Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/07/2010 21:48 (GMT+7)

Ôn lại lời dạy và những bài học về sử dụng ngôn ngữ của Bác Hồ

Khi giữ cương vị là người lãnh đạo đất nước, chỉ trong vòng 15 năm (từ tháng 10 năm 1947 đến tháng 12 năm 1962), Người đã 5 lần bàn về cách nói, cách viết, cách dùng từ ngữ, cách vay mượn từ ngữ, v.v. Nói một cách khái quát, chính những lời dạy của Bác về ngôn ngữ cũng như tấm gương học và sử dụng ngôn ngữ của Bác Hồ là một di sản quý báu, là một bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh sáng ngời mà chúng ta ngày nay cần học tập, noi gương, phát huy trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thời kỳ phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Như chúng ta đều biết, lúc ra đi tìm đường cứu nước Bác chỉ có một vốn chữ Hán và tiếng Pháp hạn chế. Vừa lao động kiếm sống vất vả, Bác không quên học tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Hán và nhiều ngôn ngữ khác để viết văn, làm báo, viết bài giảng lý luận cách mạng để giác ngộ, giáo dục quần chúng làm cách mạng cứu nước, giải phóng các dân tộc bị áp bức. Ngay sau khi lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã có một cống hiến mẫu mực về ngôn ngữ và tư tưởng, đó là bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 lịch sử. Đánh giá về khía cạnh ngôn ngữ trong bản Tuyên ngôn độc lập, GS Hoàng Tuệ khẳng định “Hồ Chí Minh, người khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cũng là người thảo ra văn bản nhà nước đầu tiên này của dân tộc Việt Nam đã làm chủ vận mệnh của mình và ngôn ngữ của mình”. (1)(Tuyển tập trang 469). Hơn nữa bản Tuyên ngôn không chỉ có giá trị cao về văn bản mà cách diễn ngôn của Bác cũng là một mẫu mực, một bài học lớn đối với chúng ta. Bây giờ mỗi lần nghe lại chúng ta đều thấy với giọng đọc ấm vang, rõ ràng rành rọt mang hơi thở tình cảm ấm áp của vị Chủ tịch nước, Bác đã truyền cảm sức lay động đanh thép mạnh mẽ vào tâm hồn, trái tim của hàng triệu, hàng triệu con dân đất Việt khát khao độc lập, tự do làm chủ vận mệnh của mình. Điều bất ngờ và thể hiện một ý thức lớn của người nói là đang đọc Bác bất chợt dừng lại hỏi: “ Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quả thực đây không chỉ là một câu hỏi thân tình ấm áp tình người mà là một thái độ, một quan điểm tôn trọng người nghe, tôn trọng nhân dân. Thái độ, quan điểm này đối với Bác Hồ là thường trực, là nhất quán trong việc làm, trong suy nghĩ. Bởi vậy sau này trong nhiều bài nói Bác thường căn dặn: “Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: viết cho ai xem? viết để làm gì? viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?” (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III. Hội nhà báo Việt Nam ). (2)

Cùng với mạch tư tưởng lớn ấy - tư tưởng vì dân, muốn trao tiếng nói chữ viết cho dân, viết nói cho dân đọc, dân nghe, dân hiểu mà Bác đã kêu gọi diệt giặc dốt, thanh toán nạn mù chữ, gây dựng phong trào bình dân học vụ, động viên người người đi học, nơi nơi mở lớp khắp trong cả nước.

Bài học về quan điểm của Bác Hồ đối với ngôn ngữ thật rõ ràng. Không biết thì phải cố mà học cho biết, cho giỏi, biết rồi thì dùng, dùng cho có ích, có hiệu lực, dùng thích hợp. Những lời dạy, những lời căn dặn của Người vì vậy có giá trị tổng kết, chiêm nghiệm từ thực tiễn hoạt động, từ hiểu biết sâu sắc giá trị, sức mạnh của ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ dân tộc nói riêng. Người khẳng định “ Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?” (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam , tr. 615). Trong lời dạy của Bác Nổi rõ 5 ý lớn: 1- “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”. 2- “Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó”. 3- “Làm cho phổ biến ngày càng rộng khắp”. 4- “Của mình” “có” thì “dùng” không vay mượn bừa bãi. 5- Chống “đầu óc ỷ lại” trong dùng, trong mượn ngôn ngữ.

Cần nhấn mạnh là, lâu nay trong nhiều lần trích dẫn lời trên của Bác, các tác giả ít chú ý đến ý thứ tư và thứ năm của Bác. “Của mình có mà không dùng lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”. Nằm trong cả lời dạy, cái cụm từ “của mình có” ở lời Bác không chỉ là từ ngữ không thôi mà là ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc. Bởi vậy, việc chống, phê phán “đầu óc quen ỷ lại” cần chú ý cả phạm vi rộng lớn hơn là ngôn ngữ, tôn trọng ngôn ngữ dân tộc, chống nệ ngôn ngữ nước ngoài, chứ không chỉ mượn từ ngữ bừa bãi, lạm dụng từ ngữ nước ngoài mà thôi. Chính bài học và những lời dạy của Bác dẫn trên phần nào đã định hướng, làm cơ sở cho chính sách của Nhà nước suốt từ sau Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày nay. Ví dụ như chủ trương dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ phổ thông, ngôn ngữ giáo dục trong nhà trường từ phổ thông đến đại học. Quyế định 53 CP về tiếng nói và chữ viết cho các dân tộc thiểu số ở nước ta. Phong trào vận động giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hoá tiếng Việt v.v. Tuy nhiên có một thời gian dài từ 1984 đến nay sự chú ý như bị lắng xuống. Cần nhanh chóng khắc phục sự lắng xuống này. Vì rằng từ sau Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt” ban hành ngày 5 tháng 3 năm 1984 đến nay chưa có văn bản pháp quy nào của Nhà nước được ban hành trừ Nghị định của Chính phủ số 194-CP ngày 31-12-1994 về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam. Trong hoàn cảnh hội nhập mở cửa, việc sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngôn ngữ trong nhà trường có nhiều vấn đề cần định hướng giải quyết mà thiếu hướng dẫn của nhà nước thì thật là khiếm khuyết.

