Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 29/03/2012 18:41 (GMT+7)

Nhớ về một người thầy

Năm 1998, chúng tôi vào học ở khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, những tháng ngày đầu tiên ngồi học ở giảng đường, chưa được gặp các thầy, và quen hết của bạn. Câu chuyện về các thầy Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng được coi là tứ trụ của khoa Lịch sử cũng chưa thể hình dung và lại càng chưa được biết mặt. Mặc dù học ở dưới ký túc xá xa trường, nhưng chúng tôi vẫn phải thỉnh thoảng lên Văn phòng khoa Lịch sử để nắm bắt tin tức học tập và đào tạo, đồng thời tiện thể nhận thư từ bạn bè xa gần gửi về. Một hôm, cũng tại đây, trên bảng thông tin tôi tình cờ thấy dán ảnh của các thầy Lâm, thầy Lê, thầy Tấn và thầy Vượng, đó là bức ảnh chụp các thầy ngồi trên sân khấu trong buổi giao lưu với sinh viên của trường nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bước sang năm học thứ hai, tôi mới có cơ may được gặp thầy Vượng một vài lần, khi thì ở trên khoa Lịch sử, hay tình cờ được nhìn thấy thầy ở sân trường. Sau này sang năm thứ ba, tôi đã được gặp thầy nhiều hơn, có lúc ở các buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, khi thì trong các buổi hội thảo khoa học, và trên Viện Khảo Cổ học với hội nghị thông báo những phát hiện mới.

Năm 2001, khoa Lịch sử tổ chức kỉ niệm 45 năm thành lập khoa, khi đó chúng tôi đang học năm thứ ba. Trong dịp này, khoa Lịch sử đã in cuốn sách Khoa Sử và tôi - một cuốn sách nhỏ có đồng nghiệp và các thế hệ học trò viết về thầy Vượng là chủ yếu. Tôi và nhiều bạn bè trong lớp, trong khoa không có duyên may được nhận sách, nhưng tôi đã cố gắng mượn bằng được của bạn bè để đọc một cách chăm chú và say sưa. Sau mỗi bài viết, mỗi dòng tâm sự trong cuốn sách đó, tôi càng thấy kính trọng và cảm phục thầy, có nhiều chi tiết mang tính riêng tư trong sách đã khiến tôi bật cười và ngưỡng mộ. Tôi cũng không hiểu vì sao, hình ảnh của thầy Vượng đã ăn sâu vào tâm thức tôi tự bao giờ!

Khoảng thời gian của năm học thứ tư, nghe tin thầy Vượng dạy chuyên đề Khảo Cổ học môi trường, thầy dạy tại nhà, nhà thầy ở khu tập thể Kim Liên. Bữa đó, tôi đã quyết định đi “học chui” tại nhà thầy với lớp Khảo cổ. Buổi học bắt đầu, trên bộ ghế ở phòng tiếp khách, học trò ngồi xung quanh thầy, thầy giảng về đủ mọi lĩnh vực, ngoài Khảo Cổ học còn có Dân Tộc học, Văn Hóa học, Địa Lý học rồi xen lẫn cả Folklore học… tất cả được kết hợp lại, từ xứ Đông đến xứ Nam rồi xứ Đoài và thầy lướt qua vùng văn hóa Thạch Thất mà thầy gọi là nhà đá. Thầy vừa giảng bài vừa uống bia lon lại hút thuốc Vinataba Sài Gòn, thỉnh thoảng lấy một tờ giấy thơm lau lên mũi. Tôi nhớ nhất là khi thầy giảng, thỉnh thoảng lại vỗ vào đùi tôi và nói: Ông ạ! Ông ạ! Lần đầu tiên, cũng là chưa quen, tôi cố gắng nhịn cười vì phong cách của thầy. Sáng hôm đó, bài giảng bắt đầu và kéo dài từ 7 giờ, đến 12 giờ kém thầy mới cho học trò nghỉ.

