PGS.TS Vũ Thị Thu Hà:Thích vá săm, sửa xe, chữa đồ điện
Chọn cái mềm trong cái cứng
Nhận được điện thoại của tôi, chị phân trần: từ hôm nhận được tin được giải Kovalepxkaia, báo chí hỏi nhiều quá. Từ một người bình thường, bỗng dưng thành người nổi tiếng.
"Đây là giải thưởng danh giá trong khoa học, nhưng tôi vẫn là một người bình thường, chứ không thích là người nổi tiếng.Tất nhiên bình thường nhưng không tầm thường", chị cười hiền dịu và hẹn gặp tôi tại phòng làm việc, nơi mà chị dành cho nó 12 tiếng mỗi ngày.
Mái tóc cắt tém, đôi mắt sáng, vẻ ngoài hiền dịu của chị khiến tôi có cảm giác mình đang tiếp xúc với một nhà thơ, nhà văn hơn là một nhà khoa học.
Chị kể ,nhà chị có 2 chị em gái. Từ nhỏ chị đã có những sở thích giống các bạn nam hơn là các bạn nữ.
"Giờ ngồi kể lại, mẹ tôi vẫn cứ nhớ mãi cái hình ảnh tôi mặc chiếc quần soóc rồi lôi cái xe đạp ra giữa sân nhà tự sửa chữa.
Lúc đó bố tôi đi bộ đội, nhà chỉ có 3 mẹ con, tôi tự sửa chữa, lắp đặt đường dây điện trong nhà từ năm học lớp 8. Không ai dạy mình cả, tôi tự học bằng cách nhìn và quan sát người ta làm thế nào rồi tự mình làm theo như thế.
Mày mò mãi rồi cũng làm được. Từ lúc bắt đầu vào cấp 2 là tôi đi học lớp chuyên toán ở xa nhà. Tôi luôn tự vá săm xe cho mình và rất thích công việc đó. Thậm chí tôi còn sửa xe, vá săm cho bạn bè nếu trên đường đi học mà xe bị hỏng".
Đường đến với khoa học của chị cũng bắt nguồn từ sở thích đó. Lên đại học, chị theo học ngành Hóa của trường ĐH Bách khoa. Lúc đó, chị là một trong những bóng hồng hiếm hoi của trường, của khoa và của lớp.
Chị dí dỏm: Vì mọi người cứ nói nhiều về việc con gái thời đó mà học Bách khoa thì nam tính quá, cứng cáp quá, tôi mới bảo: ngành Hóa là ngành "mềm" nhất trong trường rồi. Tôi chọn cái mềm trong cái cứng.
Gác lại những sở thích đàn bà
Chị bảo: Tôi thích nghiên cứu, thích cái mới, luôn tìm kiếm những cái mới.Vì thế mới chọn khoa học. Nhưng làm khoa học cái gì cũng khó.
Có ý tưởng đã khó, biến ý tưởng thành hiện thực, áp dụng vào thực tế còn khó hơn. Chỉ có 20% xác suất thành công trong nghiên cứu cơ bản. Mức độ càng khó thì khả năng thành công càng ít và càng mất nhiều thời gian thực hiện.
Thứ mà tôi phải hy sinh nhiều nhất có lẽ là thời gian. Tôi chỉ có thời gian cho công việc và gia đình, chứ không có thời gian cho bản thân.
365 ngày của tôi đều đặn theo cái nhịp: 6h30 ra khỏi nhà đưa con đến lớp rồi về cơ quan làm việc cho đến khoảng 18h30 lại đi đón con. 19h30 có mặt ở nhà cùng với gia đình ăn uống, con cái học hành đi ngủ. Sau đó có thể thì lại làm việc tiếp. ..
Để dành trọn cho khoa học, chị phải gác lại những sở thích rất đàn bà như đi mua sắm quần áo, giầy dép, lang thang phố xá ăn vặt, cùng chồng đến rạp chiếu phim hay là những chuyến du lịch. Thậm chí là cả sở thích đọc chị cũng không thể duy trì.
"Tôi thích đọc sách về du lịch các nước, truyện, nhưng chẳng bao giờ có thời gian. Nói ra thì thấy hài hước, nhưng thời gian duy nhất để có cái gì đó dành cho cá nhân mình là lúc ngồi trong nhà vệ sinh để đọc một cuốn truyện hoặc sách.
Nếu bây giờ chị có 1 tháng không phải làm việc, không phải đưa đón con, nấu nướng giặt giũ, thì chị sẽ làm gì?
Chị cười lớn: Thế thì chắc tôi chết mất! Đùa vậy thôi chứ nếu có thời gian thì tôi sẽ lại đọc tài liệu về khoa học.
