Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 21/11/2011 18:39 (GMT+7)

Những mẩu chuyện có thể bạn chưa biết về Giáo sư Phạm Song

Đã có nhiều bài báo viết về GS. Phạm Song lúc sinh thời và ngay sau khi ông từ trần. Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng bộ Y tế, đã tự coi mình thuộc thế hệ học trò của GS. Phạm Song, và đánh giá ông là “ Một nhà chiến lược và quản lý y tế xuất sắc, một trong những nhà khoa học lớn, một tấm gương về đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ noi theo”.

Trong Bách khoa thư mở - Wikipedia tiếng Việt, phần tiểu sử nhân vật, có ghi rõ: GS. VS Phạm Song là người đi đầu đạt nền móng cho nhiều tổ chức, sự nghiệp trong ngành y tế nước ta. Sau năm 1954 ông là người được tiếp quản Nhà Thương Đồn Thuỷ, sau này lại làm Giám đốc Bệnh Viện Hữu Nghị Việt- Xô   . Từ 1988 - 1992 làm Bộ trưởng y tế; sau đó ông là chủ nhiệm Ban chỉ đạo chương trình nước sạch Quốc gia; Chủ tịch Uỷ ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình - một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhờ nguồn tài trợ của cộng đồng, xã hội nhưng mang lại hiệu quả cao : giảm tỷ lệ sinh xuống thấp nhất vào năm 1999. Cho tới khi qua đời, GS. VS Phạm Song là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; Chủ tịch hội khoa học Truyền nhiễm Việt Nam. Ông là chuyên gia đầu ngành của nứơc ta về y học bệnh truyền nhiễm, về hệ thống y tế; Ông cùng cộng sự đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 về công trình “ Chiết xuất Artemicinin từ cây Thanh hao hoa vàng ở Việt Nam dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh sốt rét”.

Đồng nghiệp, nhân dân và báo chí đã dành cho GS Phạm Song nhiều tình cảm thương yêu, kính trọng. Người viết chỉ xin kể lại vài mẩu chuyện được mắt thấy, tai nghe về ông lúc sinh thời.

Khi đang làm công tác hội khoa học, nhiều lần GS. Phạm Song trò chuyện hoặc trả lời phỏng vấn báo chí. Ông thẳng thắn nói với phóng viên Báo Khoa học và Đời sống: Chức vụ, địa vị xã hội chỉ có ý nghĩa khi ta có đủ bản lĩnh và năng lực dùng nó làm phương tiện để hoạt động đem lại lợi ích cho nhân dân, cho xã hội; nếu không “ nó đến rồi lại đi” rất phù du. Có lần GS. Phạm Song tâm sự với tôi rằng: Ông rất tâm đắc với quan niệm của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ - một bậc danh sỹ đất sông Lam - núi Hồng quê ông: Khi làm lính, Lúc làm quan Ngài luôn luôn có lòng tự tin, tự tại - “ Làm tướng không vinh, làm lính không nhục ”:

Biết ta được, không biết ta cũng được

Ta chỉ cần ta biết được ta

Dù cho giông tố phong ba

Con thuyền vững lái, hải hà coi khinh

Nguyễn Công Trứ còn giễu mấy ông quan lỉnh kỉnh chức tước mà vô tích sự như thể cây vông rỗng ruột:

Tuổi tác càng già, già xốp xáp

Ruột gan không có, có gai chông…

Trong khi GS. Phạm Song đang làm Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, trả lời câu hỏi “ thế nào là trí thức”, ông nói ông hoàn toàn chia sẻ với quan niệm về trí thức của F.A Hayek - nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, rằng người trí thức có ba chức năng xã hội, đó là: sáng tạo, cách tân; thúc đẩy khoa học tiến bộ; và dự báo, định hướng nhận thức xã hội. Như vậy, đã là trí thức thì phải hiểu biết, phải có chính kiến và không được hèn. Không trung thực cũng không là trí thức. Và vì vậy, theo ông để “ Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia” thì Nhà nước và xã hội cần tạo không gian cho trí thức phát huy tài năng, dám nghĩ, dám nói, dám làm.