Năm 2002, chúng tôi tốt nghiệp khoa Lịch sử, đến đầu năm 2003, tôi xin vào làm ở công trường khai quật Khảo cổ học Ba Đình. Khi đó, thầy Vượng vẫn khỏe, thỉnh thoảng thầy có lên đây thăm công trường và cố vấn về chuyên môn. Và thế là tôi lại vẫn được cơ may gặp thầy, được nhìn thầy. Nhiều khi, may mắn hơn, tôi lại được cùng các cô các chú ở Viện Khảo cổ học và bạn bè đi ăn trưa cùng thầy.

Và đến một ngày đầu xuân 2005, tôi được đi trẩy hội đền Cổ Loa cùng các cô chú bên Viện Khảo cổ học, thật bất ngờ, trước giờ chuẩn bị ăn trưa, tôi được nghe tin từ chú Nguyễn Hữu Thiết nói: “Thầy Vượng vừa vào bệnh viện khám và báo kết quả là thầy bị ung thư vòm họng”. Nghe tin này, tôi hết sức bàng hoàng và sửng sốt. Liệu đó có phải là thông tin thật hay không! Tại sao lại như thế nhỉ? Và tôi thầm cầu mong tin đó không bao giờ xảy ra đối với thầy Vượng.

Mấy hôm sau, khi đã trở về công trường làm việc, tôi cố gắng nghe ngóng thông tin xem sự thể ra sao, mọi người thân cận, xa gần cũng đều quan tâm tới thầy và tôi thấy mọi người càng ngày càng lo lắng nhiều hơn đến bệnh tình của thầy. Từ đó, tôi bắt đầu tin là thầy Vượng đang trọng bệnh. Có người thông tin là thầy chỉ bị nhẹ thôi, có người lại nói bệnh tình của thầy không thể tiến triển tốt hơn được. Cơ quan tôi vốn ở gần bệnh viện Hữu Nghị, lại gần với Viện Khảo cổ học, nên những thông tin về thầy, tôi cũng thường xuyên được cập nhật. Khi đó, tôi vẫn mang một hy vọng là thầy Vượng chắc chắn không thể như vậy! Bản thân thầy cũng không tiên liệu được rằng, sau các ông Chu Quang Trứ, Trịnh Cao Tưởng, Trần Hữu Đính… Ở đời, không ai biết trước được số phận và mệnh trời.

Những ngày tháng 5, tháng 6 - 2005, bệnh tình của thầy càng trở nên nặng hơn hồi đầu năm. Một buổi chiều mát và lặng gió, mấy anh em chúng tôi học cùng lớp K43 đã rủ nhau vào thăm thầy ở phòng điều trị số 1. Cảm thương thầy những năm tháng mạnh khỏe còn đi giảng bài, đi điền dã ở khắp Đông, Nam, Đoài, Bắc, từ miền núi đến miền biển, mà đến hiện nay, thầy đang gần kề với hoàng hôn bên kia của cuộc đời!

Tôi cũng chỉ là một sinh viên bình thường như bao sinh viên khác đã học ở khoa Lịch sử, không phải là học trò thân thiết của thầy, lại càng không có cơ may được thường xuyên ở bên thầy. Một hôm, tôi gặp anh Bùi Văn Liêm tại Viện Khảo cổ học, anh nói: “Cậu có đi trông thầy Vượng ở bệnh viện được không?” Tôi nghĩ trong bụng tại sao không nhỉ… và đồng ý liền. Tôi vừa buồn, vừa thấy vinh hạnh. Buồn vì một người thầy đức độ và tài ba sắp phải chia xa “đám học trò” mà bấy lâu nay thầy yêu thương hết mực, cũng cảm thấy thầm vui vì có vinh hạnh được ở cạnh thầy trong thời khắc mà những người thân cận của thầy đang mong ngóng, dõi theo từng canh giờ! Lúc đó, trên tay anh Liêm là 1 trang giấy với đầy đủ các ca giờ trực đã được phân công cụ thể.

