Phan Thanh Giản & vấn đề lịch sử
Đầu đề của công trình cũng đã cho chúng ta thấy rõ ý hướng của các tác giả khi thực hiện công trình này: phục hồi danh dự công việc, như chính tác giả bộc lộ trong phần dẫn nhập, được tác giả ôm ấp “từ buổi thiếu thời khi chúng tôi phải học điều mà học sinh Việt Nam phải học tại ghế nhà trường về nhân vật lịch sử này. Chúng tôi đã phẫn nộ trước điều chúng tôi cho là một bất công lớn. Do đó, nhiều năm sau, khi chúng tôi lên đại học và chọn lịch sử Việt Nam , điều tự nhiên là việc nghiên cứu của chúng tôi hướng về cuộc đời Phan Thanh Giản”.
Như các tác giả khẳng định trong phần dẫn nhập, đây không phải là một công trình bàn thêm về tiểu sử của Phan Thanh Giản, mà có mục đích trước tiên trình bày các tư liệu chưa được công bố. Các tác giả đã có cơ hội nghiên cứu, liên quan tới giai đoạn gây tranh cãi nhiều nhất của cuộc đời của Phan Thanh Giản, và cũng là những năm cuối đời của ông (1862 - 1867). Và đồng thời giới thiệu với độc giả các suy nghĩ của mình từ các tư liệu này, qua đó góp phần vào việc phục hồi một cách dứt khoát, vĩnh viễn cho nhân vật lịch sử đã được gắn chặt với các “biến cố rất trầm trọng khiến một đất nước độc lập, nhưng chìm đắm trong sự trì trệ triền miên, trở thành một thuộc địa của nước phương tây, và nhờ học hỏi từ đất nước này, nhưng không đánh mất bản sắc của mình, trong vòng chưa đầy một thế kỷ, bắt kịp trình độ của các cường quốc độc lập khác” (tr 1).
Công trình sử học của chúng tôi muốn giới thiệu ở đây gồm hai phần lớn chúng tôi gọi là phần nghiên cứu và phần phụ lục. Phần phụ lục, không đánh số trang, gồm 28 phụ lục được ghi từ số 1 đến số 28, tổng cộng là 178 trang sách.
Phần nghiên cứu gồm 262 trang, không kể phần đầu đánh số La Mã gồm một bản niên đại nhằm đối chiếu những năm tháng trong tiểu sử của Phan Thanh Giản với những năm tháng diễn ra những biến cố của lịch sử Việt Nam và thế giới và một tiểu sử tóm tắt của Phan Thanh Giản.
![]() |
Các nhà khoa học, nhà văn hoá cả nước trước mộ phần cụ Phan Thanh Giản tại Bảo Thạch - Ba Tri - Bến Tre năm 2003 |
Phần hai, từ trang 79 tới trang 117, có đầu đề là Phan Thanh Giản bị phê phán một cách không mấy khách quan. Trong phần này, các tác giả duyệt lại các vụ lên án Phan Thanh Giản, từ ngay sau khi ba tỉnh miền Tây Nam bộ rơi vào tay Pháp cho tới những vụ lên án sau này. Ba đợt lên án và đánh giá Phan Thanh Giản đáng được lưu ý nhất trong số những vụ lên án được nêu trong phần này là đợt lên án của triều đình Huế và của vua Tự Đức ngay sau khi mất ba tỉnh miền Tân Nam bộ và Phan Thanh Giản tự tử chết, đợt thứ hai là cuộc hội thảo khoa học do giáo sư Trần Huy Liệu tổ chức vào năm 1963 và cuộc hội thảo được tổ chức tại Vĩnh Long năm 1994, dưới sự chủ toạ của giáo sư Phan Huy Lê và được các tác giả gọi là một nỗ lực phục hồi tuy còn dè dặt.
