Những con chữ có nghĩa
Một chữ A độc nhất vô nhị
Khi mới lần đầu tiên vào Internet ai cũng có một cảm giác choáng nhợp vì đứng trước “một” rừng thông tin đa chiều nhiều hướng. Những người làm quen hoặc mới làm quen thường bao giờ cũng lúng túng, thậm chí tỏ ra vụng về bối rối. Vì đứng trước những phương tiện công nghệ cao của máy tính điện tử, anh không làm chủ được những thao tác thì chỉ mỗi cách là bó tay, hoặc “tắt máy”. Tuy nhiên nếu bình tĩnh lắng nghe và bình tĩnh nhập cuộc thì vấn đề lại đơn giản không ngờ. Chỉ cần vài “miếng võ” sơ đẳng là cái thế giới thông tin khổng lồ kia sẽ tuần tự hiện ra trước mắt của bạn.
Thông tin trên internet thì nhiều, song chung quy lại có thể thấy và nhận về từ hai lĩnh vực chính: 1. Các website(trang chủ, trang tự giới thiệu, nguồn thông tin thuộc sở hữu của ai đó...) và 2. Các Email(thư điện tử). Tất cả các địa chỉ này đều được mã hoá bằng dòng ký tự dài ngắn khác nhau. Chúng thường được tiếp nối bằng các dấu chấm và dấu sổ. Riêng địa chỉ email thì có một ký tự lạ mắt tới mức “có một không hai”, nó cũng là một con chữ trong bảng chữ cái nhưng được vẽ khác hẳn: chữ @.
Chữ @ - mà hầu hết giới tin học Việt Nam hiện nay đều gọi bằng cái tên là A còng– được dễ dàng nhận ra ngay mặc dù nó nằm lọt thỏm giữa hàng kí tự. Nó là dấu hiệu để người sử dụng khẳng định chắc chắn đó là một địa chỉ E-mail của ai đó, được thống nhất trên toàn thế giới. Theo quy định, phần xuất hiện trước của @ là địa chỉ cụ thể, do cá nhân hoặc một đơn vị nào đó đặt ra (hoàn toàn mang tính qui ước, tuỳ thích, miễn là trước đó chưa có ai sử dụng. Bởi vì nếu đặt trùng thì chắc chắn cái tên này máy sẽ không chấp nhận). Phần sau của @ là tên vùng (hay miền) thông tin mà địa chỉ cá nhân kia kết nối. Chẳng hạn, địa chỉ: hientm (hoặc tranminhien, hoặc tmhien, hoặc tmh, hoặc hien13161...) @yahoo.com là hộp thư của một bạn Trần Minh Hiền nào đó đặt trên mạng yahoo.com (dòng địa chỉ này kế tiếp nhau không được giãn cách bởi một khoảng trống kí tự nào hết).
Nhiều người thắc mắc là tại sao lại có chữ @ này và nguyên do từ đâu? A còng bắt nguồn từ A thường, viết tắt của at. Từ điển Oxford gọi @ là “chữ A thương mại (commercial A)”. Lúc đầu, giới Anh ngữ dùng trong thương nghiệp, nó tương đương với dòng chữ “at the price of (= với giá là)”.Vì nó quá thông dụng trong giao dịch nên người ta chỉ cần viết tắt là @ cũng đủ hiểu (A@B = A có giá là B). Và nó chỉ bắt đầu được dùng với nghĩa “at (=ở, tại)” khi vào năm 1972, một chuyên gia máy tính người Mĩ tên là R. Tomlinson, nhân viên của Hãng Bolt & Neưman (bang Massachusetts) tự viết một chương trình đơn giản để gửi thử một văn bản cho bạn mình đang sử dụng một máy tính ở phòng bên cạnh. Tomlinson ngẫu nhiên sử dụng chữ @ như một kí tự chỉ định nơi nhận văn bản. Ngay lập tức nhóm Pentagon của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mĩ) đã tận dụng sáng kiến này để lập một chương trình phần mềm nhằm gửi các mật lệnh, chỉ thị trong phạm vi mạng máy tính quân đội Mĩ. Và thế là, chẳng mấy chốc, cùng với sự lớn mạnh kì diệu của Internet trong đó có thư điện tử, chữ @ cũng tới tấp xuất hiện trong các địa chỉ E.mail Hiện nay người ta thống kê trên thế giới đã có tới 1,3 tỉ website và mỗi ngày có khoảng 9,8 tỉ E.mail được ném lên mạng, trong đó, người ta có thể gửi cho nhau nhiều thứ ngoài văn bản, như tranh ảnh, đĩa nhạc, băng hình,... Bọn khủng bố ở Bali ( Indonesia ) mới đây còn kích hoạt cho nổ bom chỉ thông qua một cái nhắp chuột trên máy vi tính.
