Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 05/09/2011 18:12 (GMT+7)

Nho sĩ Nghệ An trong nền văn hóa Thăng Long - Đại Việt từ thế kỷ XVI – XVIII

Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, tình hình chính trị Đại Việt rối ren, các thế lực phong kiến ra sức tranh giành quyền lực: Hết cuộc đối đầu Lê Mạc (1533 - 1592) đến nội chiến Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672), tiếp đó là bão táp khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVIII. Thời Lê Mạc phân tranh, tướng Mạc kéo quân vào Thanh - Nghệ 13 lần, trong đó có 7 lần vào Nghệ An. Nhân dân Nghệ An hết sức khốn khổ trong cảnh binh đao. Năm 1572, sử cũ chép: “Nghệ An nhiều phen bị nạn binh lửa. Các huyện đồng ruộng bỏ hoang, nhân dân đói khổ. Dịch lệ lại phát sinh, người chết đến quá nửa. Nhân dân phiêu giạt, hoặc tan tác vào Nam ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu vắng tanh” (15, T2, tr.158). Thời nội chiến Trịnh - Nguyễn, Nghệ An luôn là bãi chiến trường: Giặc ra, thuyền chúa lại vào/Cửa nhà lại phá, hầm hào lại xây(Ca dao).

Nhân dân Nghệ An vốn có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống áp bức dân tộc và áp bức giai cấp nên vào thế kỷ XVIII một số lãnh tụ nông dân ngoài Bắc như Nguyễn Diên, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Duy Mật khi gặp khó khăn đã rút vào đây lập căn cứ địa. Nhân dân Nghệ An cũng hết lòng ủng hộ người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong cuộc hành quân thần tốc cuối năm Mậu Thân, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân Kỷ Dậu 1789.

Thế kỷ XVII - XVIII, trên cơ sở kinh tế hàng hóa phát triển, sự giao lưu giữa các địa phương được mở rộng. Hệ thống chợ huyện, chợ phủ, chợ trấn làm cho thương nghiệp Nghệ An trở nên khá nhộn nhịp. Lam Thành (khu vực chợ Tràng hiện nay) trị sở của Nghệ An thời Lê sơ, đến thời Lê trung hưng, trấn ty chuyển vào Dinh Cầu (xã Hà Trung, Kỳ Anh) nhưng thừa ty và hiến ty vẫn ở đấy. Phố Phù Thạch bên bờ sông Lam cho đến đầu thế kỷ XIX từng nổi tiếng là nơi đô hội: Phồn hoa nổi áng thị thành/Đây Phù Thạch phố là danh lịch triều. (Mai Đình mộng ký - Nguyễn Huy Hổ)

Trong non 300 năm gió nổi can qua đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn, văn hóa giáo dục Nghệ An đã khởi sắc từ thời Lê sơ giờ đây tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

2.Từ thế kỷ XVI, trong vòng 65 năm tồn tại, triều Mạc (1527 - 1592) đã tổ chức 22 kỳ thi đại khoa, lấy đỗ 485 tiến sĩ. Triều Lê trung hưng chính thức trở lại chế độ thi cử vào năm 1580 và tính đến kỳ thi cuối cùng năm 1787 đã tổ chức 68 kỳ thi, chọn được 717 tiến sĩ. Ngoài ra còn các kỳ thi Chế khoa, Thịnh khoa, Sĩ vọng lấy thêm được 134 tiến sĩ từ những người không theo con đường chính quy (12, tr.160).

Giáo dục, khoa cử Nghệ An khởi sắc từ thời Lê sơ, buổi đầu thời Mạc bị chững lại vì người Nghệ An dường như không mặn mà gì với triều đại này. Trong 485 tiến sĩ triều Mạc, Nghệ An chỉ có 2 vị là Nguyễn Văn Thực (1489 - ?) người làng Chiêu Vật, nay là xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, đỗ năm 1532; Nguyễn Minh Châu (1510 - ?) người xã Kỳ Lan, nay là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, đỗ năm 1541, làm quan đến chức Hiến sát sứ.

