Phát hiện một bản đồ cổ Việt Nam
Một tấm bản đồ cổ việt Nam rộng lớn quá cỡ thông thường
Năm 1982, thư viện quốc hội Hoa Kỳ ( Library of Congress) mua được bản đồ này của một nhà buôn bản đồ cổ có tiếng của Hoa Kỳ, nhưng không biết thêm tin tức gì liên quan và xuất xứ từ đâu tới.
Bản đồ Việt Nam toàn tỉnh dư đồđược vẽ bằng bút lông mực Tàu, trên giấy bản dài 152cm, rộng 98cm. Truyền thống xưa nay của Trung Hoa và Việt Nam chưa vẽ bản đồ to lớn như vậy. Đây là bản vẽ “toàn cõi Đông Dương ở vào thời điểm 1830 hay 1840. Tuy nhiên theo ghi chú ở góc phải cuối bản đồ, lại có cứ liệu cho biết bản đồ được vẽ nhiều thập niên sau đó” (This large manuscript map – 152 x 98 cm – executed in brush and ink, portrays Indochina in the 1830s ỏ 1840s. The text in the lower right, however, contains references suggesting it was written several decades later) (2). Đất nước Việt Namthời đó rộng khắp xứ Đôg Dương: Nước Chân Lạp (Campuchia) cũ là trấn Tây Thành thuộc Việt Nam và chưa có nước Ai Lao. Trên địa bàn rộng lớn của Ai Lao sau này, khi ấy mới có tiểu vương quốc Nam Chưởng cũng thuộc Việt Nam . Phần còn lại là các phủ Trấn Man, Trấn Ninh, Trấn Biên, Trấn Tĩnh với vùng Cửu Châu gần Thừa Thiên, hai xứ Thủy Xá – Hỏa Xá trên Tây Nguyên và các mường vùng tây bắc giáp sông Cửu Long và nước Miến Điện đều là đất đai của Việt Nam. Do đấy, Meinheit đồng nhất về mặt địa lý Việt Nam với Đông Dương. Người Pháp trước đây cũng gọi địa bàn này là Đông Dương thuộc An Nam (Indochine annamite); sau khi xâm chiếm rồi họ mới gọi là Indochine francaise (Đông Dương thuộc Pháp) (3).
Những nhận xét và phân tích của Meinheit
- Trên mặt bản đồ không ghi nhan đề , nhưng phía sau có ghi chữ Hán Việt Nam toàn tỉnh dư đồ.
- Triều đại mới (Nguyễn) có xu hướng phát triển cương vực về phía tây giáp giới sông Cửu Long.
- Vùng Tây Nguyên (bôi son trên bản đồ) là vùng chủ yếu của dân thiểu số (The red zones - Ethnic minorities a dominant theme) và ghi rõ là Thủy xá và Hỏa xá.
- Trên bản đồ vẽ rõ lũy Trấn Man (Barbarian Protectorate) để bảo vệ ba tỉnh Quảng Nam , Quảng Ngãi, Bình Định, dài 90km, do Lê Văn Duyệt xây đắp.
- Tên các đơn vị hành chính lớn, dưới thời Gia Long gọi là trấn hoặc doanh, từ năm 1831 - 1832 dưới thời Minh Mạng đều gọi là tỉnh. Trên bản đồ ghi hết là tỉnh; thí dụ: Hà Nội tỉnh trước là Đông Kinh, Phú Xuân tỉnh trong có Việt Nam đô thành.
- Tên quốc gia dưới thời Gia Long gọi là Việt Nam . Năm 1838, Minh Mạng đổi ra Đại Nam . Trên bản đồ đều ghi là Việt Nam , vậy bản đồ này được vẽ trước năm 1838 ? Thật là mâu thuẫn với các ghi chú về sự kiện hay địa danh thuộc thời điểm 1860 - 1870. Như sự kiện Lưu Vĩnh Phúc kéo quân Cờ Đen vào lập đồn trại chống Pháp ở Sơn Tây năm 1865, mãi đến năm 1885 Lưu Vĩnh Phúc còn đem quân đánh Pháp ở Tuyên Quang. Vậy bản đồ này được vẽ vào thời điểm nào ?
