Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 28/02/2008 01:15 (GMT+7)

Phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất

Diễn biến của cuộc phát động

Nhân dân nô nức kéo đến trường sở đấu tố.
Nhân dân nô nức kéo đến trường sở đấu tố.
Từ cuối 1952 đến năm 1956 đã có 8 đợt phát động quần chúng giảm tô và 5 đợt cải cách ruộng đất. Kết quả của các chiến dịch này là: Trong 3.314 xã, có 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạnhecta, bằng 44,6% ruộng đất trong vùng, chia cho gần 4 triệu nông dân (1). Theo báo cáo ngày 22-3-1958 của Uỷ ban cải cách ruộng đất Trung ương thuộc Phủ Thủ tướng, thì tình hình chuyển biến chế độruộng đất từ cách mạng tháng Tám cho đến hoàn thành cải cách ruộng đất trong 3.035 xã ở miền Bắc là: Tổng số ruộng đất của địa chủ, phong kiến, thực dân cho tới trước cải cách ruộng đất là 518.710hecta, chiếm 44,2% tổng diện tích ruộng đất của địa phương. Từ năm 1945 đến 1949 một bộ phận đã chuyển dịch dưới nhiều hình thức cho nông dân là 113.305 hecta, tức 21% của diện tích loại này. Nhưvậy, cho đến trước cải cách ruộng đất đã có 56,5% tổng số ruộng đất của địa chủ phong kiến thực dân chuyển về tay nông dân. Thời kỳ trước 1953 đã chuyển dịch 189.434 hecta nữa, chiếm 36,5% ruộng đấtthuộc loại này. Trong cải cách ruộng đất, tiếp tục tịch thu 73.647 hecta, chiếm 14,2 diện tích thuộc loại này. Kết thúc cải cách ruộng đất (năm 1956) đã tiếp tục tịch thu 142.322 hecta, chiếm 27%diện tích thuộc loại này, tức 12,1% diện tích của địa phương (2). Nói cách khác, cuộc cải cách ruộng đất rầm rộ chỉ tước đoạt tiếp có 26,3% số ruộng đất của địa chủ.

Tuy nhiên, các phong trào này đã phạm phải sai lầm tả khuynh nghiêm trọng, mà đến năm 1956 đã phát hiện và thống kê như sau: Trong 3.563 xã đã qua 8 đợt phát động quần chúng và tiến hành 5 đợt cải cách ruộng đất, số người bị quy oan chiếm tỷ lệ rất cao. Việc định mức địa chủ chiếm 5,68% dân số địa phương là cao quá mức thực tế (3).

Tố Hữu (Trưởng ban tuyên truyền Trung ương lúc đó) nhớ lại: “Không thể kể hết những cảnh tượng bi thảm mà những người bị quy oan là địa chủ, ác bá (mà trong thực tế là trung nông) phải chịu đựng ở những nơi được phát động” (4).

Tuy nhiên, khi nói đến những sai lầm trong cải cách ruộng đất, cũng cần phân biệt giữa những sai lầm trong chủ trương với những sailầm do sự phát triển tự phát của cơ sở. Có rất nhiều biện pháp tự phát đã được thực hiện phổ biến và tràn lan ở cơ sở như: Truy bức để “đôn” tỷ lệ địa chủ lên trên 5% dân số như một định mức bắtbuộc. Dùng những nhục hình như đánh, trói, giam cầm... khi chưa có toà án xét xử... Kích động và hù doạ quần chúng để họ tố oan cho nạn nhân... Đó là những điều không hề có trong đường lối và chủtrương của Trung ương. Vấn đề là ở chỗ “phóng tay phát động” đã trở thành “buông lỏng” cho những “đoàn” và những “đội” cải cách ruộng đất tha hồ lộng quyền, dẫn đến tình trạng “nhất đội nhì trời”.Xin thử đọc mấy đoạn trích từ Nội san Cải cách ruộng đấtlúc đó:

Số ra ngày 19-2-1956, bài “Những việc cần chú ý trong việc vạch giai cấp”: Tránh để xảy ra dùng nhục hình, phải nắm vững chính sách phân hoá. Tránh gò cho đủ 5% địa chủ” (5).

