Nhớ thầy tôi Giáo sư Phạm Biểu Tâm
Xuất thân từ một gia đình Nho học, với nền văn hoá phương Đông vững chắc, Thầy Tâm học ở các trường thời Pháp thuộc, tiếp xúc với nhiều kỹ thuật y học Tây Âu tiên tiến thời bấy giờ. Thầy đã tiếp nhận không ít những nét văn hoá châu Âu nhưng Thầy đã tiếp thu một cách có chọn lựa, biến thành vốn kiến thức riêng của mình, mang đậm đà bản sắc dân tộc, không còn dấu vết của nước ngoài. Đó là bản lĩnh của Thầy Tâm khi thể hiện nhiệm vụ của một thầy thuốc, đồng thời là một thầy giáo Việt Nam.
Tôi không phải là “học trò ruột” của Thầy, nhưng có may mắn tiếp xúc nhiều lần với Thầy và có dịp học được phong cách quí báu của Thầy. Tôi còn nhớ rõ, năm 1958, sau khi thi đậu bằng “lý – hoá – sinh” (PCB) ở Trường Đại học Khoa học, tôi được ghi danh vào học ngành Y. Ngày đầu tiên, chúng tôi tập trung ở trụ sở chính của trường tại số 28 đường Testard (nay là đường Võ Văn Tần). Hai giáo sư đã đến tiếp xúc đầu khoá với chúng tôi là GS. Nguyễn Hữu và GS Phạm Biểu Tâm – Khoa trưởng của trường. Sau khi nghe hai thầy tự giới thiệu, anh bạn ngồi kế bên nói nhỏ với tôi: “ Khoá của minh hên quá, ngày đầu đã nhận được hai chữ “Hữu Tâm” rồi”.
Khởi đầu buổi sinh hoạt, Thầy Tâm với giọng hiền hoà nói: “ Bắt đầu từ hôm nay, các anh chị đi vào y đạo rồi đó. Học y là học nghề, khác hẳn với học kiến thức tổng quát ở trung học. Học nghề phải đi và hành. Ngành y chúng ta không chỉ là khoa học tự nhiên đơn thuần, mà là khoa học vừa tự nhiên vừa có tính nhân bản. Ngành y phải tiếp xúc giữa người với người. Con người có cả thân và tâm là một. Các anh nên nhớ điều đó”.
Trong thời gian dài học tập ở trường, tôi chỉ gặp Thầy một vài lần. Năm tôi đi thực tập ngoại tổng quát ở Bệnh viện Bình Dân, tôi biết rõ thời gian làm việc rất khoa học của Thầy. Lúc đó, Thầy vừa là Khoa trưởng Đại học Y, vừa là Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, vừa là thầy dạy môn ngoại khoa. Thầy không có phòng mạch tư, nên dành tất cả thời gian cho công việc. Buổi sáng sớm Thầy đến trường làm việc; 9 giờ rưỡi Thầy đến bệnh viện dạy thực hành hoặc mổ đến 1, 2 giờ chiều rồi Thầy về trường hoặc lên lớp dạy lý thuyết. Thầy không kể ngày đêm, giờ giấc, tận tuỵ với bệnh nhân, với đàn em, với học trò bằng cả tấm lòng.
Trong bất cứ cuộc giải phẫu nào dù lớn hay nhỏ, Thầy đều tự mình thực hiện mọi giai đoạn của phẫu thuật từ lúc rửa sát trùng đường mổ, trải khăn mổ, rạch vết dao đầu tiên, khâu mũi chỉ cuối cùng, rồi băng bó vết thương. Thầy thường nói với chúng tôi: “Nếu các anh các chị chữa bệnh mà cư xử với bệnh nhân như người thân trong gia đình mình là tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Một đàn anh của tôi đã kể cho tôi nghe một số mẩu chuyện về Thầy, lúc Thầy còn làm việc ở Bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội. Anh nói: “ Tôi là người Hà Nội. Năm 1946, tôi học lớp nhất Trường tiểu học Chợ Dừa. Một hôm, tôi đi hớt tóc tại tiệm ông thợ húi gần cổng trường. Tôi thấy trước bàn của ông có một khung hình một người đeo cà vạt, mặc đồ lớn. Tôi hỏi hình ai vậy ông, ông nói: “Lúc trước tôi đau nặng, phải nằm nhà thương Phủ Doãn, chính ông Bác sĩ Phạm Biểu Tâm đã sốt sắng giải phẫu kịp thời nên tôi không bị nguy hiểm. Tôi nhớ ơn ông ấy nên xin tấm hình để ngày ngày chiêm ngưỡng”. Sau này khi vào học trường y, tôi mới biết Bác sĩ Phạm Biểu Tâm là Thầy tụi mình.
Hồi ở Hà Nội, Thầy Tâm đã mổ cho Đại sứ Trung Hoa Dân quốc. Ông Đại sứ này đã cảm ơn và tặng Thầy bức tranh “Hoa Đà mổ Quan Công”. Bức tranh này vẫn còn treo ở nhà Thầy. Nhà Thầy Tâm ở góc đường Ngô Thời Nhiệm - Lê Quí Đôn. Thầy được cấp chiếc xe hiệu Peugeot 203, tuy nhiên, nhiều lúc Thầy đến trường và đến bệnh viện bằng xe đạp. Thầy nói với chúng tôi, Thầy đi xe đạp để cơ thể vận động, tốt cho sức khoẻ. Thầy còn thú vui là thích xem đá banh, những trận bóng đá lớn ở Sài Gòn thường có Thầy đến xem, nhưng Thầy đều ngồi ở hạng “cá kèo”.