- Bản đồ chưa vẽ xong, vì đảo Phú Quốc chưa thành hình, mới vẽ được mấy căn nhà cư trú trong đảo mà thôi. Quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa cũng chưa được ghi họa. Bản đồ ghi tên đủ 31 tỉnh, nhưng hai tỉnh Hưng Hóa và Quảng Yên chưa được viền son . Trong đoạn này Meinheit hiểu sai về Tụ Long bi đình ở phần cực Bắc nước ta. Ông tưởng đây là dinh cơ hay đền tưởng niệm (Pavilio or memorial) mà sao vẽ sơ xài thế hay vẽ chưa xong. Sự thật đây chỉ là tấm bia làm biên giới giữa Việt Nam (ghi là Giao Chỉ quốc) và Trung Quốc, nằm gần sông Đồ Chú. Năm 1888, Pháp nhượng bộ cho nhà Thanh làm chủ vùng đất này của nước ta từ bao thế kỷ, rộng khoảng 800km vuông và có nhiều mỏ đồng.
Những phỏng đoán và thắc mắc của Meinheit
![]() |
Việt Nam dưới thời Minh Mạng (Bảnđồ Lê Thành Khôi) |
- Khó mà biết thời điểm chính xác của bản đồ. Theo chú thích thì bản đồ vẽ khoảng 1860 và 1875. Nhưng hình dáng và nét vẽ thì bản đồ được phác họa năm 1830 hay 1840.
- Bản đồ quan tâm nhiều hơn về phía tây với các ghi vẽ đường thủy bộ tới vùng dân tộc thiểu số cư ngụ, có lẽ vì mục đích chống xu hướng xâm chiếm của Xiêm La hồi 1830 và 1840
- Bản đồ được vẽ do một quan chức Việt Nam hay một nhà địa lý Trung Hoa quan tâm đến lân bang ở phía nam Trung Quốc.
Chúng tôi hoan nghênh và tri ơn Meinheit đã công bố và nghiên cứu khá sâu sắc tấm bản đồ cổ Việt Nam rộng lớn có một không hai này. Những nhận xét và thắc mắc của ông kể là chính đáng, nếu không tìm ra manh mối của sự việc ghi vẽ bản đồ với những chi tiết hầu như mâu thuẫn rõ ràng. Chúng tôi đã để suốt thời gian nghỉ Tết để nghiên cứu bài giới thiệu và nhận thấy bản đồ cổ này có những nét vẽ tương đồng với các bản đồ trong bộ sách Đồng Khánh địa dư chí(4). Tra cứu nơi chính sử Thực Lụcta sẽ thấy đầy đủ những gì liên quan đến công cuộc chế tác tấm bản đồ cổ quý giá này.
Cần có bản đồ địa lý lịch sử chính xác để tránh cho Việt Nam khỏi bị thua thiệt về cương vực
Sử Thực Lục ghi: Tháng 6 năm Bính Tuất (1886), “Toàn quyền đại thần Bôn Be (Paul Bert) tự nói: ngày tháng 7 năm ngoái, đô thống Cô Suy định ra 6 khoản điều ước mới, nước ta, phần nhiều có thua thiệt, nay đã đem bỏ bản ước ấy rồi. Nước ta đã tôn đại thần Pháp là chức Hàn lâm trực học sĩ, đại thần Pháp muốn tỏ ý kiến chuộng văn, giao cho 1.000 đồng bạc; nếu có người nào có thể đích cứ vào đâu xét rõ bờ cõi nước ta khi trước thẳng đến bờ phía đông sông Khung Giang, và ghi chép rõ các loại man lạo trong hạt, dân tình, phong tục, chính sự, sản vật, và cách sinh nhai, biên đóng thành sách dâng lên, đợi sai quan xét duyệt, người được dự hạng trúng thì xin đem số tiền ấy chia từng hạng thưởng cấp (hạng nhất thưởng 800 đồng, hạng nhì 200 đồng)
