Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 19/12/2011 19:03 (GMT+7)

Nồng nhiệt đến với cách mạng, dấn thân theo kháng chiến

Việt Minh lọt vào hiệu thuốc lúc nào?

Năm 1944, trong toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp, chỉ có 6 người tốt nghiệp dược sĩ đại học. Đỗ Tất Lợi nằm trong con số quá ít ỏi ấy.

Ông thuê một ngôi nhà ở góc Bờ Hồ - Hàng Gai để mở hiệu thuốc, một vị trí lý tưởng chỗ ngã năm.

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp.

Khi DS Lợi vừa chữa xong ngôi nhà, treo biển, thì bọn Nhật đến, đòi chiếm lấy để làm phòng thông tin! Chả là vì nơi đây đông người qua lại. DS Lợi không chịu. Nhưng, cuối cùng, đành nhượng bộ cho chúng sử dụng hai tủ kính về phía Bờ Hồ để dán mấy tờ báo thân Nhật. Hằng ngày, nhân viên phòng thông tin của chúng từ phố Tràng Tiền đến thay báo, rồi yêu cầu ông dược sĩ … “trông coi”!

Một buổi sáng, trong khi ông đang mải miết làm việc, thì bỗng thấy phía trước tủ kính người đông nghịt! Có gì lạ vậy? Thì ra Việt Minh đã lọt vào hiệu thuốc từ lúc nào rồi, bóc mấy tờ báo phản động kia đi, dán vào đấy mấy số báo Cứu Quốc! Mấy số báo ấy DS Lợi đã đọc trước đó, nhưng phải đọc lén vào lúc nghỉ trưa, sau khi khoá trái các cửa, nhân viên ra ngoài hết cả rồi. Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, một người bạn thân thời trung học, chuyển cho ông đọc đều đặn báo của Việt Minh.

Ai dám dán mấy số báo kia ngoài tủ kính thế nhỉ? Ông cảm thấy vừa mừng, vừa phục, vừa lo. Nếu bọn Nhật đến, sẽ phải đối phó sao đây? Chưa biết thế nào, nhưng thôi, ông cứ liều kéo dài thời gian mở cửa hiệu thuốc tới 10 giờ đêm (thường chỉ tới 5 giờ rưỡi chiều) cho dân chúng tha hồ xem báo. 

KTS Ngô Huy Quỳnh có người cháu gái là Ngô Minh Nguyệt làm công ở hiệu thuốc. Về sau, DS Lợi mới biết Nguyệt là người của Việt Minh. Cô đưa cho ông mấy tờ tín phiếu để ông mua, góp quỹ Việt Minh. Rồi cô khuyên ông nên quyên góp thuốc sốt rét, thuốc đỏ, bông băng gửi lên chiến khu Cao - Bắc - Lạng...

Người thứ hai, anh Phạm Văn Phong, nhân viên thu tiền ở hiệu thuốc, hoá ra cũng là cán bộ Việt Minh!

Thảo nào mà mấy số báo Cứu Quốckia được dán ở hai cái tủ kính!

Dược sĩ Đỗ Tất Lợi (trái), tự vệ sao vuông làng hoa Hữu Tiệp, sẵn sàng chiến đấu giành độc lập, tự do. (Ảnh: gia đình cung cấp)

Tay không, chiếm trại bảo an binh

Với bản tính sôi nổi, chân thành và cởi mở, GS Đỗ Tất Lợi kể lại những ngày đầu “non nớt” đến với cách mạng. 

“Năm 1945, tôi mới 26 tuổi, còn trẻ lắm. Rất may - ông nói - tôi được gần gũi nhiều cán bộ Việt Minh, từ kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đến cháu Ngô Minh Nguyệt. Tôi coi việc giành độc lập là tiên quyết. Phải có độc lập rồi, thì người trí thức “bản xứ” mới được tôn trọng. Cho nên anh Quỳnh, cháu Nguyệt bảo tôi làm gì cho công cuộc giải phóng, là tôi làm liền; nếu bảo cần đóng cửa hiệu thuốc, tôi cũng sẵn lòng.

