Những thư viện lớn của triều Nguyễn ở kinh đô Huế xưa
So với những triều đại trước ở Việt Nam thì nhà Nguyễn đã có được một số lượng văn khố phong phú và đa dạng hơn nhiều. Lúc bấy giờ Huế giữ vai trò là kinh đô của cả nước, cho nên triều đình đã thiết lập tại đây khá nhiều văn khố (kho lưu trữ hay thư viện). Bởi vì đây là nơi tập trung lưu trữ mọi thông tin trong cả nước, trước tiên là để xử lý các vấn đề liên quan đến việc điều hành đất nước, tiếp đến là để làm tư liệu viết sử sách cho triều đại. Ý thức được điều này, ngày từ đầu triều đình nhà Nguyễn đã đặt ra vấn đề sưu tầm sách cổ để lưu trữ với các tư liệu khác trong văn khố tại kinh đô Huế. Vào năm Gia Long thứ 10 (1811), nhà vua đã ban hành ba chiếu chỉ cho các dinh trấn trong Nam ngoài Bắc nói về việc sưu tầm các sách cũ. Trong một tờ chiếu có đoạn viết: “Tuy sau binh biến, kho sách không còn bằng chứng nhưng những học giả uẩn súc chắc còn ghi chép. Nay đất nước đã thống nhất cần phải tìm xét rộng rãi. Phàm dân chúng các ngươi như có điển xưa việc cũ hoặc được ở nhà riêng ghi chép, hết thảy điển chương điều lệ, cho phép do quan địa phương sở tại dân lên. Nếu có điều gì quan hệ đến chính thể,trẫm sẽ tự xét chọn, đều có nêu thưởng… Từ đây những sách cất giữ ở nhà dân dần dần được đem ra”. Vào năm 1820, vua Minh Mệnh cũng “xuống chiếu tìm sách cũ”, trong đó nói: “Trẫm để ý việc xưa, noi theo chí trước,… nhưng từ lúc dấy quân về sau, nhiều kho sách không còn bằng chứng, các nhà nhiều học thức còn ghi chép được chăng? Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước không kể tường hay lược, đem nguyên bản đến nộp hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng”.
Nhờ chính sách sưu tầm trên nên vào thời Gia Long (1802 – 1819) và Minh Mệnh (1820 – 1840), triều đình đã tìm được nhiều tài liệu quý. Dưới thời các vua kế nghiệp, nhất là các vua Thiệu Trị (1841 – 1847) và Tự Đức (1848 – 1883), các hoạt động văn hóa ngày càng phát triển, số lượng tư liệu tích lũy tại Huế ngày càng phong phú hơn. Thơ văn ngự chế, tác phẩm của các tao nhân mặc khách trong nước, các loại văn kiện hành chính của triều đình, các văn bản ngoại giao, sách vở do các phái bộ mua ở nước ngoài về, sử sách do Quốc sử quán, Nội các, hoặc các học giả tư nhân biên soạn…, tất cả làm cho Huế trở thành một trung tâm tư liệu dồi dào. Do đó triều Nguyễn đã thiết lập tại đây những Văn khố (Thư viện) dưới các dạng khác nhau để lưu trữ bảo quản và khai thác vốn tài liệu. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này hơn trong phần tìm hiểu tiếp theo dưới đây.
Theo những tư liệu, hình ảnh và di tích để lại chúng tôi thấy triều Nguyễn đã thiết lập ở kinh đô Huế 6 Thư viện hoặc Văn khố được ghi theo thứ tự thời điểm hình thành sau đây:
1. Thư viện Sử Quán
Sử quán còn được gọi là Quốc sử quán, một cơ quan viết sử của triều Nguyễn. Nó được thành lập chính thức vào năm 1821, dưới triều vua Minh Mệnh. Tọa lạc bên tả Kinh thành ở phường Văn Phú, vào đầu thế kỷ XX gọi là phường Trung Hậu. Nay thuộc phường Thuận Thành, thành phố Huế.
