Ông tiến sĩ với nghề nuôi dê
Khởi đầu một sự nghiệp
Vào những năm đầu thập niên 90, TS Đinh Văn Bình bắt đầu đưa đàn dê Bách thảo, dê Cỏ từ Hà Giang, Ninh Thuận về Trung tâm Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây. Sau nhiều năm vừa xây dựng cơ sở vật chất vừa học tập, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về con dê Bách thảo Việt Nam . Dê nội tốt rồi nhưng chưa đủ. Ông lại đề nghị nhập dê Ấn Độ, dê Mỹ. Năm 1994, ba giống dê Barbari, Jumnapari, Beetal do ông chọn từ Ấn Độ đã được nhập vào Việt Nam . Rồi 2002 từ vần kia Đại Tây Dương, các giống dê chuyên thịt (Boer), chuyên sữa (Saanen, Alpine) của Mỹ cũng được ông đưa về Việt Nam để làm phong phú nguồn gen vật nuôi cho đất nước. Trải qua năm tháng, đề tài nghiên cứu “thích nghi các giống dê trong nước và ngoại nhập” của ông đã được công nhận. Nhiều con dê sữa đạt 6,2kg sữa/ngày được đưa vào sản xuất để lai với dê Bách thảo cỏ.
“Một nhà khoa học không thể chỉ chờ ai đó đổ tiền, đổ của vào cho mình nghiên cứu mà phải tổ chức sao cho các nhà đầu tư rót kinh phí cho mình và từ số kinh phí này phải sinh lời bằng sản phẩm khoa học”- PGS.TS. Đinh Văn Bình quan niệm. Vì thế, ngoài việc tạo ra giống dê chất lượng tốt, ông còn tích cực tham gia các dự án tài trợ về cây cỏ ở vùng núi đồi làm thức ăn cho dê do tổ chức Sida tài trợ; dự án phát triển dê thịt - sữa cho đồng bào Tây Nguyên của tổ chức AusAID tài trợ; dự án phát triển dê sữa ở Việt Nam do sứ quán Hoa Kỳ giúp đỡ.
Không dừng lại ở đó, ông còn sang Pháp học kỹ thuật chế biến pho mát từ sữa dê và đưa về Việt Nam sản xuất. Cụm thu gom sữa dê chế biến pho mát được hình thành đầu tiên ở Việt Nam , có ngày thu cả tấn sữa cho người nuôi dê. Phó mát dê đã len lỏi vào các sứ quán nước ngoài và người Việt sành ăn ở Hà Nội. 1kg pho mát bán 180.000 – 200.000đ, nâng giá trị 1kg sữa thành 18.000đ. Hàm lượng chất xám chính là từ sản phẩm này.
Niềm vui lớn lao
Đã hơn 2/3 cuộc đời PGS.TS Đặng Văn Bình gắn bó với việc nghiên cứu phát triển con dê nuôi cho người nghèo. Nhờ đó đàn dê của cả nước đã tăng rõ rệt: Năm 1990 cả nước mới có 320.000 con dê, năm 2000 đã tăng lên 550.000 con, năm 2005 số dê đã vượt lên 1.400.000 con.
Nếu “phong” cho con vật nào đó thực sự là vật nuôi giúp ích cho người nghèo thì đó chính là con dê, vì vốn ít, ăn cây cỏ, uống nước lã cho ta thịt sữa. Những vùng đồi núi cheo leo, cây cối um tùm chằng chịt chỉ có con dê mới “chinh phục” được địa hình này để cho người nghèo thịt - sữa. Giờ đây vùng núi Tam Điệp (Ninh Bình, Ba Vì (Hà Tây), Ninh Sơn (Ninh Thuận), Lạc Thuỷ (Hoà Bình), Ba Sao (Hà Nam), nhiều vùng ở Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, đồng bằng Sông Cửu Long… đâu đâu cũng thấy con dê giống của PGS.Ts Đinh Văn Bình.
Một vinh dự bất ngờ, năm 2001 PGS.TS. Đinh Văn Bình đã tới Roma (Italia) để nhận phần thưởng Edouard Saouma do FAO xét tặng với giá trị 25.000 USD, tương đương 380 triệu đồng. Người ta gọi đây là giải “Nobel cho nông nghiệp” Việt Nam, vì đã quá 20 năm hợp tác với FAO, lần đầu tiên tổ chức này tuyển chọn từ 64 nước, Việt Nam lọt vào vòng trúng tuyển sau nhiều lần người nước ngoài thẩm định, kiểm tra.
380 triệu là số tiền không nhỏ đối với những cán bộ nghèo, nhưng anh đã quyết định trích phần nhiều để làm kinh phí phát triển đàn dê, xoá đói nghèo cho bà con nông dân nhiều vùng đất nước. Phần còn lại giúp đỡ người nghèo dân tộc Mường, Dao ở Hà Tây, bà con người Tày, Nùng ở miền núi Tuyên Quang, Thái Nguyên, người Vân Kiều ở Thừa Thiên Huế, là những nông dân nghèo đã tham gia dự án VIE/6613.
Nguồn: KH & ĐS, số 21 (1843),13/3/2006