“Ông làm ngược”
Ông thường làm chuyện ngược đời như vậy. Hồi đầu nhiều người cự nự, nghi ngờ và không hợp tác với ông. Nhưng bây giờ ai cũng phải công nhận những gì ông nói, ông làm là đúng. Chẳng những thế, những điều đúng đó còn đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp VN.
Ông là TS Lê Hữu Hải (48 tuổi), trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Ông được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang VN” lần 7 tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 4-2009.
Xếp luận án tiến sĩ, ra đồng trị rầy nâu
Giữa năm 2006 rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá bùng phát mạnh ở các tỉnh ĐBSCL. Thuốc hóa học đổ xuống đồng ruộng không biết cơ man nào mà kể nhưng lúa vẫn chết, còn rầy... trơ trơ. Vụ hè thu 2006 toàn huyện Cai Lậy gieo sạ hơn 16.000ha lúa nhưng rầy nâu đã “xơi tái” 1/3 diện tích. Mùa màng thất bát, đi đâu cũng thấy cảnh nông dân buồn xo, chán nản. Mặc dù đang tập trung làm luận án tiến sĩ, nhưng sự nguy khốn của nhà nông đã kéo ông ra đồng. Ông viết lá đơn xin gia hạn sáu tháng để có thời gian chia sẻ khó khăn với nông dân.
Quan sát kỹ tình hình dịch hại, TS Hải thắc mắc: “Vì sao lúa khu vực này bị rầy tấn công, thiệt hại trắng mà khu vực kia không bị?”. Rồi ông thử gieo sạ trong nhà lưới, 14 ngày sau đem ra ruộng cấy đối chứng với lúa sạ trực tiếp ngoài đồng. Kết quả: lúa gieo sạ bình thường bị thiệt hại nặng, còn lúa gieo trong nhà lưới thì bình yên vô sự. “Nếu trong 14 ngày đầu lúa không bị rầy tấn công thì sau đó nếu có lỡ bị nhiễm rầy thiệt hại cũng ít hơn”, ông kết luận.
Người dân tin Nông dân Nguyễn Văn Đồ (Hai Đồ) ở xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) nói ông biết và làm việc với TS Hải từ những năm 1988 đến nay. Nông dân này nói về TS Hải: “Những việc ông đã làm cho nông dân trong huyện không thể kể hết. Ông là nhà khoa học, là cán bộ tận tụy lo cho bà con quên cả bản thân mình. Có khi chúng tôi ngờ vực một số cán bộ, nhưng ông Hải nói là chúng tôi tin liền”. Nhiều người còn nói TS Hải xuống dân chỉ cắm cúi làm việc. Ai mời ăn gì ông ăn nấy, còn không thì ghé quán ăn tô hủ tiếu hoặc gói mì cũng xong. |
Làm thế nào “né” được rầy trong 14 ngày đầu tiên? Ông đem ý tưởng này đến Sở KH-CN đề nghị hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu. Tuy nhiên do dự án này... ngoài kế hoạch nên sở không giải quyết. Không nản, ông tìm đến Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NN&PTNT) trình bày ý tưởng và ngay lập tức được thạc sĩ Hồ Văn Chiến (giám đốc trung tâm) đồng ý hỗ trợ kinh phí và xắn tay cùng tham gia nghiên cứu. Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cũng tình nguyện tham gia hỗ trợ mỗi buổi tối sau giờ làm việc.
Có tiền ông mua dụng cụ về thiết kế bẫy đèn đặt ở nhiều xã trong huyện để theo dõi tình hình rầy nâu, đợi thời điểm ít rầy thì xuống giống. Tháng 11-2006, khi chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân, ông mạnh dạn đề xuất với Huyện ủy Cai Lậy chỉ đạo gieo sạ đồng loạt cả cánh đồng trong vòng một tuần để “né” rầy.
Bí thư huyện ủy Dương Minh Điều chỉ thị yêu cầu các xã phải vận động nông dân xuống giống theo hướng dẫn của ông Hải, những nơi nào không làm hoặc làm không tốt đều bị kỷ luật. Cầm chỉ thị này trong tay, ông Hải vừa mừng vừa.. run, bởi “còn trong giai đoạn nghiên cứu nên chưa biết thành công hay thất bại”.
Trước khi xuống giống một tuần, ông gần như không ngủ, đêm nào cũng có mặt ở các cánh đồng có đặt bẫy đèn để giám sát mật độ rầy vô đèn, chụp ảnh lưu lại để nghiên cứu. Ông Nguyễn Văn Đồ ở xã Mỹ Thành Nam (một trong những nông dân giúp TS Hải theo dõi bẫy đèn) ngồi bệt dưới bờ ruộng, kêu trời:“Tôi là người đi bộ giỏi nhất xã này nhưng cũng không theo nổi ổng”. Thường phải tới nửa đêm ông mới chạy xe máy về nhà chợp mắt một chút. Tờ mờ sáng ông lại phóng xe tới các bẫy đèn để thu “chiến lợi phẩm” đem về cơ quan rồi cùng anh chị em nhân viên Phòng NN&PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cai Lậy căng mắt đếm hàng trăm ngàn, thậm chí hơn 1 triệu con rầy nhỏ li ti để tính toán thời điểm xuống giống cho bà con nông dân.