Nghệ An “đất xấu, dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành, không mê đạo Phật… chỉ thờ thánh Khổng (từ phủ huyện đến xã thôn đều có văn chỉ)…” (16, tr.168). Nhận xét đó của Quốc sử quán triều Nguyễn từ giữa thế kỷ XIX nhưng truyền thống trên thì đã hình thành lâu đời. Ở đây không hiếm những gia đình “Sớm khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa”, nhưng “Ông đậu, cha đậu, con đậu, đậu cả nhà”; không hiếm những tấm gương miệt mài học tập trên lưng trâu, bên bếp lửa như Lê Văn Hiệu (Đông Thành, thế kỷ XVII), Đinh Bạt Tụy (Hưng Nguyên, thế kỷ XVI),… Đặc biệt, Hồ Sĩ Dương mồ côi cha từ nhỏ, 2 mẹ con ở nhờ đình chợ Nồi (làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu), hàng ngày giúp mẹ bán nước để lấy tiền ăn học. Cậu thường hát nghêu ngao: Ngày thời việc nước đảm đang/Tối thời võng giá nghênh ngang đình Nồi, hay: Bây giờ đi nước mỏi vai/Mai sau đi hán, đi hài mỏi chân.

Học trò Nghệ An chăm học, lại được sự dìu dắt của nhiều thầy đồ đạo cao, đức trọng. Thư tịch địa phương thường nhắc đến các thầy Nguyễn Thiện Chương, Võ Duy Dương, Bùi Hữu Nhậm ở Nam Đường; Hoàng Hà, Trần Cảnh, Dương Lệ ở Quỳnh Lưu; Ngô Trí Trạch, Ngô Trí Tri ở Diễn Châu; Lê Hiệu, Phan Tất Thông ở Đông Thành; nổi bật nhất là thầy Hoàng Hà. Ông đỗ Hương cống năm 1585, được tôn là Danh sư, được vời ra Thăng Long dạy vua và các hoàng tử của 3 đời vua liền là Lê Thế Tông (1573 - 1600), Lê Kính Tông (1600 - 1619), Lê Thần Tông (1619 - 1643) và được tôn là Quốc sư. Nhiều người ví ông như Chu Văn An thời Trần. Bấy giờ trong dân gian có câu: “Nghệ An Hoàng Hà, Thanh Hoa Lương Chí” (7,tr.66). Một số thầy dạy giỏi, đỗ cao được phối thờ trong các nhà thánh ở huyện, tổng, xã như Lê Quỳnh, Hồ Sĩ Dương ở Quỳnh Lưu; Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa ở Diễn Châu; Phan Tất Thông, Lê Hiệu ở Đông Thành,v.v… Giáo dục, khoa cử Nghệ An thật sự phát triển từ khi triều đình Lê Trịnh kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Thanh Hoa vào Quảng Nam . Kỳ thi Chế khoa 1554 tại hành cung An Trường (Vạn Lại, Thọ Xuân, Thanh Hóa), Nghệ An có 3 người đỗ trên tổng số 13 vị, trong đó người đứng đầu đệ nhất giáp Chế khoa Đinh Bạt Tụy người Bùi Khổng (nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên); người đứng thứ 3 đệ nhất giáp Chế khoa là Phan Tất Thông người làng Hạ Thành, nay thuộc xã Hoa Thành, huyện Yên Thành và người đứng đầu đệ nhị giáp đồng Chế khoa Chu Quang Trứ người Nam Hoa Thượng (nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) đều thuộc Nghệ An (15, T2, tr.131). Kỳ thi Hội 1592 chỉ lấy đỗ 3 người thì Nghệ An có 2 người là 2 cha con Ngô Trí Tri (cha) đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và Ngô Trí Hòa (con) đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) (18,T1,tr.87).

Từ nửa sau thế kỷ XVI đã dần dần xuất hiện những làng, những dòng họ khoa bảng như làng Quỳnh Đôi với họ Hồ, làng Lý Trai với họ Ngô. Làng xã tạo mọi điều kiện khuyến khích con em học tập. Điều 54 Quỳnh Đôi hương lệ quy định: “Cảnh Hưng năm thứ 29 (1768) ngày 7 tháng 1, quan tri phủ Đức Quang Hồ Phi Quỳnh hợp đồng với làng bàn rằng, làng ta là làng văn nhã, học trò rất nhiều, xưa nay nhà nào cũng tập tành học hành riêng ở nhà, chắc mình đã là hay là giỏi, chưa lấy vào đâu làm bằng cứ. Từ nay hàng năm đến đầu xuân độ chừng trung tuần chọn ngày tốt, sáng mai đánh 3 hồi trống cho các thầy nho sinh, hiệu sinh, học sinh đều mang lều chiếu đến đình trung, làng ra bài cho làm. Ai đậu hạng ưu thì việc công dịch trừ suốt cả 3 năm, hạng bình trừ nửa năm, hạng thứ trừ 3 tháng. Còn những người chưa đến tuổi việc quan mà đỗ thì làng tùy theo hạng mà thưởng giấy cho. Từ nay phải cứ theo lệ này mà làm vì cũng là thiên chức của triều đình để khuyến khích kẻ học trò để chấn hưng văn phong của làng, khi nào cũng làm thế, không được bỏ quên” (6,tr.100).

