Những ông nghè dòng dõi Trạng Hiền
Sách Nguyễn tộc phả chícủa chi họ Nguyễn ở làng Nghĩa Trai xã Tân Quang cho biết, sau khi chuyển về sinh sống ở đây con cháu cụ Trạng nguyên Nguyễn Hiền vẫn giữ đúng nếp nhà vừa chăm việc nông tang vừa miệt mài kinh sử. Đến đời thứ 11 là cụ Nguyễn Đức Trọng thì cảnh nhà đã khá giả, chi họ Nguyễn dần dần trở thành vọng tộc trong làng. Cụ Đức Trọng đã đón thày về dạy chữ cho con cháu trong nhà, những mong cháu con có kẻ làm nên để khỏi hổ danh là hậu duệ của cụ trạng làng Dương A. Ước nguyện ấy chẳng phải đợi lâu, chính người con trai của cụ là Nguyễn Oanh đã trở thành người khai khoa cho họ Nguyễn ở làng Nghĩa Trai này, và cũng nhờ vậy mà mạch thư hương của Trạng nguyên Nguyễn Hiền dài mãi không bao giờ dứt.
Nguyễn Oanh là cháu đời thứ 12 của Nguyễn Hiền. Ông sinh ra và lớn lên tại làng quê Nghĩa Trai, thời bấy giờ còn thuộc huyện Thanh Lâm xứ Kinh Bắc. Khoa thi năm Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) đời Lê Thánh Tông, ông được gia đình chu cấp cho tiền gạo lên kinh kỳ ứng thí, được lấy đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Khoa Tân Sửu này triều đình lấy đỗ 40 tiến sĩ, trong đó có 3 vị đỗ hạng Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, 8 vị đỗ hạng Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân và 29 vị đỗ hạng Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Nếu chỉ kể riêng hạng Đệ tam giáp thì tên của Nguyễn Oanh xết thứ 27 ( Nguyễn tộc phả chíghi là thứ 26), còn nếu tính chung trong toàn khoa thì ông xếp hàng 38 trong tổng số 40 vị tân khoa tiến sĩ. Chỉ 3 năm sau, đến năm 1484 thì tên tuổi ông cùng với tên tuổi của các vị tiến sĩ đồng khoa và các khoa trước của triều Lê được khắc vào bia đá đặt ở nhà Thái học, để rồi trường tồn cùng non nước này. Tuy đỗ không cao nhưng con đường hoan lộ của ông lại rất hanh thông. Sau khi thi đỗ, ông được bổ vào làm việc tại Viện Hàn Lâm, trải thăng dần đến Đông các đại học sĩ kiêm giữ Đô ngự sử ở Ngự sử đài. Ông sinh được 7 người con trai, người nào cũng thông minh đĩnh ngộ, học rất giỏi, trong đó có người sau này thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, đó là Nguyễn Thanh.
So vào thế thứ Nguyễn Thanh là cháu đời thứ 13 của Nguyễn Hiền. Ông sinh năm 1467 tại làng Nghĩa Trai. Thuở nhỏ ông được gia đình chăm nom giáo dưỡng hết sức chu đáo. Hình ảnh cụ viễn tổ Nguyễn Hiền tuổi trẻ tài cao thi đỗ Trạng nguyên lúc còn niên thiếu đã khích lệ ông rất nhiều, khiến ông có đủ sức mạnh để vượt qua khó khăn trong học tập và rèn luyện. Năm lên 14 tuổi ông lại tận mắt chứng kiến những vinh hoa mà xã hội đương thời dành cho tân khoa tiến sĩ Nguyễn Oanh thân phụ ông, do vậy ông càng quyết tâm học tốt hơn. Năm Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496) triều đình mở khoa thi hội ở kinh thành Thăng Long để tuyển dụng nhân tài. Năm ấy Nguyễn Thanh đã 29 tuổi (tính theo sách cũ là 30 tuổi) đang độ sung sức liền hăm hở tham gia ứng thí. Qua bốn kỳ khảo hạch, Ban giám khảo chọn được 43 người có văn bài cập cách. Đến khi xem xét lại tư cách của từng vị cống sĩ, triều đình chỉ cho phép 30 người được vào Điện thí, và lấy đỗ tiến sĩ 30 người đó. Khoa này cũng cho 3 vị đỗ hạng Đệ nhất giáp, 8 vị đỗ hạng Đệ nhị giáp, còn lại 19 vị đỗ Đệ tam giáp. Tên của Nguyễn Thanh xếp hàng thứ 2 trong hạng Đệ nhị giáp, còn nếu tính chung thì ông xếp hàng thứ 5 trong tổng số 30 vị tân khoa tiến sĩ. Do thi đỗ đạt thứ hạng cao, lại xuất thân trong gia đình thế phiệt, cha ông đang làm quan to trong triều, nên hoàng giáp Nguyễn Thanh được triều đình trọng dụng. Ông làm quan trải qua 7 đời vua Lê sơ là Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông và Hoàng Đệ Xuân, danh vọng tột bậc, trải thăng đến Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thượng thư bộ Lễ kiêm Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên, tước Văn Đàm bá, Khoa thi năm Kỷ Sửu (1529) ông cùng với Thượng thư bộ Lại là Đông Thận được cử vào ban phụng tuyển tiến tộc, sau này gọi là Tri cống cử, giúp quan Đề điệu lo việc thi cử. Sau đó do thời thế ông có ra làm quan với nhà Mạc, chẳng bao lâu xin về trí sĩ, khi mất được tặng Thái bảo. Thời bấy giờ danh tiếng của ông vang động khắp triều, điều này có thể được chứng thực thêm qua các danh hiệu tước phong mà triều đình phong tặng cho vợ con ông. Vợ ông, bà Chánh thất họ Lê, được triều đình tặng phong là Nhất phẩm Liệt phu nhân. Con trai ông là Nguyễn Như Độ tuy không đỗ đạt, nhưng nhờ phúc ấm của cha mà được ban phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thái bảo, danh tiếng lừng lẫy một thời. Chính nhờ vào hoàn cảnh gia đình như thế, mà người cháu nội đích tôn của ông là Nguyễn Minh Dương có đủ điều kiện để thi đỗ đạt thứ hạng cao hơn hẳn cha ông.
