Những điều cần biết khi bị nhiễm viêm gan B
Viêm gan B nguy hiểm như thế nào?
Virus viêm gan B (HBV - Hepatitis B virus) khi vào người chưa có miễn dịch viêm gan B sẽ dẫn đến những hậu quả tức thời và lâu dài phụ thuộc vào đối tượng bị nhiễm HBV là trẻ sơ sinh hay người lớn.
- Nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh, do hệ miễn dịch của trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên HBV khi vào thường không gây hậu quả tức thời. Đa số trẻ vẫn bình thường, chỉ có khoảng 5-10% số trẻ có biểu hiện sốt nhẹ 1, 2 ngày hoặc vàng mắt rất nhẹ và nhanh chóng qua khỏi nhưng có tới 90% số trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV sẽ trở thành người mang HBV mạn tính [biểu hiện bằng HBSAG(+)]. Khoảng 1/3 số trẻ mang HBV mãn tính này sẽ phải gánh chịu những hậu quả lâu dài là viêm gan mãn tính sau 30-50 năm nếu không được điều trị. Cơ chế hoạt động của virus viêm gan B: khi vào cơ thể nó sẽ tấn công, xâm nhập vào các tế bào gan và biến những tế bào này thành nơi tiếp tục sản xuất, phóng thích ra hàng ngàn phần tử siêu vi mới. Theo cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, hệ miễn dịch sẽ phát hiện sự bất thường và tấn công virus viêm gan B.
Nếu có kết quả tốt, bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn. Ngược lại tình trạng viêm gan mạn xuất hiện, đó là tiến trình ngày càng nhiều tế bào gan bị phá hủy từ từ. Khi hệ miễn dịch nhiều tháng, nhiều năm không diệt được virus, các tế bào bị thoái hóa dần bị thay thế bằng các mô sợi bất thường mà không phải các tế bào gan khỏe mạnh. Sự phát triển các mô sợi đó dẫn đến những biến chứng chết người là ung thư gan hoặc xơ gan. Bởi vậy, tiêm phòng vaccine chống viêm gan B cho trẻ sơ sinh là điều bắt buộc để đề phòng căn bệnh nguy hiểm này.
- Nếu người lớn bị nhiễm bệnh, do hệ miễn dịch đã hoàn chỉnh nên khi HBV vào cơ thể sẽ xảy ra "cuộc chiến" giữa hệ miễn dịch với HBV nên có tới 30% số trường hợp biểu hiện bằng bệnh cảnh viêm gan cấp tính. Mở đầu thường là sốt 3-7 ngày, đi kèm với sốt (thường sốt nhẹ), người bệnh thấy mệt mỏi rã rời, chán ăn và đi tiểu ít. Sau khi hết sốt người bệnh tiếp tục mệt nhọc, chán ăn, tiểu ít, màu sẫm và vàng mắt, vàng da. Bệnh diễn biến khoảng 4-8 tuần mới bước vào giai đoạn lui bệnh. Tuy nhiên có một số ít trường hợp (1%) diễn biến nặng (thể teo gan vàng cấp) thường dẫn đến tử vong. Ngược với đối tượng trẻ sơ sinh, người lớn chỉ có khoảng 10% số trường hợp trở thành người mang HBV mạn tính, các hậu quả lâu dài như viêm gan B mạn, xơ gan và ung thư gan cũng ít xảy ra hơn.
Làm gì khi bị viêm gan B?
Mặc dù HBV là một virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song nhờ những tiến bộ của y học hiện nay, chúng ta có thể chữa khỏi và hạn chế được các hậu quả do HBV gây ra.
Đối với viêm gan B cấp tính, thể nhẹ và trung bình, nghỉ ngơi tuyệt đối là biện pháp điều trị tốt nhất. Những thể nặng và rất nặng phải nằm điều trị tại bệnh viện để đối phó với những biến chứng của bệnh gây ra chảy máu, vàng mắt, chán ăn,v.v...
- Đối với viêm gan B mạn tính, các thuốc lamivudin, interferon, adefovir... đã chữa khỏi được nhiều trường hợp, hạn chế được các biến chứng xơ gan, ung thư gan... đem lại niềm hy vọng cho những người không may bị viêm gan B. Nếu biết chắc mình đã bị viêm gan B mạn tính, nên tìm đến các thầy thuốc có chuyên môn và kinh nghiệm để được điều trị.