Nhìn chung, từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, nếu không kể hơn 2 thập kỷ dưới triều Lê sơ, không kể triều Mạc về cơ bản không kiểm soát được vùng Nghệ An, và cũng không kể triều Tây Sơn ngắn ngủi chưa kịp tổ chức được kỳ thi đại khoa nào, triều đình Lê Trịnh đã lấy đỗ 717 + 134 = 815 Tiến sĩ (12, 160); trong đó, trên miền đất hiện nay thuộc tỉnh Nghệ An đã có tới 54 vị (con số thống kê dựa vào sách Khoa bảng Nghệ An), chiếm tỷ lệ hơn 6,3%, chứng tỏ Nghệ An thật sự đã trở thành vùng đất văn vật. Trong số các bậc đại khoa Nghệ An đó, một số vị có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa như Ngô Trí Hòa, Hồ Sĩ Dương, Phạm Nguyễn Du,… Bên cạnh đó còn có một số vị đỗ thấp, thậm chí không có học vị gì vẫn có những cống hiến nổi bật như danh y Hoàng Nguyên Cát, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Hương cống Nguyễn Hữu Chỉnh,…

3. Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII ở Nghệ An đã xuất hiện một số tác gia ưu tú, với các tác phẩm có giá trị góp phần làm phong phú văn hóa xứ Nghệ và đóng góp quan trọng cho văn hóa Thăng Long - Đại Việt. Có thể kể một số tác gia tiêu biểu:

3.1.Hồ Sĩ Dương (1622 - 1681): Ông người làng Hoàn Hậu, nay thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, đỗ Tiến sĩ năm 1652, đỗ thứ 2 khoa Đông các năm 1659, làm quan tới Thượng thư bộ Công, Tham tụng, tước Duệ Quận công.

Tác phẩm có: Trùng san Lam Sơn thực lục; Hoan Châu phong thổ ký; Hồ Thượng thư gia lễ; Đại Việt lịch triều đế vương công nghiệp thực lục. Ngoài ra ông còn tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư (từ quyển 11 đến quyển 15) và một số thơ văn, văn bia.

Hồ Sĩ Dương là một học giả uyên bác, tài năng đa dạng được mọi người gần xa ca ngợi.    Chu Xán - sứ thần nhà Thanh sang nước ta năm 1683 (2 năm sau khi Hồ Sĩ Dương mất) có tập thơ Sứ Giao ngâm, trong các bài thơ có chú rằng: “Nhân vật nước này, về phần lý học (chỉ học thuật của các học giả đời Tống, cốt giải thích kinh truyện - tác giả chú) có Trình Tuyền (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Vũ Cảo, Nguyễn Đăng Cảo, Hồ Sĩ Dương, về phần kinh tế (kinh bang tế thế) có Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi và Lương Thế Vinh, còn về phần văn học có khá nhiều”    (5, tr.284).

3.2.Hương Hải thiền sư (1628 - 1715): Tục gọi là Tổ Cầu. Tổ tiên ông vốn người làng Áng Độ, huyện Chân Phúc, nay là huyện Nghi Lộc. Tổ 4 đời của ông là Trung Lộc hầu theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam giữ chức trông coi lính thợ. Năm 18 tuổi ông thi đỗ Hương tiến rồi được bổ làm Tri phủ Triệu Phong. Năm 30 tuổi từ quan, xuất gia đi tu, pháp tự là Minh Châu Hương Hải. Ông tu hành đến mức điều khiển và làm chủ các năng lực tiềm ẩn trong con người. Năm 1682, bị chúa Nguyễn Phúc Tần nghi ngờ, ông đã vượt biển ra Bắc dựng chùa Nguyệt Đường ở Phố Hiến.