Điều thú vị là về mặt ngôn ngữ, người Việt lại gọi @ bằng cái tên A còng từ lúc nào chẳng rõ. Không bắt chước tên gọi ở các quốc gia khác, như a có đuôi (Nga),a quăn (Hà Lan, Đan Mạch), a đuôi dài (Trung Quốc), a vòi voi (Thuỷ Điện) ... người Việt lại chọn một cách định danh riêng của mình. Cũng cần phải nói rằng, lúc đầu dân tin học ở ta cũng còn gọi @ bằng nhiều cái tên khác nhau: a móc, a khuyên (tròn), a lồng, a cuộn ... nhưng cái tên a còng mau chóng được đa số chấp nhận, mặc dù chữ còng trong kết hợp chẳng mang dáng dấp thuật ngữ chút nào. Nhưng chính có lẽ vì cái tên gọi lạ tai, ngộ nghĩnh và đậm chất thuần Việt (làm ta dễ liên tưởng tới cái còng cua, lưng bà còng hay cái còng (tay)...) nên a còng tự nhiên đi vào vốn từ vựng giao tiếp tiếng Việt như một từ “độc tôn” đối với dân “nghiền” Internet...
Với chữ @, thế giới mở ra từ bàn phím
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ tin học được sự hỗ trợ đắc lực của Internet, chúng ta mới thấy thế giới đang sống quả là vô cùng nhỏ bé, như “một ngôi nhà chung” vậy. Bởi vì, chỉ từ chiếc máy vi tính đặt trên bàn, người ta có thể giao tiếp với cả thế giới, mọi nơi mọi lúc với một tốc độ nhanh chóng mặt. Ngay cả khi ngồi trên một chiếc máy bay đặc biệt “Force One”, Tổng thống Mỹ cũng có thể theo dõi và điều khiển một cuộc chiến tranh toàn cầu không khác gì đang ở dưới mặt đất. Ông trùm tin học, nhà tỷ phú Bill Gates từng nói “Mọi thông tin nằm trên mười ngón tay bạn”. Đúng như vậy, thông qua bàn phím vi tính, người ta có thể tìm kiếm mọi thông tin một cách nhanh nhất từ các nhà cung cấp thông tin (với hệ thống máy chủ (server) đếm được hiện nay trên toàn thế giói là trên 800 triệu) qua một loạt các đuôi chỉ tên miền khác nhau: com: dịch vụ, thương mại; net: kĩ thuật mạng; edu: giáo dục, đào tạo; org: tổ chức phi chính phủ; gov: chính phủ, nhà nước; mil: quân sự, quốc phòng, an ninh.....
Chữ a còng giờ đây trở thành một biểu tượng mang tính thời đại. Bởi vì nhắc đến nó, người ta hình dung ra một cuộc cách mạng tin học đang làm khuynh đảo và thay đổi diện mạo thế giới. Nó cũng trở thành một nhu cầu thân thiết của biết bao người. Người ta giao tiếp, trao đổi, mua bán, tìm kiếm mọi thông tin từ cổ chí kim ở mọi lĩnh vực...., tất tần tật đều có thể thông qua mạng Internet. Thậm chí, nhiều trường đại học đã tổ chức tuyển sinh, giảng bài, kiểm tra, seminar, bảo vệ luận văn hoàn toàn qua mạng trực tuyến và bằng (hay chứng chỉ) này hoàn toàn được coi là tương đương với bằng chính quy tại trường. Nhiều người bây giờ coi việc vào mạng đọc thư, xem tài liệu, giải trí... như một nhu cầu tinh thần thiết yếu, không thể bỏ. Dù có đi đâu làm đâu cả ngày thì tối đến, họ cũng âm thầm mở máy nhà mình, chọn email, vào inbox. Và cứ thế, sự kết nối được thiết lập và cuộc giao tiếp với thế giới bắt đầu. Những cái gì thái quá cũng trở thành bất cập. Say mê là một chuyện, nhưng bạn chớ “si mê” để trở thành nô lệ của Internet ( nhất là các trò chơi trực tuyến vô cùng hấp dẫn hiện nay). Để rồi sau đó, chính bạn lại tự còng tay mình vào chiếc computer bé nhỏ nhà mình lú nào không hay.