Số ra ngày 25-2-1956 đã đăng toàn văn lời căn dặn dứt khoát và rõ ràng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhục hình là lối dã man, là cách của đế quốc, tư bản, phong kiến, nó dùng để trị quần chúng, trị cách mạng. Chúng ta có cuộc sống đúng, có lý lẽ đúng, có lực lượng mạnh, sao mà còn phải làm một cách dã man? Dùng nhục hình là chưa tẩy sạch tư tưởng dã man, đầu óc phong kiến đế quốc. Phải dùng nhục hình là vì không chịu khó phát động quần chúng. Vì vậy tuyệt đối không được dùng nhục hình, nếu dùng nhục hình là trái chính sách của Đảng, của Chính phủ, trái tác phong của cách mạng... Đánh người ta đau quá thì không có người ta cũng phải nhận là có. Như thế là cán bộ đã tự mình lừa mình. Từ nay các cô, các chú phải kiên quyết sửa chữa khuyết điểm này...” (6).

Như vậy, trong việc này, thái độ của Đảng, của Chính phủ, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rõ ràng. Nhưng đến lúc này thì hình như dưới cơ sở những cơn cường nộ đã trở thành bất trị. Những biện pháp quá tả, tàn ác vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ...

Đến năm 1956, Bộ Chính trị đã nhận xét về sai lầm này:

“Do tư tưởng chỉ đạo tả khuynh, tác phong đại khái, quan liêu, độc đoán, trấn áp, cho nên việc đánh địch càng đi tới càng mất phương hướng, đánh tràn lan, đánh vào địch và đánh cả vào hàng ngũ của ta, quy bức nhục hình phổ biến... Coi tổ chức của Đảng, coi tổ chức cũ của chính quyền và của quần chúng là do địch lũng đoạn, nên đã khủng bố tàn khốc những người nông dân vô tội, đả kích mù quáng vào đảng viên và cán bộ cốt cán của Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng.

Tư tưởng thành phần chủ nghĩa trong cải cách ruộng đất có tính chất tư tưởng nông dân, đặt bần cố nông lên trên tất cả, thậm chí đặt bần cố nông lên trên Đảng là không đúng”.

Tư tưởng tả khuynh trong cải cách ruộng đất đã chớm nở lúc đầu, nó đã đưa đến chỗ học tập kinh nghiệm nước bạn một cách máy móc, và không chịu điều tra, nghiên cứu đầy đủ tình hình xã hội ta... Trong lúc thi hành một mực nhấn mạnh chống hữu khuynh, trong khi những hiện tượng tả khuynh đã trở nên trầm trọng... Hệ thống cải cách ruộng đất trở nên một hệ thống ở trên cả Đảng và chính quyền” (7).

Công tác tổ chức chỉnh đốn Đảng và chính quyền

Liên hoan mừng thắng lợi của cải cách ruộng đất ở xã Kiến Thiết.
Liên hoan mừng thắng lợi của cải cách ruộng đất ở xã Kiến Thiết.
Đến các đợt 4 và 5, có chủ trương kết hợp cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Đảng và chính quyền. Công tác này cũng đã phạm sai lầm nghiêm trọng, gây ra những tổn thương nặng nề cho độingũ cán bộ. Trong báo cáo của Bộ Chính trị năm 1956 đã nhận định:

“Qua 8 đợt giảm tô và cải cách ruộng đất, đã chỉnh đốn 2.876 chi bộ trên tổng số 3.777 chi bộ, như vậy là 3/4 chi bộ đã trải qua chỉnh đốn, gồm 15 vạn đảng viên trên tổng số 17,8 vạn đảng viên (chiếm 84,2% số đảng viên dự chỉnh đốn). Theo thống kê chưa kiểm tra lại, tổng số đảng viên bị xử trí là 84.000 người (chiếm 47,1% tổng số đảng viên) (8).

