Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 17/11/2010 18:17 (GMT+7)

Pháp luật quốc tế và việc vạch biên giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng

Pháp luật quốc tế về biên giới trên biển

Không gian mà con người sinh sống trên trái đất chủ yếu gồm ba phần: đất, biển, trời.

Phần đất – bao gồm đất liền, đảo, sông suối, hồ nội địa, lòng đất bên dưới – từ lâu đã được phân chia hết giữa các nước và được thể hiện bằng các đường biên giới quốc gia xác định bởi thực tế quản lý hay điều ước quốc tế. Đường biên giới trên đất liền được coi là bền vững và bất khả xâm phạm. Tuy vậy, trên thực tế hiện nay vẫn diễn ra nhiều tranh chấp biên giới và đường biên giới trên đất liền giữa các quốc gia trên thế giới cũng không phải luôn luôn ổn định. Có thể khẳng định rằng, bất kỳ một mỏm đất (đảo) nào mới mà xuất hiện trên mặt biển sẽ bị người này hay người khác chiếm lĩnh ngay lập tức.

Vùng trời của các quốc gia về cơ bản cũng đã được phân định rõ ràng từ lâu và dựa chủ yếu vào việc phân chia các vùng đất.

Riêng với vùng biển, trong thời gian gần đây có rất nhiều sự thay đổi mới lớn lao về phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc một quốc gia ven biển, cũng như vùng biển, đáy và lòng đất dưới đáy vùng biển không thuộc bất kỳ một quốc gia nào. Nguyên tắc cơ bản của luật biển là có đất mới có biển. Có thể thấy các thay đổi này diễn ra theo một tiến trình ba bước cơ bản sau:

Từ xưa cho đến tận giữa thế kỷ 20, các quốc gia vùng ven biển chỉ có vùng biển hẹp (lãnh hải) thuộc chủ quyền rộng 3 hải lý (mỗi hải lý bằng 1.832 m). Phía ngoài còn lại tất cả là biển công. Cá nhân, tổ chức, tàu thuyền của mỗi quốc gia được hưởng quyền tự do biển cả. Hầu như không ai chia biển với ai cả, đường biên giới trong lãnh hải giữa các nước thường được hình thành và tôn trọng theo tập quán.

Từ năm 1958 đến năm 1994, các quốc gia ven biển có lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải rộng không quá 12 hải lý, có vùng thềm lục địa trải dài dưới biển ra không quá độ sâu 200 m nước (theo công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1958). Các quốc gia láng giềng kế cận hay đối diện nhau, căn cứ vào luật pháp quốc gia, tự mình quy định các vùng biển dẫn đến có thể có sự chồng lấn lên nahu. Luật biển quốc tế lúc đó quy định các quốc gia có vùng chồng lấn phải cùng nhau giải quyết vạch đường biên giới (bao gồm biên giới biển trong lãnh hải, ranh giới biển trong vùng tiếp giáp và thềm lục địa) trong vùng chồng lấn.

Nguyên tắc vạch đường biên giới chung trong lãnh hải là theo thỏa thuận giữa các quốc gia có liên quan; nếu không đạt thỏa thuận thì đương nhiên theo đường trung tuyến (đường cách đều các điểm gần nhất của đường cơ sở lãnh hải của mỗi quốc gia) trừ trường hợp có danh nghĩa lịch sử hay hoàn cảnh đặc biệt (Điều 12 Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958).

Còn nguyên tắc vạch ranh giới vùng thềm lục địa là các quốc gia kế cận hay đối diện nhau có liên quan phải cùng vạch để đi đến thỏa thuận. Nếukhông thể đạt được thỏa thuận chung thì đường cách đều cũng đương nhiên được dùng làm đường ranh giới, trừ trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt phải vạch khác đi (Điều 6 Công ước của Liên hợp quốc vềthềm lục địa năm 1958).