Sứ mệnh hàng đầu của Quốc sử quán là viết sử cho nước nhà, nhất là lịch sử của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn để biểu dương công trạng của nhà Nguyễn trong việc mở mang xây dựng đất nước. Xin trích dẫn một đoạn trong tờ dụ của vua Thiệu Trị, năm nhà vua mới lên ngôi (1841) để làm ví dụ: Đời nào dấy lên tất phải có sử chép của đời ấy, cốt để thuật lại đức tốt của người tốt của người trước mà lưu truyền lại cho đời sau. Nước nhà ta vâng mệnh trời mở vận nước, thánh thần truyền nối đã hơn hai trăm năm nay, các việc lễ, nhạc, hình, chính tùy thời mà thêm bớt. Hoàng tổ, Thế tổ Cao hoàng đế ta khai sáng cơ nghiệp trung hưng, chính mình làm cho trong nước thái bình, đất đai thống nhất quy mô rộng xa. Hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ta gồm tài văn võ dọc ngang, sách lược rất rõ rệt, công liệt thánh nối theo, có thể chế chính đại công bằng, có tinh thần tác dụng co giãn, trong khoảng hai mươi mốt năm chính sự hay, pháp độ tốt, rành rành có thể ghi chép được…”. [ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, Nxb. Giáo dục, 2007, trang 241].
Muốn viết sử các sử quan phải có tư liệu. Do đó triều đình đã tập trung tại đây một khối lượng sử sách khá lớn sưu tầm được khắp trong nước và một số tài liệu trong Nội các cũng được chuyển ra đây để họ làm tư liệu. Cho nên Quốc sử quán đã để lại một khối lượng tài liệu đồ sộ đặc biệt là sử liệu. Trong lĩnh vực sử học, các tác phẩm của Quốc sử quán chiếm vị trí chủ đạo và nổi bật hơn cả. Qua các bộ sử tiêu biều như: Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Minh Mệnh chính yếu…, lịch sử triều Nguyễn( bao gồm các đời chúa và vua) đã được tái hiện khá đầy đủ, phản ánh nhiều mặt của lịch sử đương thời.
Trong biên chế của Quốc sử quán bấy giờ có một chức quan gọi là Thu chưởng ( tòng cửu phẩm), do đình thần kến chọn. Từ Thu chưởng có nghĩa là người giữ sách (thủ thư), tức là quan chuyên trách quản lý thư viện của Quốc sử quán. Thư viện Sử quán chứa đựng một số lượng tài liệu lớn, phục vụ trực tiếp cho cơ quan viết sử của triều đình nên ngoài việc triều đình cử quan viên quản lý còn tăng cường cơ sở vật chất cho Thư viện. Sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ Tục Biên thì vào năm 1861, bộ lễ tâu vua rằng: Tủ để sách cũng nên theo đúng kiểu trước chế tạo 10 chiếc chu vi đều có con song để thoáng hơi, mỗi phần chia làm ba ngăn, ngăn thứ nhất chia làm hai cửa, ngăn thứ hai chia làm ba cửa, ngăn thứ ba chia làm hai cửa, cánh cửa cũng nên làm con song, cửa nào cũng có ổ khóa. Về rộng hẹp cao thấp theo mực thước cũ và đều sơn son.
Theo một đợt kiểm kê vào năm Duy Tân thứ nhất (1907) được ghi lại trong quyển Sử Quán thủ sách(tên đầu sách tại Sử quán), số sách bấy giờ tại Thư viện này là 169 bộ gồm Đại Nam thực lục, Ngọc Điệp (Gia phả hoàng tộc), Ngự chế thi tập (những tập thơ do các vua làm), Di chiếu, Hòa ước, Thương ước… Đến năm 1942, Paul Boudet (một nhà lưu trữ Cổ tự học người Pháp) vẫn còn đọc được tại Thư viện Sử quán nhiều tài liệu viết tay rất quý hiếm từ thời cá chúa Nguyễn và các đời vua đầu triều Nguyễn để lại. Ông cũng chụp ảnh và để lại cho chúng ta những tấm ảnh có giá trị về Sử quán và về những tủ sách tại đây.
