Nỗi buồn trong ngôn ngữ “Sầu xuân” của Hàn Mặc Tử
Đêm xuân lạnh, bóng xuân tàn
Hoa xuân mơn trớn can tràng thuyền quyên
Trời xuân vắng vẻ hương nguyền
Sông xuân lặng lẽ con thuyền xa xa
Xuân đi đi khắp sơn hà
Tuổi xuân chất mãi tóc da đổi màu
Ngày xuân như gió thoảng mau
Tình xuân một khối ai sầu hơn ai
Mưa xuân như nhắc chuyện đời
Rượu xuân như gợi những lời nước non
Thề xuân dù chẳng vuông tròn
Khoá buồng xuân lại vẫn còn sầu xuân.
(Hàn Mặc Tử, Thơ và đời, NXB Văn học, HN, 2000)
Chỉ cần đọc qua một lần, ta đã thấy bài thơ thật đặc biệt bởi câu nào cũng có từ xuân, riêng câu đầu và câu cuối có hai từ xuân. Như vậy, bài thơ có tất cả 14 lần xuânxuất hiện. Toàn bộ những từ xuântrong bài thơ có thể tạm chia về 4 khu vực chính. Khu vực không gian gồm trời xuân, sông xuân, xuân đi.Khu vực thời gian gồm đêm xuân, bóng xuân, tuổi xuân, ngày xuân. Khu vực cảnh vật gồm hoa xuân, mưa xuân, rượu xuân. Biểu hiện lòng người gồm tình xuân, thề xuân, buồng xuân, sầu xuân. Trong các kết hợp trên, có thể thấy đa số đều được cấu tạo theo mô hình danh từ + xuân, trừ một trường hợp duy nhất: ở câu thơ thứ 5, xuânxuất hiện với một mô hình khác: xuân +động từ. Trừ hai trường hợp thề xuânvà sầu xuân,các trường hợp x + xuâncòn lại hầu hết đều là những thi liệu của văn chương cổ điển, đã được dùng nhiều trong thơ ca. Nhưng chỉ ở Sầu xuâncủa Hàn Mặc Tử, những thi liệu đó mới được sử dụng theo một tính chất hoàn toàn khác, kết hợp với nhau thành một hệ thống ngôn từ theo chủ đề nhằm làm nổi bật lên tâm trạng sầu muộn của chủ thể trữ tình. Sự bất thường trong việc sử dụng lại những thi liệu cũ để diễn đạt về những tình cảm mới sẽ được làm rõ khi chúng ta xem xét từng trường hợp cụ thể dưới đây. Hãy bắt đầu từ bốn câu thứ nhất:
Đêm xuân lạnh, bóng xuân tàn
Hoa xuân mơn trớn can tràng thuyền quyên
Trời xuân vắng vẻ hương nguyền
Sông xuân lặng lẽ con thuyền xa xa
Những yếu tố về thời gian và cảnh vật mùa xuân trong mấy câu thơ này đều được miêu tả theo cấu trúc cú pháp giống nhau: luôn luôn có những tính từ/động từ đi kèm bổ sung ý nghĩa cho những cấu trúc x + xuân: đêm xuân lạnh, bóng xuân tàn, hoa xuân mơn trớn, trời xuân vắng vẻ, sông xuân lặng lẽ.