Giờ Tổng Khởi nghĩa tới rồi! Tôi cho may một lá cờ đỏ sao vàng thật to treo trước cửa hiệu thuốc. Ông Hoàng Mộng Giác, một dược sĩ già ở gần phố Hàng Gai, ngạc nhiên chỉ vào lá cờ đỏ to tướng ấy, hỏi tôi bằng tiếng Pháp: “‘Tu es communiste, toi?”(Cậu là cộng sản, chính cậu?) Tôi trả lời ngay: “Pourquoi pas?” (Tại sao không?) Thú thật, khi trả lời như vậy, tôi chẳng biết Việt Minh có phải là cộng sản hay không! Và cộng sản là như thế nào, tôi cũng chẳng rõ! Tôi chỉ biết, những lời kêu gọi, những điều viết trên báo Cứu Quốc và những việc làm của cán bộ Việt Minh thì ai là người Việt Nam có chút lòng yêu nước cũng phải tán thành.

Dược sĩ Đỗ Tất Lợi trong phòng thí nghiệm dược học. (Ảnh: gia đình cung cấp)

Chưa bao giờ tôi say sưa vui sướng hơn những giờ phút theo đoàn biểu tình đi chiếm trại bảo an binh ngày 19-8! Đến gần trại, tôi cố len lên phía trước để được nhìn tận mắt và được góp sức vào việc chiếm trại. Vào được trại rồi, bỗng nghe tin lính Nhật kéo đến vây! Có thể đổ máu? Tôi xin phát súng để bảo vệ cái trại ta vừa giành được. Nhưng rồi, tôi bỗng cảm thấy sợ. Một số người khác cũng cứ nói liều là họ biết dùng súng nhưng, khi được phát, lại bóp cò nổ đì đẹt lung tung! Không khéo tôi chết oan vì mấy “ông tướng” này mất! Chẳng làm sao biết được ai là người chỉ huy giữa đám đông nhốn nháo! 

Cũng may, cuối cùng, ta thuyết phục được bọn Nhật: Tokyo đã đầu hàng rồi, vậy thì ở Hà Nội, bọn họ còn can thiệp vào chuyện Việt Minh chiếm trại bảo an binh để làm gì cơ chứ?”

Tiền quan kim và súng Pạc-hoọc

Trong lúc chờ quân Đồng Minh vào tước vũ khí, bọn Nhật rất hoang mang. DS Lợi nhân cơ hội ấy, dùng tiền mua súng do chúng giấm giúi mang đến bán. Ông vẫn nghe đồn “quân đội thiên hoàng” có tinh thần “võ sĩ đạo”, rất trọng danh dự. Nhưng sự thật đâu phải vậy! Ông mà cả, mua được hai khẩu Côn, một loại súng ngắn rất tốt, cho mình và cho người anh vợ (chính là người bán hàng ở hiệu thuốc). Ông còn mua thêm một khẩu súng trường Anh-đô-si-noa, một khẩu các-bin với 500 viên đạn sáng choang cho tự vệ làng hoa Hữu Tiệp. Có súng, có đạn rồi, anh em liền mở hội thi bắn. Không ngờ ông dược sĩ trẻ bắn giỏi nhất làng hoa!...

GS Đỗ Tất Lợi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. (Ảnh: gia đình cung cấp)

Quân Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật. Chúng bắt dân ta tiêu đồng tiền giấy “quan kim” với cái giá hối đoái ngất ngưởng cao hơn giá trị thực  nhiều lần. Ở Quảng Đông dạo đó, nghe nói, muốn ăn một bát sủi cảo, phải xách theo cả một cái bị to tướng thứ tiền… “khỉ gió” kia!