“Vua cho là quý đại thần định ra là muốn được kẻ thực tài, chuẩn cho theo thế mà làm, nhưng dụ cho quan các phủ, tỉnh trong kinh và tỉnh ngoài, đều đem hỏi khắp cả, không cứ quan, lại, sĩ, dân, người nào là kiến văn rộng rãi, có thể biết rõ các việc đã nghĩ ấy, biên chép thành sách, hạn trong 6 tháng. Tại kinh thì do bộ Lễ, tại tỉnh ngoài, do quan địa phương làm danh sách đệ lên, đợi chuẩn cho quan xét duyệt, quả là người thông hiểu có thể làm được thì chia thứ bậc, trừ đã có toàn quyền thưởng riêng ra, triều đình sẽ cho bổ dụng, và chuẩn bị cho quan viện Hàn lâm thưởng thêm cho người trúng hạng nhất 400 đồng bạc, hạng nhì 100 đồng bạc, để tỏ thể lệ rộng rãi mà mong được thực dụng.” (5)
Ba tháng sau, không có một ai trong quan chức cũng như ngoài dân gian thông thạo vấn đề “bờ cõi nước ta khi trước thẳng đến bờ phía đông sông Khung Giang” tức sông Mêkong hay Cửu Long và có thể “ghi chép rõ các loại man lạo trong hạt” tức các dân tộc thiểu số, để nhận lãnh giải thưởng lớn lao vừa kể.
Thế nên, sử Thực Lục ghi: Tháng 9, “Sai làm sổ sách biên chép cương giới nước ta. Bấy giờ viện Cơ mật tâu nói: Cương giới nước ta, phía bắc gần với nước Đại Thanh, phía tây nam giáp với nước Xiêm La, Miến Điện; từ trước phải có giới hạn đích ở chỗ nào. Từ trước đến giờ, quốc sử ít thấy chép đến, thấy nghe cũng ít, nhiều lần các đại thần toàn quyền, khâm sứ Đại Pháp có ý nghiên cứu, hoặc định treo thưởng; hoặc có nghe thấy gì, thì tự đi yêu cầu để xem xét. Về việc treo thưởng, nhiều lần đã vâng lời dụ thông sức, chưa có người hưởng ứng.”
“Kể ra bờ cõi non sông cũng là cách học bác vật, biển rộng mây trùng, đường xa muôn dặm, người ta còn nghĩ dò tìm được, huống chi cương giới nước ta, mà lại “còn mà không bàn, bàn mà không xét”, tưởng không phải chỉ để cho người biết được ít nhiều ! Nghĩ nên xin phái quan, thuộc, tìm xét khắp cả, duy công việc ở Bộ, Viện, Quán, Các bề bộn, nếu giao cho làm kiêm cả, sợ không chuyên chủ kỹ càng, khó mong thành hiện. Xin nên đặt viên có trách nhiệm để đôn đốc việc ấy, Quang lộc tự khanh lãnh Thị lang bộ Lại Hoàng Hữu Xứng là người trầm tĩnh, học cũng hơi rộng, xin cho theo nguyên hàm sung làm Đổng lý, cấp cho ấn khâm phái quan phòng, và phái viên dịch theo để làm việc, đến ở phòng Nội các làm việc, phàm hễ nước ta tiếp giáp với nước Thanh, nước Xiêm, và sông Khung Giang, đích là chỗ nào, đều xem xét rõ ràng, cần có chứng cớ đích xác, biên chép thành sách và vẽ đồ bản để tham khảo. (Tháng sau, vua chuẩn cho viên ấy đến sở tu thư ở Quốc sử quán)” (6).
Hai tháng sau, sử T hực Lục chép: “Tháng 11, viên trông coi việc làm tập biên cương giới là Hoàng Hữu Xứng nghĩ dâng sách ấy phàm lệ có 12 điều:
- Về nguyên chuẩn cho kiểm xét cương giới nước ta tiếp giáp với nước Thanh, nước Xiêm, nước Diến và sông Khung Giang đích là chỗ nào, biên tập thành sách. Nay kính xét miền thượng du nước ta lấy sông Khung làm giới hạn, thì từ Nghệ An trở vào nam, có giáp sông ấy, còn từ Nghệ An trở về Bắc, thì giáp giới với sông ấy, không liên can với nhau. Sách này xin chuyển lấy cương giới tiếp giáp các nước làm chủ, sông Khung cũng xét cả một thể, tùy theo địa phương nào, thông với sông ấy, biên thêm vào, để phòng xem xét, nhưng đặt tên sách là Đ ại Nam cương giới vựng biên , không phải cùng biên cả chữ “Khung Giang”.