Trước hết là bản án của triều đình Huế và của vua Tự Đức. Trước cái tin ba tỉnh miền Tây Nam bộ chưa đánh đã hàng, dưới con mắt của Tự Đức, Phan Thanh Giản trở thành một kẻ có lời nói không đi đôi với việc làm, không có khả năng đối diện với các biến cố để tìm ra phương thức chạy chữa. Các quan trong triều lên án Phan Thanh Giản đã thiếu trách nhiệm trong khi thi hành bổn phận của mình, đã không điều tra chính xác tình hình để báo cáo với triều đình và chờ chỉ thị của triều đình, không tiêu diệt được âm mưu của đối phương, không biết hành động theo tình huống nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội (81 - 82). Cuối cùng, Tự Đức kết tội Phan Thanh Giản có trách nhiệm trong việc để mất sáu tỉnh Nambộ vào tay Pháp: ba tỉnh miền Đông vì mất cảnh giác và lơ là trong việc thương thuyết với Pháp, ba tỉnh miền Tâyvì không nắm được thời cơ. Với tội danh này tên tuổi Phan Thanh giản bị xoá khỏi bia tiến sĩ, và mặc dù đã tự xử bằng cách uống thuốc độc chết, Phan Thanh Giản vẫn cứ bị kêu án chặt đầu, để bản án được tuyên trên kẻ đã chết sẽ tồn tại mãi mãi, để là một lời cảnh cáo đối với các thế hệ sau. Tác giả lưu ý là việc lên án của Tự Đức tương ứng với một hoàn cảnh lịch sử trong đó cần phải đề cao tinh thần yêu nước của toàn thể dân tộc dù có phải phạm bất công đối với một cá nhân.
Tại cuộc hội thảo khoa học được tổ chức tại Hà Nội năm 1963, dưới quyền chủ toạ và điều khiển của giáo sư Trần Huy Liệu, Phan Thanh Giản lại bị lôi ra toà và bị xử đề bản án dành cho kẻ đầu hàng giặc hôm qua, cũng sẽ là bản án dành cho mọi hành động khuất phục trước sức mạnh vật chất của kẻ xâm lược hôm nay: năm 1867 là giặc Pháp, và bây giờ là giặc Mỹ. Tác giả đã dành nhiều trang để phân tích bài của giáo sư Trần Huy Liệu đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử,số 66, 10 – 1963. Theo bài viết của giáo sư Trần Huy Liệu và được tác giả trích dẫn thì hội nghị do giáo sư tổ chức đã nhất trí trong việc phê phán và lên án Phan Thanh Giản. Phan Thanh Giản quả là con người không có lòng yêu nước. Tuy nhiên, tác giả cho biết, ngay trong buổi hội thảo lên án này, cũng đã có hai nhà sử học không đồng quan điểm trong việc lên án Phan Thanh Giản, đó là Đặng Huy Vận và Chương Thâu, theo bài viết của Trần Huy Liệu. Tác giả cũng đã trích dẫn khá dài bài “Phan Thanh Giản trong lịch sử cận đại Việt Nam” đăng trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 48, (3 - 1963), của hai nhà sử học Đặng Huy Vận và Chương Thâu. Lập trường của hai nhà sử học này đã tạo nên một sự ngạc nhiên không ai có thể ngờ tới tại hội nghị và theo giáo sư Trần Huy Liệu, được tác giả trích dẫn, lập trường của họ, trong bối cảnh của sự nhất trí cao của hội nghị, dĩ nhiên, đã gây nên một loạt các phản đối.
Tác giả Phan Thị Minh Lễ lưu ý là vào năm 1963 này, người Mỹ gia tăng các cuộc tấn công Hà Nội bằng không lực, và chính quyền Hà Nội phát động chiến dịch chống lại chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ với khẩu hiệu: “Đẩy mạnh cuộc đấu tranh toàn diện, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ” (tr 86).
Thứ ba là cuộc hội thảo về Phan Thanh Giản tổ chức tại Vĩnh Long năm 1994. Tác giả trích dẫn khá dài và phân tích bài của giáo sư Phan Huy Lê tóm tắt các tham luận của các nhà sử học tham dự hội thảo. Xem ra có sự thay đổi ý kiến nơi các nhà sử học so với hội thảo năm 1963. Tác giả đã trích dẫn và đồng tình với cách giải thích của giáo sư Phan Huy Lê về việc ba thành Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên rơi vào tay Pháp: hạm đội của Pháp áp sát thành Vĩnh Long; Pháp gửi một tối hậu thư cho Phan Thanh Giản buộc phải giao ba tỉnh miền Tây và lên tàu để thương thuyết về sự đầu hàng. Vào chính lúc Phan Thanh Giản quay trở lại sau cuộc trao đổi thì quân Pháp, lợi dụng việc ông vào thành để vây thành. Trường hợp của hai thành An Giang và Hà Tiên cũng vậy. Đó là điều khiến cho việc chiếm ba tỉnh miền Tây được dễ dàng và ít đổ máu (tr 111).