Như vậy chức năng của Thư viện Sử quán là phục vụ trực tiếp cho các sử gia chuyên nghiệp của triều đình. Cơ quan này đã hoạt động liên tục trong 121 năm từ đầu thời Minh Mệnh (1821) đến khi triều Nguyễn cáo chung (1945).
2. Tàng Thư lâu
Tàng Thư lâu thường được dân gian gọi là lầu Tàng Thơ. Tàng Thư lâu có nghĩa là cái lầu chứa sách. Nó được xây dựng vào năm 1825, dưới chỉ dụ của vua Minh Mệnh. Lầu nằm giữa hồ Học Hải (cạnh hồ Tịnh Tâm), giữa trời nước một vùng hương sen tươi mát, Tàng Thư lâu nổi lên như một con thuyền soi bóng xuống nước. Đây là một công trình xây cất rất độc đáo, gồm hai phần (phần chìm và phần nổi) theo hình chữ nhật bề ngang hai mươi thước, chiều dài bốn mươi thước. Trước cổng có hai trụ lớn uy nghi xây bằng gạch. Phần nổi có hai tầng: Tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian 2 chái. Trần nhà cuốn tròn không làm đòn tay rui mèn bằng gỗ để tránh hỏa hoạn. Phía trên vòm cuốn là lớp đất nung đặt trên lớp vôi ba ta dày hai phân. Nội thất chia làm nhiều phòng, mỗi phòng là một hình vuông có diện tích 9m vuông, cao 2m. Do được làm trên mặt hồ, Tàng Thư lâu dễ cứu chữa khi bị hỏa hoạn; nằm giữa hồ có hệ thống thông gió tự nhiên và cấu trúc đặc biệt làm cho độ ẩm trong kho giảm giúp bảo quản tốt tài liệu. Để tăng thêm khả năng bảo vệ, các cửa lớn nhỏ của lầu Tàng Thư đều được làm bằng sắt vững chắc.
Tàng Thư lâu lưu trữ tất cả sổ sách, văn thư của sáu Bộ và Nha thuộc triều đình trung ương…, những tài liệu về đối ngoại của triều Nguyễn, các bản thảo sách Nho như: y, lý, số, sách Khổng Tử, Mạnh Tử đặc biệt có nhiều mộc bản và địa bạ trong cả nước. Theo một cuốn thư mục nhan đề là Tàng Thư lâu bạ tịch viết năm 1907 thì đây là nơi cất giữ các địa bạ, thế bạ, đinh bạ do bộ Hộ và bộ Binh dân nộp. Các văn kiện hành chính ấy đã được thực hiện từ thời Gia Long trở đi. Theo Paul Boudet, người đã từng nghiên cứu các tài liệu ở Tàng Thư lâu, thì đầu năm 1942, chỉ riêng số địa bạ thộc bộ Hộ thời Gia Long và Minh Mệnh ở đây còn lưu trữ được 12.000 tập và chúng có thể cung cấp những thông tin rất đáng quý cho việc nghiên cứu lịch sử xã hội và kinh tế.
Bộ Học là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Tàng Thư lâu. Bộ Học giao cho một Thừa phái (Thư ký) tôn cẩn giữ chìa khóa. Mỗi năm hai lần viên Thừa phái này mở cửa để các Bộ ký nạp hồ sơ, tài liệu, sách vở vào kho lưu trữ. Thừa phái khồn thường trực tại kho. Để bảo vệ kho có 12 lính hộ thành được tuyển chọn có trang bị súng trường dài (loại cổ) của Pháp, thay nhau túc trực ngày đêm.