Tác phẩm có: Hương Hải thiền sư ngữ lục (văn); 40 bài thơ chép trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn; Thuận Quảng nhị xứ sơn thủy lộ trình bản đồ (quân sự, địa lý); Cơ duyên vấn đáp tinh giải; Lí sự dung thông (triết);…

Phật tử Việt Nam coi Hương Hải là một trong những cây đại thụ của Thiền phái Trúc Lâm. Tư tưởng của ông cũng giống tư tưởng của nhiều trí thức lớn thế kỷ XVII - XVIII. Cho đến cuối đời ông thường nói: “Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể” (Xưa nay Nho, Phật, Lão cùng một thể); “Phật giáo vốn không bằng lòng với hiện thực, cho hiện thực khách quan là đau khổ; Nho giáo chấp nhận hiện thực, dấn thân cho hiện thực. Cả hai như là “bất tương dung” cùng tồn tại trong nhà sư Hương Hải một nhà sư lớn, linh hoạt về tư tưởng.” ( 17, tr.392)     

3.3. Đỗ Bá Công Đạo: Ông người thôn Cẩm Nang, xã Bích Triều, nay là xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương. Chưa rõ năm sinh, năm mất, nhưng biết ông đỗ Hương giải, được bổ làm Tri huyện Thạch Hà khoảng những năm đầu Chính Hòa (1680 - 1705). Ông từng từ quan, giả dạng lái buôn 2 lần vượt biển vào Nam xem xét núi, sông, biển, đảo xa gần để hoàn thành bộ “Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”. Trong phần Tứ chí lộ đồ (bản đồ đường đi 4 phía) ở quyển 1, thể hiện đường đi từ Thăng Long tới Chiêm Thành. Trên bản đồ này, ở khu vực phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi, phía ngoài biển có vẽ hình bãi cát kéo dài từ cửa Đại Chiêm tới cửa Sa Kỳ với tên gọi Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm. Phần chú giải trên bản đồ chép “Bãi Cát Vàng phỏng dài 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa biển Quyết Mông…”. Bãi Cát Vàng đó chính là “Hoàng Sa” hay “Hoàng Sa chử” trong các thư tịch thời Lê - Nguyễn, chỉ chung quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ngày nay. (3,tr. 23-31)

3.4. Hồ Sĩ Tân (1690 - 1760): Ông là cháu nội Hồ Sĩ Dương, đỗ tiến sĩ năm 1721, làm quan đến Hiến sát sứ Thanh Hoa. Tác phẩm Thọ mai gia lễ của ông rất có giá trị. Nhân dân cả nước nhiều đời căn cứ vào đó để tiến hành các thể thức quan, hôn, tang, tế và cách ứng xử với ông bà cha mẹ trong gia đình.

3.5.Hồ Sĩ Đống (1739 - 1785): Ông người làng Hoàn Hậu, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Đỗ Hội nguyên, Đình nguyên Hoàng giáp năm 1772, làm quan tới Tham đốc quyền phủ sự, Tham tụng, tước Dao Đình hầu.Tác phẩm có Hoa trình khiển hứng, sau còn gọi là Dao Đình thi tập hay Dao Đình sứ tập - là tập thơ đi sứ. Ngoài ra còn có một số bài tấu khải, bài tựa, chẳng hạn bài tựa cho tập Sứ hoa tùng vịnh của Nguyễn Tông Quai (1693-1767). “Thơ tả cảnh của ông thường hoành tráng, diễm lệ, âm hưởng hào hùng, phóng túng; qua đó gửi gắm niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm với vua, với nước, nỗi lòng cố quốc tha hương”(1,tr.142-143).

3.6.Phạm Nguyễn Du (1739 - 1787): Ông nguyên họ tên là Phạm Vĩ Khiêm, tự là Hiếu Đức và Dưỡng Hiên, hiệu là Thạch Động, người làng Đặng Điền, nay thuộc xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc. Đỗ Hoàng giáp năm 1779, làm quan Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, Đốc đồng Nghệ An… Tác phẩm có: Luận ngữ ngu án; Chu huấn toản yếu; Độc sử si tưởng; Nam hành ký đắc lục; Thạch Động tiên sinh thi tập; Đoạn trường lục. Ngoài ra, ông còn có bài thơ vịnh núi Tiên Nhân và bài phú Cưỡi bè chơi hồ mô tả cảnh đẹp hồ Nước Biển (Hải Thủy hồ) ở phía đông ngọn núi người tiên. Được Bùi Dương Lịch chép lại trong Nghệ An ký.