Buổi đầu tiên tôi vào trông thầy. Trên giường bệnh là cuốn sách Hà Nội như tôi hiểu, bìa có vẽ hình tam giác châu thổ sông Hồng. Mặc dù phải thở rất khó, nhưng thỉnh thoảng thầy lại nói về cái lễ hội ở làng Đăm - Từ Liêm - Hà Nội. Giọng nói của thầy lúc này đã yếu rồi, tôi phải cố gắng lắm mới nghe được vài câu. Màn đêm buông xuống, trong căn phòng thầy nằm thật tĩnh lặng, chỉ có ánh sáng nhè nhẹ của ánh đèn điện và tiếng lào xào của quạt trần xua đi xua lại. Trời mỗi lúc một sáng dần, trằn trọc lúc ngủ, lúc thức vì trọng bệnh đang mang trong mình, thầy bắt đầu tỉnh giấc. Một lúc sau, trời sáng thật, thầy nói: Cho tôi ra ngoài hiên một chút, thế là cô Bảy (vợ thầy) và tôi dìu thầy từng bước ra ngoài hiên, cô Bảy lấy ngay một cái ghế tựa để thầy ngồi cho thoải mái. Thầy ngồi trên ghế và đưa tầm mắt nhìn xa xa ra khoảng sân thoáng đãng phía trước của bệnh viện. Lúc này, tôi cảm giác như thầy chẳng hề có chút bệnh tình mang trong người một phong thái rất lạc quan.

Lần thứ hai, tôi lại vào trông thầy buổi tối. Vội vội, vàng vàng, từ Ngã Tư Sở, tôi chạy xe thật nhanh đến bệnh viện. Anh Nguyễn Tiến Đông ở Viện Khảo cổ học giao cho tôi ca trực tối hôm đó, chưa thấy tôi đến, anh Đông đã phải gọi điện đi đây đó, xa gần hỏi han. Và thế là tôi đã sai hẹn 15 phút.

Lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng tôi được vào trông thầy. Lúc này, thầy đã chuyển sang phòng điều trị khác. Tám giờ tối, tôi có mặt, khi đến phòng của thầy, tôi gặp chú Nguyễn Hữu Thiết, anh Nguyễn Tiến Đông, anh Bùi Văn Liêm, anh Tống Văn Lợi cùng một số người khác. Anh Đông nhìn thấy tôi và hỏi: Hiện nay em trực à? Tôi trả lời: Vâng. Anh Đông nói tiếp: Hiện nay đủ người rồi, em có thể về và đợi tới hôm sau. Tôi nán lại một chút, nghe ngóng tình hình của thầy. Trên đầu giường, chai nước (hay chai thuốc, tôi không rõ) tiếp cho thầy cứ từ từ, chầm chậm nhỏ từng giọt. Tôi thấy thầy thở ra nhiều hơn mấy hôm trước. Tôi lặng lẽ xin phép ra về. Hôm đó là tối ngày 7 - 8 - 2005.

Sáng hôm sau, ngày 8 - 8 - 2005, tôi đến cơ quan làm việc, chợt hay tin thầy Vượng đã đi xa, trong lòng tôi thấy buồn vô cùng. Trước đó, chỉ cách ít giờ đồng hồ, tôi đã nhận một ca trực vào trông thầy, nhưng tình cảnh đưa đẩy đã khiến tôi không được ở bên thầy tối hôm cuối cùng. Tôi nhớ lại lời nói của anh Đông tối hôm trước: “Hôm nay đủ người rồi, em có thể về và đợi tới hôm sau”. Trong phòng làm việc, tôi thầm nhủ: Cũng chẳng còn hôm sau nào nưa!

Ngày 8 - 8 - 2005, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đi xa. Hôm đưa thầy về thế giới xa xôi, từ Hà Nội lên Thanh Tước, khi đưa thầy ra khỏi nhà tang lễ, ngoài trời nắng chang chang mà bát hương bỗng cháy bùng lên nghi ngút, còn trước và sau khi bốc những nắm đất cuối cùng đắp lên một thầy, trời Thanh Tước linh thiêng đã đổ mưa như trút nước. Bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò của thầy, người thì rưng rưng nước mắt, người thì mắt đỏ hoe, đã xúm quanh mộ và cầu mong cho thầy an giấc ngàn thu. Thầy Trần Quốc Vượng đã đi xa rồi!

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.