Năm 1965, tôi đến từ giã Thầy để đi làm việc tỉnh xa, Thầy đã viết tặng tôi câu đầy tình nghĩa thầy trò trên một tờ giấy mà tôi vẫn giữ đến ngày hôm nay: “ Với những lời mong chúc thành thật cho tương lai của anh 30/10/65”.
Năm 1978, tôi vừa du học bên Pháp trở về. Một hôm, nhà tôi, Bác sĩ Tô Thị Ngân Hà, cũng là học trò cũ của Thầy Tâm, bị viêm ruột thừa cấp vào bệnh viện Bình Dân. Mặc dù bận nhiều công việc, nghe học trò mình bệnh, Thầy liền đến khám cùng với anh bác sĩ Văn Tần. Thầy báo ngay Bác sĩ Văn Tần chuẩn bị đem nhà tôi vào phòng mổ gấp và Thầy trực tiếp mổ với bác sĩ Văn Tần.
Năm 1983, tôi là giảng viên ở Đại học Y Dược TP HCM, được Sở Y tế mời đến tham gia buổi sinh hoạt khoa học với đề tài “Dịch tễ học trong y học cộng đồng”. Điều ngạc nhiên thích thú là có Thầy Tâm đến dự. Thầy ngồi hàng ghế sau cùng, thỉnh thoảng gật đầu trong lúc tôi trình bày. Có thầy kề cận bên mình làm tôi vững tin hơn.
Năm 1984, Thầy Tâm bị xuất huyết não và 5 năm sau, năm 1989, Thầy sang định cư ở California (Hoa Kỳ) để gần gũi gia đình, bà con bên đó dưỡng bệnh và Thầy mất vào tháng 12 - 1999.
Điều rất thú vị là sau này Giáo sư Ngô Gia Huy đã cho tôi nhiều thông tin tiểu sử và đời hoạt động của Thầy Tâm.
Thầy Tâm sinh ngày 13 - 12 - 1913, tại làng Nam Trung, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình Nho học và Khoa bảng. Tổ tiên Thầy sống tại Gia Định thành, tại quận Bến Lức, tỉnh Long An. Cụ tổ sinh ra miền Trung làm quan, thân phụ Thầy đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu 1913, năm sinh ra Thầy.
Thầy Tâm học tiểu học ở trường Đông Ba - Huế, học trung học ở Vinh và ở trường Bưởi - Hà Nội. Thầy học y khoa ở khoa Y Dược, Trường Đại học Đông Dương năm 1932, nội trú và tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa năm 1947 với đề tài “Introduction de la médecine occidentale en Extrême orient”, rồi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Paris năm 1948. Ở Hà Nội, Thầy làm việc ở Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Phủ Doãn. Từ năm 1955 đến 1984, Thầy giảng dạy ở Đại học Y Sài Gòn rồi Đại học Y Dược TP HCM và tại bệnh viện Bình Dân.
Thầy Ngô Gia Huy nói: “ Ở Sài Gòn, trong cương vị Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, khoa trưởng Đại học Y khoa Sài Gòn, quyền Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, Anh (GS Tâm) cũng vẫn tấm lòng đôn hậu, nhưng rất cương trực điều hành và cư xử tốt với tất cả mọi người. Anh đã cương quyết thực hiện công bằng trong các kỳ thi tuyển sinh vào trường y khoa, vượt qua những áp lực dựa vào quyền thế… (*). Anh có đặc tính khiêm tốn mặc dù ở địa vị cao, mà Anh không hề nói xấu một người nào. Ngoài ra, Anh còn là người con hiếu thảo, mặc dù là giáo sư nhưng mỗi khi về Huế, Anh vẫn mặc áo the thăm hầu hạ phụ thân đã cao tuổi như một người con nhỏ. Đối với những thầy cũ của mình, bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào, Anh vẫn tỏ lòng kính trọng, lắng nghe…”.
Phải chăng, tính tuý của văn hoá đất nước ta, từ Nam - Trung chí Bắc (tổ tiên Thầy ở miền Nam, Thầy sinh ra và học tiểu học ở miền Trung, học Đại học ở miền Bắc) đã nung đúc cho Thầy trở thành thầy thuốc và thầy giáo mẫu mực đáng kính, phù hợp với văn hoá của Việt Nam.
Thầy Tâm ơi, Thầy đã đi xa, nhưng phong thái của Thầy vẫn còn đâu đây, như mấy câu thơ mà thuở sinh tiền Thầy vẫn thường ngâm vịnh:
“ Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”.
(*) Vào đầu thập niên 60, trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Y khoa Sài Gòn, Ngô Đình Lệ Thuỷ (con của Cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu) thi không đạt điểm đậu. Giáo sư Phạm Biểu Tâm, chủ tịch hội đồng thi đã từ chối cho Lệ Thuỷ vào học, mặc dù có sự can thiệp của Bộ trưởng Giáo dục thời đó.