Như vậy, vào thời kỳ này, nguyên tắc vạch biên giới biển chủ yếu là phải theo thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nếu không thì thường dùng đường trung tuyến.

Tuy nhiên, việc dùng đường trung tuyến một cách máy móc có thể dẫn đến bất hợp lý do điều kiện địa lý các vùng biển rất khác nhau. Do đó sau này trong Công ước 1982, người ta không coi việc dùng đường trung tuyến như một nguyên tắc nữa.

Từ năm 1994 đến nay: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển mới được các quốc gia ký kết vào năm 1982 nhưng mãi đến ngày 16 – 11 – 1994 mới có liệu lực pháp lý quốc tế. Việt Nam phê chuẩn Công ước 1982 vào năm 1994. Theo Công ước này, một quốc gia ven biển có năm vùng biển: Nội thủy, lãnh hải (rộng 12 hải lý), vùng tiếp giáp lãnh hải (rộng 12 hải lý), vùng đặc quyền về kinh tế (rộng 200 hải lý). Với sự ra đời của Công ước 1982, trên thế giới các quốc gia sẽ phải cùng nhau vạch khoảng 412 đường biên giới biển mới. Trước năm 1994, một số quốc gia đã theo tinh thần của Công ước 1982 để vạch đường biên giới biển chung giữa họ với nhau.

Khi các vùng biển trên của các quốc gia láng giềng kế cận hoặc đối diện nhau có sự chồng lấn thì các bên phải cùng nhau giải quyết việc vạch biên giới chung trong các vùng biển đó.

Nguyên tắc vạch biên giới lãnh hải vẫn được giữ như cũ là các quốc gia phải cùng nhau thỏa thuận, nếu không thì các bên phải tuân theo đường trung tuyến (Điều 15 Công ước 1982).

Nguyên tắc vạch đường ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa là tương tự nhau, đó là các quốc gia láng giềng kế cận hay đối diện nhau trên cơ sở pháp luật quốc tế để có thể thỏa thuận được một giải pháp công bằng cho các bên. Nếu không thỏa thuận được thì có thể sử dụng các cơ quan tài phán (Toàn án) quốc tế. Trong khi chờ đợi giải quyết, các bên có thể thỏa thuận biện pháp tạm thời để cùng khai thác, sử dụng vùng biển liên quan mà không ảnh hưởng đến việc vạch đường ranh giới sau này. Nếu nơi nào đã có hiệp định hay thỏa thuận chia rồi thì giữ nguyên giá trị (Điều 74 và 83 Công ước 1982).

Nguyên tắc cơ bản theo Công ước 1982 là thỏa thuận và công bằng theo pháp luật quốc tế. Công ước không bắt buộc phải dùng biện pháp phân chianào mà để tùy thuộc các quốc gia xem xét. Tuy vậy, qua thực tiễn, người ta thường khởi đầu bằng việc vạch một đường trung tuyến, sau đó có điều chỉnh thích hợp để đạt được sự công bằng cho các quốcgia liên quan.

Các yếu tố liên quan đến vạch đường biên giới trên biển

Khi áp dụng các quy định của Công ước 1982 để vạch đường biên giới biển, có rất nhiều yếu tố liên quan.

Thứ nhất là, một quốc gia ven biển phải quy định và vạch biên giới các vùng biển của mình theo đúng các quy định của Công ước 1982.

Thứ hai,tuy nhiên đường biên giới trong vùng biển có sự chồng lấn phải là đường được các quốc gia liên quan bàn bạc và cùng thỏa thuận hay cùng chấp nhận nếu việc giải quyết là do Tòa án quốc tế thực hiện. Đường biên giới trong vùng biển chồng lấn do một bên đơn phương quy định chỉ được coi là một yêu sách, không có giá trị pháp lý quốc tế.

