Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 22/06/2011 18:29 (GMT+7)

Phạm Văn Sáng: Ông giám đốc "4T"

Biến giấc mơ thành hiện thực

Là một nhà kinh tế, nhưng tiến sĩ Phạm Văn Sáng lại đam mê công nghệ thông tin (CNTT). Năm 1992, khi nhận nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực này tại Sở Công Nghiệp Đồng Nai, lúc ấy CNTT của Đồng Nai gần như là "vùng trắng" và bản thân ông tiếp cận với "nghề" CNTT cũng chỉ là "bập bõm". Được sự hỗ trợ của một kỹ sư tin học, ông đã xây dựng thành công mạng thông tin nội bộ sơ khai tại đây. Khi chính thức trở thành giám đốc, bằng sự đam mê và thôi thúc của ý tưởng về một "văn phòng không giấy", mạng thông tin nội bộ - tiền thân của mô hình "văn phòng di động" M-Office ngày nay - đã đưa Sở Công nghiệp trở thành đơn vị cấp tỉnh đầu tiên trong khối hành cính nhà nước ứng dụng CNTT vào quản lý, dù chỉ là "để anh em khỏi mất công chạy lên, chạy xuống, từ phòng nọ sang phòng kia để lấy dữ liệu". Ấp ủ ước mơ đưa CNTT vào tất cả các hoạt động quản lý và điều hành công việc của cơ quan luôn canh cánh trong lòng ông. Bởi từ những chuyến đi công tác nước ngoài, ông cảm nhận sự quan trọng khi làm chủ được công nghệ số.

Năm 2003, khi về nhận nhiệm vụ tại Sở Khoa học Công nghệ, ông như được tiếp thêm "lửa" để thắp sáng ước mơ không của riêng mình. Vừa lúc ấy, đề án "Chính phủ điện tử" ra đời, ý tưởng về một phòng điện tử thật sự hun đúc bầu nhiệt huyết trong ông. Mô hình "Văn phòng điện tử" (E-Office) được thiết kế trên hệ thống mạng đã thành công, với sự cộng tác nhiệt tình của một đội ngũ những chuyên viên tin học trẻ của Sở.

"Cuộc cách mạng" tin học hóa trong nội bộ của Sở cũng bắt đầu. Với cương vị là người đứng đầu cơ quan, ông đề nghị toàn nhân viên cơ quan phải tiếp cận với "công nghệ" xử lý văn bản, báo cáo, họp hành bằng hình thức… online. Kể lại chuyện "vạn sự khởi đầu nan", ông cho biết: "Lúc đó, CNTT vẫn còn khá xa lạ với nhiều anh em trong sở, nhất là những người lớn tuổi. Xây dựng thành nội quy cơ quan, sau giờ là việc, mọi người đều phải ở lại để tập huấn những quy trình làm việc trên văn phòng điện tử. Khi thấy anh em cũng biết kha khá, tôi cho tổ chức giao ban tuyến chứ không báo cáo miệng. Mà đã trực tuyến thì phải sử dụng máy chiếu, báo cáo phải làm dưới hình thức power point. Việc này khiến các trưởng phòng rất "ngán". Những anh "sếp" không thể nhờ cấp dưới làm, mà phải trực tiếp thao thác. Biết không thể "né" được, nhiều anh em trong cơ quan đã phải nỗ lực học tập. Nhờ vậy mà chỉ hơn nửa năm, hầu như 95% cán bộ, nhân viên trong cơ quan đều quen với cách làm việc trên mạng". Để anh em thao tác, ứng dụng tốt, ông ưu tiên giải quyết trước, nhanh, gọn những kiến nghị, ký văn bản, báo cáo nào gửi qua mạng; những báo cáo bằng văn bản giấy in sẽ bị giải quyết chậm hơn… Chính vì thế, dù ông đi công tác nước ngoài nhiều ngày, thì những hoạt động trong cơ quan vẫn được chỉ đạo thông suốt.