Ngay khi số lượng rầy vô đèn vừa giảm sau khi đạt đỉnh cao nhất, ông “phát lệnh” gieo sạ đồng loạt 16.000ha trong toàn huyện. Kết quả, vụ đông xuân 2006-2007 của huyện Cai Lậy thắng lợi lớn, phần lớn diện tích xuống giống đều không bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Trong khi đó nhiều địa phương khác vẫn thất điên bát đảo với rầy nâu.
TS Lê Hữu Hải (phải) cùng bà con nông dân trên đồng |
“Ông Global GAP”
Giữa tháng 2-2009 vừa qua, HTX lúa gạo Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy được cấp giấy chứng nhận Global GAP về sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn toàn cầu. Đây là nơi đầu tiên ở VN trồng lúa đạt tiêu chuẩn này. Người có công đặt nền móng và trực tiếp xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa gạo cao cấp này cũng chính là TS Lê Hữu Hải.
Những lão nông Hai Đồ, Tư Hạnh, Ba Hà ở xã Mỹ Thành Nam đều khẳng định: “Nếu không nhờ TS Hải kiên trì vận động nông dân trong xã đi theo hướng sản xuất tiêu chuẩn quốc tế cách đây gần 10 năm sẽ không có vùng lúa thương hiệu Global GAP như bây giờ”.
Mười năm trước, TS Hải lặn lội về xã Mỹ Thành Nam vận động nông dân từ bỏ sản xuất lúa theo cách truyền thống, chuyển sang ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí mà năng suất, lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên nhiều người nghi ngờ...
Không bỏ cuộc, ngày nào ông cũng “cuốc bộ” 4-5km vô các ấp tỉ tê vận động nông dân. Nhiều hôm nói khản giọng mà người dân vẫn không tin, thậm chí đuổi về, ông rất buồn nhưng vẫn không nản chí. “Tôi thấy anh Hải nhiệt tình, chịu khó mà nói nghe có lý nên đồng ý làm theo. Số lượng nông dân tham gia mỗi lúc một nhiều vì họ thấy anh Hải nói đúng, vốn đầu tư ít mà năng suất, lợi nhuận cao hơn bình thường. Cũng nhờ anh mà bây giờ nông dân tụi tui trồng lúa không thua gì kỹ sư nông nghiệp” - ông Hai Đồ cười tươi rói.
Năm 2006 TS Hải quyết định đi thêm một bước táo bạo: “Sản xuất lúa Global GAP trên cánh đồng lúa an toàn, chất lượng cao Mỹ Thành Nam ”. Cuối năm 2008 mô hình lúa Global GAP đầu tiên ở VN được công nhận sau quy trình thẩm định cực kỳ nghiêm ngặt. Bây giờ ngoài việc mở rộng diện tích trồng lúa Global GAP, TS Hải còn tất bật lo xây dựng mô hình trồng chôm chôm và nhãn đạt tiêu chuẩn Global GAP tại cù lao Tân Phong để xuất khẩu theo đơn đặt hàng của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Trong câu chuyện của ông lúc nào cũng nghe thấy canh cánh sự trăn trở về nền nông nghiệp nước nhà còn lạc hậu, về cuộc sống của người nông dân còn quá khó khăn. “Tôi nghĩ ở đâu cũng có nông dân, ở đâu họ cũng cần sự giúp đỡ. Ở huyện này tôi được lãnh đạo tin tưởng giao việc, được nông dân thương mến ủng hộ nên tôi ở lại. Tôi có làm được vài việc nhưng sẽ không bao giờ đòi hỏi điều gì, bởi ở đâu mà được gần nông dân tôi cũng đều cảm thấy hạnh phúc và đầy đủ” - TS Hải trải lòng.
Làm vì ruộng đồng, không chờ ai bảo Ông Hai Đồ và nhiều nông dân khác ở huyện Cai Lậy còn nhớ như in thời điểm năm 1988. Lúc đó hàng trăm hecta lúa đột nhiên bị bệnh chín sớm làm hạt lúa bị lem lép, năng suất giảm. Đây là loại bệnh mới nên các nhà khoa học và nông dân rất lo lắng. TS Hải âm thầm cùng thầy mình là PGS-TS Phạm Văn Kim (ĐH Cần Thơ) nghiên cứu tìm biện pháp phòng trừ. Một năm sau, ông công bố cách phòng bệnh: chỉ cần giảm mật độ gieo sạ và giảm bón phân đạm. Từ đó đến nay bệnh chín sớm gần như biến mất khỏi tỉnh Tiền Giang và một số địa phương khác. Cũng cần nói thêm mãi đến năm 2004, Viện Lúa gạo quốc tế mới tìm ra nguyên nhân gây bệnh chín sớm là do một loại nấm. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tặng huy chương “Tuổi trẻ sáng tạo” cho TS Hải sau khi kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi mang lại hiệu quả cao. |