& = and = và
Trên báo Khoa học & Đời sống gần đây, trong bài Những cái lỗi nằm ngoài kiến thức?chúng tôi đã có ý kiến không đồng tình về việc học sinh hiện nay sử dụng các kí hiệu tắt trong bài thi (Chẳng hạn, viết k 0 , kg, k= không, ng.l =nguyên nhân, ~ = những, of = của, &, and= và…). Nhiều giáo viên có trao đổi với chúng tôi rằng, các chữ tắt tuỳ tiện khác thì đúng là không nên. Nhưng riêng lí hiệu &(= và) thì đã quá thông dụng trên toàn thế giới. Chả cứ gì thế giới, sách báo cũng viết khá nhiều đấy thôi. Viết &không sai nghĩa mà lại tiện nữa. Vậy, bắt lỗi các em như vậy có quá khắt khe và máy móc không?
Kí hiệu &nằm trong hệ thống một loạt các kí hiệu ước lệ biểu trưng đang rất thông dụng trên văn tự nói chung (như % = phần trăm; ‰ = phần nghìn; = dấu bằng; » dấu gần bằng, xấp xỉ…). Kí tự &= and = ampersand = và (tiếng Việt). Nó ra đời rất lâu rồi, gần như sau khi có bảng chữ cái Latinh và người ta nghiễm nhiên “ưu tiên” để đặc cách xếp nó đứng ngay sau chữ [z] là chữ cuối cùng của hệ chữ này. Ampersandđược giải thích là tổ hợp hoà kết (đã bị đọc trại âm) của ngữ đoạn “[zed] and per se and”. Đó là người Anh giải thích hai kí tự cuối cùng đứng liền nhau: [z, &] → “zed (chữ z) và chữ tự nó có nghĩa là và(&)” (xem thêm Kiến thức Ngày nay, số 488, 3-2003).
Kí hiệu &có mặt ở khắp mọi loại hình văn bản ở mọi ngôn ngữ khác nhau. Người ta còn sáng tạo ra nhiều tự dạng mang tính đồ hình đủ loại từ kí tự này để trang trí, nom rất lạ mắt. Ở Việt Nam , ta cũng gặp &nhan nhản trên các tít báo, tít sách, tên khách sạn nhà hàng, ban nhạc,… Khoa học & Phát triển, Mốt & Cuộc sống, Gia đình & Xã hội, Tiếp thị & Gia đình,…(báo) Nhóm AC & M(ban nhạc), Cafe & Internet, M & Tôi(phòng trà), R & B(một phong cách nhạc),… Nếu quan sát, ta thấy đa số kí hiệu &này thường nằm trong cấu trúc ngữ đoạn ngắn, có vai trò nối kết hai vế đối tương đương, mang tính định danh cao. Điều này cũng giúp cho việc thể hiện măng - sét báo hay làm ma - két bài vở thoáng nhẹ đẹp hơn. Còn trong văn bản chính văn, ít ai đem kí hiệu đó ra dùng (chỉ có thể lặp lại nguyên văn tên đã định hình trên tít báo). Đôi lần , ta cũng bắt gặp một tài liệu nào đó “nhỡ tay” viết lẫn chữ này vào mạch diễn giải, làm cho văn bản vừa thiếu nhất quán trong trình bày vừa gây ấn tượng không nghiêm chỉnh. Do đó, việc một học sinh nào đấy cũng “tiện tay” sử dụng mọi kí hiệu tắt như thế trong bài thi của mình rõ ràng là không nghiêm túc, cần phải sửa (trừ trường hợp được phép hoặc buộc sử dụng khi diễn đạt các bài giải môn lôgích, toán học,…). Ở các bài thi khác (như văn, sử, chính trị, đạo đức…) dĩ nhiên viết thế người đọc vẫn nhận ra và hiểu “ngon lành”. Nó hầu như không ảnh hưởng gì tới ngữ nghĩa giao tiếp. Nhưng đối chiếu với một văn bản đòi hỏi mô phạm, chuẩn, thể hiện tuỳ tiện như vậy là sai quy cách.