Cũng từ mô hình "văn phòng điện tử" cơ bản này, ông đã phát triển lên thành mô hình "văn phòng di động" (M-Office) với hiệu quả thật đáng nể. Đến nay đã có hơn 10 cơ quan trong tỉnh sử dụng M-Office và hơn 20 địa phương trong nước đã và đang đề nghị được chuyển giao. Mô hình này là mô hình đầu tiên được xây dựng thành công trong cả nước, đưa Sở KH-CN trở thành Sở có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đứng đầu cả nước. "Cuộc cách mạng" tin học hóa cơ quan không chỉ thay đổi phương thức làm việc của nhân viên, mà còn đem lại nhiều tiện ích cho người dân như những thông tin cần thiết về hoạt động KH-CN đều được niêm yết công khai, các hoạt động sở hữu trí tuệ, thông tin khoa học, tiêu chuẩn đo lường chất lượng… cả những bản đăng ký, mẫu văn bản, mẫu đơn liên quan đều được đưa lên mạng để người dân ở khắp nơi có tìm hiểu và lấy xuống đăng ký rồi gửi trở lại theo mạng mà không cần phải trực tiếp đến Sở như trước.

Đưa internet về làng

Chọn mũi nhọn phát triển CNTT làm then chốt, nhưng làm sao để các thông tin văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến đến được người dân, đặc biệt là những nông dân ở những vùng nông thôn luôn làm ông trăn trở. Phương châm "đưa công nghệ đến tận nhà, để người dân không phải đi xa" và cũng là để rút ngắn khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, ý tưởng đưa đường truyền internet băng thông rộng (VSAT-IP) về nông thôn là một bước đột phá trong ứng dụng CNTT vào đời sống.

Nam Cát Tiên là xã đầu tiên được lắp đặt trạm đường truyền internet công nghệ băng thông rộng. Giải pháp của ông Sáng là sử dụng ngay hạ tầng cáp thoại có sẵn để kết nối internet tốc độ cao mà vẫn cho khả năng truyền thông tin rộng, ổn định và tiết kiệm hơn 7 tỷ đồng so với việc kéo cáp quang ADSL. Ông cho biết: "Với mô hình đường truyền internet băng thông rộng thu tín hiệu qua vệ tinh, bà con nông dân có thể chủ động khai thác, nắm bắt thông tin khoa học, kỹ thuật mới trên mạng internet để ứng dụng vào đời sống, nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi. VISAP-IP tạo ra môi trường thông tin bình đẳng giữa thành thị và nông thôn. Tạo tiền đề căn bản để thực hiện chương trình "nông thôn 4 có".

Đưa dịch vụ internet tốc độ cao với chi phí thấp phục vụ cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh là bước đột phá đầu tiên trong việc cung cấp đường truyền internet, đưa Đồng Nai trở thành tỉnh đầu tiên đưa được băng thông rộng về 100% xã. Đây là một thành công lớn của Đồng Nai, được Bộ KH-CN đánh giá cao và nhân rộng ra cả nước. Để làm được điều này, ông Sáng cùng đội ngũ nhân viên của Sở đã phải "vắt" tim óc để thực hiện. Sau khi người dân có công cụ internet, ông cho tiến hành thành lập các điểm cung cấp thông tin khoa học kỹ thuật. Những điểm thông tin này có nhiệm vụ hướng dẫn người dân các địa phương truy cập những thông tin mà họ cần như thời sự trong tỉnh, thông tin về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trên mạng internet. Cùng với thông tin trên mạng, mỗi điểm có một kho dữ liệu gồm 700 phim KHCN, 60 ngàn đầu sách để cung cấp cho người dân, cơ sở dữ liệu 21 loại cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 92 điểm cung cấp thông tin khoa học, kỹ thuật và gần 7.000 cán bộ các xã phường, người dân nông thôn đã được tập huấn và hướng dẫn ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh.

Từ chỗ không biết thế nào là tin học, là mạng internet, ông đã biến ước mơ thành sự thật, nhưng chỉ cho ông, mà cho những người dân bình thường. Giờ đây, ở đâu có những vùng sâu vùng xa, người dân vẫn có thể biết mọi sự đang diễn ra trên thế giới. Nhưng ước mơ của vị giám đốc này còn nhiều lắm, hiện ông đang ấp ủ dự định một ngày nào đó sẽ xây dựng một "Văn phòng thông minh" cho Sở KH-CN. Và có lẽ, điều này không còn xa…

Chọn lối đi riêng

Sau hàng loạt những thành công khá ấn tượng trên lĩnh vực CNTT, tiến sĩ Phạm Văn Sáng được nhiều người biết như một nhân vật luôn thường trực những ý tưởng "táo bạo" trong đầu. Song hành với mũi nhọn CNTT, ông đã chọn "lối đi riêng" khi thực hiện đề án thành lập Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH).

