Nhớ DS. Vũ Công Thuyết nhân kỷ niệm 15 năm ngày ông từ trần (6.7.1994 – 6.7.2009)
Năm 1942, ông tốt nghiệp dược sĩ, được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108 và Bệnh viện Hữu Nghị).
Năm 1944, ông tham gia Mặt trận Việt Minh. Tháng 7.1945, ông là dược sĩ duy nhất dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng Tháng 8.1945 thành công, ông được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Đại học Y Dược VN; Giám đốc Nha Quân dược. Trước ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), ông đã cùng các đồng nghiệp (trong đó có DS. Hoàng Xuân Hà và các sinh viên Nguyễn Văn Đàn, Vũ Ngọc Lộ, Đặng Hanh Khôi, Hoàng Bá Long,…) chuyển hơn 6 tấn thuốc và nhiều dụng cụ y tế từ Hà Nội ra chiến khu để phục vụ cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1947, được bổ nhiệm Cục phó Cục Quân y.
Năm 1959, Chính phủ điều ông sang Bộ Y tế để xây dựng ngành Dược, bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Dược chính sau đó làm Cục trưởng Cục Dược chính và Sản xuất. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền móng ngành Dược Việt Nam hiện đại, dân tộc.
Năm 1960, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Dược học và Phó Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam . Trải qua 6 khóa (24 năm) làm Chủ tịch Hội, ông đã cùng các vị lãnh đạo Hội kết hợp những lần đi công tác địa phương để tổ chức phát triển Hội. Cuối năm 1960 ra Tập san Dược học(tiền thân của Tạp chí Dược họcngày nay) để thông tin kịp thời những chủ trương đường lối phát triển ngành Dược, những tiến bộ khoa học, những sáng kiến cải tiến trong công tác, những kết quả nghiên cứu khoa học về Dược… đến các dược sĩ và các tổ chức cơ sở của Hội.
Năm 1963, ông được Chính phủ bổ nhiệm làm Hiệu trưởng (đầu tiên) Trường Đại học Dược khoa. Xem các tài liệu lưu trữ về Trường, chúng ta thấy ông có nhiều duyên nợ với công tác này: từ sau Cách mạng Tháng 8, ông đã được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Đại học Y Dược Việt Nam; 9 năm kháng chiến chống Pháp với trọng trách Phó Cục trưởng Cục Quân y, ông vẫn tham gia đào tạo dược sĩ đại học từ khóa 1 trở đi. Mặt khác ông rất quan tâm đến việc trang bị kiến thức thực tế về sản xuất, bảo quản thuốc, sử dụng cây cỏ làm thuốc cho các dược sĩ đi phục vụ chiến trường giải phóng miền Nam . Các dược sĩ xung phong đi B ngày ấy vẫn còn nhớ mãi hình ảnh thầy hiệu trưởng Vũ Công Thuyết ra tận sân ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) bắt tay và dặt dò từng người, chờ cho tàu chạy, vẫy tay lưu luyến tiễn đưa.
Cuối năm 1966, ông được Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ y tế (là dược sĩ đầu tiên làm Thứ trưởng y tế). Trong 10 năm làm Thứ trưởng, ông đã tích cực xây dựng ngành Dược Việt Bam chính quy, hiện đại, phát huy thế mạnh Y Dược học cổ truyền, phát triển phong trào thuốc Nam, châm cứu tuyến huyện xã, điều tra nguồn Dược liệu thiên nhiên, tổ chức khai thác và bảo vệ tốt; phát triển nuôi trồng và di thực các dược liệu chủ yếu, phát động phong trào an toàn hợp lý cho người dùng thuốc. Ông còn động viên cậu con trai thứ 2 là Vũ Trí Dũng, một học sinh giỏi văn toán chuẩn bị thi vào Đại học quân sự, bỏ thi đại học để nhập ngũ đi chiến đấu ở miền Nam. Tháng 12.1971, Trí Dũng đã anh dũng hy sinh, được công nhận là liệt sĩ.
Cuối năm 1976, ông nghỉ hưu. Đánh giá công lao to lớn của ông với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ thắng lợi và xây dựng ngành Dược Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã trao cho ông nhiều huân chương cao quý trong đó có Huân chương Độc lập Hạng nhì. Tuy đã nghỉ hưu, ông vẫn tham dự các cuộc Hội thảo khoa học. Ông vẫn thường xuyên tập luyện dưỡng sinh, bơi lội, đánh quần vợt ở Câu lạc bộ Thăng Long. Do một tai nạn giao thông, ông đã từ trần ngày 6.7.1994, hưởng thọ 80 tuổi.