- Về sách này chuyên chủ cương giới tiếp giáp với các nước, và biên thêm những địa phương thông với sông Khung. Nay kính xét các sách vở hoặc các nhà biên chép cất làm của riêng, về thượng du dọc theo biên giới, đoạn nào như có ghi chép cũ: nước ra tiếp giáp với các nước và tiếp giáp với hai bên tả, hữu sông Khung, là tên ở đấ,t ở phủ, huyện, châu nào, hoặc trại Man nào, xin phải biên chép tất cả. Đoạn nào, như chưa rõ địa giới ấy thuộc về nước ta, nhưng chép là “trại Man ở nước ta” (như Man Thạch Bích, hoặc các Man tiêu điều lán trại linh tinh, tuy hoặc chúng đối với ta, khi theo, khi phản bất thường, nhưng ở bờ phía đông sông Khung, đều là các trại Man trong giới hạn nước ta), nơi thuộc về nước khác, thì vẫn chép là địa phận nước mỗ. Về hạ du, giáp biển, thì chỉ tra xét tên cửa biển, ghi chép cả để nêu rõ toàn đồ. Còn các nơi hơi xa, cùng giới hạn không liên tiếp nhau, và tất cả dân phong, thổ sản đã chép cả ở bộ G ia Long nhất thống địa dư chí nay chỉ chép qua thôi.
- Về cương giới tiếp giáp và hai bên tả hữu sông Khung, phải xét
![]() |
Đại Nam thống nhất toàn đồ năm 1840 |
- Về cách chép tổng quát, là chép tất cả toàn cõi nước ta, các địa phương các đời thay đổi thế nào, tuy đã chép ở Dư địa chí , sách này, xin cũng dò xét tận nguồn gốc biên qua ở phần trên, sau đến số dặm dài, rộng, cả nước hiện đặt bao nhiêu phủ, tỉnh, đạo; cuối cùng đến cương giới, lấy sông Khung phụ thêm vào, bản đồ thì cho biên rõ ở chỗ giáp giới và sông Khung mà thôi.
- Về cách chép riêng biệt, là chia riêng từng tỉnh mà chép, xin phải chiểu theo thứ tự chép tổng quát, đều chiểu theo địa phận tỉnh chép riêng ra, duy lại ghi rõ các đạo, phủ huyện, châu hiện đặt trong cả tỉnh, nhưng lấy kinh sư làm tôn trọng, đầu tiên là phủ Thừa Thiên, sau đến các tỉnh từ Thừa Thiên trở vào nam, trở ra bắc. Trong đó, tỉnh nào không có giới tiếp với nước khác, thì vẫn theo từng khoản, biên rõ những chữ: “Không có tiếp giáp với nước khác”, để cho bản đồ riêng, cũng theo từng tỉnh vẽ kế tiếp.
- Về tiếp giáp các xứ, xứ nào hễ từ trước nước ta có cùng nước khác khám định, hoặc lấy tự báo bàn định, tra trong sách Sử có chép rõ ràng, thì tùy thuộc tỉnh phận nào đem chép ra hết để tham khảo.
- Về địa phận ở dọc biên giới, từ trước là thuộc nước ta, nhưng nay tuy đã mất vào nước khác (như loại trước kia nhà Hồ, nhà Mạc cắt đất cho nhà Minh, nhà Thanh) xin cũng chiểu theo trước thuộc hạt tỉnh nào, ghi chép vào, cho biết lai lịch.
- Về phía sau miền núi nước ta, có đường sông nào mà chảy thông được đến sông Khung, thì đường sông ấy phát nguyên và chảy qua phủ, huyện, châu nào, hoặc trại Man nào, xét các sách vở có thể căn cứ, cũng ghi vào cả.