Các bên trước hết phải cùng nhau xác định cụ thể khu vực chồng lấn phải giải quyết. Tiếp đó, để bảo đảm nguyên tắc công bằng, cần phải xem xét đến các hoàn cảnh đặc biệt có liên quan mà chủ yếu là các hoàn cảnh địa lý tự nhiên như hình thái đường bờ biển liên quan (bờ biển lồi hay lõm), chiều dài của hướng chung của đường bờ biển của các bên, sự hiện diện của các đảo ở khu vực biển liên quan. Các đảo, tùy vị trí, kích thước, tùy thỏa thuận của các quốc gia liên quan sẽ có hiệu lực khác nhau khi các bên vạch đường biên giới.

Về mặt pháp lý, các yếu tố về kinh tế như tài nguyên, truyền thống khai thác và sử dụng biển, như cầu giao thông hàng hải… không phải là các yếu tố trực tiếp liên quan đến việc vạch đường biên giới. Tuy nhiên, khi giải quyết, để bảo đảm tính hợp lý và công bằng, phù hợp với các quy định về cho phép đánh bắt hải sản dư thừa trong vùng đặc quyền về kinh tế, về sự khuyến khích các quốc gia liên quan hợp tác bảo vệ tài nguyên và vùng biển, tính đến lợi ích chính đáng của người dân sinh sống ở vùng biển liên quan, giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển, các quốc gia liên quan thường tính đến các yếu tố trên khi bàn bạc giải quyết.

Có một số quốc gia liên quan, do tính chất phức tạp của vấn đề, khi không thể tự mình giải quyết được việc vạch đường biên giới biển giữa họ thì nhờ đến Tòa án quốc tế để giải quyết. Tuy nhiên, đại đa số các quốc gia đều muốn giải quyết thông qua đàm phán hòa bình để tìm ra giải pháp. Giải pháp do các quốc gia tự mình cùng nhau tìm ra thường có tính hợp lý, công bằng và bền vững hơn, dễ đi vào thực tiễn hơn.

Quan điểm và chủ trương của Việt Nam trong việc vạch biên giới biển với các quốc gia có liên quan

Việt Nam là một nước có bờ biển dài, vùng biển rộng, có nhiều đảo và quần đảo, đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa Biển Đông. Trước đây, nếu theo các Công ước Luật biển năm 1958, Việt Namsẽ có biên giới lãnh hải chung với Trung Quốc và Campuchia, có ranh giới thềm lục đại chung với Trung Quốc ở khu vực vịnh Bắc Bộ, với Indonesia, Malaysia , Thái Lan, Campuchia. Nay,theo Công ước 1982, chúng ta có thêm ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế với các quốc gia liên quan. Ngoài ra, trên biển Đông ranh giới ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của nước ta mở rộng ra nhiều.

Như vậy, có thể nói, theo pháp luật Quốc tế, Việt Nam phải đàm phán giải quyết vấn đề biên giới biển với bảy quốc gia là: Trung Quốc,Philipine, Malaysia, Brunay, Indonesia, Thái Lan, Campuchia.

Ngày 12 – 5 – 1977, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Điều 7 của Tuyên bố quy định: “Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”.

Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam ngày 23 – 6 – 1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã khẳng định các vùng biển Việt Nam như tuyên bố của Chính phủ Việt Nam năm 1977 và theo đúng quy định của Công ước 1982, đồng thời nêu rõ: “… chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982…”,

Như vậy, quan điểm cơ bản của Nhà nước ta đối với việc vạch biên giới biển trong vùng chồng lấn với các quốc gia láng giềng là: thông qua thương lượng hòa bình, bình đẳng và trên cơ sở pháp luật quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp công bằng cho các bên liên quan.

Căn cứ vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã và đang tiến hành giải quyết vấn đề vạch đường biên giới biển với các quốc gia láng giềng liên quan.

