Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 24/12/2010 21:14 (GMT+7)

Những tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta

Nhận định về tác động của BDKH ở Việt Nam

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ của BDKH và mực nước biển dâng. Nếu nước biển dâng 1 m thì 10,8% người dân Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tỷ lệ lớn nhất trong 84 nước đang phát triển. Khoảng 40.000 km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập lụt hàng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như hoàn toàn. BDKH sẽ tác động đến cuộc sống, sinh kế, tài nguyên thiên nhiên, cấu trúc xã hội, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế. Để ứng phó với BDKH cần phải có những đầu tư thích đáng và nỗ lực của toàn xã hội.

Tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu

Các số liệu và phân tích cho thấy BDKH có những tác động tiềm tàng đến các lĩnh vực, địa phương và các cộng đồng khác nhau của Việt Nam . BDKH làm tăng khả năng bị tổn thương và tạo nguy cơ làm chậm hoặc đảo ngược quá trình phát triển. Những người nghèo nhất, thường tập trung ở các vùng nông thôn, là đối tượng chịu nguy cơ ảnh hưởng bởi BDKH lớn nhất, đặc biệt ở dọc vùng duyên hải và các khu vực miền núi.

Mực nước biển dâng cao gây khó khăn cho thoát nước, gây nhiễm mặn nguồn nước ở các vùng thấp, ảnh hưởng đến nông nghiệp, và gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai. Các công trình hạ tầng được thiết kế theo các tiêu chuẩn hiện tại sẽ khó an toàn và cung cấp đầy đủ các dịch vụ trong tương lai. Sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sẽ chịu áp lực lớn do các giống cây, giống con không thích ứng được sự thay đổi của khí hậu.

Tác động đến vùng ven bờ

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, vùng thềm lục địa rộng hàng triệu km2 và trên 3000 hòn đảo gần bờ và hai quần đảo xa bờ, nhiều vùng ven biển, trong đó trên 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và trên 30% diện tích đồng bằng sông Hồng – Thái Bình có độ cao dưới 2,5m so với mặt nước biển. Vì vậy, hàng năm phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô.

Thách thức lớn của vùng duyên hải là nhu cầu đầu tư rất lớn để nâng cao chất lượng hệ thống đê biển, nhằm ứng phó với mực nước biển dâng, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và xây dựng có thích ứng cao với BDKH. Mực nước biển dâng và nhiệt độ nước biển tăng cũng gây nhiều nguy cơ đối với rạn san hô và rừng ngập mặn, ảnh hưởng xấu đến cơ sở, nền tảng sinh học cho các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển.

Tác động đến tài nguyên nước

Tài nguyên nước đang chịu thêm nguy cơ do hạn hán ngày càng tăng ở một số vùng, trong khi rất khó trữ lượng nước mưa ở những vùng, mùa khác. Khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, cung cấp nước ở nông thôn, thành thị và sản xuất điện.

Việt Nam nằm ở hạ lưu hai sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông. Sông Hồng có diện tích lưu vực 169.000 km2, hàng năm chuyển ra biển lượng dòng chảy 138 tỷ m3 và sông Mê Kông có diện tích lưu vực 795.000 km2, lượng dòng chảy đổ vào Biển Đông 460 – 480 tỷ m3. Với tác động của BDKH, dòng chảy sông Hồng và sông Mê Kông có những biến đổi đáng lưu ý. So với hiện nay, vào năm 2070, dòng chảy năm của sông Hồng có năm tăng 5,8% nhưng có năm giảm 19%. Sông Mê Kông có năm tăng 4,2%, có năm giảm 14,5%. Dòng chảy kiệt của sông Hồng giảm từ 10,3% đến 14,5%, Mê Kông giảm 2,0 đến 4,0%. Ngược lại, dòng chảy lũ chủ yếu tăng, sông Hồng tăng 12,0% có năm giảm đến 5,0%. Mê Kông tăng 7,0% đến 15,0%. Điều đó có nghĩa là khả năng lũ trong mùa mưa và kiệt trong mùa khô đều trở nên khắc nghiệt hơn. Trên các dòng sông vừa và nhỏ khác, dòng chảy năm có thể giảm đi và cũng có thể tăng lên với mực tương tự hoặc nhiều hơn.