Xây dựng và bắt đầu lưu trữ sách vở tư liệu từ năm 1825, qua năm tháng bổ sung tài liệu lưu trữ ngày một nhiều thêm. Sau Cách mạng tháng Tám, Tàng Thư lâu không có người canh gác trở thành vô chủ, sách vở, tư liệu ở đây mất đi một số lượng rất lớn. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta vào những năm 50 của thế kỷ trước, họ đã biến lầu Tàng Thư thành nhà giam những tù nhân chính trị. Đến năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diện biến Tàng Thư lâu thành nơi giam giữ các thành phần đối lập. Vào tháng 11 – 1963, khi Ngô Đình Diện bị lật đổ thì lầu Tàng Thư bỏ trống. Đến tháng 3 – 1975, Huế được giải phóng, bộ đội đã cho xây dựng thêm nhiều công trình phụ dùng làm căn cứ hậu cần doanh trại bộ đội công binh. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và những biến thiên của lịch sử, Tàng Thư lâu lúc là kho lưu trữ, là thư viện uy nghiêm, lúc biến thành nhà giam, doanh trại…, nay lầu Tàng Thư vẫn con đó, trầm ngâm theo những mùa sen nở nhưng từ lâu đã mất hết ý nghĩa đích thực của nó, còn lại chăng chỉ là một di tích văn hóa lịch sử. Điều đó gợi cho chúng ta bao băn khoăn, suy nghĩ và trăn trở.
3. Thư viện Nội các
Thư viện Nội các được thành lập năm 1826 dưới triều vua Minh Mệnh. Nội các là một cơ quan đầu não của triều đình nhà Nguyễn.
Năm 1802, vua Gia Long xuống dụ thành lập hai viện gọi là Thị Hàn viện và Thị Thư viện: một loại văn phòng của hoàng triều. Năm 1820, vua Minh Mệnh đã cho thành lập Văn Thư phòng để thay thế cho Thị Hàn viện và Thị Thư viện. Về sau vua Minh Mệnh đổi Văn Thư phòng tức văn phòng hoàng triều thành Nội các. Nhân viên cho cơ quan mới này gồm 40 vị quan lớn nhỏ. Trong Nội các được chia làm bốn cơ quan gọi là Tứ Tào. Họ có nhiệm vụ đồng thời vừa soạn chiếu dụ cho nhà vua, vừa bảo quản lưu trữ và giữ ấn tín vương quốc. Bốn cơ quan trong Nội các(Tứ Tào) gồm có:
- Thượng bảo: lo việc giữ ấn tín
- Ty luân: Cơ quan này lo việc soạn thảo chiếu dụ
- Bổn chương: lo giấy tờ công văn.
- Bí thư: Đây chính là văn phòng đặc biệt, phải lo lưu trữ giấy tờ có ngự bút, những thi tập, văn tập ngự chế của vua.
Vào năm 1933, vua Bảo Đại tiến hành cải cách Nội các được thay thế bởi Ngự tiền văn phòng. Các tổ chức ấy từ trước đến sau vẫn làm công việc văn phòng bên cạnh nhà vua. Do đó nơi làm việc phải ở trong Tử Cấm thành, cụ thể một thời đã đóng ở Tả vu gần điện Cần Chánh nơi làm việc hằng ngày của vua.
Các văn thư giấy tờ, sách vở của văn phòng cao cấp này cần phải có nơi cất giữ; các sách vua đọc, các tài liệu vua tham khảo, các văn kiện hành chính vua phê duyệt, những thơ văn do vua làm…, cần phải có nơi tàng trữ. Cho nên vào năm 1826, vua Minh Mệnh đã cho xây dựng sau lưng Tả vu một tòa nhà để cất giữ chúng. Tòa nhà có tên là Đông Các còn được gọi là Thư viện Nội các. Có thể xem đây là thư viện chính thức của nhà vua hoặc là Thư viện Hoàng gia.
Theo đợt kiểm kê năm 1902, ở Thư viện Nội các có 7.190 bản sách. Nhưng theo quyển Nội các thư mục được viết trong đợt kiểm kê năm 1908 thì số sách tàng trữ tại đây bấy giờ là 271 tên sách thuộc triều Nguyễn và gần 2.000 tên sách thuộc các bộ Kinh, Sử, Sử Tập (bốn loại sách cổ của Trung Quốc). Đến năm 1914, theo quyển Nội các thủ sách thuộc triều Nguyễn.
4. Thư viện Tụ Khuê
Thư viện Tụ Khuê được xây dựng vào năm 1852, ở sát bên trái của Đông Các, bên trong phạm vi của Tử Cấm Thành.