Tỷ lệ xử trí quá cao nói trên đã chứng minh một phần nào sai lầm nghiêm trọng của chỉnh đốn tổ chức. Do phương châm và phương pháp đều sai lầm, truy bức và nhục hình phổ biến, nên trong việc chỉnh đốn chi bộ, đã đả kích tràn lan vào nội bộ Đảng, giải tán chi bộ bừa bãi, bắt bớ và xử trí cả những đảng viên tốt, xử bắn lầm một số Bí thư chi bộ hay chi uỷ viên có nhiều công lao với Đảng. Trong số 8.829 đảng viên bị xử trí ở Tả Ngạn thì 7.000 thuộc thành phần nông dân lao động và thành phần lao động khác. Ở Hà Tĩnh thì hầu hết các chi bộ xã bị kết luận sai là do phản động lũng đoạn. Có nơi chi bộ nào tốt nhất thì bị đàn áp nặng nhất, đảng viên nào tốt nhất thì bị xử trí nặng nhất. Nhiều chi bộ có công lớn trong kháng chiến đã bị coi là chi bộ phản động, Bí thư và chi uỷ viên bị hình phạt: tù hoặc bắn.

Tình hình sai lầm nói trên không phải chỉ là cá biệt mà lại là phổ biến, như vậy chúng ta có thể thấy sự tổn thất của Đảng là nặng nề như thế nào. Cuộc chỉnh đốn của chi bộ xã trong cải cách ruộng đất đợt IV và V và ở một số địa phương trong giảm tô đợt VII và VIII thực tế là một cuộc trấn áp dữ dội bằng những thủ đoạn tàn khốc và trên một quy mô lớn đối với tổ chức Đảng ta ở nông thôn.

Cuộc phát động đó tiến hành rất lệch lạc, không chú trọng tuyên truyền giáo dục chính sách, mà tố cáo đảng viên một cách bừa bãi, phần tử đầu cơ, phần tử xấu đã nhân đó mà len lỏi vào trong Đảng.

Tiếp theo chỉnh đốn chi bộ xã, việc chỉnh đốn ở huyện và tỉnh đã tiến hành trong 66 huyện và 7 tỉnh. Theo con số báo cáo thì trong tổng số 3.425 cán bộ và nhân viên ở cơ quan tỉnh dự chỉnh đốn, trong đó có 2.677 là đảng viên, tổng số bị xử trí là 720 cán bộ và nhân viên, tỷ lệ là 21%. Nhưng nếu lấy cán bộ từ cấp Ty trở lên thì tổng cộng có 284 người, số bị xử trí lên 105 người. Tỉnh uỷ viên tại chức dự chỉnh đốn 36 người, thì bị xử trí 19 người, tỉnh uỷ viên cũ dự chỉnh đốn là 61 người thì bị xử trí 26 người, Uỷ viên Uỷ ban hành chính tỉnh dự chỉnh đốn 17 người thì bị xử trí 15 người.

Về chỉnh đốn cấp huyện, chỉ tính 66 ban huyện uỷ trong 4 đợt thì tổng số huyện uỷ viên dự chỉnh đốn là 396 người, số bị xử trí là 191, tỷ lệ 48,23%. Riêng Hà Tĩnh, trong 19 tỉnh uỷ viên, công an hoặc huyện đội thì tất cả bị quy là phản động, gần đây kiểm tra lại thì nhận thấy tất cả đều bị quy sai.

Hàng vạn đảng viên tốt bị thanh trừng, hàng nghìn bị bắt, một số đảng viên có nhiều công lao bị xử oan, phải chịu những nhục hình rất tàn khốc dã man... Nhân dân sinh ra hoài nghi và hoang mang, nội bộ oán trách cấp chỉ đạo và sinh ra mất đoàn kết trong cán bộ, trong Đảng đến mức độ nghiêm trọng.