Namhành ký đắc lục là tập thơ văn của tác giả và một phần sưu tầm tác phẩm của các nhà văn Đàng trong như Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Hồ Tôn Diên,… Độc sử si tưởng còn có tên là Dưỡng Hiên vịnh sử thi là tập thơ vịnh sử, vịnh 150 nhân vật có tiếng trong lịch sử Trung Quốc từ đời Bàn Cổ đến đời Đường. Đáng chú ý nhất là tập Đoạn trường lục được ông sáng tác trong khoảng thời gian 3 tháng từ ngày đưa linh cữu người vợ trẻ xuống thuyền về quê cho đến lúc trở lại kinh đô. “Nỗi đau “đứt ruột” của người chồng mất vợ, người tình nhân mất tình nhân đã làm nên một tiếng khóc lạ trên thi đàn Việt Nam trung đại” (19,tr.177).

Văn chương Phạm Nguyễn Du phù hợp với tính tình phóng khoáng, tính cách cứng rắn, khảng khái của ông và của Nho sĩ xứ Nghệ nói chung. Danh sĩ Bắc Hà Ngô Thì Nhậm (1746 - 1802) nhận xét về văn chương ông “Như thuyền không lái, như ngựa bất kham, khí phách sắc sảo, lời lẽ hùng hồn nhưng không có cốt cách vững chắc - bản chất và tâm tính ông cũng thế. Vì vậy, gọi là kẻ sĩ giỏi văn thì được, chứ gọi là kẻ sĩ bác văn ước lễ thì không được”. Nhà văn Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) còn cho biết thêm: “Khi Trịnh Sâm làm tổng thống quốc chính, có ông Phạm Vĩ Khiêm có tiếng là người học giỏi được chúa biết đến. Nhưng ông ấy khi nhỏ khí khái trái ngược với đời, các quan chủ khảo ở lễ vi hễ thấy quyển thì đánh hỏng” (8,tr.77), (Xem thêm: 9, tr.18 - 29).

3.7. Nguyễn Hữu Chỉnh (1741 - 1787): Ông người làng Cổ Đan, xã Đông Hải, nay là xã Nghi Đàn, huyện Nghi Lộc. Thuở bé học giỏi, 16 tuổi đỗ Hương cống, sau lại đỗ Tam trường khoa thi võ. Làm môn khách cho Hoàng Ngũ Phúc, rồi theo Huy quận công Hoàng Đình Bảo. Đình Bảo bị giết, ông trốn vào Nam theo Tây Sơn. Sau giúp vua Lê Chiêu Thống diệt Trịnh Bồng và được phong Bình chương quân quốc trọng sự, Đại tư đồ, tước Bằng quận công. Do có tham vọng đối đầu với Tây Sơn nên bị Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm giết chết.

Nguyễn Hữu Chỉnh giỏi việc quân cơ, nhất là thủy chiến; lại sở trường về âm nhạc, thơ văn, nhất là văn Nôm. Nhiều tác giả đương thời và sau này đều tỏ ra kính nể tài năng của ông. Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Chỉnh giỏi về thơ văn quốc âm… Tính Chỉnh lại hào hiệp, giao du khắp thiên hạ. Trong nhà Chỉnh lúc nào cũng có vài chục người khách, khi ngâm thơ, khi uống rượu, tùy theo sự hứng thú mà thù tạc với nhau. Nhà Chỉnh nuôi mười mấy ca nhi và vũ nữ; Chỉnh tự tay soạn ra bài hát, phổ vào đàn sáo, ngày đêm bắt họ múa hát để mua vui. Vì thế, Chỉnh được xem là tay phong lưu bậc nhất ở đất Trường An (tức kinh đô Thăng Long - tác giả chú) hồi ấy” (13,T1, tr.56). Tác phẩm có: Ngôn ẩn thi tập, các bài Văn tế chị, Văn tế cả Cống, Phú Quách Tử Nghi, Phú Trương Lưu Hầu… Thơ văn của ông tài hoa, lời lẽ tự nhiên, chân thực, khá thống nhất với tính cách của một con người sắc sảo, có bản lĩnh, nhiều tham vọng.