Tình hình và thực tiễn giải quyết việc vạch đường biên giới biển giữa Việt Nam và một số quốc gia láng giềng liên quan

Thái Lan

Năm 1971, Việt Namquy định phạm vi thềm lục địa phía nam Việt Nam, trong đó tại khu vực giữa Việt Namvà Thái Lan đường ranh giới đi theo trung tuyến giữa bờ biển các đảo Việt Nam (Thổ Chu) và bờ biển Thái Lan. Năm 1973, Thái Lan quy định ranh giới thềm lục địa theo đường trung tuyến giữa bờ biển Thái Lan và đảo Phú Quốc Việt Nam . Giữa hai bên hình thành vùng chồng lấn rộng khoảng 6.000 km2.

Vùng biển chồng lấn giữa hai quốc gia nằm trong vịnh Thái Lan là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên bao gồm hải sản, dầu khí.

Hai bên tiến hành đàm phán giải quyết từ năm 1992 – 1997. Trong quá trình đàm phán, hai bên đã căn cứ vào pháp luật quốc tế, điều kiện tự nhiên cụ thể của khu vực biển liên quan bao gồm chiều dài hướng chung của đường bờ biển, hiệu lực của đảo, phương pháp vạch đường trung tuyến, tính đến lợi ích của các quốc gia khác có liên quan… Qua cân nhắc, hai bên thấy rằng do vị trí nằm khá xa bờ biển, khoảng 87 hải lý (161 km) nên theo thực tiễn và pháp luật quốc tế, đảo Thổ Chu chỉ có thể được hưởng 1/3 hiệu lực khi vạch đường.

Tháng 8 – 1997, Chính phủ hai quốc gia ký Hiệp định vạch đường ranh giới vùng biển đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước theo một đường dài khoảng 74 hải lý (137 km).

Đây là hiệp định về vạch đường biên giới biển đầu tiên Việt Nam ký kết với các quốc gia láng giềng.

Sau khi ký kết, hoạt động của quản lý biển, đánh bắt hải sản đi vào nề nếp, tình hình trên biển ổn định, công cuộc thăm dò khai thác dầu khí hai bên đường ranh giới của hai bên được tiến hành mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực. Các công ty dầu khí ở nước ta vừa ra tuyên bố đã phát hiện thương mại đối với bốn mỏ khí lớn ở trên thềm lục địa Việt Nam trong vịnh Thái Lan.

Malaysia

Trong khu vực cửa vịnh Thái Lan, giữa Việt Namvà Malaysia có một khu vực chồng lấn hẹp rộng khoảng 2.800 km2. Ranh giới ngoài cửa thềm lục địa Việt Nam tại khu vực này được quy định năm 1971. Malaysia đưa ra ranh giới của mình năm 1979.

Trong khu vực chồng lấn giữa hai quốc gia, đã phát hiện ra ba mỏ dầu khí có thể khai thác thương mại. Năm 1992, hai bên bắt đầu đàm phám. Trong đàm phán, hai bên nhận thấy rằng nếu đi vào bàn vấn đề vạch đường biên giới trong khu vực chồng lấn thì có thể đòi hỏi phải có nhiều thời gian, không thể khai thác sớm các mỏ dầu khí phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khu vực chồng lấn không quá lớn, có thể hợp tác quản lý.

Do đó, căn cứ vào quy định về biện pháp tạm thời trong khi chờ đợi giải quyết vấn đề biên giới, hai bên nhất trí ký kết thỏa thuận về “hợp tác khai thác chung” vùng chồng lấn từ năm 1992 trên cơ sở bình đẳng về mọi mặt: vốn đầu tư, chia lợi nhuận, quản lý, không ảnh hưởng đến giải pháp vạch đường biên giới sau này. Hai bên giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và Tổng Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) thay mặt hai Chính phủ ký kết và thực hiện thỏa thuận thương mại hợp tác khai thác, lập ủy ban điều phối chung.

Đây là thỏa thuận về hợp tác khai thác chung đầu tiên của nước ta với các quốc gia láng giềng.