Bài học và lời dạy của Bác Hồ như luôn nhắc nhở chúng ta mà mọi người cần có ý thức học tập, thực hiện. Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, để làm cho tiếng Việt là thứ của cái quý báu phát triển rộng khắp, Người có những chỉ bảo rất cụ thể thiết thực. Trong việc mở rộng giao lưu học hỏi các nước, các thứ tiếng khác cần cân nhắc đến sự cần thiết và sự thích hợp. Bác cho rằng “vay mượn là cần thiết”, “tiếng ta còn thiếu nên nhiều lúc phải vay mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc”. Song Người cũng nhắc nhở “Cần nghiên cứu cách đặt từ của mình, nghiên cứu nghĩ thêm những cách đặt từ mới của mình”, “vay mượn phải có chừng mực”, “chỉ nên mượn khi thật cần thiết”, “không nên vay mượn mà bỏ cả tiếng ta”. Bác tỏ thái độ nghiêm khắc “khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”. Bác nói “các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá” “cán bộ cũng hay dùng chữ lắm” “dùng đúng đã là một cái hại vì quần chúng không hiểu, dùng không đúng mà cũng ham dùng cái hại lại càng to”. Bác phê phán “bệnh nói chữ”, “bệnh ham dùng chữ Hán”, “những chữ ta có vì sao không dùng mà cũng mượn chữ nước ngoài”… Bệnh lười suy nghĩ, ngại tìm tòi sáng tạo, thói khoe chữ hay ỷ lại cũng được Bác nhắc nhở: “Tiếng ta sẵn có thì dùng tiếng ta”, “của mình có mà không dùng lại đi mượn của nước ngoài chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”. Bác yêu cầu “cần có một cuộc vận động chống việc lạm dụng từ nước ngoài, lạm dụng chữ nho”. Bác nói rõ “chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu”. Về một số tác phẩm văn nghệ Bác “thấy cách viết thường ba hoa, dây cà ra dây muống; và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền” (Bài nói chuyện tại đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ II tháng 4 – 1959).

Về cách nói, cách diễn ngôn thì như trên đã nói, bằng thực tiễn hành động, Bác đã nêu gương rồi Bác căn dặn; Bác “chống thói ba hoa”. Bác nói “ngày nay thói ba hoa còn nhiều và có cơ phát triển”. “Thói ba hoa tỏ ra nhiều vẻ”. Theo Bác Hồ thì đó là: “a/ dài dòng rỗng tuếch”. “b/ có thói “cầu kì”. “c/ khô khan lúng túng”. “d/báo cáo bông lông”. “đ/ nói không ai hiểu”. “e/ Bệnh “sáo cũ”. “g. Bệnh hay nói chữ”. Để thiết thực chống ba hoa Bác Hồ đã nêu lên “cách chữa thói ba hoa”. Theo Bác đó là: “1/ Phải học cách nói của quần chúng”… “2/ Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực, dễ hiểu”. “3/ Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được”… “4/ Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. “5/ Trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận”… “Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại 3, 4 lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem lại 9, 10 lần”… (Chống thói ba hoa, Chương VI Sửa đổi lối làm việc). Những lời dạy của Bác còn nhiều, ở đây chúng tôi chỉ mới trích dẫn được một ít. Cần có đào sâu, nghiên cứu kĩ hơn, nhiều hơn để hiểu rõ, để vận dụng lời dạy của Bác vào thực tế, nhất là khi trong sử dụng ngôn ngữ ở ta còn nhiều bất cập như hiện nay.

Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập và vận dụng di sản của Bác hồ về ngôn ngữ có ý nghĩa sâu sắc về định hướng chiến lược, đường lối, chính sách ngôn ngữ cũng như những việc làm, những hành động, ứng xử ngôn ngữ rất cụ thể thiết thực. Hiện nay trong bối cảnh đổi mới rộng rãi, trong hội nhập khu vực và quốc tế khẩn trương ngôn ngữ trở thành công cụ sắc bén, có hiệu lực càng to lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Hơn lúc nào hết chúng ta cần học tập, ôn lại bài học và lời dạy của Bác Hồ về sử dụng ngôn ngữ, thực hiện theo lời Bác nhiều hơn, tốt hơn nữa.

Chú thích:

1. Hoàng Tuệ (2008), Tuyển tập, Nxb Giáo dục, tr. 469.

2. Những trích dẫn trong bài rút từ các bài báo sau đây của Hồ Chủ tịch: 1/ Sửa đổi lối làm việc – 1947. 2/ Bài nói chuyện với những người viết báo ở chiến khu Việt Bắc ngày 17/8/1952. 3/ Bài nói chuyện tại đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ III ngày 9 tháng 9 năm 1962. 4/ Bài nói chuyện tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II tháng 12 – 1962. 5/ Bài nói chuyện với Ban lãnh đạo hội nghị bàn về việc cải tiến chữ quốc ngữ (tài liệu in tháng 10 – 1970). Để người đọc tiện theo dõi, chúng tôi ghi chú các bài viết của Bác ngay sau câu trích.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.