Nữ tiến sĩ với làng tre Việt Nam
Cơ duyên đưa TS Mỹ Hạnh đến với “nghiệp trồng tre” là vào năm 1999, trong một lần về thăm quê, xã Phú An, Bình Dương. Bà kể: “Khi gặp lại tôi, nhiều bà con trách móc, học cao, từng là tiến sĩ ở bên Tây về mà sao không chịu làm gì đó có lợi cho quê mình?”. Câu nói bất ngờ của những người dân quê khiến tôi luôn trăn trở “cần phải làm điều gì đó cho quê nhà”. Một lần lang thang dạo quanh xóm, tôi thấy vùng đất quê mình có khá nhiều tre. Ý tưởng hình thành làng tre khiến tôi bắt tay viết dự án “Xóa đói giảm nghèo trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên”, với mục đích chính nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây tre Việt, cùng nhiều loài cây bị đe dọa tuyệt chủng khác ở Đông Nam Bộ. Ban đầu, xã duyệt cấp đất, người dân địa phương đóng góp được 10 triệu đồng. Dĩ nhiên để thực hiện một bảo tàng tre thì số tiền ấy chả thấm vào đâu. Tôi thử “gõ cửa” Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minhvới mong muốn được hỗ trợ thêm chút ít. Họ tư vấn, dự án quá nhỏ nên phải viết lại dự án mang tầm quốc tế, kêu gọi tài trợ của vùng Rhône Alpes (Pháp). Khi dự án tạm hoàn tất thì nước Pháp bầu cử. Chính quyền mới không muốn tiếp tục thực hiện dự án nên cử ông Jean Philipe Bayon - Phó Chủ tịch vùng Rhône Alpes sang Việt Nam với ý định bác bỏ việc tài trợ. Thế nhưng khi đến làng, nhìn thấy những bụi tre quý hiếm được chúng tôi sưu tầm, ông thay đổi ý định. Sau đó, tôi được mời sang Rhône Alpes trình bày ý tưởng làng tre. Năm 2003, Hội đồng vùng Rhones Alpes quyết định tài trợ cho dự án 596.000 Euros (khoảng 13 tỷ đồng) trong vòng 6 năm (2003-2008). Kể từ đó, dự án chính thức được hình thành bởi sự hợp tác giữa 4 đơn vị là tỉnh Bình Dương, ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, vùng Rhône Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat – cộng hòa Pháp. Ngoài việc vùng Rhône Alpes ủng hộ tài trợ, tỉnh Bình Dương quyết định cấp 10 ha đất tại xã Phú An và đóng góp thêm khoản kinh phí 1,5 tỷ đồng để xây dựng nên làng tre Phú An.
Đến nay, làng tre Phú An có hơn 2.000 bụi tre, trúc, mai, vầu... của 300 mẫu thuộc 17 loài được sưu tầm từ khắp cả nước. Những bộ sưu tập được phân chia theo từng khu vực: Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc bộ. Trên mỗi bụi tre được đánh dấu về tọa độ tìm thấy, thời gian, tên người sưu tầm và công tác này vẫn được tiếp tục trong thời gian tới để xây dựng làng tre Phú An trở thành một “bảo tàng tre” lớn và đầy đủ nhất Việt Nam.
Công việc sưu tầm tuy vất vả nhưng không gian nan bằng việc “định danh” cho tre vì nó rất cần thiết nhưng khó làm. Khi sưu tầm tre, thường biết tên địa phương chứ chưa có tên khoa học để đối chiếu. Hiện nay, với 300 mẫu tre của làng tre Phú An mới chỉ định danh chừng vài chục mẫu, số còn lại mới định giống chứ chưa định được loài. Do không thể căn cứ trên hoa tre để định danh, vì thế tất cả các đặc tính thực vật khác của tre như thân ngầm, mô, cành, lá phải được “mã hóa” trong phần mềm XPER2, do Giáo sư Régine Vignes Lebbe của Trường ĐH Jussieu Paris VI viết, trong chương trình hợp tác nghiên cứu cùng TS Mỹ Hạnh...
TS Gabriel de Taffin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về nông nghiệp CIRAD khu vực Đông Nam Á - người từng đi khắp thế giới để nghiên cứu về môi trường, trong một lần ghé sang làng tre Phú An gần đây đã vô cùng ngạc nhiên:: “Tôi nghĩ đây là trung tâm bảo tồn về tre lớn nhất ở Đông Nam Á. Ở Pháp, Indonesia hay Singapore cũng có nhiều khu bảo tồn lớn, nhưng đó là những khu tổng hợp mà tre là một phần trong đó chứ chưa có những trung tâm quy mô như thế này. Với những gì làm được hiện nay, làng tre Phú An hoàn toàn có thể phát triển lên tầm cỡ của một khu bảo tồn lớn về tre của châu A!”
Không chỉ xây dựng một bảo tàng tre Việt Nam còn có nhiều đề tài mà TS Mỹ Hạnh luôn ấp ủ, như nghiên cứu ứng dụng tre trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn việc ứng dụng cây trâm ổi (tên khoa học lantana camara) hấp thu chì, kim loại nặng để giải phóng đất bị ô nhiễm; dùng sợi tre để làm bio-composite thay composite thông thường; sử dụng tre làm nguyên liệu chống thấm nước, chế tạo ra các loại vải, túi nylon sinh học không gây hại môi trường... Nếu những đề tài này thành công thì không chỉ góp phần phục vụ đời sống mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường.
Bà Trần Thị Kim Vân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có nói: “Công trình này đã mở ra cho tỉnh Bình Dương thêm một hướng phát triển mới: Phát triển công nghiệp trong chiến lược bảo vệ môi trường”. Phát triển vùng sinh thái Phú An có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, một mặt bảo tồn các giống tre truyền thống của Việt Nam, một mặt tạo ra “lá phổi xanh” của tỉnh Bình Dương – rất cần thiết cho địa phương hiện đứng trong tốp đầu về phát triển các Khu công nghiệp – Khu chế xuất của cả nước.