Ý tưởng này đã trở thành niềm trăn trở của ông từ 5 năm trước. Để tìm kiếm cơ sở thực hiện ý tưởng này, năm 2007, Sở KH-CN tổ chức hội thảo "Công nghệ sinh học Đồng Nai" với sự có mặt của các nhà khoa học để bàn về giải pháp ứng dụng CNSH mà Đồng Nai rất có tiềm năng. Đây là một trung tâm ứng dụng CNSH để tạo ra các giống cây trồng vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phục vụ tốt cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tê, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa; tăng nhanh tỷ lệ nông - lâm - thủy sản chế biến, nhất là chế biển phục vụ xuất khẩu; tiến tới giảm nhập khẩu và tự cung tự cấp một phần quan trọng nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân; áp dụng rộng rãi CNSH trong công tác bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường…

Sau nhiều ngày đêm trăn trở, lắng nghe và lĩnh hội ý kiến của nhiều nhà khoa học, cùng những hạn chế, đồng nghiệp tâm huyết với CNSH, ông đã phác thảo đề án theo một lối đi riêng "không đụng hàng", đó là thực hiện theo phương thức ứng dụng thông qua kế thừa. Và ý tưởng "táo bạo" nhưng độc đáo và hứa hẹn nhiều triển vọng của giám đốc Phạm Văn Sáng đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng như Bộ KH-CN rất hoan nghênh. Ngày 13-7-2010, Trung tâm đã chính thức được khởi công xây dựng tại xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ) trên diện tích 226,8 ha với tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng 1.000 tỷ đồng.

Hôm lễ khởi công xây dựng trung tâm, dù rất mệt với các hoạt động chào đón đại biểu, thế nhưng ông không giấu được niềm vui khi "đứa con" mong đợi của mình đã "chào đời". Trao đổi với ông về hoạt động của trung tâm, đặc biệt là thông tin "không đụng hàng" với các khu CNSH khác, ông chia sẻ: "Hiện nay nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã và đang xây dựng các trung tâm ứng dụng CNSH, nhưng sẽ không có sự trùng lắp với hoạt động của Đồng Nai. Vì ngay từ khi có ý tưởng thành lập, tôi đã xem xét rất kỹ vấn đề này. Do đó, Trung tâm của Đồng Nai sẽ không nghiên cứu lại những gì các trung tâm khác đã làm, mà sẽ nối tiếp, sàng lọc lại những đề tài, đề án tìm cách ứng dụng vào sản xuất cho nông dân. Hiện nay, nhiều đề tài nghiên cứu không đi vào cuộc sống được vì từ nghiên cứu đến thực tế còn một khoảng cách quá xa, vì thế Trung tâm ứng dụng sẽ là một cầu nối hiệu quả cho những đề tài hay, được ứng dụng rộng sản trong sản xuất cho nông dân của Đồng Nai cũng như các tỉnh thành, nếu họ có nhu cầu". Ông cũng đưa ra ví dụ: Thành phố Hồ Chí Minh cũng có khu CNSH, nhưng khu này có các phòng thí nghiệm, chương trình nghiên cứu và công bố các chương trình đó, còn trung tâm của Đồng Nai chỉ ứng dụng các nghiên cứu này bằng các chương trình thực nghiệm, thực tế. Việc này Đồng Nai có lợi thế hơn TP. Hồ Chí Minh vì Đồng Nai có đủ đất để tiến hành thực nghiệm.

Với hướng đi thẳng vào ứng dụng thông qua kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các kết quả nghiên cứu của các viện, trường và trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước để xây dựng mô hình thực nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu sản xuất… ông Sáng khẳng định lối đi riêng này sẽ phát triển hiệu quả được tiềm năng CNSH không chỉ của Đồng Nai mà còn của khu vực và cả nước. Để chuẩn bị cho trung tâm hoạt động, ông Sáng cũng đã tổ chức đào tạo nguồn nhân lực trước cả khi trung tâm được khởi công. Ông tâm sự: "HIện tôi đã có chương trình đào tạo sau đại học, gồm 4 lĩnh vực, trong đó có CNSH. 30 kỹ sư CNSH đã tham gia vào chương trình đào tạo sau đại học nói trên và hiện có 20 nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động ban đầu của trung tâm. Tôi tính bài toán lâu dài hơn là động viên, hướng dẫn học sinh địa phương thi vào các trường đại học, các ngành liên quan đến CNSH. Với nguồn nhân lực này, đây là chiến lược đầu tư dài hơi, nếu các em khó khăn kinh tế thì Sở cũng như tỉnh sẵn sàng có các chương trình học bổng cho các em. Tính ra, trong 5 năm tới, khi TT CHSH đi vào hoạt động giai đoạn 1, tôi đã có một số lượng lao động trẻ đáng kể.. và đến giai đoạn 2015 - 2020, chúng tôi sẽ có tiếp nguồn nhân lực cấp cao". Ông cũng cho biết thêm, trung tâm sẽ thực hiện theo phương châm "Mang phòng làm việc đến gần nhà" chứ không để các nhà khoa học mất thời gian đi xa", nghĩa là công nghệ thông tin được ứng dụng vào tất cả các chương trình làm việc…