- Về 6 tỉnh ở Nam kỳ, nay là quản hạt của nước Đại Pháp, sách này biên chép cương giới có lẽ nên chiểu từ Thừa Thiên trở vào Nam đến Bình Thuận, trở ra bắc đến Cao Bằng, nhưng gián hoặc có biên đến địa phương nào sông Khung chảy qua, thì đoạn hạ lưu sông Khung ở cả vào khoảng An Giang, Định Tường; thì 6 tỉnh ở Nam kỳ xin phải chép cả vào trong khoản chép tổng quát, và chép riêng biệt để cho còn danh hiệu.
- Về địa phương Cao Miên, đã được tiên triều kinh lý, ghi cả vào bản đồ, sau rồi bỏ đi, nay cũng xét qua sự tích biên thêm vào sau, cho biết đầu đuôi.
- Về xưa nay cùng truyền, cương giới của nước là việc lớn, mà từ trước đến nay không có chứng cứ; đã có các nhà bàn luận (như loại dựng cột đồng của Mã Phục Ba) cũng phải chép cả cho đủ các thuyết.
- Về các sách biên thuật lại, gián hoặc có nói đến cương giới nước ta và nguyên lưu sông Khung chảy đến đâu, trong đó thường có chỗ nói khác nhau, có chỗ giống nhau, cũng chép cả lưu lại, để đợi khảo chính” (7)
Hoàng Hữu Xứng và các chuyên gia phụ thuộc thực hiện công trình Cương giới vựng biên theo đúng nguyên tắc như vừa kể. Năm tháng sau, công trình hoàn thành.
Ngày 9 tháng 4 năm Đinh Hợi (1887), sử Thực Lục ghi: “Pho sách Cương giới vựng biên đã xong ”, (gồm 7 quyển và 1 bức địa đồ).
“Cho Đổng lý Hoàng Hữu Xứng, thực thụ hàm Thị lang bộ Lại, thự Tả tham tri (nguyên lãnh Quang Lộc tự khanh); các người tùy phái đều gia thưởng (thăng trật, kỷ lục hay tiền) có thứ bậc. Rồi cho Hữu Xứng sung chức Toản tu ở Quốc sử quán)” (8)
Khi ấy Paul Bert đã chết ngày 11 - 11 - 1886, không hiểu số tiền 1000 đồng bạc thưởng cho ai thực hiện được công trình có đem chia cho Hoàng Hữu Xứng và cộng tác viên không ? Chính sử chỉ ghi đến đây là hết về Cương giới vựng biên .
Nhà sử học Phan Thuận An đã viết bài H oàng Hữu Xứng: tác giả sử học - địa lý Việt Nam thế kỷ XIXtrên báo Cửa Việt số 17 tháng 10 năm 1992. Trong có bản dịch tờ tấu của Hoàng Hữu Xứng - một bổ túc thông tin cho Thực Lục – giúp ta hiểu thêm về quá trình nghiên cứu và biên soạn pho sách Cương giới vựng biên, và đặc biệt về lý lịch tấm Đại tổng đồ mà ta đang quan tâm:
![]() |
Từ trái sang: ông Nguyễn Đình Đầu, tác giả Harold E.Meinheit và Chủ tịch Hội Howard Lange - Ảnh chụp T2 - 2009 tại Tp. HCM |
“ Khâm phái sở Tu Thư, Quang lộc Tự khanh, Lãnh Hữu thị Lang Bộ Lại, thần là Hoàng Hữu Xứng, kính tâu: vừa biên soạn thành dạng bản sách Đại Nam quốc cương giới vựng biên, nay cung kính tiến trình cùng với bản tấu để xin Hoàng thượng thẩm định. Vào một ngày thuộc tháng 9 năm ngoái, tiếp được phiến chỉ do Viện Cơ Mật cung lục, Hoàng thượng chuẩn định thần sung làm Đổng lý trong việc nghiên cứu kiểm tra cương giới nước ta, tỉnh nào tiếp giáp với Trung Quốc, Xiêm La, Miến Điện, Khung Giang (sông Cửu Long), đích thị là xứ nào, cần có căn cứ chính xác, sưu tập lại, biên chép thành sách và vẽ thành bản đồ. Khảo cứu đầy đủ rồi lại được Hoàng thượng đặt tên cho sách là Đại Nam quốc Cương giới Vựng biên, và tuân hành làm theo bài phàm lệ gồm 11 điều:
- Thần trộm nghĩ sách này có thể làm rõ về sự quan hệ ở cương giới. Cương giới phía tây của miền thượng du nước ta, từ xưa đến nay triều đình chưa đến kinh lý, còn có nạn sách vở tam sao thất bản, việc khảo đính lại thiếu sót.
