Nho đỏ - vị thuốc bất ngờ
Thịt quả dễ tiêu, giải khát, thông tiểu, lợi mật. Người bệnh mới khỏi, đang thời kỳ dưỡng bệnh nên ăn nho:
- Thông tiểu do có nhiều kali
- Lợi mật do polyphenol.
- Bảo vệ tĩnh mạchcủa lá nho do flavonoid. Điều này đã được khoa học kiểm chứng.
- Ức chế chuyển hóa.Tuy nhiên, nên lưu ý, một bệnh nhân tim mạch đang điều trị nội trú bằng loại thuốc ức chế cacli. Ai đến thăm cũng tặng nho. Cho rằng nho lành nên người bệnh ăn khá nhiều. Bác sĩ điều trị được báo là bệnh nhân mệt và huyết áp hạ hơn mức bình thường. Sau nhiều lần hội chẩn đã phát hiện quả nho làm tăng hiệu lực thuốc. Một trường hợp khác, bệnh nhân cao huyết áp uống nhiều nước ép quả nho cũng thấy thuốc tăng hiệu lực. Đã phát hiện phản ứng tương tác giữa nho và thuốc ức chế calci; nho làm chậm phân hủy thuốc diltiazem và verapamil.
Các khảo sát ở bệnh nhân ghép giác mạc, ghép thận... đang được dùng cyclosporin. Cho thấy, nước nho làm tăng hiệu lực cyclosporin do làm chậm phân hủy, nhờ thế liều thuốc sử dụng ít đi một nửa, chi phí điều trị và tác dụng phụ giảm đáng kể. Trên tạp chí y khoa New England Journal of Medecine, Darling Hurst (Úc) cho biết bệnh nhân ghép tim của ông chỉ cần lượng thuốc ketoconazol và cyclosporin ít hơn phân nửa nhờ cho uống nước nho. Các khảo sát cũng chứng minh nước nho làm tăng hiệu lực của cafein, theophyllin, estrogen, midazolam, terfenadin... Nước trái nho có một chất đặc biệt (mà nước cam không có) gắn với hệ thống cytocrom P450, ức chế chuyển hóa ở gan nhiều loại thuốc.
Trong thời gian điều trị cao huyết áp bằng thuốc ức chế men chuyển (benazapril, captopril...) không nên ăn nhiều nho, do nho có lượng kali cao. Đây là phản ứng tương tác được ít người biết đến.
Rượu vang đỏ có tính trị liệu do chất chát polyphenol. Franke E.N. (Lancet 1993) cho rằng rượu vang đỏ bổ là nhờ tính chất chống oxy hóa của flavonoid. Sau đó Joe A. Vinson chứng minh rằng resveratrol, flavonoid của nho đỏ có khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 7 lần vitamin E. IC 50 của resveratrol là 0,332, còn của vitamin E là 2,4 mumol. Chất resveratrol có ở vỏ nhiều hơn trong thịt quả. Khi ăn nho nên ăn cả vỏ.
Chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lão hóa, giảm tác hại của cholesterol và chất béo, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ung thư... Vậy ăn nho rất tốt, nhưng hãy thận trọng khi đang dùng thuốc trị bệnh.
Fuhrman B (Am. J. Clin. Nutr 1995) đã chứng minh nho đỏ làm giảm sự oxyd hóa lipoprotein LDL trong máu. Hontz B.A. (J. Agr, Food chem 1995) đã so sánh khả năng chống oxy hóa giữa rượu nho đỏ và rượu nho trắng.
Với rượu nho đỏ, cần phân biệt hai vấn đề: chất chống oxy hóa tốt nhưng rượu có tốt không? Rượu vang đỏ được xếp loại rượu khai vị, có độ rượu thấp, uống vào bữa ăn với lượng vừa phải (một ly nhỏ). Rượu này có tính tiêu thực. Dùng rượu vang có chừng mực thì tốt thôi. Nhưng uống nhiều, uống cho "đã", uống say bí tỉ thì không nên.
Cây nho khó trồng, dễ bị sâu bệnh. Người trồng nho phải xịt nhiều thuốc trừ bệnh. Thuốc còn tồn tại trong quả nho là nguy cơ gây ung thư. Nhà vườn cần ngưng thuốc ít nhất 10 ngày trước khi thu hoạch. Mỗi khi ăn nho nêm nếm và ngửi kỹ, nếu có mùi vị lạ thì loại bỏ không tiếc.
Cần phân biệt nước nho (nước ép quả nho grape juice) với nước nho mang tên grape drink, beverage, punche, blend. Những loại nước đó có rất ít hoặc không có nước ép quả nho, mà là nhái nước nho; pha chế bằng mùi thơm, đường và phụ gia. 100ml nước ép quả nho sinh 64 - 75 calori, không có vitamin C tự nhiên, nếu có là do cho thêm vào. Chỉ có nước ép quả nho mới có phản ứng tương tác với thuốc trị bệnh. Nước giải khát nhái theo nước nho để uống chơi mà thôi.
Nho tuy không độc nhưng không ăn một lúc quá nhiều.
Nguồn Báo Khoa học phổ thông, cuối tuần, Số 86, tr. 10 - 11