Phan Bội Châu trong quan hệ với Thiên Chúa giáo
Pho tượng Phan Bội Châu ở Huế, do một nhóm trí thức tự nguyện, tự tay tô khắc, cũng chỉ im lìm một góc vườn nhà, không được dựng lên ở một vị trí thường thấy đối với một danh nhân thực sự, không tì vết hay tì vết không đáng kể. Đây không phải là sự nhầm lẫn như trường hợp Nguyễn Duy Hiệu, mà thể hiện một sự nhận định, đánh giá về ông.
Trước phiên toà đề hình Bắc Kỳ 1925, Phan Bội Châu không chứng tỏ ông là một anh hùng khí tiết. Điều đó thật đáng tiếc cho ông. Nhưng đáng trách hơn vẫn là một Phan Bội Châu trong mối quan hệ Thiên Chúa giáo - một lực lượng gắn bó, sát cánh với thực dân Pháp trong quá trình xâm lược và thống trị, nô dịch dân tộc ta.
Thật không hiểu nổi một Phan Bội Châu khi đọc những dòng điếu văn ông viết vào năm 1936, Khóc đức cha Lý(giám mục Allys), đăng trên báo Tiếng Dân ngày 25 - 5 năm ấy:
“… Nửa thế kỷ choảng vảng chuông đạo Chúa, mở miệng người câm, xoi tai người điếc, những ước ao beo cọp hoá tường lân.
Muôn giáo đồ tắm gội máu tim trời, suốt nam tới bắc, từ gần tới xa, mong mai mốt non sông thành lạc quốc”… (1).
Không hiểu sao Phan Bội Châu lại viết như thế, trong khi ông nhận thức rất rõ bản chất tôn giáo này, trong quá trình Thiên Chúa giáo gắn bó với thực dân. Và ở một đoạn khác, tiếp theo, trong bài văn tế ấy, phải chăng Phan Bội Châu đã tự thú:
“… Tôi nhân vì nhiều bạn thảy con thương của Ngài, trước vài mươi năm từng nhiều phen ở Huế.
[… kiểm duyệt một câu? - PHĐ chua thêm…].
Chẳng trực tiếp, nhưng mà gián tiếp, gió xuân đòi trận, hơi hoà bình từng ngấm vào tim.
Ư [ở - PHĐ ct] ngày nay nhắc tới ngày xưa, tiếng ngọc vài lời, mùi thân ái còn say tới não”… (1).
Như vậy, thêm một lần nữa, chúng ta biết, Phan Bội Châu đã thật sự có quan hệ mật thiết với Thiên Chúa giáo từ những năm còn trẻ, chưa xuất dương sang Nhật.
Mối quan hệ đó, ở Tự phán(2) (tên khác: Phan Bội Châu niên biểu) (2), thể hiện qua ý thức chọn lựa Kỳ Ngoại hầu Cường Để, hậu duệ hoàng tử Cảnh (người vốn đã được “rửa tội”, vào đạo Chúa, trong thời gian theo Pigneau de Béhaine sang Pháp), để tôn phù như một chiêu bào (“Sở Hoài vương, Lê Trang Tôn chẳng qua là một thủ đoạn khi anh hùng khởi sự mà thôi”) (3)., lại còn được chính ông tự tay viết:
“Tôi từ biệt Tiểu La chạy hết các địa phương thầm kết giao đồ từ Quảng Bình dĩ Bắc. Cụ Thông ở Mộ Vịnh, cụ Truyển ở Mỹ Dụ, cụ Thông ở Quỳnh Lưu, cụ Ngọc ở Ba Đồn, thảy sơ thông được tình tố hết; cái đám mây mù nghi ngờ nhau vì lương giáo, quét một trận mà sạch bong, cũng là một việc thích lắm. Việc này Ngô Quảng thật là một người phụng hành rất có công, bởi vì Ngô Quảng sau khi thất cước, đã từng đổi họ tên vào sổ dân giáo, nay anh cắp tôi đi, đường thuộc lối quen, đến đâu là như ý cả. Cho nên về sau tôi xuất dương, công ơn các người giáo dân phù nghĩa rất nhiều. Hiện bây giờ (lúc viết sách này), còn có cụ Lĩnh (đã chết ở Côn Lôn), hai cụ còn an trí ở Nam kỳ, còn các thầy tuyên giáo hãy còn có người còn ở Nhật Bản, Xiêm La, Tàu, chớ không phải việc ngẫu nhiên vậy” (4).