Trong chỉnh đốn tổ chức, cũng mắc phải “tư tưởng thành phần chủ nghĩa rất nặng”, cho thành phần là quyết định tất cả, thậm chí nhiều nơi cho rằng quyền lãnh đạo ở nông thôn phải thuộc về bần cố nông, đặt bần cố nông cao hơn Đảng. Đấy là biểu hiện của tư tưởng nông dân, làm mơ hồ sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng. Tăng thêm thành phần bần cố nông trong chi uỷ lên tới tỷ lệ 97%, chứng tỏ sự lệch lạc về thành phần chủ nghĩa nói trên. Thái độ hẹp hòi và chủ trương xử trí tràn lan đối với các đảng viên không phải là bần cố nông..., dùng quần chúng để vạch tội đảng viên cũ, dùng truy bức nhục hình đối với đảng viên, giao cho cán bộ của đội không phải là đảng viên làm nhiệm vụ xử trí đảng viên, kết nạp đảng viên, như vậy là sai lầm nghiêm trọng và vô nguyên tắc, đã vi phạm những quyền tự do cá nhân của người nông dân, đã đem phương pháp đấu tranh với kẻ địch mà tiến hành đấu tranh trong nội bộ...” (9).

Bộ Chính trị nhận định hậu quả của những sai lầm kể trên: “Do những sai lầm nói trên, mà hiện nay tình hình trong Đảng và trong nhân dân đang căng thẳng một cách phổ biến, từ thôn quê đến thành thị, từ quần chúng cơ bản đến các tầng lớp trên, từ ngoài nhân dân đến trong Đảng, ai nấy đều thấy đời sống chính trị và vật chất đang gặp những khó khăn không bình thường, trong Đảng và ngoài nhân dân đang chờ đợi những biện pháp sửa chữa gấp rút và kiên quyết của Trung ương và Chính phủ...” (10).

Phát hiện sai lầm và sửa sai

Sau những sự kiện quốc tế và trong nước đầu năm 1956, nhất là ảnh hưởng của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX, khoảng giữa năm 1956, chính ở đỉnh cao của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, hình như đã có một sự “bừng tỉnh”: Sai rồi!

Từ tháng 7 năm 1956, liên tiếp có nhiều cuộc hội nghị quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng để bàn về những sai lầm và về việc sửa sai.

Trong đó, đặc biệt phải kể tới Hội nghị Trung ương lần thứ 10 họp làm hai lần từ tháng 9 tới tháng 11 – 1956. Nội dung chủ yếu của Hội nghị này là sửa chữa những sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Hội nghị đã thẳng thắn vạch rõ những sai lầm trong những năm qua, phân tích sâu sắc những nguyên nhân và gọi đúng tên của những sai lầm là tả khuynh, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp kiên quyết và hữu hiệu để sửa sai.

Một biểu hiện trước tiên của tinh thần thẳng thắn, dũng cảm, sửa chữa sai lầm là: Hội nghị đã quyết định thi hành kỷ luật một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng:

Trường Chinh từ chức Tổng Bí thư.

Lê Văn Lương, phụ trách Ban Tổ chức Trung ương và phụ trách công tác chỉnh đốn tổ chức được đưa ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Hồ Viết Thắng thôi giữ chức Thường trực Uỷ ban Cải cách ruộng đất Trung ương, ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Hội nghị cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng kiêm Tổng Bí thư, bổ sung thêm vào Bộ Chính trị một số vị khác như Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị...

Hội nghị chủ trương nhanh chóng khôi phục lại danh dự và cương vị cho những người đã bị xử trí oan, đền bù và chăm sóc thích đáng cho thân nhân và những người đã tự sát và bị xử bắn oan, công khai xin lỗi nhân dân... (11).

Hội nghị cũng thông qua một loạt Nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng, về dân chủ hoá bộ máy, về thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, về tăng cường chế độ pháp trị, về kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc... (12).

Đặc biệt Nghị quyết về kiện toàn tổ chức và cải tiến lề lối làm việccó đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ:

“Hội nghị Trung ương cần họp thường kỳ hơn, từ 3 – 4 tháng một lần”.

“Tăng cường mối quan hệ giữa Trung ương đối với Chính phủ trên cơ sở thực hiện đúng nội dung của một “Chính phủ liên hiệp dân chủ”. Đối với các Bộ trưởng, Thứ trưởng ngoài Đảng, cần hết sức giúp đỡ họ nắm được đường lối, chủ trương của Đảng ta, thành khẩn lắng nghe và tranh thủ ý kiến của họ, thực sự tôn trọng nhiệm vụ và quyền hạn của họ”.