Có mặt tại lễ khởi công xây dựng Trung tâm ứng dụng CNSH, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã chúc mừng thành tựu này của Đồng Nai và khẳng định: "Bộ KH-CN hoàn toàn thống nhất với mô hình và tầm nhìn mà Đồng Nai đã xác định, đó là phát triển CNSH đi thẳng vào ứng dung thông qua kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các viện, trường và trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước để xây dựng các mô hình thực nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu đến nhà sản xuất. Đồng thời tạo một không gian rộng mở và môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học không chỉ của Đồng Nai mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức thực nghiệm kết quả nghiên cứu ở phòng thí nghiệm và các nhà sản xuất công nghiệp CNSH trong và ngoài nước đầu tư phát triển".

Khi được hỏi: "Thứ trưởng có đánh giá gì về ý tưởng xây dựng Trung tâm này của Tiến sĩ Phạm Văn Sáng?" - Ông Nguyễn Quân nói ngay: "Anh Sáng là người có cái nhìn riêng rất độc đáo, cách chuyển cái nhìn thành ý tưởng rất độc đáo và cách triển khai ý tưởng cũng thật độc đáo!".

Tỏa sáng - cất cánh và làm chủ…

Là nhà kinh tế, nhưng tiến sĩ Phạm Văn Sáng lại đam mê khoa học. Có người đã gọi ông là "giám đốc của những đề tài nghiên cứu khoa học". Điều đó cũng không quá lời. Trung thành với phương châm đi tắt đón đầu, ông đã chỉ đạo hoạt động KH-CN của Sở có những bước tiến nổi bật trong xây dựng tiềm lực KH-CN, các hoạt động KH-CN đã tạo được sắc thái riêng, mang tính điển hình cả nước, có hiệu ứng cao trong xã hội, bước đầu tạo lập được thị trường KH-CN có sự kết nối với thị trường KH-CN nước ngoài.

"Mỗi năm một ứng dụng" chính là sáng kiến đẩy nhanh tiến trình tin học hóa quản lý hành chính nhà nước được ông Sáng đề ra. Năm 2003, Sở xây dựng website truyền tải thông tin, thành tựu mới nhất về KH-CN phục vụ lãnh đạo, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân. Năm 2004, gây ấn tượng với cả nước khi xây dựng và ứng dụng thành công mô hình "văn phòng điện tử" E-Office và nâng cấp lên "văn phòng di động" M-Office. Sau thành công của M-Office, năm 2005, với vai trò chủ chốt, ông lại tiếp tục triển khai nghiên cứu chế tạo khóa thông minh, ứng dụng chữ ký điện tử đối với văn bản có yêu cầu quản lý theo chế độ bảo mật và tiên phong ứng dụng chữ ký điện tử ở Việt Nam. Hiện nay, ông đang nâng cấp "văn phòng điện tử" thành "văn phòng thông minh" với hầu hết các quy trình công việc của Sở đều được tin học hóa, tự động hóa.