Nói về đêm xuân, thi ca cổ điển thường miêu tả trong cảm giác nhẹ nhàng êm ái:
Phù dung trướng noãn độ xuân tiêu
(Màn phù dung êm ái đêm xuân)
( Trường hậu ca- Bạch Cư Dị, Tản Đà dịch)
Xuân miên bất giác hiểu
(Giấc ngủ (đêm) mùa xuân (say sưa) không biết rằng trời đã sáng)
( Xuân hiểu- Mạnh Hạo Nhiên)
Khoa thược dược mơ mòng thuỵ vũ
Đoá hải đường thức ngủ xuân tiêu
( Cung oán ngâm khúc- Nguyễn Gia Thiều)
Đêm xuâncòn được xem là thời khắc hạnh phúc, quý giá trong sự hưởng thụ cuộc sống của con người:
Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim
(Một khắc đêm xuân đáng giá ngàn vàng)
( Thành ngữ)
Vậy mà ở đây nhà thơ lại thấy đêm xuânlạnh lẽo xiết bao. Mới là câu mở đầu trong một bài thơ lấy mùa xuân làm thời gian nghệ thuật chủ đạo nhưng thi nhân đã nhìn thấy trước sự tàn phai: bóng xuân tàn. Các yếu tố còn lại như trời xuânhay sông xuâncũng đều mang dáng vẻ bất thường như vậy. Trời xuânkhông thấy vẻ ngào ngạt hương hoa, líu lo chim chóc trong thơ Xuân Diệu:
Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui
Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời
Sao buổi đầu xuân êm ái thế
Cánh hồng kết những nụ cười tươi
Sông xuâncũng không thấy dạt dào sóng nước, hoà cùng với vẻ đẹp của trời xuân như trong thơ Hồ Chí Minh:
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên
(Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân)
(Nguyễn Tiêu)
Trời xuânvà sông xuânở đây đơn lẻ, rời rạc, tản mát. Tất cả đều toát lên cảm giác về một sự hao khuyết. Trong khung cảnh đó, con người xuất hiện:
Hoa xuân mơn trớn can tràng thuyền quyên
Mĩ nhân được đặt bên cạnh hoa xuân. Nếu như trong một khung cảnh khác, đây chắc hẳn là một bức tranh lay động lòng người bởi như người xưa từng quan niệm: “Nếu không có hoa, rượu, mĩ nhân thì xin đừng sinh ra ở thế giới này” ( U mộng ảnh -Trương Trào, thế kỷ XVIII). Thế nhưng ở đây ta chỉ thấy lòng nặng trĩu vì bức tranh hoa - mĩ nhân cũng không khỏi toát lên sự cô quạnh, đơn lẻ khi nó bị vây xung quanh bởi những lạnh - tàn - vắng vẻ - lặng lẽ. Hoa xuânthì đương nhiên là vẫn đẹp nhưng cái đẹp ấy khác nào chỉ khiến con người thêm buồn, giống như nỗi buồn của người chinh phụ trong. Chinh phụ ngâmxưa:
Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu
(Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm)
Sau bốn câu thơ mở đầu, xuântrong những câu thơ kế tiếp của Sầu xuânđược mở rộng hơn biên độ về không gian và thời gian, trong đó có thời gian của đất trời:
Xuân đi đi khắp sơn hà
Tuổi xuân chất mãi tóc da đổi màu
Ngày xuân như gió thoảng mau
Tình xuân một khối ai sầu hơn ai
Duy nhất trong bài thơ, có một lần xuânđươc miêu tả trong sự vận động: xuân đi đi khắp sơn hà. Nhưng vận động dường như chỉ để trải nỗi buồn ra rộng hơn. Thế nên từ không gian, nỗi buồn đã thấm vào từng khoảng khắc thời gian. Nghịch lý biết bao khi con người đang sống trong tuổi thanh xuân mà lại cảm thấy mùa xuân đến trong sự chồng chất, chỉ mang lại tàn phai và già nua: tóc da đổi màu.Đến Nguyễn Trãi khi đã là một ông già vẫn tiếc nuối tuổi xuân:
Tiếc thiếu niên qua lượt hẹn lành
Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình
Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc
Đầu bạc xưa này có tuổi xanh
(Quốc âm thi tập)
Vậy mà Hàn Mặc Tử đã chán chường, không thiết gì đến tuổi xuân,cũng giống như khi Chế Lan Viên đã viết:
Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
(Xuân)
Từ thời gian của chính mình, nhìn ra thời gian của đất trời, thi nhân thấy ngày xuânchỉ như gió thoảng.
Ở đây thi nhân không thích thú gì mùa xuân, không muốn hưởng thụ những niềm vui của tuổi trẻ vậy mà lại cảm thấy thời gian trôi đi nhanh. Nghịch lí này nói lên rằng con người đã và đang sống trong một tâm trạng vô định. Cái vô định ấy kéo người ta đi trong cả thời gian lẫn không gian để rồi cuối cùng, nén lại cái tình xuânkia thành một khối u uất, cô độc và lạc lõng.