Các mỏ thuộc khu vực chồng lấn Việt Nam – Malaysia là khu vực mỏ thứ ba sản xuất khai thác thương mại dầu khí của nước ta, tăng cường khả năng xuất khẩu và đem lại nguồn ngoại tệ lớn, phục vụ sự nghiệp xây dựng kinh tế, góp phần phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Malaysia.

Trung Quốc

Ngày 25 – 12 – 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định về hoạch định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ. Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc, rộng khoảng 126.250 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải lý). Vịnh là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên về hải sản, có tiềm năng dầu khí, là con đường biển quan trọng. Từ lâu, nhân dân hai quốc gia đã tiến hành sử dụng, khai thác vùng biển trong vịnh Bắc bộ.

Căn cứ vào Công ước 1982, giữa hai bên phải vạch đường biên giới biển trong lãnh hải ở khu vực cửa sông Bắc Luân, vạch đường ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong vịnh. Nếu hai quốc gia đều quy định vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục dịa 200 hải lý thì do khoảng cách giữa bờ biển hai bên chưa đến 200 hải lý nên hầu hết vịnh Bắc Bộ trở thành vùng chồng lấn, rất khó khăn cho công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ.

Năm 1993, hai bên đã đi đến thỏa thuận nguyên tắc về vấn đề vạch đường biên giới biển trong vịnh Bắc Bộ là: “Hai bên đồng ý sẽ áp dụng luật biển quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế để tiến hành đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ; nhằm đạt thỏa thuận về phân định vịnh Bắc Bộ, hai bên cần theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong vịnh để đi đến một giải pháp công bằng”. Thỏa thuận nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Từ năm 1994 – 2000, hai bên đã đàm phán cụ thể trong vòng bảy năm. Trong đàm phán, hai bên đã trao đổi về pháp luật quốc tế áp dụng trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của vịnh Bắc Bộ, tính đến các hoàn cảnh tự nhiên có liên quan như chiều dài và hướng đi, hình thái chung của đường bờ biển của mỗi bên, sự hiện diện và hiệu lực của các đảo trong khu vực vịnh, kiểm tra tính công bằng của thỏa thuận theo phương thức của Tòa án quốc tế. kết quả là hai bên đã thống nhất được vạch một đường biên giới nối 21 điểm, trong đó đoạn từ điểm 1 – 9 là biên giới lãnh hải, từ điểm 9 – 21 là ranh giới chung cho cả vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Theo đường hoạch định, phía Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh. Về diện tích, vùng biển phía Việt Nam hơn phía Trung Quốc khoảng 8.205 km. Các đảo ven bờ Đông Bắc Việt Nam có hiệu lực một phần, đảo Bạch Long Vĩ nằm xa ngoài giữa vịnh gần đường biên giới nhưng vẫn được có hiệu lực 25%, đảo Cồn Cỏ có hiệu lực 50%. Tất cả các kết quả này đạt được là do hai bên áp dụng luật quốc tế, bao gồm cả việc sử dụng phương pháp đường trung tuyến có điều chỉnh và được quyết định bởi yếu tố điều kiện và hoàn cảnh địa lý tự nhiên khách quan của vịnh Bắc Bộ. Kiểm nghiệm về công bằng, tính tỷ lệ chiều dài bờ biển hai bên so với tỷ lệ diện tích đạt được đều là 1,1/1 nên kết quả trên là công bằng.

Đây là hiệp định vạch biên giới biển thứ hai Việt Nam ký với nước liên quan nhưng là một hiệp định có ý nghĩa hết sức lớn lao vì lần đầu tiên trong lịch sử đã vạch được đường biên giới chung giữa hai quốc gia trong một vịnh lớn, có tầm quan trọng đặc biệt về mọi mặt đối với cả hai quốc gia, bảo đảm công bằng cho cả hai bên.