“Hội nghị Trung ương cần mở rộng cho một số cán bộ phụ trách các ngành, các khu tham gia để góp ý kiến”.

“Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư bàn về vấn đề thuộc ngành nào thì cán bộ ngành ấy được tham dự để phát biểu ý kiến và nhận chỉ thị”.

“Các cán bộ Trung ương phụ trách các ngành thì có quyền hạn và nhiệm vụ tương đương với vị trí của ngành mình phụ trách, phải thực hành đúng chế độ dân chủ, tập thể, cần sửa chữa tình trạng lãnh đạo theo lề lối cá nhân, không đảm bảo tập thể dân chủ” (13).

Điều đặc sắc của Việt Nam là tuy những sai lầm diễn ra kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chỉ sau mấy tháng sửa sai, tình hình đã ổn định, lòng người dân lại yên. Nếu không phải là một Đảng, một chính thể đã từng xả thân vì dân vì nước, đã từng cùng dân vượt muôn trùng gian khó để giành lấy độc lập, tự do, thì khó có thể được nhân dân độ lượng và tin yêu đến như thế.

Vả chăng cũng cần phải kể đến một nhân tố nữa: Từ cuối năm 1956, nhân dân và cán bộ đều thấy rất rõ rằng từ khi nhận ra sai lầm, Đảng và Nhà nước đã thẳng thắn, trung thực trước những khuyết điểm của mình, đã dũng cảm nói thẳng với dân, với cán bộ, để cùng nhau quyết tâm sửa chữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trước nhân dân: “Sai lầm của Đảng và của chúng ta khác với sai lầm của những bọn khác. Đảng thấy sai thì quyết tâm sửa chữa. Thời đế quốc, tư bản có bao giờ nó nói có sai lầm, xin sửa chữa đâu. Đảng là người, nên có sai lầm, nhưng vì có chủ nghĩa Mác – Lênin, có mục đích phục vụ nhân dân, có phê bình và tự phê bình, cho nên kiên quyết sửa chữa” (14).

Phong cách đó của Hồ Chí Minh đã góp một phần rất quan trọng vào việc giữ chữ tín, chữ kính trong dân và ổn định tinh thần xã hội.

____________

* Viện Kinh tế Việt Nam, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 – 2000, tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, 2005.

1. Đề cương báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tháng 10 – 1956. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, tập 17, tr. 425.

2. Báo cáo của Ban sửa sai Trung ương, tháng 7 – 1956. Lưu trữ Viện Kinh tế học.

3. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, tập 17, tr. 426.

4. Tố Hữu. Nhớ lại một thời kỳ (Hồi ký).Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000, tr. 278 – 279.

5. Nội san Cải cách ruộng đất, số 15 ngày 19 – 2 – 1956.

6. Văn Tạo. Cải cách ruộng đất – thành quả và sai lầm. Nghiên cứu lịch sử, số 2, năm 1993l, tr. 7.

7. Đề cương báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tháng 10 – 1956. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17, tr. 430 – 431.

8. Như trên, tr. 432.

9. Như trên, tr. 434 – 438.

10. Như trên, tr. 447.

11. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 về chức Tổng Bí thư, về Bộ Chính trị, Ban Bí thư và việc thi hành kỷ luật đối với một số đồng chí Trung ương phạm sai lầm... Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17, tr. 574 – 577.

Trong văn bản này không thấy nói đến Hoàng Quốc Việt. Nhưng theo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng thời kỳ đó kể lại, thì trong đợt này, Hoàng Quốc Việt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Cải cách ruộng đất, phụ trách mặt trận, cũng được đưa ra khỏi Bộ Chính trị. Xem: Hoàng Tùng. “Trường Chinh một nhân cách lớn...”. Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 141.

12. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 17, tr. 475 – 576.

13. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 về kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc..., sđd, tr. 578 – 586.

14. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 về chuẩn bị Đại hội Đảng lần III. Sđd, tr. 595 – 601.

Nguồn: Xưa và Nay, số 297, 12/2007, tr 10

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.