Tôi thích, say mê khoa học nên khi nhiều người hỏi tôi có bao giờ chán nghề không, tôi trả lời rằng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đó. Rồi người ta thắc mắc phải được nhận lại cái gì thì mới đam mê chứ, tôi cho rằng chỉ riêng sự đam mê đó đã là phần thưởng rồi.
Tôi có một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia hoạt động tốt, có nơi để thực hiện ý tưởng, có công trình áp dụng thực tế, giúp các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu... Và quan trọng là tôi có một gia đình hạnh phúc, mà không phải đánh đổi bằng khoa học.
Nổi tiếng vì yêu đương
Tôi nghĩ, làm cái gì cũng phải làm hết mình, làm bằng sự đam mê, kể cả yêu đương cũng thế. Hồi còn học đại học, tôi nổi tiếng trong trường và trong khoa vì chuyện yêu đương. Vào năm thứ 2 thì tôi có người yêu, là chồng tôi bây giờ.
Anh ấy học trên tôi một khóa. Chúng tôi yêu nhau say đắm, đi đâu cũng có nhau, làm gì cũng có nhau. Bạn bè lúc đó phản đối lắm vì tôi hiền lành, ngoan ngoãn, học giỏi, lại yêu một người dù thông minh, lãng tử, đẹp trai nhưng bề ngoài lại lông bông.
Chuyện tình của chúng tôi lúc đó cả thầy cô, bạn bè trong trường đều biết. Tôi cũng thể hiện tình yêu của mình mãnh liệt, nên có lẽ trở nên "nổi tiếng" từ đó. Giờ hỏi về chúng tôi có lẽ bạn bè học cùng lứa đó đều biết cả.
Tôi là người cá tính, vốn chỉ làm cái gì mình thích. Khi đi làm, tôi biết cách chọn cái mình thích trong những cái không thích. Tôi cũng nghĩ đó là con đường để dẫn đến thành công của những người làm khoa học nói chung.
Nhất là phụ nữ làm khoa học thì lại càng phải hy sinh nhiều. Hồi tôi sinh em bé thứ hai, tôi chỉ nghỉ đúng 3 ngày ở trong bệnh viện. Lúc đó vì công việc còn dang dở nên 3 ngày sau khi sinh tôi đã phải ngồi dậy làm bên máy tính, thậm chí phải nhờ đồng nghiệp về nhà ngồi gõ lại ý tưởng giúp mình.
Sinh em bé đầu tiên năm 2000 thì nghỉ đúng chế độ, nhưng đến em bé thứ 2 thì chỉ 3 ngày trong bệnh viện.
Về nhà lại phải làm việc ngay vì công việc tất cả đang dở dang. 3 ngày phải ngồi dậy làm máy tính, rồi mời đồng nghiệp về nhà ngồi gõ ý tưởng của mình. Lúc có bầu 5 tháng, 7 tháng, tôi cũng vẫn phải đi Pháp công tác. Vì nếu mình dừng lại thì cả bộ máy dừng lại, mình không thể làm thế được.
Ứớc được làm việc đến 9h tối
Vì công việc có nhiều áp lực nên PGS.TS Vũ Thị Thu Hà đã học cách chia sẻ với mọi người. "Nếu không chia sẻ thì tôi đã bị đau dạ dày từ lâu rồi". Trong công việc, chị là người khó tính nhưng lại thoải mái và dễ gần trong đời thường.
Chị bảo ,sáng nào bước chân vào cơ quan, chị cũng nở nụ cười tươi rói để tinh thần làm việc của anh em trong cơ quan cũng phấn chấn theo. Theo chị, làm khoa học mà thành công thì là thành quả của cả một tập thể. Không một cá nhân nào một mình làm khoa học được cả.
"Tôi thiếu thời gian nhưng tôi không ước thời gian kéo dài hơn 24 tiếng. Bởi đó là thứ điều ước viển vông. Tôi ước được ngồi đây làm việc đến 8-9h tối chứ không phải tất bật về nhà đón con hay lo toan nội trợ.
Tôi ước có nhiều thời gian hơn cho khoa học. Định hướng của Phòng thí nghiệm trọng điểm thời gian tới là hướng tới công nghệ sản phẩm thân thiện với môi trường"- PGS.TS Vũ Thị Thu Hà mơ ước.
Không bao giờ nản dù có nhiều thất bại: Mỗi lần thất bại tôi lại rút kinh nghiệm để làm ra những thứ tốt hơn. Những ý tưởng tâm huyết đưa ra nhưng chưa đúng thời điểm thì người ta loại bỏ.Từ năm 1999 tôi đã đưa ra ý tưởng làm nhiên liệu sinh học nhưng lúc đó chưa được chấp nhận vì nó còn quá mới. Mãi đến 2005 tôi mới có được đề tài nghiên cứu về loại nhiên liệu này. |