Theo quyển Tụ Khuê Thư viện Tổng mục được thực hiện trong đợt kiểm kê năm 1902, số sách và văn kiện tàng trữ bấy giờ tại đây như sau:
- 232 bộ, lẻ 703 bản sách của triều Nguyễn.
- 77 bộ, lẻ 585 bản quốc thư.
- 80 bộ, lẻ 332 bản quan thư.
- 50 tập sách Tây phương.
- 2.155 bộ, lẻ 263 bản Kinh, Sử, Tử, Tập.
5. Tân Thư viện
Tân Thư viện hoạt động trong thời gian từ năm 1909 – 1923, đây là thư viện của trường Quốc Tử giám. Trường Quốc Tử giám của triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1808, dưới thời vua Gia Long tại làng An Ninh gần khu vực Văn Miếu Huế. Đến năm Duy Tân thứ hai (1908), trường được lệnh dời về xây bên trong kinh thành, gần sau cửa Thượng Tứ (Đông Nam Môn). Mặt bằng khu đất khá lớn. Phía đông của trường Quốc Tử giám tiếp giáp với Viện Cơ Mật, phía tây kế cận với Hoàng thành, phía bắc tiếp giáp với Tôn Nhân phủ, phía nam chạy dọc theo mặt trong của kinh thành.
Đến năm 1909, một thư viện của trường Quốc Tử giám đã được dựng lên trên khu đất phía sau của trường có tường rào bao bọc. Ngôi nhà dùng để làm thư viện này là ngôi điện Long An từ cung Bảo Định được chuyển về đây. Cung Bảo Định được vua Minh Mệnh cho xây vào năm 1845, bên bờ bắc sông ngự Hà gần cung Khánh Ninh. Cung Bảo Định là một tổ hợp kiến trúc gồm nhiều công trình khác nhau với nhiều loại hình điện, đường, vườn, tạ, gác(như Điện Long An, hồ Giao Thái, gác Minh Trưng, vườn Thượng Mậu…). Trong đó nổi bật hơn hết là tòa điện chính Long An (sau được dùng làm Tân Thư viện).
Điện Long An là một công trình kiến trúc cổ kính và thanh tú. Tòa nhà được dựng trên nền cao 1,1m, bó vỉa bằng đá cẩm thạch và đá thanh, với mặt bằng hình chữ nhật 35,7m x 28m. Bộ khung của Điện Long dựa trên 128 cột gỗ lim đặt trên chân đá tảng. Thành bậc thềm là những con rồng bằng đá thanh được chạm trổ rất khéo léo. Điện Long An thuộc loại nhà kép (trùng lương trùng thiềm), thường thấy ở cung điện Huế. Chính điện có năm gian và hai chái kép. Bên trên đóng trần (rầm thượng), dưới nền đặt bục gỗ (rầm hạ). Đặc biệt ở đây là bốn cạnh của rầm hạ đã được ốp thành bốn tấm gỗ lim mỗi tấm dài hơn 20m.
Giá trị thẩm mỹ cao nhất là ở phần trang trí nội thất. Các liên ba, bản đố được phân khoảng ô, hộc, các nghệ nhân tài hoa thời Thiệu Trị đã thể hiện được những hình ảnh khác nhau xen kẽ với hàng trăm đơn vị văn tự và thơ ngự chế. Đa số những hình ảnh và văn tự đều được khảm nổi bằng những vật liệu như xà cừ, ngà, xương. Đáng chú ý nhất là hệ thống bản đố mặt trước chính điện, hai bên có hai pa nô, ở mỗi pa nô có 56 chữ được xếp theo hình bát quái. Đây quả là một ngôi điện đẹp cổ kính tao nhã ở Huế.