Nếu như qua những từ xuânở bốn câu đầu, thường là sự miêu tả cụ thể, biểu hiện qua những tính từ với vai trò định ngữ cho những kết hợp x + xuânthì trong những câu thơ kế tiếp như chúng ta vừa thấy, cách miêu tả không đi vào cụ thể nữa mà chuyển dần sang ước lệ: đi khắp sơn hà, tóc da đổi màu, như gió thoảng mau, tình xuân một khối.Và hai câu thơ tiếp theo lại là hai hình ảnh so sánh:
Mưa xuân như nhắc chuyện đời
Rượu xuân như gợi những lời nước non
Thi nhân lảng tránh sự miêu tả cụ thể. Thực ra, mưa xuânvà rượu xuânvốn là hai hình ảnh đẹp của mùa xuân, được nói đến nhiều trong thơ ca truyền thống. Nếu ở một nhà thơ khác, chắc hẳn mưa xuânsẽ hiện lên rõ rệt hơn với từng đường nét chi tiết, cảm giác sinh động, chẳng hạn:
Lê hoa nhất chi xuân đới vũ
(Một cành hoa lê đẫm mưa xuân)
( Trường hận ca -Bạch Cư Dị)
Xuân vũ thiêm lai thuỷ phách thiên
(Lại thấy mưa xuân nước vỗ trời)
( Bến đò xuần đầu trại -Nguyễn Trãi)
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
( Mưa xuân- Nguyễn Bính)
Thế nhưng Hàn Mặc Tử chỉ viết: Mưa xuân như nhắc chuyện đời. Dường như nói đến cảnh vật chỉ là để nói chuyện khác chứ không phải để miêu tả cảnh vật. Cái tâm trạng u uẩn của con người ở đây đâu phải đặt vào chỗ những cảnh vật đó. Dễ hiểu vì sao mưa xuânvà rượu xuânở đây được hiện lên với cùng một thủ pháp: tả mà không tả. Một cách khác, đằng sau hai cụm từ này có một ẩn dụ: sự cất giấu những nỗi niểm
Nỗi niềm ấy không dễ nói, không dễ bày tỏ, cũng không dễ quên đi. Con người không thể lẩn tránh nó nên phải tìm cách chạy trốn nó. Cuộc chạy trốn nỗi buồn ấy đẩy cái tứ của bài thơ lên chỗ cao nhất:
Thề xuân dù chẳng vuông tròn
Khoá buồng xuân lại vẫn còn sầu xuân
Cặp hình ảnh thề xuân - buồng xuânlà những cặp ẩn dụ gợi nên trong ta những cảm giác về hạnh phúc lứa đôi. Buồng xuâncòn gợi nhớ về câu thơ xưa của Đỗ Mục:
Đồng Tước xuân toả nhị Kiều
(Một đền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều)
Kết hợp cùng hình ảnh đã xuất hiện trước đó: mĩ nhân bên hoa xuânvà rượu xuân, đây đích thực là một cuộc chạy trốn của con người vào tình yêu, mong đó có thể cứu rỗi mà xoá đi nỗi buồn. Liệu đây sẽ là một lựa chọn thành công chăng? “Động phòng hoa chúc dạ” đã từng được xem là cái hạnh ngộ lớn thứ ba trong mỗi kiếp người trần thế:
Cửu phùng cam vũ lộ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh đề
Thế nhưng, hai chữ sầu xuânmở đầu bài thơ và cũng chính là nó lại kết thúc bài thơ. Con người rốt cục đã nâng được chén rượu xuân,“trốn” vào buồng xuân, có thuyền quyênkề bên mà vẫn không thoát khỏi nỗi sầu xuân. Sự bế tắc này đâu chỉ của Hàn Mặc Tử mà còn của cả một thế hệ thi nhân thời đó. Hoài Thanh đã nói hộ chúng ta về điều này: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu liêu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng chợt tỉnh, đắm say vẫn bơ vơ, ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta”. ( Một thời đại trong thi ca, Thi nhân Việt Nam)…
Sầu xuânkhép lại nhưng dư âm của nó vẫn làm ta vương vấn. Thi phẩm đã thực sự chinh phục người đọc bằng cấu tứ đẹp, bất ngờ, bằng ngôn từ gợi cảm và các hình ảnh giàu chất thơ. Tất cả nằm trong hệ thống ẩn dụ ở cấu trúc bề sâu của thi phẩm nhằm toát lên chủ đề chính: nỗi buồn và sự cô đơn. Nhưng chính nỗi buồn và sự cô đơn ấy lại ẩn giấu một tình cảm dân tộc, một tình cảm được các nhà thơ lãng mạn đã thể hiện theo cách riêng của mình. Xin được mượn lại lời của cố Tổng bí thư Trường Chinh kết thúc cho bài viết nhỏ này: “Các tầng lớp tư sản dân tộc và tri thức tiểu tư sản Việt Nam tìm thấy ở chủ nghĩa lạng mạn một tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa”.
Tài liệu tham khảo
1. Nghệ thuật thi ca, Aristôt, H, 1964.
2. Ngôn ngữ thơ,Nguyễn Phan Cảnh, h, 2000.
3. Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Hữu Đạt, H, 1996.