- Nhưng nay tuân chiếu theo phàm lệ, thần đôn đốc việc sưu tầm tìm hiểu các sách và bản đồ nước ta và Trung Quốc cũng như Tây phương, rồi nghiên cứu, dịch thuật, ghi chép, thu thập lại (Sách là Thực Lục chính biên của nước ta, tham khảo thêm những sách của các nhà biên thuật. Bản đồ thì các loại bản đồ của nước ta, tham khảo thêm bản đồ của Trung Quốc và Tây phương, cùng bản đồ mới vẽ của các tỉnh. Nếu có nhượng bỏ đến năm ba tỉnh thì cũng kính xin đề cập tới luôn, vì sự ghi chép cương giới ở những nơi đó cũng chưa được rõ ràng).
- Nếu có chỗ chưa biết được rõ thì để khuyết chứ chẳng dám làm một cách khiên cưỡng hoặc lấy ý mình mà điền thế vào. Tùy theo nơi, nếu cần thì làm phần cẩn án phụ thêm ở dưới mỗi khoản, đợi sau sẽ khảo đính. Toàn bộ sách và từng phần của sách đều có bản đồ kèm theo; cùng với phụ lục và phụ khảo, đóng thành 7 quyển. Thần chẳng ngại dốt, kính sợ tuân theo lệnh của Hoàng thượng, chẳng dám ngại khó, kính tham khảo thêm những tài liệu ngoại sử sách của triều đình, lượm lặt các sách vở cũ ngày xưa còn sót lại, và hỏi han thêm ý kiến của nhiều người, tuy đã cố gắng nhiều nhưng vẫn còn sai lầm thiếu sót, xin kính sợ tuân theo những điều sửa chữa.
- Hoàng thượng đã chuẩn cho các đại thần ở Viện Cơ Mật là Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Nguyễn Thuật và Hoàng Hữu Thường đọc và sửa.
- Nay kính cẩn viết thành dạng bản và vẽ riêng một bức bản đồ chung lớn (đại tổng đồ), đều xin tiến trình, dám xin mạo muội kính đệ lên cùng tập tấu, và xin đợi tôn ý quyết định của Hoàng thượng.
Kính tâu,
Ngày mồng 9 tháng 4 năm Đồng Khánh thứ hai (tức 1 - 5 - 1887)
Thần: Hoàng Hữu Xứng” (9).
Các sử liệu trên đã giải đáp được toàn thể thắc mắc của Meinheit. Bức bản đồ chung lớn - đại tổng đồ đây là kết quả công trình nghiên cứu vựng biên của Hoàng Hữu Xứng, nhằm ngày 1 - 5 - 1887. Mục đích chủ yếu của công trình là xác định biên giới của Việt Nam về phía tây tiếp giáp với sông Mêkong, thậm chí có đoạn lấn sang cả hữu ngạn nữa. Cương vực Việt Nam rộng từ ải Nam Quan (đại tổng đồ có vẽ rõ) tới mũi Cà Mau. Phía bắc giáp Trung Quốc (đại tổng đồ ghi Tụ Long bi đình, nhưng sau Pháp nhường cho Trung Quốc). Phía tây giáp Miến Điện và Xiêm La. Khi Pháp chiếm được cả Đông Dương thuộc Việt Nam rồi chia ra ba nước Việt Nam - Lào - Cao Miên và độc đoán vạch đường biên giới cho ba nước với những thiệt thòi về phía Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay nước ta vẫn tôn trọng biên giới lịch sử ấy. Để bổ sung cho “đại tổng đồ” chưa vẽ xong này, chúng ta nên nghiên cứu kết hợp với hai bản đồ: 1 ) Đại Nam nhất thống toàn đồcông bố khoảng năm 1840 có vẽ rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa; 2) Bản đồ Đại Nam dưới thời Minh Mạngcủa Lê Thành Khôi có vẽ rõ các tiểu vương quốc thuộc Việt Nam kể cả các châu mường, như Mường Lũ có biên giới giáp Miến Điện. (10)