Nguyễn Minh Dương sinh năm 1522 ở quê nhà. Bấy giờ triều đình nhà Lê đã rệu rã, các quan đại thần lập thành bè cánh tranh giành quyền bính. Năm 1527 họ Mạc thay thế nhà Lê trị vì đất nước. Mấy năm sau triều đình nhà Mạc cũng cho mở khoa thi tuyển dụng nhân tài. Dưới triều Mạc Đăng Doanh, trong ba khoa thi liên tiếp 1532, 1535, 1538 triều đình đã chọn được 3 vị Trạng nguyên lừng danh trong lịch sử là Nguyễn Thuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm và các Giác Hải. Đến năm Canh Tuất niên hiệu Cảnh lịch thứ 3 (1550) đời Mạc Phúc Nguyên, nhà Mạc lại mở
Khoa này triều đình lấy đỗ 26 người. Tên của Nguyễn Minh Dương chỉ xếp sau 2 người là Trạng nguyên Trần Văn Bảo người huyện Giao Thuỷ và Bảng Nhãn Trần Văn người huyện Phù Cừ. Thời kỳ này nhà Lê đã lập ra triều đình riêng ở Thanh Hoá, thường xuyên đem quân ra uy hiếp Thăng Long, xã hội thực sự nhiễu nhương. Do vậy, tuy đỗ cao, nhưng Nguyễn Minh Dương không ham hố quyền lực, chỉ giữ một chức quan nhỏ là Hiến sát sứ, sau xin về hưu, tước Mặc khê bá. Điều đó cũng có thể là lý do giải thích tại sao sau này con cháu ông có nhiều người tham gia công cuộc trung hưng của họ Lê. Chẳng hạn như con trai ông là Nguyễn Như Khuê được phong là Cương trực công thần Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Đô chỉ huy sứ ở ty Đô chỉ huy sứ thuộc vệ Cẩm y, tước Kiệt Sơn bá.
Các thế hệ sau của họ Nguyễn ở làng Nghĩa Trai huyện Văn Lâm còn có nhiều người thi đỗ Hương Cống, Sinh đồ, Cử nhân, Tú tài, song do khuôn khổ của bài tham luận hội nghị lần này, chúng tôi không thể giới thiệu đầy đủ được. Trời đất có khi mưa khi nắng, xã hội có lúc thịnh lúc suy, song cái mạch thư hương của họ Nguyễn ở làng Dương A do Trạng nguyên Nguyễn Hiền khơi dậy thì chẳng bao giờ cạn. Có điều là mạch thư hương này lúc gần lúc xa, lúc chìm lúc nổi. Nguyễn Hiền thi đỗ Trạng nguyên ở tuổi 12, để rồi bẵng đi một thời đến người cháu đời thứ 12 của ông là Nguyễn Oanh mới khơi lại được mạch nguồn khoa bảng cho họ Nguyễn. Điều đó là ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt của bàn tay tạo hoá, chúng ta hãy chờ xem và kỳ vọng ở lớp cháu con hiện nay của cụ Trạng làng Dương A.
____________________
Tài liệu tham khảo
1. Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, Trần Nghĩa, NXB Khoa học xã hội, 1993.
2. Đại việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội 1972.
3. Đăng khoa lục sưu giảng, Trung tâm học liệu Sài Gòn, 1968
4. Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Khoa học xã hội, 1992
5. Nguyễn tộc phả chí, sách chữ Hán chép tay, tài liệu của chi tộc họ Nguyễn ở làng Nghĩa trai xã Tân Quang huyện Văn Lâm.
6. Các nhà khoa bảng, Ngô Đức Thọ, NXB Khoa học xã hội, 1994
7. Quốc triều hương khoa lục, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993
Nguồn: Xưa và Nay, số 78, tháng 8/2000