưa. Thực tế cho thấy tình trạng rò rỉ điện gây chết người từng xảy ra tại TP.HCM nhưng dường như các cơ quan chức năng chưa có giải pháp tối ưu để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Giải pháp “Điều khiển, giám sát đèn chiếu sáng công cộng và phát hiện rò rỉ điện qua tin nhắn” nói trên nếu được áp dụng trong thực tế không những giúp phát hiện, khắc phục tình trạng rò rỉ điện mà còn tiết kiệm được một lượng lớn điện năng do thất thoát và sử dụng không hợp lý, góp phần giải quyết bài toán thiếu điện hiện nay.
Bằng cách cài đặt thông số dòng điện rò trên phần mềm trung tâm chính có kết nối với các trạm quản lý hệ thống đèn chiếu sáng thông qua thẻ SIM, hệ thống phát hiện dòng điện rò thông minh có thể phát hiện nhanh chóng sự cố rò rỉ điện cũng như một số vấn đề hư hỏng của từng trạm chỉ trong vài giây thông qua mạng viễn thông. Không những thế, phần mềm còn biết chính xác được thời điểm rò rỉ điện của từng trạm để báo ngay cho trung tâm chính và người quản lý trạm biết thông qua việc nhắn tin vào các số điện thoại di động đã cài đặt tại trung tâm với trạm và người quản lý để kịp thời xử lý. Hệ thống có thể cài đặt từ xa qua tin nhắn có kèm mật khẩu để đưa 5 số điện thoại di động của người quản lý tại trạm với trung tâm chính vào hệ thống quản lý.
Theo kỹ sư Hoàng, có thể cài đặt hai chế độ trên phần mềm trung tâm trong trường hợp phát hiện rò rỉ điện tại trạm, đó là tự động cắt điện ngay lập tức mà không cần người xuống trạm rồi sau đó hệ thống gửi tin nhắn thông báo; hoặc hệ thống chỉ gửi tin nhắn về trung tâm mà không cắt điện để người quản lý trạm kịp thời xử lý. Điều này đề phòng trường hợp tại khu vực trạm điện đó đang có những chương trình quan trọng không thể cắt điện được.
Không chỉ giúp phát hiện rò rỉ điện, giải pháp này còn có thể điều chỉnh công suất cũng như thời gian bật, tắt của hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hợp lý hơn, góp phần tiết kiệm điện năng. Cụ thể, hệ thống sử dụng cài đặt thời gian từ xa bằng tin nhắn thông qua phần mềm trung tâm hoặc điện thoại di động mà không cần người phải xuống từng trạm để cài đặt thời gian như hệ thống quản lý hiện nay. Chi phí lắp đặt khoảng 12 triệu đồng/trạm (một trạm có thể quản lý 100 bóng đèn chiếu sáng). Hệ thống này có nhiều ưu điểm do phần mềm trung tâm được quản lý bởi các máy tính chủ kết nối với modem GSM thông qua thẻ SIM mà không cần kết nối internet. Điều này sẽ tiết kiệm được chi phí bảo trì máy chủ và đảm bảo được tính bảo mật cao. Hơn nữa trung tâm sẽ kiểm soát và điều khiển được tất cả các trạm từ xa qua mạng viễn thông dễ dàng, nhanh chóng bằng tin nhắn. Nhờ giao diện phần mềm được xây dựng theo cấu trúc đơn giản và có ưu tiên cho từng nhóm để quản lý chính xác với ngôn ngữ tiếng Việt nên dễ dàng thao tác. Thiết bị nhận lệnh và điều khiển tại trạm chỉ cần nối trực tiếp nguồn 220V AC (điện xoay chiều 1 pha) và lắp SIM, kết nối thiết bị đo dòng điện rò, relay (rờ-le) công suất là có thể hoạt động được.
Kỹ sư Hoàng chia sẻ: “Nhiều khi có việc đi công tác về lúc 1, 2 giờ sáng, đường phố thì vắng người nhưng đèn đường vẫn sáng 100% công suất, tôi thấy xót quá!”. Việc xây dựng một trung tâm điều khiển các thiết bị chiếu sáng công cộng từ xa giúp cho khâu kiểm soát và điều khiển việc tắt, mở đèn ở những khu vực chiếu sáng công cộng tiện lợi hơn, có thể tiết kiệm điện năng, thời gian đi lại. Chẳng hạn có thể cài đặt cho đèn sáng 100% công suất vào giờ cao điểm (từ 19 giờ đến 24 giờ) và giảm sáng còn 50% công suất vào giờ thấp điểm (từ 0 giờ đến 4 giờ sáng). Giải pháp còn cho phép điều chỉnh thời gian sáng, tắt theo thời tiết và theo mùa một cách dễ dàng bằng cách cài đặt hệ thống đèn sáng theo ý muốn thông qua việc cài đặt thời gian trên phần mềm trung tâm trong vài giây.
Không dừng lại ở việc phát hiện rò rỉ và tiết kiệm điện, 2 kỹ sư trẻ đang hoàn thiện để nâng cao phần mềm này thêm một bậc nữa nhằm ứng dụng vào công tác quản lý điện hiệu quả hơn. Kỹ sư Hoàng cho biết: “Hiện nay muốn ghi rõ mức công suất điện năng của từng trạm tiêu thụ trong một tháng là bao nhiêu thì cần phải có người đến trạm để ghi lại thông số điện. Chúng tôi đang hoàn thiện phần mềm quản lý để có thể thống kê được số kW điện tiêu thụ của từng trạm trong một tháng là bao nhiêu bằng cách từng trạm sẽ gửi dữ liệu lên phần mềm quản lý tại trung tâm nhằm giảm bớt chi phí cho phương pháp đo đạc thủ công”.