![]() |
Văn bản đánh giá nhân vật Phan Thanh Giản của Viện Sử học Việt Nam do Viện Trưởng Nguyễn Văn Nhật ký ngày 20 /1/2008 |
Phần ba, từ trang 117 tới trang 232, dành cho việc phục hồi danh dự cho Phan Thanh Giản (“Réhaibilitation de Phan Thanh Giản”). Phàn này được chia thành hai phần A và B. Trong phần A, tác giả trình bày các chứng cứ bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ đối với Phan Thanh Giản của những người đương thời hay của những người sau này đã đọc tiểu sử và nghiên cứu tác phẩm của ông: những bài thơ, bài văn của Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thông, Phạm Viết Chánh, Phương Thanh, việc Tùng Thiện Vương xuất bản trọn vẹn các công trình của Phan Thanh Giản, đơn xin phục hồi cho Phan Thanh Giản của một số nhân vật trong đó có Trần San và Nguyễn Hữu Độ, con rể của vua, chiếu chỉ của Bảo Đại tái lập việc thờ cúng Phan Thanh Giản và một số chứng cứ khác.
Phần B, từ trang 143 đến 232, mang tựa đề: Phan Thanh Giản vô tội (Phan Thanh Giản est innocent). Trong phần này, và có thể là phần chính của công trình, tác giả trình bày và phân tích những tư liệu cho tới nay chưa được công bố hay chưa được khai thác đến nơi đến chốn. Tác giả nêu lên ba nguồn tư liệu chính thuộc loại này. Nguồn tư liệu thứ nhất là số thư từ của Đô đốc de La Grandière. Như được trình bày trong lời dẫn nhập, tác giả đã may mắn gặp được một thành viên trong dòng họ của Đô đốc de La Grandière và qua cuộc gặp gỡ này, tác giả đã có thể tiếp cận được với bốn tập thủ bản gồm các thư từ riêng tư của vị Đô đốc, người cầm đầu cuộc hành quân chiếm ba tỉnh miền Tây, trong các năm từ 1863 tới 1868. Và tác giả còn cho biết là đã được gia đình dòng họ de La Grandière cho phép tra cứu một hồ sơ chưa hề được mở kề từ khi Đô đốc qua đời. Các tài liệu này cho tác giả thấy rõ mưu đồ của Pháp cũng như những việc chuẩn bị bí mật của họ để chiếm ba tỉnh miền Tây. Nguồn tư liệu thứ hai đó là các microfilms 28, 29, 29bis trong kho lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp, liên quan đến giai đoạn 1862 - 1867, rất ít người khai thác. Và nguồn tư liệu thứ ba là cuốn Châu bản triều Tự Đức 1848 - 1883 chọn tuyển và tóm lược, do Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Văn học, ấn hành năm 1979 để lưu hành nội bộ. Theo tác giả thì các bản văn này chứng minh một cách hùng hồn trách nhiệm của Tự Đức và của một số quan lại tại triều đình trong việc để mất các tỉnh Nam bộ.
Các tư liệu chưa được công bố này đã bắt buộc các tác giả trở lại với các biến cố và sự kiện được nêu lên ở phần thứ nhất và cho phép các tác giả nhìn các biến cố này dưới một ánh sáng mới (tr 143). Và việc đọc lại lịch sử với ánh sáng của những tư liệu mới này đã minh chứng một cách hùng hồn và đầy thuyết phục Phan Thanh Giản không phải là một kẻ bán nước, phản quốc và phản dân tộc.
Công trình của Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau được giới thiệu trên đây, chắc chắn với nhiều thiếu sót, là một công trình đáng được trân trọng, không phải chỉ vì nó đã góp phần rất lớn, nếu không nói là quyết định, vào việc trả lại công bằng cho Phan Thanh Giản, mà còn vì, theo chúng tôi, nó đã nhắc lại một cách hùng hồn và cụ thể bài học vỡ lòng của những người học sử với sử liệu, và nhờ đó, chúng ta còn có thể trả lại công bằng cho nhiều Phan Thanh Giản khác nữa trong lịch sử.