Phát hiện mới giúp giao tiếp với người bị liệt
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy các hình ảnh chụp cắt lớp não “kể lại” hoạt động của tế bào não.
Trong nghiên cứu này, những người tham gia nghiên cứu được cho nhìn hai hình ảnh khác nhau trong cùng thời điểm, một hình hoa văn sọc đỏ trước mắt phải và một hình hoa văn sọc xanh ở mắt trái. Những người này được đeo loại kính râm đặc biệt mà mỗi mắt chỉ nhìn thấy những gì đặt trước nó.
Trong tình huống đó, não sẽ quan tâm đến hai hình ảnh, đôi khi chú ý hình ảnh này và đôi khi là hình ảnh kia. Trong lúc đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy chụp cắt lớp não cộng hưởng từ chức năng (fMRI) chụp cắt lớp não để theo dõi hoạt động ở vỏ não thị giác. Nó cho thấy việc tập trung vào mẫu hoa văn xanh hay đỏ dẫn đến hoạt động khá riêng biệt và khác nhau ở những bộ phận khác nhau của não.
Một nghiên cứu tại Mỹ công bố trên tờ tạp chí Khoa học cũng đưa ra lý thuyết tương tự. Họ đã sử dụng các điện cực đặt vào bộ não để theo dõi phản ứng của các tế bào não ở vùng thính giác của những người tình nguyện và cho họ xem một video clip. Sau đó họ sử dụng dữ liệu thu thập được để dự báo chính xác các tín hiệu fMRI từ não của những người khác khi đang chụp cắt lớp não và cũng xem clip trên.
Tiến sĩ John-Dylan Haynes tại Trường ĐH London , trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Những gì chúng tôi cần làm là tạo ra một cái gì đó tương tự như phần mềm nhận dạng giọng nói và nghiên cứu các phần riêng biệt của não hoạt động như thế nào”. Và phát hiện này càng chứng minh rằng chụp cắt lớp não có thể “đọc ý nghĩ” và dẫn đến tạo ra một loại máy có thể đọc được ý định của một người nào đó.
"Nó có thể hữu ích cho các ứng dụng hàng ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi vẫn còn ở bước đầu để có thể tạo ra một loại máy có thể phát hiện ý thức của một người. Nhưng nó có thể giúp phát triển hoặc cải tiến các thiết bị giúp người bị liệt giao tiếp thông qua đo hoạt động của não họ", ông bổ sung.
Nguồn: tuoire.com.vn 7/8/2005