Tác động đến nông nghiệp

Ngành nông nghiệp đối mặt với nhu cầu lớn về phát triển giống cây trồng và vật nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thời tiết khắc nghiệt. Với sự nóng lên trên phạm vi toàn lãnh thổ, thời gian thích nghi của cây trồng nhiệt đới mở rộng và của cây trồng á nhiệt đới thu hẹp lại. Ranh giới của cây trồng nhiệt đới dịch chuyển về phía vùng núi cao hơn và các vĩ độ phía Bắc. Phạm vi thích nghi của cây trồng á nhiệt đới bị thu hẹp thêm. Vào những năm 2070, cây á nhiệt đới ở vùng núi chỉ có thể sinh trưởng ở những đai cao hơn 100 – 500 m và lùi xa hơn về phía Bắc 100 – 200 km so với hiện nay. BDKH có khả năng àm tăng tần suất, cường độ, tính biến động và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, tố, lốc, các thiên tai liên quan đến nhiệt độ và mưa như thời tiết khô nóng, lũ, ngập úng hay hạn hán, rét hại, xâm nhập mặn, sâu bệnh, làm giảm năng suất và sản lượng của cây trồng và vật nuôi. Một phần đáng kể diện tích đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng duyên hải, châu thổ sông Hồng, sông Mê Kông bị ngập mặn do nước biển dâng.

Tác động đến sinh thái rừng

Các khu vực rừng ven biển và miền núi có tầm quan trọng trong duy trì và tăng đóng góp của Việt Nam trong hấp thụ carbon. Tuy nhiên, nhiều khu vực rừng đang chịu hiểm họa từ BDKH như hạn hán và bão tố. Do BDKH hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng theo các chiều hướng khác nhau: Nước biển dâng lên làm giảm diện tích rừng ngập mặn, tác động xấu đến rừng tràm và rừng trồng trên đất bị nhiễm phèn ở các tỉnh Nam bộ. Ranh giới rừng nguyên sinh cũng như rừng thứ sinh có thể dịch cuyển. Rừng cây họ dầu mở rộng lên phía Bắc và các đai cao hơn, rừng rụng lá với nhiều cây chịu hạn phát triển mạnh. Nhiệt độ cao kết hợp với ánh sáng dồi dào thúc đẩy quá trình quang hợp dẫn đến tăng cường quá trình đồng hóa của cây xanh. Tuy vậy, chỉ số tăng trưởng sinh khối của cây rừng có thể giảm do độ ẩm giảm. Nguy cơ diệt chủng của động vật và thực vật gia tăng, một số loài thực vật quan trọng như trầm hương, hoàng đàn, pơmu, gỗ đỏ, lát hoa, gụ mật... có thể bị suy kiệt. Nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh...

Tác động đến thủy sản

Hiện tượng nước biển dâng và ngập mặn gia tăng dẫn đến hậu quả: Nước mặn lấn sâu và nội địa, làm mất nơi sinh sống thích hợp của một số loiaf thủy sản nước ngọt. Rừng ngập mặn hiện có bị thu hẹp, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của một số loài thủy sản. Khả năng cố định chất hữu cơ của hệ sinh thái rong biển giảm, dẫn đến giảm nguồn cung cấp sản phẩm quang hợp và chất dinh dưỡng cho sinh vật đáy. Do vậy, chất lượng môi trường sống của nhiều loại thủy sản xấu đi.

Nhiệt độ tăng, gây ra hiện tượng phân tầng nhiệt độ rõ rệt trong thủy vực nước đứng, ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của sinh vật. Một số loài di chuyển lên phía Bắc hoặc xuống sâu hơn làm thay đổi cơ cấu phân bố thủy sinh vật theo chiều sâu. Quá trình quang hóa và phân hủy các chất hữu cơ nhanh hơn, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của sinh vật. Các sinh vật tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cho quá trình hô hấp cũng như các hoạt động sống khác làm giảm năng suất và chất lượng thủy sản. Suy thoái và phá hủy các rạn san hô, thay đổi các quá trình sinh lý, sinh hóa diễn ra trong mối quan hệ cộng sinh giữa san hô và tảo. Cường độ mưa lớn làm cho nồng độ muối giảm đi trong một thời gian ngắn dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là nhuyễn thể hai vỏ bị chết hàng loạt do không chống chịu nổi với nồng độ muối thay đổi.

