“Nhờ sáng kiến, tôi đã làm được nhà, nuôi ba con ăn học”
Đi ngược với nguyên lý của thế giới
Gần đây nhiều công trình xây dựng ở Hà Nội như chợ Cửa Nam, Phú Gia, cầu Thanh Trì đều phản ánh có một ông già không biết từ đâu đến nhưng cứ xin bảo vệ cho vào kiểm tra việc lắp đặt cần cẩu... Mỗi khi ông đến, họ thường báo cho nhau: "ông già mê cần cẩu đến rồi đấy", ông có biết chuyện này không?
Biết mười mươi ấy chứ (cười). Họ nói tôi đấy. Từ khi có vụ sập cầu Cần Thơ làm hàng trăm người chết, sập cần cẩu ở Cái Lân làm 7 người chết rồi nhiều vụ sập cầu, sập cần cẩu khác không rõ nguyên nhân tôi đã quyết đi tìm ra thủ phạm. Cả cái ba lô của tôi dùng để đựng các thiết bị đo, dụng cụ làm thí nghiệm, tới nơi một cái là tôi ngả đồ ra đo đạc, ghi chép, tính toán tại chỗ xem cần cẩu lắp như vậy ổn chưa. Xong đâu vào đấy tôi mới tư vấn cho bên kỹ thuật cách lắp đặt cần cẩu để không gây nguy hiểm cho những người làm ở công trình.
Được biết, các cần cẩu của ta khi lắp lên cũng phải tuân thủ yêu cầu an toàn chung của thế giới, phải chăng những yêu cầu an toàn đó vẫn... chưa thật an toàn?
Trong tay tôi có một tập hồ sơ về các cây cầu và cần cẩu trên thế giới sập đổ xuống không rõ nguyên nhân. Điều đó chứng tỏ rằng, các tiêu chuẩn an toàn đặt ra đều được tuân thủ nhưng tại sao cầu sập, cần cẩu lật? Đây nhé, cây cầu ở Quebec Canada sập vào tháng 9/1916, sau này người ta cho rằng nó sập do quá tải nhưng theo tôi, người ta chưa tính được đúng mômen tác dụng vào từng thanh dàn của cầu. Cây cầu Songsu của Hàn Quốc sập vào tháng 10/1994, người ta cho rằng có nguyên nhân nào đó trong thiết kế và thi công chưa ổn mới dẫn đến sập.
Theo quan sát của tôi thì nguyên lý dàn của thế giới còn có thiếu sót. Nguyên lý này phát biểu rằng, nội lực của các thanh dàn có thể có lực dọc trục, không có mômen uốn và lực cắt, nghĩa là các thanh dàn chỉ chịu lực kéo và nén. Bằng thực nghiệm và lý thuyết mới, từ năm 1965 -2005 tôi đã đưa ra: Nội lực trong các thanh dàn gồm kéo, nén, uốn phẳng các thanh dàn. Không thể tính toán như hiện nay là bỏ qua lực uốn phẳng, chỉ tính lực kéo, nén khiến cây cầu, cần cẩu chưa thật an toàn. Theo tôi lực uốn mới là nguyên nhân gây đổ vỡ các công trình. Điều này càng đúng khi đa số vật liệu xây dựng hiện nay là thép, gỗ, bê tông... Các vật liêu này đều chịu lực uốn rất kém.
Từ năm 1965 ông đã phát hiện ra điều này?
Đúng vậy. Năm 1968 tôi đã trao đổi với GS Trần Đại Nghĩa - chuyên gia chế tạo vũ khí hàng đầu của nước ta, ông đã hết sức lắng nghe và tổ chức một cuộc hội thảo để xem vấn đề tôi đưa ra có cơ sở khoa học hay không. Cuộc hội thảo này có số người phản đối nhiều hơn người ủng hộ. Lý do duy nhất họ đưa ra là sách vở của thế giới hàng ngàn năm nay là như thế thì làm sao mà sai được. Tuy nhiên, GS Vật lý Nguyễn Hoàng Phương, GS Lê Nhật Thăng, GS Vũ Quang (Bộ GD&ĐT) thì lại ủng hộ. Khoa học nó kỳ diệu lắm, lẽ phải không phải bao giờ cũng thuộc về đa số.
Sáng chế từ chiếc quần len "ôm khít" của phụ nữ
Là một người thợ dệt, chẳng từ cơ quan nghiên cứu nào, tại sao ông nặng lòng với khoa học đến thế?
Tôi đúng là anh thợ dệt thứ thiệt của Nhà máy Dệt kim mùa đông. Năm tôi 22 tuổi, chưa có gia đình tôi đã được giám đốc cử đi học tại chức 5 năm tại Đại học Bách khoa. Hồi đó tôi là cây sáng kiến của nhà máy. Vào những năm 60 - 70 hợp đồng dệt len của các nước đông Âu đổ về rất nhiều nhưng các loại áo len thì phải dệt nhiều màu, trong khi đó máy dệt của ta không làm được điều đó. Tôi đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến cải tiến hệ thống đòn bẩy lắp thẳng vào máy để dệt được nhiều màu. Giám đốc Nguyễn Như Sinh hồi đó rất vui vì ký được nhiều hợp đồng lớn. Nhờ sáng kiến này và nhiều sáng kiến khác sau đó nên tôi đã được nhà máy cử đi học tại trường Đại học Bách khoa và cứ thế niềm đam mê khoa học đốt cháy con người tôi.