Gần 8 năm qua, Sở KH-CN mà ông là đầu tàu đã tiếp tục dẫn đầu trong số các sở KH-CN địa phương thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, được bình chọn là đơn vị duy nhất được trao tặng Giải thưởng Sao Khuê trong lĩnh vực hoạch định và thi hành chính sách phát triển CNTT và công nghiệp phần mềm của Việt Nam. 03 sản phẩm, giải pháp do ông Sáng chủ trì nghiên cứu, phát triển được đều đạt thứ hạng cao tại Giải thưởng Công nghệ thông tin - truyền thông Châu Á Thái Bình Dương (APICTA). Trong đó, Sản phẩm "Cổng an toàn thông tin trên công nghệ cách ly phi chuẩn" đạt Cúp vàng, đây cũng là sản phẩm bảo mật đầu tiên của Việt Nam mà ta làm chủ về công nghệ, quản lý được việc triển khai, lắp đặt, bào trì - vốn là những vấn đề nhạy cảm đối với các sản phẩm thuộc loại "An toàn bảo mật thông tin", giảm đáng kể chi phí thiết lập hệ thống ATTT so với các sản phẩm ngoại nhập. Giải pháp "Tích hợp công nghệ VSAT IP vào hạ tầng cáp thoại đưa Internet băng thông rộng về nông thôn" được giải Bạc và sản phẩm "Bộ công cụ hỗ trợ quản lý an ninh thông tin" đạt giải Đặc biệt, đã đưa tên tuổi Việt Nam lên hàng đấu trường danh dự trong sân chơi quốc tế về CNTT.

Đúc kết những biện pháp thực thi bằng các khẩu hiệu hình tượng như: "Đưa khoa học đến tận nhà để nông dân không phải đi xa"; "Đưa phòng họp đến gần nhà để nhà khoa học không phải đi xa"; "Cấm đưa phòng ngủ vào phòng làm việc nhưng khuyến khích đưa phòng làm việc vào phòng ngủ"; "Thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị"; "Năng cầm chuột bớt cầm ly"; "Chọn chỗ trống, chọc khe làm bàn"; "Một chút lãng mạn trong nghiên cứu khoa học để tư duy có thể bay bổng"… ông đã đưa ra mục tiêu chiến lược đến năm 2020: Tỏa sáng - Cất cánh - Làm chủ một phần bầu trời khoa học công nghệ Việt Nam.

Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi của cá nhân, biết phát huy năng lực của nhân viên và hòa trộn để tạo ra sức mạnh của cả tập thể, tiến sĩ Phạm Văn Sáng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba (năm 1999), Huân chương lao động hạng Nhì (2005), Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2000 - 2002), được bình chọn là 1 trong 10 CIO xuất sắc của khu vực Đông Dương (2005) và nhiều phần thưởng cao quý khác… Song đối với ông, niềm vui và hạnh phúc nhất là khi các đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao và đặc biệt là đạt hiệu quả kinh tế - xã hội trong thực tiễn quản lý và chỉ đạo phát triển sản xuất trên địa bàn.

Danh hiệu là 1 trong 10 CIO xuất sắc của khu vực Đông Dương là hoàn toàn xứng đáng khi ông được ví như một "nhạc trưởng" chỉ huy "dàn đồng ca" cùng tấu chung một bản nhạc. Ông đã không chỉ phát huy sức mạnh và năng lực của đội ngũ chuyên viên giỏi, mà ông còn xây dựng mạng lưới tư vấn độc lập gồm nhiều chuyên gia CNTT hàng đầu giúp ông thẩm định lựa chọn giải pháp đầu tư. Ông quan niệm, muốn tổ chức ứng dụng hiệu quả CNTT cần có "thủ trưởng" CNTT. Người "thủ trưởng" này không chỉ nhận thức được vai trò quan trọng của ứng dụng CNTT mà còn sử dụng tốt CNTT. Những thành quả về CNTT mà ông xây dựng không chỉ dừng trong nội bọ Sở mà còn tạo được hiệu ứng ứng dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Đồng Nai. Chính những yếu tố này đã thuyết phục ban giám khảo chọn ông là một trong 10 CIO xuất sắc của khu vực Đông Dương. Nhiều người cũng thật bất ngờ khi biết rằng cấp tin học "cao" nhất của ông chỉ là… trình độ B. Ông Sáng đã làm tôi "tâm phục khẩu phục" hơn khi tâm sự: "Tố chất cần thiết đối với người lãnh đạo là khả năng tiếp thu, ứng dụng và phát triển công nghệ. Đừng giấu dốt! Mình chưa biết thì học hỏi, dù là học chuyên viên cấp dưới. Quan trọng là lãnh đạo CNTT phải hiểu rõ công việc đang làm, thực sự hòa nhập vào hệ thống đang hoạt động, tháo gỡ những vướng mắc để lựa chọn giải pháp phù hợp với thực tế".

Với tất cả những tư duy kinh tế, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo thực tiễn và các hoạt động kinh tế - xã hội được ông gói gọn vào một mục tiêu: góp phần bé nhỏ công sức của mình cùng với tập thể tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.