Đối với nguồn lợi hải sản và nghề cá BDKH gây ra các tác động: Mức nước dâng làm cho chế độ thủy lý, thủy hóa và thủy sinh xấu đi. Kết quả là các quần xã hiện hữu thay đổi cấu trúc và thành phần, trữ lượng giảm sút. Nhiệt độ tăng làm cho nguồn thủy sản bị phân tán. Các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn. Cá ở các rạn san hô đa phần bị tiêu diệt; các loài thực vật nổi, mắt xích đầu tiên của chuỗi thức ăn cho động vật nổi bị hủy diệt, làm giảm mạnh động vật nổi, do đó làm giảm nguồn thức ăn chủ yếu của các động vật tầng giữa và tầng trên.

Tác động đến năng lượng – giao thông vận tải

Nước biển dâng gây các tác động ảnh hưởng tới hoạt động của các dàn khoan được xây dựng trên biển, hệ thống dẫn khí và các nhà máy điện chạy khí được xây dựng ven biển, làm tăng chi phí bảo dưỡng, duy tu, vận hành máy móc, phương tiện... các hải cảng bao gồm cầu tàu, bến bãi, nhà kho được thiết kế theo mực nước biển hiện tại phải cải tạo lại hoặc di dời đến nơi khác. Tuyến đường sắt Bắc – Nam và các tuyến giao thông nằm sát biển và trên biển cũng bị ảnh hưởng. Các trạm phân phối điện trên các vùng ven biển phải gia tăng năng lượng tiêu hao cho bơm tiêu nước các vùng thấp ven biển. Mặt khác, dòng chảy các sông lớn có công trình thủy điện cũng chịu ảnh hưởng đáng kể.

Nhiệt độ tăng gây tác động đến ngành năng lượng – giao thông vận tải: tăng chi phí thông gió, làm mát hầm lò khai thác và làm giảm hiệu suất, sản lượng của các nhà máy điện. Tiêu thụ điện cho sinh hoạt gia tăng và chi phí làm mát trong các ngành công nghiệp, giao thông, thương mại cũng gia tăng đáng kể. Nhiệt độ tăng kèm theo lượng bốc hơi tăng kết hợp với sự thất thường trong chế độ mưa dẫn đến thay đổi lượng nước dự trữ và lưu lượng vào của các hồ thủy điện. BDKH theo hướng gia tăng cường độ mưa và lượng mưa bão cũng ảnh hưởng, trước hết đến hệ thống dàn khoan ngoài khơi, hệ thống vận chuyển dầu và khí vào bờ, hệ thống truyền tải và phân phối điện...

Tác động đến sức khỏe con người

Nhiệt độ tăng làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, dẫn đến gia tăng một số nguy cơ đối với tuổi già, người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh. Tình trạng nóng lên làm thay đổi cấu trúc mùa nhiệt hàng năm. Ở miền Bắc, mùa đông sẽ ấm lên, dẫn tới thay đổi đặc tính trong nhịp sinh học của con người. BDKH làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới: sốt rét, sốt xuất huyết, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng vật chủ mang bệnh, làm tăng số lượng người bị bệnh nhiễm khuẩn dễ lây lan...

Thiên tai như bão tố, nước dâng, ngập lụt, mưa lớn và sạt lở đất... gia tăng về cường độ và tần số làm tăng số người bị thiệt mạng và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tác động đến các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp là các cơ sở kinh tế quan trọng của đất nước sẽ được xây dựng nhiều ơ vùng đồng bằng phải đối diện nhiều hơn với nguy cơ ngập lụt và thách thức trong thoát nước do nước lũ từ sông và tăng mực nước biển. Vấn đề này đòi hỏi các đánh giá và đầu tư thêm trong xây dựng các khu công nghiệp, áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro, đặc biệt những khu công nghiệp có rác thải và hóa chất độc hại được xây dựng trên vùng đất thấp.

Ứng phó với BDKH là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và mọi người dân, ứng phó với BDKH mang tính quốc gia, khu vực và toàn cầu cho nên phải kết hợp giữa phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế. Việt Nam là một nước đang phát triển, theo tinh thần của Công ước biến đổi khí hậu thì các giải pháp ứng phó với BDKH của Việt Nam sẽ thực hiện có hiệu quả nếu có sự hỗ trợ đầy đủ về vốn và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển và các tổ chức quốc tế. Các hoạt động ứng phó với BDKH cần được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng về lâu dài.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.