Việc liên kết với linh mục, thầy giảng và giáo dân đạo Chúa ở còn diễn ra trong một thời gian ngắn sau:
“Tháng 10 đến Quảng Bình, ước với các người trong giáo hữu, như cụ Thông, cụ Truyền, đều nhóm nhau ở giáo đường nhỏ tại Ba Đồn. Những người nhóm ở đâu thảy là đảng sót của ông Hiền, ông Hậu, căm giận người Pháp đã lâu ngày” (5).
Một giáo dân khác còn được Phan Bội Châu ghi tên là Trần Văn Bỉnh (người Hà Tĩnh), có nghiên cứu sách Tây, chế được súng đạn:
“Khi đầu tôi mưu bạo động, trước kết giao với ông…” (6).
Mối quan hệ đó, như trong một cuốn sách vừa xuất bản (7), tôi khẳng định, không phải là mối quan hệ giữa Phan Bội Châu cũng như của phong trào Đông Du với Giáo hội Thiên Chúa giáo tại Việt Nam, mà chỉ với một số linh mục, giáo dân đã đủ nghị lực thoát khỏi sự cương toả của giáo hội. Trong đó, Mai Lão Bạng là vị chuẩn linh mục tiêu biểu, bị giáo hội đe doạ rút phép thông công (8). Khi khẳng định như thế, tôi vẫn thể hiểu nổi vì sao ngay trong bản Tự pháncũng như trong bản Phan Bội châu niên biểu đều ghi:
“Năm Mậu Thân, tháng 2, (1908), tôi soạn sửa đi Tiêm La, trở về Hương Cảng, đụng gặp cụ Mai Lão Bạng từ trong nước ra. Đồng đi lần đó có học sinh thanh niên vài mươi người. Cụ Mai là đại biểu cho người trong Thiên Chúa giáo đồ. Giáo hội uỷ thác cụ ra để giới thiệu những người giáo đồ nhập Hội Duy Tân”.
[…].
“Tôi vì cớ tôn trọng giáo hội, mới nhóm toàn viện học sinh hoan nghênh cụ”… (9).
Đó là một lầm lẫn về bản chất của giáo hội Thiên Chúa giáo chăng, vì sự thật lịch sử không đúng như Phan Bội Châu viết về giáo hội, mà sự thực như tôi đã khẳng định, qua quá trình nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Nếu quả thật không có sự sửa chữa của người khác về sau, mà chính Phan Bội Châu đã viết như vậy, thì chỉ có thể lý giải: Phan Bội Châu không đủ dũng cảm do đã quá suy nhược thể chất (già nua, bệnh hoạn), nên đã biện minh cho giáo hội Thiên Chúa giáo với thủ thuật lấy bộ phận (một số linh mục, giáo dân chống Pháp) khái quát ra toàn thể (cả giáo hội đều chống Pháp)!
Không những chỉ ở các tác phẩm thuộc loại tự thuật, hồi ức vừa được trích dẫn, Phan Bội Châu còn thể hiện mối quan hệ ấy ra trong vài bài thơ khác:
“ Tặng báo Vì Chúa
Lòng ta vì chúa, chúa vì ta
Rước thánh thần về đuổi quỷ ma
Đường lối quang vinh lên tột bậc
Ai rằng Thiên quốc ở đâu xa” (10).
(1932)
“ Đầu năm Canh Thìn,
Mừng báo Vì Chúa
Đông xưa sương tuyết gió mưa dồn
Ơn chúa đem quân tặng chúng con
Thế thiệt càn khôn thương lũ bé
Bao giờ cây cỏ giả ơn non
Mười răn thánh dạy rằng in dạ
Ba kiếp trần qua vẫn giữ hồn
Ao ước tuyền Nam rành họ Chúa
Hoa tươi tươi mãi, nguyệt tròn tròn” (11).