Ở giảng đường đại học ông đã phát hiện ra điều gì, các thầy giáo có cho ông là "kẻ ngược dòng" không?
Đầu tiên tôi phát hiện nguyên lý phân tích lực của thế giới chưa thoả mãn lắm. Ví dụ trong Nhà máy Dệt kim mùa đông có bộ phận chuyển động biên tay quay của máy dệt len thì góc giữa biên càng lớn lực dọc theo cánh biên càng nhỏ nhưng tại giảng đường, các giáo sư dạy ngược lại: Thanh biên càng dựng ngược lên, góc alpha càng lớn thì lực càng lớn, điều này ngược với thực tế 180o. Hay bài toán con sơn, giáo sư dạy rằng, nếu góc hợp bởi 2 thanh con sơn càng nhỏ thì lực kéo và nén tác dụng vào 2 thanh con sơn càng lớn nhưng thực tế ở máy dệt có một bộ phận như thế này thì tôi thấy, góc alpha càng nhỏ, lực dọc theo các thanh càng nhỏ. Mặc dù thực tế và lý thuyết khác xa nhau nhưng các máy dệt không bị hỏng vì máy không phải hoạt động ở góc độ đặc biệt đó. Với những loại máy móc thông dụng này thì không có vấn đề gì lớn nhưng với các máy móc siêu trường siêu trọng, với những cây cầu lớn, khi tính lực trên mỗi dàn cầu không chuẩn thì tổng hợp lực lại sẽ dẫn đến những sự cố rất ghê gớm.
Thế các thầy giáo nhận xét phát hiện của ông thế nào?
Các thầy cũng công nhận về lý thuyết tôi hoàn toàn đúng nhưng khi thiết kế máy móc bao giờ người ta cũng làm dư ra, thế nên mới không có những sự cố.
Những phát hiện đó ông đã ứng dụng trong gia đình mình ra sao?
Trước hết đối với máy dệt len, tôi đưa ra nhiều cải tiến. Cải tiến lớn nhất là tính toán để tăng số kim của máy dệt lên. Vào năm 1980 khi mùa đông lạnh giá đến tôi cho ra đời chiếc quần len cho phụ nữ - loại mặc vào ôm khít mà không bị bai, điều mà chưa nơi nào làm được. Nhờ sáng kiến này, chị em thành phố cũng như nông thôn có quần len mặc vừa ấm, vừa gọn để đi làm. Cũng từ đó tôi mới mua được đất, làm nhà, nuôi ba con ăn học.
Đến những ứng dụng hữu ích khác
Nghe nói ông xây căn nhà này tiết kiệm tới 30% vật liệu nhờ ứng dụng những phát hiện của mình có đúng không?
Tôi xây hai ngôi nhà, 1 ở Bạch Đằng, 1 ở Gia Lâm. Cả hai ngôi nhà này đều là tiền do các sáng kiến của tôi mang lại. Khi xây nó tôi đích thân đứng ra hướng dẫn thợ làm. Tôi tính toán để nâng chiều cao lực chịu uốn lên để vừa tiết kiệm sắt thép, vừa làm ngôi nhà cứng vững hơn. Bạn hãy lấy một thanh sắt dẹt, nếu bạn để nó nằm ra thì khả năng chịu lực rất kém, ngược lại nếu bạn để dựng nó lên thì khả năng chịu lực rất tốt. Dựa vào quan sát và thực nghiệm của mình tôi đã làm nhà mình rồi hướng dẫn cho bạn bè mình dựng nhà tiết kiệm được rất nhiều nguyên vật liệu.
Ở Nhà Xuất bản Giáo dục, Viện Khoa học Việt Nam, hễ nói đến ông là người ta lại nhắc đến những dụng cụ thí nghiệm đơn giản nhưng hiệu quả của ông, ông đã chế ra chúng như thế nào?
Ở nước ta không sẵn có dụng cụ thí nghiệm, vì thế tôi phải tham khảo sách vở, tận dụng mọi thứ bỏ đi để làm thiết bị thí nghiệm. Thường thì tôi phải ra chợ trời để mua các linh kiện máy móc cũ hỏng, đồng hồ đo, ra sau chợ Đồng Xuân mua những mẩu sắt thép vụn về gia công lại. Cứ làm rồi sửa sao cho thật chính xác mới thôi. Một bộ dụng cụ thí nghiệm tôi làm ra chỉ giá vài trăm ngàn nhưng công sức bỏ vào đấy thì kha khá.
Xin cảm ơn ông.
"Vợ tôi là người rất hiểu tôi. Thấy món đồ nào của đồng nát mà biết tôi có thể tận dụng được là bà ấy gọi vào mua. Vợ tôi còn photo tài liệu, tra cứu tư liệu cho tôi nghiên cứu. Trong thời bao cấp, có một việc làm của bà ấy khiến tôi rất cảm động. Khi tôi nghiên cứu để cải tiến máy dệt, bà ấy khuyến khích tôi dỡ bỏ cái máy dệt duy nhất nuôi sống cả gia đình ra để nghiên cứu. Hồi đó cái máy trị giá tới 2 cây vàng, vậy mà tôi phá tan tành, đem cả thiết bị của nó ra thí nghiệm. Cũng nhờ cái máy dệt này mà tôi đã thực hiện được nhiều sáng kiến, làm cho nhà máy và gia đình hàng trăm cây vàng". |