Những nghiên cứu về lũ quét
Lũ quét là một dạng thiên tai xẩy ra ở hầu khắp các nước trên thế giới. Nói riêng tại nước ta, theo số liệu thu thập từ những năm 1950 trở lại đây, hầu như năm nào lũ quét cũng xẩy ra và có xu hướng ngày càng tăng. Trước đây, sạt lở đất và lũ quét chỉ xẩy ra ở vùng núi hẻo lánh, thưa dân; nhưng nay hiểm họa này đã ‘tiến tới’ các đô thị đông dân, các khu kinh tế phát triển. Điển hình là trận lũ quét ngày 27-6-1990 cuốn trôi toàn bộ phần thấp của thị xã Lai Châu, làm 300 người chết, thiệt hại vật chất lên tới 22 tỷ đồng (theo giá năm 1990). Trận lũ quét xẩy ra tại thị xã Sơn La (27-7-1991), làm chết 42 người, cuốn trôi 336 ngôi nhà. Gần đây (27-9) lũ quét cùng lúc xẩy ra trên nhiều lưu vực sông suối ở các huyện Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái) phá hủy hàng trăm ngôi nhà, gần 50 người chết...
Do tính chất nghiêm trọng của lũ quét, nên vấn đề nghiên cứu lũ quét đã được nhiều nhà khoa học quan tâm. Một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, “Nghiên cứu nguyên nhân hình thành và các giải pháp phòng chống lũ quét”, do PGS. TS Cao Đăng Dư và PGS. TS Lê Bắc Huỳnh chủ trì, đã tiến hành nghiên cứu 42 trận lũ quét xẩy ra ở khu vực miền núi và trung du cả nước. Kết quả nghiên cứu của hai ông đi tới kết luận: Mưa và các đặc trưng mặt đệm như độ dốc bình quân lưu vực, độ che phủ của rừng và khả năng thấm của đất là các yếu tố chi phối chính đến sự hình thành lũ quét.
Theo PGS. TS Cao Đăng Dư, lũ quét xẩy ra do những trận mưa lớn. Các ngưỡng mưa gây lũ quét cũng biến đổi ở phạm vi rất lớn, từ 100 mm/giờ đến 220 mm/ngày. Hầu hết các lưu vực phát sinh lũ quét đều có độ dốc bình quân lớn hơn 30% và độ che phủ của rừng thấp hơn 10% bề mặt lưu vực. Đồng thời, đất đai là yếu tố quan trọng trong việc hình thành dòng chảy. Nếu đất có tính thấm tốt sẽ hạn chế được quá trình hình thành dòng chảy mặt, ngược lại nếu tính thấm kém, thì dòng chảy mặt của cơn lũ quét sẽ tăng lên.
Trên cơ sở phân tích khả năng xuất hiện của lũ quét, dựa trên cơ sở sự hội tụ đồng thời của các điều kiện cần (lượng mưa vượt ngưỡng) và điều kiện đủ (độ dốc lưu vực, độ che phủ của rừng...) nêu trên, các tác giả nghiên cứu về lũ quét ở Viêt Nam đã phân chia khả năng xuất hiện lũ quét thành 4 cấp như sau: Cấp I (có nguy cơ xuất hiện lũ quét rất cao), thuộc các lưu vực có điều kiện tự nhiên hội tụ đồng thời cả 4 yếu tố (gồm: xuất hiện tương đối thường xuyên lượng mưa ngày tối thiểu 100 mm; độ dốc bình quân lớn hơn 30%; độ che phủ nhỏ hơn 10%; đất có tính thấm trung bình và kém). Cấp II (có nguy cơ xuất hiện lũ quét cao), thuộc các lưu vực hội tụ đồng thời 3 yếu tố (xuất hiện tương đối thường xuyên lượng mưa ngày tối thiểu 100 mm; cùng với 2 trong 3 yếu tố còn lại). Cấp III (có nguy cơ... trung bình), thuộc các lưu vực xuất hiện tương đối thường xuyên lượng mưa ngày tối thiểu 100 mm, và 1 trong 3 yếu tố còn lại. Cấp IV (có ít nguy cơ xuất hiện lũ quét), cấp không thuộc các cấp đã phân chia ở trên.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn phân vùng nguy cơ lũ quét này, đối chiếu với kết quả điều tra các tiểu lưu vực thuộc địa bàn hai tỉnh Điện Biên và Sơn La; những nghiên cứu của TS Trần Viết Ổn (trường Đại học thủy lợi) đã chỉ ra 6 tiểu lưu vực nằm trong “diện nguy hiểm”- cấp I gồm: tiểu lưu vực Nậm Lay, Nậm Rốm (Điện Biên), Nậm La, Nậm Pàn, Suối Trai , Nậm Păm (Sơn La); 7 tiểu lưu vực cấp II, gồm Nậm Pô, Nậm Mức (Điện Biên), Nậm Pá, Nậm Xá, Suối chiến, Nậm Rôn, Nậm Le (Sơn La) và 8 tiểu lưu vực cấp III (Nậm Nua, thượng nguồn Sông Mã, Nậm Mua, Suối Hộc, Huổi Ta Vát, Nậm Quét, Huổi Tô Văn, Suối Hồng).
Đó là những tài liệu quý, cơ sở khoa học giúp cho các địa phương trong quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng khu dân cư, cơ sở kinh tế.. để chủ động giảm thiểu và có thể loại bỏ các yếu tố bất ngờ của lũ quét.
Nguồn: quandoinhandan.org.vn 8/10/2005