(Báo Vì Chúa, số 152, ngày 18 - 2 - 1940).
Phan Bội Châu ao ước toàn (tuyền) cõi nước Nam đều rền (rành) rặt mang họ theo tên Chúa (tên thánh) khi rửa tội hay thêm sức! Một khi Việt Nam đã là một nước Thiên Chúa giáo toàn quốc, thì đất nước muôn đời tươi sáng, như hoa tươi mãi tươi thắm, như trăng tròn mãi tròn sáng, không thể mờ khuyết!
Đấy là thơ của nhà yêu nước Phan Bội Châu đó sao? Thật không thể hiểu nổi!
Đó là chưa kể đến những bài thơ Phan Bội Châu ca ngợi những người cộng tác đắc lực với Pháp như Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Diệm (12)!
Chúng ta có thể lý giải như thế nào về sự tồn tại những bài thơ như thế và những câu văn tế ở đoạn trên trong toàn bộ tác phẩm của Phan Bội Châu? Những bài ấy đều có xuất xứ rõ ràng: trích nguyên văn từ các tác tờ báo đã ấn hành từ những ngày Phan Bội Châu còn sống, nhất là đăng tải ở báo Tiếng Dâncủa chính nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng!
Phải chăng Phan Bội Châu đã đi từ chỗ chỉ liên kết với một số linh mục, thầy giảng, giáo dân trong giai đoạn chống Pháp trước 1925, ông trượt dài đến chỗ thoả hiệp với cả những giám mục thực dân Pháp và ca ngợi những kẻ này cùng cả giáo hội thuộc địa vốn đã bị nô dịch hoá đến mức mụ mẫm?
Phải chăng có một trò đánh lận nào đó trong toàn bộ tác phẩm Phan Bội Châu? Mong được các nhà nghiên cứu chỉ giáo thêm.
Chú thích:
(1) Phan Bội Châu toàn tập (PBC.TT.), Chương Thâu sưu tầm, biên soạn, Nxb. Thuận Hoá, 1990, tập 6, tr. 341 - 342.
(2) Phan Bội Châu, Tự phán, Nxb Văn Hoá - Thông tin, tái bản, 2000, “Phan Bội Châu niên biểu” (PBC.NB.), trong PBC.TT., bộ sđd, tập 6, tr. 39 - 294.
(3) Phan Bội Châu niên biểu, sđd, tr. 65.
(4) Phan Bội Châu niên biểu, sđd, tr. 72 - 73.
(5) Phan Bội Châu niên biểu, sđd, tr. 79.
(6) Phan Bội Châu niên biểu, sđd, tr. 81.
(7) Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, một người trung nghĩa”, Nxb Thanh niên, 2006, tr. 292 – 296. Xem trên web Tác phẩm TXA. http://tranxuanan-nvtnntnghia.blogspot.com/, http://c.lashpost.com/TrXuanAn/an/nguyen vtnntntxtkhduoc/nguyen vtnntntxtkhduoc nsach.html
(8) Trần Tam Tỉnh (linh mục, viện sĩ), Thập giá và lưỡi gươm, nguyên tác tiếng Pháp, bản dịch của Lm. Vương Đình Bích, Nxb Trẻ, 1988, tr. 189.
(9) Phan Bội Châu niên biểu, sđd, tr. 175.
(10) Phan Bội Châu niên biểu, sđd, tập 5, tr. 213.
(11) Phan Bội Châu niên biểu, sđd, tập 5, tr. 423.
(12) Phan Bội Châu, Điếu Nguyễn Hữu Bài, trong Phan Bội Châu toàn tập, bộ sđd, tập 6, tr. 294; Thiết Mai Tôn Thất Cảnh, “Hơn một tiếng đồng hồ cùng cụ Phan Bội Châu ”.
Nguồn: Xưa & Nay, số 286, 6 - 2007, tr 30.