Campuchia

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng kế cận nhau. Hai bên có vấn đề xác định rõ chủ quyền hải đảo và vạch đường biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Năm 1982, hai bên đã ký Hiệp định về vùng nước lịch sử, trong đó xác định rõ chủ quyền đảo của mỗi bên theo một đường mà Toàn quyền Đông Dương Brévié đề xuất năm 1939, thiết lập một vùng nước lịch sử chung hai bên cùng nhau kiểm soát và quản lý,hoạt động đánh bắt hải sản được thực hiện theo tập quán như cũ, mọi hoạt động liên quan đến thăm dò dầu khí phải có ý kiến nhất trí của bên kia.

Hiện nay, giữa hai bên chỉ còn tồn tại vấn đề vạch đường biên giới biển chung cho vùng nước lịch sử, lãnh hải và ranh giới biển chung trong vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Năm 1983, Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biển giữa Việt Nam và Campuchia đã nêu rõ hai bên sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề tồn tại trên theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Hiện nay, cả hai nhà nước đều bày tỏ cam kết tôn trọng các hiệp ước, hiệp định về biên giới mà cả hai nước đã ký kết trong những năm 1980 và trên cơ sở đó, đang tiếp tục đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ còn tồn tại để sớm xây dựng được biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác trên đất liền, trên biển giữa hai quốc gia.

Indonesia

Indonesialà quốc gia láng giềng có quy chế quốc gia quần đảo nằm ở tương đối xa với Việt Nam . Giữa hai quốc gia có vấn đề vạch ranh giới chung vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Vùng biển chồng lấn giữa hai quốc gia rộng khoảng 40.000 km2. Hai quốc gia dã tiến hành đàm phán giải quyết từ năm 1978 trên cơ sở áp dụng pháp luật và thực tiễn quốc tế vào điều kiện tự nhiên cụ thể của vùng biển chồng lấn liên quan. Trong quá trình giải quyết, hai bên đã xem xét các khía cạnh như ảnh hưởng của quy chế quốc gia quần đảo trong vạch biên giới biển, hiệu lực của đảo như Côn Đảo của Việt Nam và các đảo Natuna Bắc của Indonesia chiều dài hướng chung của đường bờ biển có liên quan của mỗi bên, sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa, việc áp dụng hợp lý phương pháp vạch đường trung tuyến… nhằm cố gắng đạt được một giải pháp công bằng.

Sau nhiều năm đàm phán, ta và Indonesia đã ký hiệp định phân định thềm lục địa 2 nước năm 2003.

Ý nghĩa của việc giải quyết vấn đề biên giới với các quốc gia liên quan

Vấn đề hoạch định đường biên giới với các quốc gia láng giềng là một vấn đề hết sức quan trọng và thiêng liêng vì nó liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền quyền tài phán quốc gia, đến lợi ích quốc gia. Đồng thời đây cũng là một vấn đề hết sức mới mẻ, phức tạp và khó khăn.

Một quốc gia không thể áp đặt ý chí đơn phương của mình về biên giới biển cho một quốc gia láng giềng khác trái với pháp luật và thực tiễn quốc tế. Việc vạch đường biên giới trên biển giữa các quốc gia láng giềng đòi hỏi phải áp dụng chặt chẽ pháp luật và thực tiễn quốc tế trong một điều kiện và hoàn cảnh tự nhiên cụ thể, mỗi nước phải bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình nhưng đồng thời cũng phải tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng được pháp luật và thực tiễn quốc tế thừa nhận của các quốc gia láng giềng.

Việc giải quyết tốt đẹp việc hoạch định biên giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia liên quan vừa qua là sự quán triệt và thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề biên giới với các quốc gia láng giềng, đàm phán giải quyết trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh khách quan nhằm đạt được một giải pháp công bằng các bên đều chấp nhận được. Kết quả đàm phán giải quyết đã giúp từng bước xác định rõ phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác và quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia láng giềng, giảm nguy cơ tranh chấp xung đột, giữ gìn hòa bình và ổn định trên vùng biển xung quanh của đất nước.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.