Điều đáng quý và đáng kính trọng đối với GS. Phạm Song là ở cương vị nào ông cũng dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Khi làm Bộ trưởng Y tế, ông đã mạnh dạn đề xuất và không mệt mỏi tìm mọi cách vận động sáng lập Viện Lâm Sàng nhiệt đới, Viện Tim mạch, Vịên Tâm thần học và Khoa Phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Ông thuyết phục lãnh đạo cho tách Uỷ Ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình ra khỏi Bộ Y tế, để thoát khỏi cơ chế bao cấp, thâm nhập vào xã hội, kết quả là đã giảm tỷ lệ sinh một cách rõ rệt. Ông cũng rất tâm đắc với công trình khoa học “ Chiết xuất Artemicinin từ cây thanh hao hoa vàng để làm thuốc chống sốt rét” (đặc biệt là thành công đối với cả những mầm bệnh đã kháng thuốc vẫn thường dùng ). Công trình do GS.Phạm Song cùng cộng sự thực hiện đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 2000. Thực ra quanh việc trao giải này cũng có vài chuyện hiểu lầm. Ta đều biết, để thực hiện công trình cần có sự tham gia của các nhà thực vật, hoá học và y học. Thời gian ấy, Gs. Phạm Song đang làm Bộ trưởng Y tế, lại là chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, về miễn dịch học, nên có trách nhiệm và khả năng lãnh đạo triển khai nghiên cứu đề tài. Bởi vậy khi trao giải, Hội đồng giải thưởng đã ghi tên GS.Phạm Song lên hàng đầu, sau khi xem xét lại, mặc dù đang công tác ở nước ngoài, ông đã điện về đề nghị các tác giả đều đứng tên chung trong danh sách những người đoạt giải công trình.

Khi được hỏi ông có gì chưa đạt được trong quá trình hoạt động trong ngành Y tế, GS.Phạm Song không ngần ngại nói ra nhiều điều còn băn khoăn, trăn trở. Chẳng hạn như về giá thuốc, thì năm 1988, ông đã đặt vấn đề Bộ Y tế cần kiểm soát về giá thuốc, nhất là thuốc biệt dược, thuốc do công ty nước ngoài thao túng thị trường. Hay như khi thảo luận về Luật hành nghề Y, ông rất búc xúc về hiện tượng nhiều thầy thuốc đã lợi dụng kinh tế thị trường để làm giàu bất chính, trong khi còn tình trạng người nghèo không được chữa bệnh kịp thời. Đến cuối đời, ông vẫn trăn trở với ý tưởng bảo hiểm Y tếtoàn dân. Trưa ngày 8/11/2011 ông đã gục ngã ngay sau khi báo cáo xong đề tài “ Nghiên cứu hệ thống y tế Việt Nam” tại một hội nghị khoa học.

Nhớ lại lần ông tranh luận với anh con trai của mình, khi anh từ chối sự nghiệp khoa học để làm doanh nhân, ông tâm sự: “ Bọn trẻ bây giờ nó khác. Mình thì luôn đặt lý tưởng sự nghiệp lên hàng đầu, còn họ lại đặt chất lượng sống lên hàng đầu”. Có lần tôi hỏi GS.Phạm Song, vì sao ông và những người cùng thế hệ lại “ Lãng mạng cách mạng” như thế? Không trả lời trực tiếp câu hỏi, ông quay sang kể cho tôi nghe về lớp học trong rừng của trường Đại học Y khoa Việt Bắc ( ở Chiêm Hoá - Tuyên Quang ). Rồi theo trí nhớ ông đọc bài thơ viết trên báo tường ngày ấy của một anh bạn học:

Đây nứa bốn bề phên vách nứa

Nứa đầy nơi, nứa làm bút làm bàn

Cơm gạo hẩm, muối thêm nồi măng nứa

Trộn mùi tàu và ớt đủ liên hoan

Không tài liệu,vở học sinh giấy dó

Kính yêu thầy ghi từng chữ từng câu

Học trong tổ có điều gì chưa rõ

Lại bùng lên tranh cãi, ngẫm càng sâu

Ôi! Đẹp quá một quãng đời tươi trẻ

Sống hồn nhiên cùng trang sách ước mơ

Không lùi bước trên con đường gian khổ

Bài đầu tiên dìu dắt - mái trường xưa

Phải thừa nhận thời kỳ kháng chiến cứu nước gian khổ đã tạo ra một lớp thầy thuốc trí thức sống có lý tưởng cao đẹp, như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Trinh Cơ…,và sau này là Tôn Thất Bách, Trần Đỗ Trinh, Phạm Gia Khải, Phạm Song…

Đánh giá về lớp sinh viên Y học hiện nay, GS.Phạm Song cho rằng, họ được hưởng một nền khoa học hiện đại trong thời đại thông tin và hội nhập. Đã và sẽ có những người tài, nhưng điều cần nhớ trước hết là phải lấy chữ Tâm làm đầu, phải gắn nghề y với sự nghiệp chữa bệnh cho con người.

GS.VS Phạm Song - vị Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, luôn thể hiện ba nguyên tắc sống: “ Hiểu biết, kỷ luật và ứng xử” . Càng về sau ông càng thể hiện tinh thần ứng xử nhập thế “ Vô cố, vô ngã, vô tư và vô thường”. GS.Phạm Song đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng còn để lại cho đời sự cống hiến hết mình của một Thầy thuốc nhân dân chân chính.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.