“Hôm đó, một tên Tàu Tưởng đến mua thuốc - GS Đỗ Tất Lợi kể. Nó hỏi giá tiền Việt, nhưng rồi đưa trả bằng tiền quan kim. Người anh vợ tôi  không chịu bán. Nó cứ giằng lấy thuốc. Anh ấy giằng lại, rồi giận dữ hô lên “tả lớ!” (đánh bỏ đời!) Tên này bỏ đi. Nhưng, lát sau, hắn quay lại cùng một tên khác mang súng Pạc-hoọc. Biết chuyện lôi thôi to, anh ấy tránh mặt. Vừa lúc đó, tôi bước ra. Súng Pạc-hoọc gí sau lưng, chúng áp giải tôi tới nơi “xét xử” ở cuối dốc Hàng Than. Chúng giam tôi vào một căn phòng có nhiều người dân thường đã bị chúng đánh nhừ đòn. Sờ trong túi quần, tôi bỗng thấy còn mấy viên đạn súng ngắn! Vứt đâu bây giờ? Tôi bèn lẻn vào hố xí, ném xuống đống phân. Tôi vừa bước ra, thì chúng gọi tới tên tôi! May mà trong khi chúng áp giải tôi đi cả một chặng đường dài, từ đầu phố Hàng Gai đến cuối dốc Hàng Than, người anh vợ tôi đã kịp chạy đến gặp một ông bạn người Hoa quen tên chỉ huy Tàu Tưởng, nhờ can thiệp. Thế nên chúng mới chịu thả tôi về. Nếu không, chắc chúng cũng đã đánh tôi nhừ tử!

Ngày ấy, tôi chưa thấu hiểu những nỗi gian truân của Ông Cụ, nên thầm oán trách Chính phủ ta mềm yếu quá, nhượng bộ bọn Tàu Tưởng nhiều quá! Cứ lùi mãi thế này, chưa biết chừng lại để mất nước một lần nữa đây!...”.

GS Đỗ Tất Lợi và tác giả. (Ảnh: Nghệ sĩ nghiếp ảnh Trịnh Hải)

Tây mũ đỏ ngáng xe, gây hấn

Tháng 12-1946, tình hình Hà Nội hết sức căng thẳng.

DS Đỗ Tất Lợi vừa dắt xe đạp ra khỏi hiệu thuốc Huỳnh Quang Đại (ở đầu phố Bà Triệu ngày nay), tay xách một cái cặp da đựng tiền và khẩu súng ngắn, thì một tên lính Tây mũ đỏ chạy ra ngáng xe, bắt dừng lại. Nhiều người đi đường lo lắng cho ông, nhưng chẳng ai dám đến gần.

- Mày là tự vệ?

- Tôi là dược sĩ.

Tưởng trả lời như vậy là yên, vì nhìn bộ côm-plê khá sang ông mặc, chắc nó cũng nghĩ ông nói đúng. Không ngờ nó vặn lại:

- Dược sĩ à? Nếu vậy, thì chính mày lấy hoá chất cho vào nhân bánh, khiến chúng tao ăn... đau bụng! 

- Tôi không biết làm bánh.

- Mày không biết làm bánh thì bạn mày làm.

- Tôi không có người bạn nào biết nghề làm bánh cả.

Tên lính đưa tay lên sờ túi trong áo vét-tông của ông, chắc là để moi tiền. Ông hoảng quá! Kêu với ai bây giờ? Mọi người chỉ đứng xa nhìn, nào có ai dám đến gần can thiệp! Ông sợ nhất là nó lục chiếc cặp da! Trong cặp có khẩu súng ngắn, thì thật khó cãi mình không phải là tự vệ!

Nhưng rồi, chẳng hiểu sao, nó bỗng để ông đi. Có lẽ do số người đi đường dừng lại xem mỗi lúc một đông, với vẻ mặt đầy căm phẫn.  

Quân Pháp khiêu khích trắng trợn, bắn chết đồng bào ta ở phố Yên Ninh. Nhưng tại sao Chính phủ ta cứ nhịn nhục mãi? 

Đêm 19/12/1946, đèn thành phố vụt tắt. Nhận biết mật hiệu nổ súng đánh Pháp, DS Đỗ Tất Lợi vui sướng vô cùng! Đúng rồi! Chính phủ ta chỉ nhượng bộ đến một mức nào thôi. Vượt quá cái mức đó, thì phải đánh!

 

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.