3.8.Hồ Xuân Hương: Bà sống vào khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Chung quanh tiểu sử và sự nghiệp thơ văn của bà còn nhiều điều chưa rõ ràng. Đã có quá nhiều sách báo viết về bà. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh mấy điều có thể khẳng định là nguyên quán bà ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu và tên tuổi bà lừng lẫy ở cả trong và ngoài nước. Bà là niềm kiêu hãnh của quê hương xứ Nghệ. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương cùng với các tác phẩm Nôm của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ… làm cho “đỉnh cao của văn Nôm Việt Nam những thế kỷ sau Nguyễn Trãi là văn Nôm người Nghệ” (4,tr.83).

Tám tác gia tiêu biểu trên đều là con dân Nghệ An, nhưng họ đã nhiều năm gắn bó với Thăng Long và các vùng miền khác. Tài năng và nhân cách của họ đã được cọ xát, thanh lọc trong môi trường văn hóa Thăng Long nên được nâng cấp lên rất nhiều. Đó là chưa kể hai trong số họ là Hồ Sĩ Dương, và Hồ Sĩ Đống còn có dịp đi sứ nhà Thanh. Ngoài ra còn có danh y Hoàng Nguyên Cát (1792 - 1779) người làng Vạn Lộc, nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, tác giả bộ Quỳ Viên Gia học và danh y Hoàng Danh Sưởng (1753 -1841) người làng Thịnh Mỹ, nay là xã Diễn Thành, Diễn Châu, tác giả bộ Lạc sinh tâm đắc hoàn thành năm 1802.

Tóm lại, từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, từ một vùng đất lạc hậu, nhờ có vai trò quan trọng trong việc giúp họ Trịnh chống họ Mạc (thế kỷ XVI) và chống họ Nguyễn (thế kỷ XVII) nên gắn bó với triều đình Lê Trịnh, từ đó quan hệ chặt chẽ với Thăng Long, Nghệ An nhanh chóng phát triển về mọi mặt. Nho sĩ Nghệ An thật sự vươn lên mạnh mẽ, tạo điều kiện cho quê hương họ trở thành một trong những vùng văn hiến hàng đầu của Đại Việt. Văn hóa Nghệ An và văn hóa xứ Nghệ nói chung góp phần quan trọng làm phong phú nền văn hiến Thăng Long - Đại Việt²

Tài liệu tham khảo:

1. Lại Nguyên Ân - Bùi Văn Trọng Cường, Từ điển văn học Việt Nam , Q.1, Nxb Giáo dục, 1995.

2. Ban Nghiên cứu Lịch sử tỉnh Nghệ Tĩnh, Lịch sử Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ Tĩnh, 1984.

3. Trần Bá Chí, Đỗ Bá Công Đạo với bản đồ Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) trong sách Người xứ Nghệ, Sở VHTT Nghệ An, 2007, tr.22-31.

4. Thái Kim Đỉnh, Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ, Nxb Nghệ An, 1994.

5. Lê Quý Đôn, Toàn tập, T2, Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học Xã hội, 1997.

6. Ninh Viết Giao (Chủ biên), Hương ước Nghệ An - Nxb Chính trị Quốc gia, 1998.

7. Ninh Viết Giao, Danh sĩ xứ Nghệ với nghìn năm Thăng Long, Bài trong Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An số 1/2010, 2010, tr.65-68.

8. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Nxb Trẻ, 1989.

9. Hồ Sĩ Hùy, Phạm Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XIII trong sách Gương sáng dòng họ, Nxb Lao động, 2007, từ tr18 - 29.

10. Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nxb Khoa học Xã hội, 1993.

11. Ngô Sĩ Liên và Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, 3 tập, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2003.

12. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam , Nxb Giáo dục, 2005.

13. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, 2 tập, Nxb Văn học, 1987.

14. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, 4 tập, Nxb Thuận Hóa, 2006.

15. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, 2 tập, Nxb Giáo dục, 2007.

16. Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919), Nxb Nghệ An, 2000.

17. Nguyễn Tài Thư (Chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam , T1, Nxb Khoa học Xã hội, 1993.

18. Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Tuyển tập văn bia Hà Nội, 2 tập, Nxb Khoa học Xã hội, 1978.

19. Trần Ngọc Vương, Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam trung đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.