Những phát minh đi cùng đời sống
Kẹp phơi quần áo, kem que, giấy lọc cà phê: những thứ rất đơn giản nhưng vô cùng thông dụng này không phải do các nhà nghiên cứu chế tạo ra trong phòng thí nghiệm hiện đại mà là những người bình thường mày mò sáng chế với ý tưởng sáng tạo ra đời hết sức tình cờ.
Kem que
Vào buổi tối năm 1905, cậu bé Frank Epperson ở California để quên cốc nước chanh ra hiên cửa sổ nhà mình. Ðêm đó nhiệt độ hạ bất thường đến mức nước chanh đông cứng cùng với chiếc que khuấy. Sáng hôm sau, Frank khoái chí cầm que nước chanh mút lấy mút để. Ðến trường cậu không quên kể với các bạn về que nước chanh tuyệt vời này.
Sau 18 năm, Frank Epperson trở thành ông chủ một cửa hàng bán các loại nước giải khát. Một hôm, ông sực nghĩ đến “que nước chanh’’ thủa nhỏ và đăng ký bản quyền que kem của mình. Hai năm sau, Epperson bán sáng kiến kem que cho một hãng sản xuất thực phẩm. Từ đó kem que mang tên "Popsicle" ra đời, đến năm 1928 đã có tới 60 triệu que kem được tung ra thị trường. Frank Epperson không ngờ cốc nước chanh cùng que khuấy nước để bên cửa sổ qua đêm ngày nào đã làm cho mình trở thành một người giàu có.
Vít nở
Trước đây vít nở bằng gỗ đã được sử dụng khá rộng rãi nhưng chúng không thể bám “như đinh đóng cột’’ và còn nhiều yếu điểm. Trước những năm 50 muốn gắn một cây đèn vào tường phải đục lỗ, chôn vít nở, đổ thạch cao nhưng vẫn dễ bị long. Ông Fischer quyết tâm khắc phục tình trạng trên. Và "vào một ngày thứ bảy tôi đã làm thử chiếc vít nở đầu tiên từ chất liệu nilông cao cấp". Ông bắt chặt cái vít thí nghiệm này vào tường rồi tìm mọi cách bẩy nó ra nhưng không được. Tôi liền hiểu: “Trúng to rồi!“
Ông Fischer ăn mừng sinh nhật lần thứ 50 của mình bằng loại vít nở Fischer này và cho đến nay mỗi ngày có khoảng 14,5 triệu vít vở được tiêu thụ trên thị trường.
Ông Artur Fischer nói: Tôi luôn nhìn ánh mắt của những người tới nghe tôi giới thiệu về phát minh mới của mình, khi thấy ánh mắt họ lóe sáng, tôi biết mình đã thành công.
Giấy lọc Cà phê, trà
Hàng tuần bà Melitta Benz ở thành phố Dresden (Ðức) vẫn có thói quen mời bạn tới trò chuyện và uống cà phê. Hồi đó cà phê là một loại nước uống cao cấp đắt tiền, nhưng bà thường cảm thấy khó chịu vì sau khi uống cà phê cứ bị đọng lại ít nhiều cặn trong miệng. Bà Melitta trăn trở tìm mọi cách để lọc sạch bã cà phê. Bà dùng một cái vỏ thịt hộp, đục nhiều lỗ nhỏ xuống mặt đáy rồi để tờ giấy thấm từ vở học của con lên trên rồi cho cà phê đổ nước sôi lên. Bà Melitta đã có một cốc cà phê ngon, nóng và không còn cặn. Mọi người khen ngợi thành công tuyệt vời này của bà nhưng bà Melitta chưa hài lòng với kết quả trên, bà muốn tạo ra một loại giấy lọc thích hợp hơn. Ngày 20/6/1908, bà đăng ký sáng chế của mình tại Cục Sáng chế phát minh Berlin .
Năm đó với khoản tiền đầu tư ít ỏi, Melitta đã mạnh dạn thành lập doanh nghiệp gia đình mang tên ngắn gọn là Melitta. Cà phê lọc đã trở thành một món đồ uống không thể thiếu ở Ðức và giấy lọc cà phê Miltta vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay và được dùng trong nhiều loại máy pha cà phê hiện đại.
Băng vải dán dính
Ông George de Mestral người Thụy Sĩ rất thích dắt chó đi săn. Sau một chuyến đi săn vào năm 1941, ông thấy bực bội vì quả ké bám đầy vào lông chó làm ông mất rất nhiều công gỡ bỏ. Tuy nhiên ông tò mò tự hỏi tại sao cái loại quả dại này lại có thể bám chặt đến vậy. Ông bèn phóng đại loại quả này dưới kính hiển vi và phát hiện vô vàn những hạt tròn nhỏ li ti và ở đầu những hạt đó là những cái móc cong mềm mại. Từ đó ông phát hiện nguyên tắc bám dính của quả ké đồng thời nảy sinh ý tưởng làm loại vải bám dính được sử dụng rộng rãi sau này.