Điều trị
Bạn phải đến bệnh viện để xét nghiệm và khám bệnh. Đây là một câu hỏi rất nhiều người vướng mắc. Người được xác định là viêm gan B mạn tính phải có các tiêu chuẩn sau:
- Tiêu chuẩn lâm sàng: Có biểu hiện bệnh gan kéo dài quá 6 tháng như: mệt mỏi, vàng mắt, gan to...
- Tiêu chuẩn xét nghiệm gồm:
1. HBsAG(+) kéo dài ≥ 6 tháng.
2. Men gan (ALT, AST) tăng cao trên 1,5 lần so với trị số bình thường và kéo dài ≥ 6 tháng.
3. HBeAg (+) hoặc HBV-DNA (+) trên 6 tháng.
4. Sinh thiết gan thấy tổn thương và viêm hoại tử ≥ 4 điểm theo Knodell.
Tuy nhiên do sinh thiết gan là một kỹ thuật khó thực hiện và có nhiều biến chứng nên người ta đã thống nhất chỉ cần 3 tiêu chuẩn xét nghiệm đầu cộng với tiêu chuẩn lâm sàng là đủ để kết luận bạn có bị viêm gan mạn hay không. Nên nhớ, các xét nghiệm này phải làm ít nhất 2 lần cách nhau 6 tháng mới có giá trị xác định bệnh.
Như vậy có nghĩa, nhưng người nào chỉ xét nghiệm thấy HbsAg(+), HbeAg(-) vẫn cần phải làm thêm xét nghiệm HBV-DNA nữa. Nếu HBV-DNA(+) thì tương đương HbeAg(+) và bạn vẫn cần phải chữa trị. Còn nếu HBV-DNA(-), bác sĩ khám, tùy tình hình bệnh của bạn sẽ quyết định có phải chữa trị hay không và bạn phải theo chế độ theo dõi như thế nào.
Loại thuốc nào là tốt và đáng tin cậy nhất, hiệu quả của chúng ra sao? Cho đến nay đã có hai loại thuốc đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới để điều trị viêm ban B mạn tính, đó là: Interferon và Lamivudin.
Inteferon là thuốc ức chế sự nhân lên của HBV. Thời gian điều trị là 6 tháng. Tỷ lệ khỏi bệnh theo nhiều tài liệu khoảng 30%. Có khoảng 10% làm mất cả HbsAg(+). Tuy nhiên đây là thuốc có rất nhiều tác dụng phụ (sốt, rụng tóc, mệt nhọc khi tiêm, v.v...) đồng thời giá còn cao (30 triệu đồng/1 đợt điều trị) nên thuốc này ít được sử dụng ở Việt Nam .
Lamivudin (Zeffix) là thuốc uống. Thời gian điều trị 2 năm. Tỷ lệ khỏi bệnh = 40%, ít (không) tác dụng phụ, giá rẻ hơn (» 20 triệu/đợt điều trị) nên được ưa thích. Tuy nhiên tỷ lệ tái phát ở những ca khỏi khá cao (» 30%) do hiện tượng kháng thuốc. Rất may, để giải quyết sự bất cập này, Adefovir (một thuốc chữa viêm gan B mạn tính mới ra đời) đã thay thế cho Lamivudin. Thuốc này đã có mặt ở Việt Nam , có tỷ lệ tái phát do kháng thuốc thấp (chỉ » 2%); thời gian điều trị ngắn (12 tháng) và giá cũng hợp lý hơn (» 20 triệu/đợt điều trị). Người ta xem Adefovir như là một niềm hy vọng mới đối với các bệnh nhân viêm gan B mạn tính hiện nay.
Khi đã điều trị bằng thuốc đó không khỏi thì không nên uống thuốc tiếp. Mọi chỉ định uống thuốc phải do bác sĩ quyết định. Tuy nhiên, ngoài các biện pháp điều trị đơn liều (không kết quả) bằng các loại thuốc đã nói ở trên, người ta có thể kết hợp giữa Interferon với Lamivudin. Kết quả cho thấy tỷ lệ khỏi bệnh tăng lên ở những trường hợp thất bại khi điều trị đơn liều. Trường hợp cụ thể phải đến bệnh viện để được tư vấn cụ thể.
Người bị viêm gan B dứt khoát phải từ bỏ ngay thói quen uống rượu và phải hạn chế bia (không dùng là tốt nhất). Không nên làm các công việc nặng nhọc, thức đêm. Cần chú trọng ăn thức ăn giàu dinh dưỡng nhưng hạn chế các loại mỡ, nội tạng động vật, thức ăn khó tiêu. Chế độ theo dõi bệnh sẽ do bác sĩ điều trị quyết định.
Nguồn: tuoitre.com.vn 26/7/2005