Khi ngôi điện này được lấy để làm Tân Thư viện thì các vách đố bằng ván ở các mặt được thay bằng kính để tạo ánh sáng. Các phần ván lát tường được đánh vecni châu Âu và các cửa được trang bị thêm móc sắt và khóa Pháp. Tân Thư viện được dựng lên bên cạnh trường Quốc Tử giám, nhằm phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và sinh viên của trường. Vào năm Duy Tân thứ 8, bộ Công đã xin vua đóng thêm một số bàn ghế để trang bị cho thư viện và Di Luân Đường, gồm 10 bàn và 40 ghế. Bấy giờ triều đình đã cho chyển một số thư tịch ở Nội các về lưu trữ ở Tân Thư viện. Đồng thời một số sách và văn bản chép tay quý của Tòa Khâm sứ Pháp cũng được chuyển về đây. Tất cả được xếp ngay ngắn trong các tủ sơn son đặt trong nội thất của tòa nhà. A Sallet cũng viết về thư viện này như sau: Nơi đây tập trung các tủ kính khổng lồ, sơn màu đỏ rải rác có các con rồng thếp vàng. Người ta xếp vào đó các sách đang lưu trữ ở Tụ Khuê lâu ( Thư viện Tụ Khuê) [ A.Sallet, Viện bảo tàng Khải Định ngôi điện: Nguồn gốc và lịch sử, BAVH tập 16, năm 1929, Nguyễn Cửu Sà dịch, Nxb. Thuận Hóa, 2003, trang 123.]
Theo quyển Tân Thư viện thủ sách được ghi chép trong đợt kiểm kê năm 1914, tại đây bấy giờ có 2.640 bộ sách bao gồm:
- 4.4570 bản sách thuộc các bộ Kinh, Sử, Tử, Tập.
- 6.801 bản thuộc loại quốc thư.
- Trên 7.000 bản xếp lộn xộn gồm có sách Việt Nam, sách Anh, sách Mỹ.
Đến năm 1923, để đáp ứng cho nhu cầu mới, Khâm sứ Trung kỳ tại Huế Pierre Pasquier và vua Khải Định cùng quyết định thay đổi chức năng của điện Long An thêm một lần nữa là sử dụng nó làm bảo tàng đặt tên là Musesee Khải Định. Tất cả sách ở đây được chuyển qua đặt ở dãy nhà nằm bên trái phía sau Di Luân Đường.
6. Thư viện Bảo Đại
Thư viện Bảo Đại hoạt động từ năm 1923 – 1947. Trong thời gian gần ¼ thế kỷ ấy nhất là từ những năm đầu của thập niên 1940, vì nhiều lý do khác nhau, những sử sách của những thư viện nói trên và một số thư viện khác ở Huế đều lần lượt được tập trung tại Thư viện Bảo Đại đặt dưới sự quản lý của Viện Văn Hóa Trung kỳ được thành lập vào khoảng đầu thập niên 1940. Theo Bửu Kế, một người làm việc tại thư viện ấy đương thời, mấy hôm sau khi sảy ra việc Nhật đảo chính Pháp, tất cả sổ sách văn thư ở Tòa Khâm sứ Huế và sách vở ở một vài thư viện khác của người Pháp ở bờ nam sông Hương đều được chở bằng ô-tô hạng nặng, đưa qua tập trung tại Thư viện Bảo Đại.
Trước đó một số chuyên viên Hán học của trường Viễn Đông Bác Cổ đã từng vào thư viện này để sao chép nhiều tư liệu quý hiếm. Rất nhiều tư liệu trong đó đang được tiếp tục lưu trữ tại Viện Hán Nôm Việt Nam ở Hà Nội hiện nay. Ngoài những văn khố và thư viện triều đình ấy ra, ở kinh đô Huế xưa còn có những thư phòng của hoàng đế là nơi dành cho vua ngồi đọc sách và ngự lãm văn chương như Thanh Hạ Thư lâu, Thái Bình lâu.
Kết luận
Nhìn chung những tư liệu trong các thư viện của triều Nguyễn ở Huế ngày xưa là một tài sản tinh thần thật lớn lao và vô giá của triều đại. Ngày nay, bất cứ ai muốn nghiên cứu về Việt Nam nhất là về lịch sử văn hóa Huế cũng điều phải sử dụng nền tư liệu chính thống này. Những người tìm hiểu về di sản văn hóa tinh thần của cố đô lại cần đến các tư liệu ấy hơn.