Phát hiện hai vệ tinh của tiểu hành tinh Rhea Sylvia
Các nhà thiên văn học đã đặt tên cho hai vệ tinh này là Remus và Romulus, lấy tên hai anh em sinh đôi đã xây dựng thành Rome, trong khi tiểu hành tinh hình củ khoai tây đường kính 280 km mang tên Rhea Sylvia, mẹ của hai người con này theo truyền thuyết La Mã.
Việc phát hiện ra hệ ba hành tinh này là nhờ kính viễn vọng cực rộng của Đài Thiên văn Nam Âu (ESO-The European Southern Observatory) đặt tại Cerro Paranal (Chi-lê), có sử dụng hệ thống quang học tương thích NACO. Công nghệ này cho phép tránh được các tác động của bầu khí quyển khi quan sát vũ trụ.
Tính toán của các nhà thiên văn cho biết, Romulus có đường kính 18 km, bay quanh quỹ đạo của hành tinh Sylvia hết 87,6 giờ/vòng. Remus nhỏ hơn với đường kính 7 km, bay một vòng hết 33 giờ.
Các vệ tinh này bao gồm chủ yếu là một khối đá và khoảng hơn 20% trọng lượng là nước. Bề mặt lồi lõm của hai vệ tinh là hậu quả của vô số vụ va chạm với các hành tinh lớn hơn trong vũ trụ.
Remus cách Sylvia 710 km trong khi Romulus cách "hành tinh mẹ" 1360 km. Theo các nhà khoa học, khoảng cách khác biệt này là do chúng được hình thành vào các thời điểm khác nhau. Remus có thể hình thành từ cách đây 100 nghìn năm trong khi tuổi thọ của Romulus lên tới một triệu năm.
Theo thời gian, các tác động "sóng thuỷ triều" giữa hai vệ tinh trong quỹ đạo làm chúng bay chậm dần và tách xa nhau.
Phát hiện mới này sẽ góp phần làm sáng tỏ những điều bí ẩn liên quan đến vành đai của các tiểu hành tinh mà theo các nhà khoa học, đã chịu tác động rất lớn sau sự xuất hiện sao Mộc.
Giữa sao Hoả và sao Mộc có khoảng 250 nghìn tiểu hành tinh là các ngôi sao với kích thước và hình dáng đa dạng. Các nghiên cứu từ năm 1993 cho thấy, khoảng 60 vì sao trong số các tiểu hành tinh này có vệ tinh bay quanh.
Nguồn: vnn.vn 17/8/2005