Những điều chưa biết về xăng sinh học E5
Nhiên liệu sinh học là gì?
Nhiên liệu sinh học là loại nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật, ví dụ như nhiên liệu chế xuất từ chất béo của động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa...), ngũ cốc (lúa mì, ngô, đậu tương...), chất thải trong nông nghiệp (rơm, rạ...), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, gỗ thải...). Loại nhiên liệu này có nhiều ưu điểm nổi bật so với các loại nhiên liệu truyền thống (dầu mỏ, than đá...) như thân thiện với môi trường và là nguồn nhiên liệu tái sinh, giúp giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu truyền thống không thể tái tạo được.
Trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia sử dụng nhiên liệu sinh học vào trong cuộc sống. Brazil là nước đi đầu với chương trình quốc gia ủng hộ xăng pha cồn từ năm 1975, sử dụng cồn sản xuất từ mía để pha vào xăng với tỷ lệ đến 20%, thậm chí có thể lên tới 30-40% dùng trong ngành vận tải. Mỹ bắt đầu thử nghiệm sử dụng xăng pha cồn từ năm 1976 sau đợt khủng hoảng năng lượng năm 1973. Từ năm 1978, Mỹ đã công nhận lợi ích của cồn trong nhiên liệu và dùng biện pháp giảm thuế đối với xăng pha cồn nhằm khuyến khích phát triển thị trường nhiên liệu này. Ở các nước châu Âu, châu Mỹ, gasohol hay còn được gọi là xăng sinh học hoặc xăng pha cồn đã được sử dụng trong nhiều năm qua và hiện nay tỉ lệ cồn pha vào xăng bắt buộc tối thiểu là 10%. Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản là 3 quốc gia châu Á tích cực nhất trong việc phát triển các chương trình sử dụng nhiên liệu sinh học trên toàn quốc.
Sản xuất và tiêu dùng nhiên liệu sinh học đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế nông thôn. Hiện nay, tại Việt Nam xăng sinh học chủ yếu được sản xuất từ sắn lát. Các nhà máy xăng sinh học dùng sắn lát làm nguyên liệu đầu vào sẽ giúp người trồng sắn có đầu ra ổn định. Theo tính toán, mỗi nhà máy khi đi vào sản xuất sẽ thu mua ổn định cho khoảng 15 nghìn hộ trồng sắn tại các xã vùng cao của các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Các nhà máy sẽ hỗ trợ nông dân về giống cũng như kỹ thuật canh tác mới với mục tiêu tăng thu nhập cho hộ nông dân, tăng sản lượng hàng hóa... Chính vì vậy, thu mua sắn để sản xuất xăng sinh học sẽ không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa mà còn giúp cải thiện cuộc sống với nguồn thu nhập ổn định cho phần lớn nông dân ở các địa phương, rút ngắn dần khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. Tăng cường dùng nhiên liệu sinh học không chỉ là bảo vệ môi trường mà chính chúng ta còn góp phần mang đến sự chuyển mình tích cực cho cuộc sống của những người dân tại những vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Nhiên liệu sinh học thường được chia thành các nhóm gồm: cồn sinh học (Bioethanol); diesel sinh học (Biodiesel); khí sinh học (Biogas). Cồn sinh học là cồn (ethanol) được sản xuất thông qua quá trình lên men các sản phẩm hữu cơ như tinh bột, cellulose, lignocellulose; việc sản xuất cồn sinh học từ sinh khối và phế thải nông nghiệp là hướng đi nhiều triển vọng. Diesel sinh học được sản xuất từ các loại dầu sinh học (thường được thực hiện thông qua quá trình transester hóa bằng cách cho phản ứng với các loại rượu phổ biến nhất là methanol), diesel sinh học có thể sử dụng thay thế cho diesel. Khí sinh học được tạo ra sau quá trình ủ lên men các vật liệu hữu cơ. Sản phẩm tạo thành ở dạng khí (methane và đồng đẳng khác), có thể dùng làm nhiên liệu đốt cháy thay cho gas từ sản phẩm dầu mỏ, sản xuất khí sinh học đã được phát triển từ khá lâu và có nhiều mô hình triển khai rộng rãi.
Xăng sinh học E5 là gì?
Xăng sinh học là nhiên liệu hỗn hợp của xăng truyền thống và cồn sinh học được sử dụng cho các loại động cơ xăng đốt trong như xe ô tô và xe gắn máy. Cồn sinh học trong hỗn hợp nhiên liệu xăng sinh học được sử dụng như một chất chứa oxy thay thế cho các hợp chất pha vào xăng trước đây như chì. Cồn sinh học được sản xuất từ quá trình lên men tinh bột, mật rỉ đường và các phế phẩm nông nghiệp khác. Xăng sinh học được ký hiệu là EX, trong đó X là % thể tích cồn sinh học trong công thức pha trộn xăng sinh học. Như vậy, xăng sinh học E5 là nhiên liệu chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng truyền thống.
Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm tra, đo lường chất lượng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng khi sử dụng xăng E5. Hàng tháng, Chi cục đã có những buổi kiểm tra định kỳ tại các cửa hàng, qua đó các cán bộ của Chi cục đã kiểm tra việc đo lường để tránh tình trạng cửa hàng bơm xăng không đúng số lượng và số tiền khách hàng mua, đồng thời lấy mẫu để đo lượng cồn ở trong xăng có vượt mức quy định không. Theo ông Trịnh Ngọc Bình, phó chi cục trưởng Chi cục TĐC thì thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên kiểm tra các cửa hàng có kinh doanh xăng E5 và không phát hiện tình trạng gian lận trong việc mua bán xăng E5. Vì vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng loại xăng tiết kiệm nhiên liệu, giá lại vừa rẻ này.
Ngoài ra, khi sử dụng xăng sinh học E5, người tiêu dùng cần chú ý một số vấn đề sau: không nên sử dụng xăng E5 đối với các loại xe có động cơ chạy bằng xăng (xe ô tô, xe gắn máy...) đời cũ hoặc xe đã thay thế các phụ tùng không chính hãng; không đổ xăng E5 vào bình chứa xăng khi không sử dụng xe trong thời gian từ 2 tháng trở lên vì với điều kiện độ ẩm cao của nước ta, xăng rất dễ hấp thụ nước trong không khí, có thể gây ra hiện tượng phân lớp trong xăng, làm cho xăng giảm chất lượng, gây hỏng hóc động cơ; người tiêu dùng cũng không nên mua xăng E5 có nguồn gốc không rõ ràng mà chỉ nên mua xăng E5 tại các cửa hàng được công bố rộng rãi trên báo chí hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng.