Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 10/09/2013 22:38 (GMT+7)

Nho học và thi cử ở Đông Kinh dưới thời Mạc

Tôn sùng Nho giáo

Nho giáo thực chất là một học thuyết chính trị hơn là tôn giáo, mà nhờ đó có thể chế hóa chính sách cai trị nhằm củng cố quyền lực của nhà nước phong kiến.

Trong thời kỳ trị vì ở Thăng Long, nhà Mạc nhiều lần cho tu sửa Văn miếu Quốc tử giám như năm 1536: “Họ Mạc sai Đông quân Đô đốc phủ tả Đô đốc Khiêm Quận công Mạc Đình Khoa trùng tu Quốc tử giám”. Quốc Tử giám dưới thời Mạc được xây dựng và bổ sung nhiều hạng mục công trình khác làm thành quần thể kiến trúc quy mô, như xây thêm điện Sùng Nho, nhà Thái học, nhà Minh Luân và hành lang; đồng thời còn có nơi cư trú cho học sinh, dưới tên gọi là Xá sinh, Thượng xá sinh và Trung xá sinh mà học sinh ở đây đã mang theo tên gọi này, như Xá sinh Nguyễn Bá Thuật, Trung xá sinh Nguyễn Trí Hòa, Thượng xá sinh Phạm Chuyết Phu (Văn bia thời Mạc, trang 56, 162 và 318). Cũng vào thời Mạc, trong Văn miếu - Quốc tử giám này có tòa Thượng điện, gọi là cung Đại Thành, nơi thờ cúng Khổng Tử và các bậc Tiên hiền mà vua Mạc từng đến lễ bái ở đây, như đoạn chép của Lê Quý Đôn sau đây: “Mùa đông năm Đinh Dậu (1537), Đăng Doanh đến trường Thái học sinh làm lễ tế Tiên Thánh Tiên sư”.

Ở địa phương, các Hội Tư văn gồm những Nho học tập hợp trong từng địa phương, cho dựng Văn chỉ hay Văn từ để làm nơi tôn thờ Tiên hiền và khuyến khích việc học. Các bậc Tiên hiền ở đây bao gồm cả những Nho học tiền bối ở địa phương. Hội Tư văn hàng huyện khá phổ biến vào thời Lê Trịnh và đã bắt đầu xuất hiện ở thời Mạc. Văn bia Tiên hiền huyện Tân Minh (nay thuộc huyện Tiên Lãm, Hải Phòng) khắc năm 1574, cho biết rằng “Hộ bộ Thượng thư giao cho huyện quan, cấp ba sào ruộng ở xứ Đống gà để xây dựng đền Tiên hiền cho tiện thờ cúng” (văn bia thời Mạc, trang 167). Như vậy là nếu việc xây dựng chùa, quán cho dân làng và tín thí lo liệu, thì việc xây dựng đền Tiên hiền có sự bảo hộ của Nhà nước. Vào thời điểm này, hội Tư văn huyện Tân Minh bao gồm các vị Nho học của 11 tổng, cả thảy là 185 vị, trong đó có những quan lại đương chức, người đỗ đạt và Nho sinh sống ở làng. Hội Tư văn này cũng đã định lệ tế lễ hàng năm vào ngày 25 tháng 2. Hội Tư văn dần dần trở thành phổ biến ở các thời kỳ sau thuộc các cấp hành chính từ xã, tổng, huyện và thậm chí ở cả tỉnh. Các hoạt động này thường gắn với từng địa phương và được pha trộn bởi các tín ngưỡng khác.

Chú trọng khoa cử

Nhà Mạc ngay sau khi ổn định chính quyền, liền tổ chức kỳ thi Hội đầu tiên vào năm 1529, tại Văn miếu và định lệ duy trì đều đặn 3 năm một kỳ thi Hội. Trong thời gian trị vì ở Thăng Long (1527-1592), nhà Mạc đã tổ chức đều đặn được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 tiến sĩ và 13 trạng nguyên.

Để khuyến khích người học và đề cao khoa cử, ngay sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã theo thể lệ khoa cử thời Lê, cho dựng bia đá, ban thưởng cho những người trúng tuyển. Tuy vậy, số bia Tiến sĩ thời Mạc hiện còn ở Văn miếu chỉ có 2 chiếc. Văn bia đầu tiên dựng ngay khoa thi đầu của nhà Mạc tổ chức năm Minh Đức thứ 3 (1529), như tuyên ngôn của nhà Mạc về chính sách trọng dụng nhân tài và coi trọng giáo dục khoa cử. Bài văn bia có đoạn viết:

“Những kẻ sĩ hào kiệt đều do khoa cử mà ra. Ngày xưa nhà Ngu hỏi các quan mà dùng người thì cái nghĩa tốt của khoa mục đã bắt đầu, nhà Thành Chu tìm tài mà cất nhắc thì phép tắc hay của khoa mục đã hình thành. Về sau đến các đời Hán, Đường, Tống cùng nước Đại Việt ta vua hiền đức kế tiếp nhau trị vì đều lấy khoa mục làm bậc thang cho hào kiện tiến lên.

“Kính nghĩ:

Thánh triều ta, thánh thiên tử là người thông minh hơn đời, mở mang việc tốt cho nước. Dùng võ công mà định đoạt thiên hạ, dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái. Nhân văn được trau dồi thi cử được đổi mới. Phàm những điều lệ về thi cử, ban ấn vinh theo cấp bậc, so với thời xưa đều rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều” (văn bia thời Mạc, trang 32).

Sau lần dựng bia này, nhà Mạc năm Đại Chính thứ 7 (1536) còn cho dựng bia ghi lại khoa thi năm Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) của nhà Lê, nhằm đề cao khoa cử và thu phục lòng người, nhất là trung thần nhà Lê. Bài văn bia có đoạn viết:

“Kính nghĩ: Thánh triều ta, ơn trời mở vận, thánh đế nối nhau. Trước ngày, Thái Thượng hoàng nhận mệnh trời, mở khoa thi để thu dùng kẻ sĩ. Nay Thánh Thiên tôn sùng đạo Nho, mở tiếp trường học gây dựng nhân tài. Chế độ hoàn toàn đổi mới, quy mô rất mực lớn lao. Đặc biệt sai kiểm tra các bia đề tên tiến sĩ của triều Lê trước, khoa nào đã có bia mà bị vỡ lở thì lập lại bia khác, khoa nào đáng ghi mà chưa có bia thì dựng bia mới. Lại sai bọn hiền thần chia nhau soạn các bài ký. Như thế là coi trọng những điều mà nền văn đáng trọng, làm đủ những việc mà đời trước chưa làm. Ý nghĩa thật là to lớn (...). Duy có khoa Mậu Dần năm Quang Thiệu 3 (1518) thì lẽ ra là khoa thi thường lệ của năm Đinh Sửu, Quang Thiệu 2 (1517). Nhưng vì năm ấy nhiều việc mà lùi sang năm sau. Trong bảng hổ có 17 người (...). Những người này hiện vẫn giữ chức tước, nhiều người dần dần được dùng vào việc lớn: người thì tham dự việc lễ, nhạc, binh, hình trong nước; người thì giữ gìn kỷ cương tai mắt cho nhà vua; người kiêm các chức ở quán, các, giúp việc tiến cử hiền tài; người ở ngôi công, khanh, giữ các bộ, viện; người tham gia việc lớn ở địa phương, trông nom pháp lệnh ở đó. Các tiến sĩ trong khoa này, sau khi được đề tên vào bảng hổ, nay đã gần 20 năm mới được khắc lên bia đá” (văn bia thời Mạc, trang 46).

Thật ra không phải khoa thi nào cũng được dựng bia, nên nhà Mạc chủ trương khôi phục những khoa thi chưa được dựng bia. Việc làm này đã có từ thời Lê Hồng Đức.

Vì nhiều lý do, nhất là bởi chiến tranh, nên sau đó nhà Mạc không duy trì lệ dựng bia đá. Năm 1582, Đề điệu thiếu bảo Trần Thì Thầm dâng sớ tâu bài việc dựng bia đá và ghi vào sổ vàng người thi đỗ, nhưng không được thực hiện.

Như vậy, nhà Mạc hết sức coi trọng việc giáo dục khoa cử, tuy lệ dựng bia tiến sĩ mới chỉ được đề xướng và thực hiện được một hai trường hợp ở giai đoạn đầu, song sau đó đã không được duy trì. Tuy nhiên việc tổ chức thi cử thì trái lại khá đều đặn, ngay cả khi chiến tranh ác nghiệt áp sát kinh thành Thăng Long năm 1592, thì nhà Mạc cũng đã tổ chức được khoa thi cuối cùng tại hành dinh Bồ Đề.

Thể lệ thi cử và tổ chức trường lớp

Như khảo sát của Phạm Đình Hổ người sống sau thời Mạc chừng 2 thế kỷ, thì Thể lệ thi cử dưới thời Mạc được duy trì theo quy định năm Hồng Đức 6 (1475) như sau:

Thi Hương: học sinh muốn được dự thi Hương phải qua lệ bảo kết và một kỳ thi khảo hạch. Lệ Bảo kết và thi khảo hạch do xã quan, huyện quan khảo xét người đủ tiêu chuẩn về đạo đức và trình độ kiến thức. Mỗi huyện được chọn từ 150 học sinh đến 200 học sinh ứng thí. Thi Hương thường được tổ chức ở các trấn, lộ, đạo. Phép thi Hương gồm 4 kỳ thi (tứ trường), thí sinh đỗ kỳ 1 mới được vào thì kỳ 2 và kỳ 3, kỳ 4.

Đề thi từng kỳ quy định như sau: kỳ 1: bài thi gồm 4 hoặc 5 đề về Tứ thư, Ngũ kinh. Kỳ 2 gồm chiếu, chế, biểu mỗi loại 1 bài viết theo lối cổ thể, thường được gọi là văn tứ lục hay văn biền ngẫu, văn xuôi có 2 vế, vế 6 chữ và vế 4 chữ đối nhau. Kỳ 3 là một bài thơ và một bài phú, thơ làm theo thể Đường luật, phú cũng làm theo lối cổ thể gồm từ 300 chữ trở lên. Kỳ 4: làm một bài văn sách, đề tài rút ra từ các kinh sử, tử tập hỏi về thời vụ (ý thức về việc giúp nước cứu đời) gồm từ 1.000 từ trở lên. Những người đỗ kỳ thi Hương gọi là Hương cống, thấp hơn gọi là Tú tài. Người đỗ thi Hương mới được thi Hội.

Thi Hội và thi Đình: thi Hội cũng có 4 kỳ, người đỗ thi Hội gọi là tiến sĩ. Người đỗ thi Hội được điện thí do vua đích thân hỏi bài để phân định cao thấp. Thi Hội và thi Đình cứ 3 năm tổ chức 1 lần, xen kẽ là các kỳ thi Hương, cụ thể là các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Hương, còn các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì thi Hội. Kỳ thi Hội và thi Đình cách nhau 8 tháng, như mùa xuân thi Hội thì tháng 8 mùa thu thi Đình.

Việc thi cử thì do Nhà nước đảm nhận hoàn toàn, còn việc tổ chức trường lớp thì Nhà nước chỉ đứng ra tổ chức một phần, chủ yếu ở triều đình, khu vực kinh thành từ năm 1070. Phải đến năm 1253, vua Trần Thái Tông lập Quốc học viện, xuống chiếu cho các Nho sĩ trong nước đến Quốc học viện để giảng học tứ thư ngũ kinh. Ngoài ra các địa phương cũng có trường lớp của các cấp chính quyền địa phương và tư nhân.

Thời Mạc, ngoài kinh đô Thăng Long ra, còn có Dương Kinh được xem là kinh đô thứ 2 của vương triều này. Trung tâm của Dương Kinh là làng Cổ Trai, cố hương của Mạc Đăng Dung. Nhiều văn bia ở đây cho biết vị trí và phạm vi của Dương Kinh, như văn bia chùa Dương Tân huyện Thủy Đường dựng năm 1589 ghi rằng: “Chùa này phía Bắc giáp nội thị, phía nam kế với Dương Kinh, đường thông muôn ngả...”. Nơi đây cũng lập trường học như ở Thăng Long nên có các chức quan giáo dục gắn với đất Dương Kinh như chức Hiệu sinh Dương Kinh được khá nhiều văn bia ghi lại. Cũng chính trong khu vực Dương Kinh này có không ít trường học của các đại gia mở, trong đó tiêu biểu là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đào tạo ra biết bao nhân tài như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan...

Những bài thi Hội ở thời Mạc hầu hết bị thất lạc, tuy vậy vẫn còn lưu dữ một số văn bản, như bài đình đối của trạng nguyên Dương Phúc Tư người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm, Hà Nội, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh khoa Đinh Mùi niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất (1547) đời vua Mạc Tuyên Tông. Văn bản được lưu giữ tại dòng họ. Bài văn sách này được vua phê là: “Trả lời mọi câu hỏi đều thiết thực, thực là một cây bút lớn. Đúng là khi bậc chân nho ra đời thì đạo sẽ thanh thông từ trên xuống dưới”.

Tóm lại, nhà Mạc đã làm được nhiều việc, trong đó nổi bật là tổ chức giáo dục khoa cử Nho học. Chính sự cố gắng ấy đã đào tạo được một lớp trí thức phục vụ cho vương triều này và cho cả thời kỳ kế nối sau đó. Điều đó hoàn toàn đúng như nhận xét của học giả Phan Huy Chú là: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó” (lịch triều hiến chương lại chí, t.3, trang 18).

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.