Tra trong Thư mục đề yếu Di sản Hán Nôm Việt Namnơi hai mục từ Đại Nam cương giới vựng biênvà Đại Nam quốc cương giới vựng biên, ta thấy còn lưu trữ 5 bản viết (7 Q), 1 phàm lệ, 1 mục lục, 1 biểu “dâng sách” và các bản sao chép lẻ từng phần, hiện Viện Hán Nôm vẫn bảo vệ tốt, có số nhỏ sao chép trùng lặp để ở Thư viện Hiệp hội Châu Á (Société asiatique) tại Paris (11). Không thấy nơi đâu nhắc nhở tới “đại tổng đồ”. Bản đồ to lớn đặc biệt này thất lạc tự bao giờ, không ai hay. Chỉ biết rằng năm 1982, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ mua được từ một nhà buôn bản đồ cổ có tiếng ở Mỹ. Thật là may !
Để kết thúc bài báo này, chúng tôi xin nói lời cám ơn đến người giới thiệu tấm “đại tổng đồ” đã thất lạc trên 120 năm (1887 - 2009) là Harold Meinheit, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp tham gia Ban giám đốc Washington Bản Đồ. Chúng tôi cũng xin tỏ lòng thán phục tác giả công trình nghiên cứu vựng biên và tấm “đại tổng đồ” là Hoàng Hữu Xứng (sinh năm 1831 tại Quảng Trị, đậu cử nhân năm 1852, làm Huấn đạo huyện Tuy Viễn, Bình Định năm 1860, giữ chức Biện lý ở Bộ Binh khoảng năm 1869, Bố chánh Thanh Hóa năm 1873, Thự tuần phủ Hà Nội năm 1880, nhịn ăn để phản đối Pháp khi bị bắt năm 1882, bị cách chức rồi được phục hồi làm Tu soạn viện Hàn lâm năm 1884, làm Đổng lý biên soạn Cương giới vựng biên tháng 6 - 1886, giữ nhiều chức vụ khác rồi Thượng thư Bộ Công năm 1889, về hưu năm 1900 và qua đời năm 1905).
Hoàng Hữu Xứng đáng kể là người có công đầu trong việc nghiên cứu lịch sử và vẽ bản đồ “Vựng biên” nước ta từ thời Đông Dương thuộc Việt Nam đến lúc Pháp xâm chiếm gọi là Đông Dương thuộc Pháp.
Chú thích:
(1) The Portolan, Journal of the Washington Map Society Issue 73 Winter 2008. Trong có bài A Glimpse into Vietnam ’s Turbulent 19th Century của tác giả Harold E.Meinheit (từ trang 18 đến 27)
(2) Như trên, trang 19
(3) Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam (1592 – 1820). Paris, 1919, tr. 45 và 278.
(4) Đồng Khánh địa dư chí. Ngô Đức Thọ dịch. NXB Thế giới, 2003.
(5) Đại Nam thực lục. Tập XXXVII Viện Sử Học phiên dịch. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 177 - 173.
(6) Như trên, tr.208 - 209.
(7) Như trên, tr. 217 - 220
(8) Như trên, tr. 281
(9) Phan Thuận An, Hoàng Hữu Xứng: tác giả sử học - địa lý Việt Nam thế kỷ XIX. Trong sách Nếp nhà - Họ Hoàng. NXB Trẻ, TPHCM 2001, tr. 38 - 49.
(10) Lê Thành Khôi, Le Viet Nam – Histoire et Civilisation. Les Editions de Minuit. Paris , 1955. Trích bản đồ số 15 đặt sau 514.
(11) Viện nghiên cứu Hán Nôm và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Di sản Hán Nôm Việt Nam Thư mục đề yếu. NXB Khoa học - Xã hội, Hà Nội, 1993. 1. tr. 480 và 496.