Túi giấy Trtra- Pak
Tetra Pak - Nhà kinh tế người Thụy Ðiển Ruben Rausing khệ nệ vác một thùng đầy chai thủy tinh đựng sữa lên cầu thang về nhà. Ông thầm nghĩ, giá những cái chai thủy tinh này làm bằng bìa cứng thì nhẹ biết bao, tuy nhiên bìa các tông lại bị thấm nước. Sau đó ít lâu ông quan sát bà vợ nhồi thịt băm vào một lớp vỏ mỏng làm xúc xích, ông nảy ra ý tưởng tráng một lớp chất dẻo phía trong hộp giấy. Trong những năm 30, ông suy nghĩ nhiều về việc sử dụng bao bì một cách thuận lợi nhất. Năm 1944, ông nhận thấy làm hộp theo dạng hình chóp ba chiều có thể tiết kiệm nguyên liệu nhiều nhất. Tuy nhiên mãi đến năm 1954 loại túi đựng sữa hình chóp mang tên Tetra Paks mới ra đời.
Bút bi
Nhà báo người Hungary bực mình vì mực bút máy của ông hay bị nhòe. Ông tìm cách khắc phục sự nhoè khi quan sát mấy đứa trẻ con chơi bi thấy một viên bi lăn qua một vũng nước rồi lăn trên mặt đường nhựa khô ráo và để lại một vệt nước, từ đó ông nghĩ ra chiếc bút bi. Nguyên tắc này ngày nay vẫn tồn tại trong bất kỳ loại bút bi nào.
Bóng bay
Nắp chai "Crown Cork "
Nhà sáng chế phát minh William Painter (1838 - 1906) người Ireland , di cư sang Mỹ năm 1858. Ðầu tiên ông làm một dụng cụ kiểm nghiệm tiền kim loại, sau đó là loại ghế dùng trong toa xe lửa, máy gấp giấy nhưng tất cả sáng chế này đều không mang lại cho ông danh vọng và tiền bạc. Nhưng William Painter không hề nản chí. Sau khi đã đăng ký trên 80 bằng sáng chế, năm 1891, ông đã làm nên một điều kỳ diệu: Hồi đó trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các loại nước giải khát có ga rất được ưa chuộng. Nhưng việc vận chuyển loại nước giải khát này lại có nhiều khó khăn vì các loại nút bằng gỗ bần, sứ hoặc kim loại đều không bảo đảm được độ kín dẫn đến ga bị thất thoát gây chất lượng nước giải khát bị ảnh hưởng xấu rõ rệt.
Ông đăng ký một loại nắp chai sử dụng một lần có thể chịu được áp lực cao ở trong chai. Loại nắp chai này lúc đầu có 24 răng, sau còn 21 răng và có một miếng đệm bằng gỗ bần ở bên trong mang tên "Crown Cork". Chính loại nắp chai này đã đưa ông lên đỉnh vinh quang. Năm 1893 ông Painter thành lập hãng "Crown Cork and Seal Company", hiện có tên là "Crown Holdings Inc.", hãng sản xuất các loại nút chai và vật dụng trong ngành giải khát cỡ lớn nhất thế giới. Sau loại nắp chai này thành công ông Painter sáng chế loại máy đóng nắp chai, dụng cụ mở nắp.
Nút chai bia
Tăm ngoáy tai
Ðầu những năm 20, ông Leo Gerstenzang, người Mỹ, quan sát bà vợ khéo léo vê bông vào đầu que tăm để ngoáy tai cho con, ông nghĩ có thể làm việc này tốt hơn. Sau 3 năm nghiên cứu ông chế tạo một cái máy tự động quấn bông vào hai đầu que tăm làm bằng gỗ. Năm 1925, Leo Gerstenzang chính thức tung ra thị trường loại que ngoáy tai mang tên "Baby Gays". Ít lâu sau ông đổi tên là Q-Tips. "Q" viết tắt cho từ chất lượng và "Tip" là "đầu nhọn" quấn bông.
Kẹp quần áo
Ông thợ đan sọt Emil Richard Füchsel người Ðức (sinh năm 1869) đã đăng ký bản quyền cho chiếc kẹp quần áo có lò so ngày 8/1/1898 tại Cục Bản quyền Hoàng gia. Tài liệu về bản quyền này ghi rõ: "Loại kẹp quần áo này giữ chặt quần áo treo trên dây, nhờ thế quần áo khi treo do được định vị nên dù gió thổi mạnh cũng không thể bị rách. Khi gió thổi cả quần áo lẫn kẹp bị đung đưa nhưng cả hai không bao giờ bị rơi".