Nhớ cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng: Nét vẽ tài hoa qua ký ức người bạn đời
Một ngày lạnh cuối đông, chúng tôi tới thăm nhà GS Vũ Tuyên Hoàng, gần 9 tháng sau ngày ông mất. Tiếp chúng tôi trong căn phòng còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về người đi xa, vợ GS, cô Nguyễn Hồng Nga rưng rưng kể về một góc khác của một nhà khoa học nổi tiếng Việt Nam.
Chỉ vào bức tranh vẽ hoa cúc treo ngay gần lối ra vào, cô Nga bảo, đây là bức tranh cuối cùng GS Hoàng vẽ 9 ngày trước khi GS nhắm mắt. Cô Nga kể: "Nhân ngày giỗ tổ họ Vũ, cô mua hoa cúc về cắm khắp nhà. Thấy hoa đẹp, tâm hồn nghệ sĩ trỗi dậy, thế là GS mang đồ nghề, lúi húi vẽ đến cả nửa buổi. Vẽ xong GS hỏi "bé có thích không (GS Vũ Tuyên Hoàng vẫn thường gọi vợ bằng bé - PV), cô còn chê "trông cái bình yếu quá, em không thích chồng ạ". Rồi sợ ông buồn cô lại khen, "nhưng em thấy màu rất đẹp". Cô đâu ngờ rằng, chỉ 9 ngày sau GS Hoàng ra đi, bất ngờ quá".
Rồi rưng rưng nước mắt, cô kể tiếp: GS Hoàng học vẽ từ rất trẻ, từ hồi đi sơ tán ở Quần Tín, Thanh Hóa. Hồi đó trong đoàn đi sơ tán có nhiều họa sĩ. Chính họa sĩ Sỹ Ngọc, Tô Ngọc Vân là những người dạy GS Hoàng những nét vẽ đầu tiên. Có lẽ vì niềm đam mê hội họa mà ông đã chọn học ngành kiến trúc. Nhưng cái duyên nghiệp lại không cho ông được quyền lựa chọn mà lại hướng ông theo ngành nông nghiệp.
Chỉ tay vào một bức tranh vẽ những nụ sen đang chớm nở, cô Nga tiếp tục mạch cảm xúc: GS Hoàng vẽ rất nhanh, chỉ 5 - 7 phút đã xong một bức. Ông rất thích vẽ hoa, đa phần những bức tranh của ông là về các loài hoa: Cúc, hồng, đồng tiền, sen... Không chỉ vẽ hoa đẹp, ông còn có biệt tài vẽ chân dung. Khi có cảm hứng dù chỉ cần cây bút nhỏ, tờ giấy trắng xé nhanh trong cuốn sổ công tác, bất cứ chỗ nào trên xe ô tô, đang trong giờ nghỉ, GS cũng có thể đặt bút vẽ nhanh như thể sợ cảm xúc vụt tan biến mất.
Những bức tranh chân dung của GS Hoàng được vẽ với bút pháp rất khác, nó không tuân theo một khuôn mẫu, quy tắc nào. Thông thường, khi vẽ chân dung, người họa sĩ thường vẽ khuôn mặt, rồi chia các điểm trên khuôn mặt để vẽ sao cho đúng, chính xác tỷ lệ... Nhưng với cách của mình, GS Hoàng lại đi ngược lại, bao giờ cũng là vẽ đôi mắt trước. Sự lột tả cảm xúc thần thái qua đôi mắt khiến tranh vẽ chân dung của ông rất có thần, đặc tả được đúng con người của người được vẽ. "Chỉ có điều, những chân dung đều trẻ hơn tuổi", cô Nga đùa nhưng GS Hoàng lại có cách "chống chế" cũng rất hợp lý: "Ai mà chẳng thích trẻ".
Điểm đặc biệt nữa là khi ông vẽ chân dung ai trước khi tặng cũng yêu cầu người được vẽ photo gửi lại để ông lưu trữ. Ông dặn vợ con là tuyệt đối không được cho bất cứ bức tranh nào của mình.
Cô kể, ngày xưa, thay vì những lời tán tỉnh mà các chàng trai thường thể hiện với người mình yêu, ông lại chọn cách khác: “Im lặng và lặng lẽ ngồi bên người con gái mình yêu thương và vẽ". Ông vẽ tất cả những thứ trong phòng cô, từ cái ấm, cái bàn học... thậm chí khi xa nhau, bức thư nào gửi cho người yêu thì trên nền bức thư, bao giờ cũng vẽ 2 con chim với một cành hoa, cô Nga tủm tỉm cười và nhớ lại câu chuyện tình rất đặc biệt của mình.
"Hồi dạy ở trường Đại học Nông nghiệp", lúc này trong ánh mắt còn đọng nhiều nỗi buồn của người vợ vừa chia xa chồng, một chút ánh sáng như lóe lên, "Thay vì ngồi trong phòng soạn giáo án, ông toàn ra gốc cây ngồi soạn. Hồi đó, GS Lương Định Của bảo "cậu đang đi vào con đường không có lối thoát". Rồi khi ông thành công vì tạo được giống lúa mới, GS Lương Định Của mới công nhận lại. Sau này, khi ông làm ở Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lúc nào người ta cũng thấy ông vẽ vời, nhiều người thắc mắc thì ông bảo "Mọi người bia rượu giải trí, còn giải trí của mình là vẽ".
Rồi cô cười: Có lần cô đi làm về, thấy cặp sách mà chả thấy người đâu. Tìm mãi, hóa ra ông lên sân thượng vẽ hoàng hôn. Vẽ như là món ăn tinh thần, đi công tác đâu ông cũng mang theo giá vẽ, bút để có thể vẽ bất cứ đâu. Thậm chí đến người lái xe lâu năm cho GS Hoàng cũng thuộc lòng tính cách của ông, đến đâu có cảnh đẹp là lập tức tạt xe vào bên đường để ông được vẽ.
Trước đây, cả nhà dành hẳn một gian để "trưng bày" tranh GS Hoàng vẽ. Nhưng đợt Hà Nội ngập lụt vừa rồi, nhà bị ngấm nước, sợ tranh hỏng, cả gia đình đành phải tháo xuống để bảo quản. "Trước, có 2 lần GS Hoàng cùng bạn triển lãm tranh. Mấy ngày mưa vừa rồi, cô phải tháo tranh xuống. Cô treo một vài bức ở đây, để mỗi khi đi làm về, nhìn thấy tranh cho đỡ nhớ" - Cô Nga tâm sự.
Không chỉ vẽ tranh, GS Hoàng còn làm thơ, viết truyện. Hồi còn sống, GS Hoàng thường đùa rằng, điều đáng tiếc là không được học nhạc. Thỉnh thoảng nghe một bài hát "chối tai" nào đó trên truyền hình, ông lại đùa: "Chồng mà được học nhạc, thì không sáng tác những bài vớ vẩn như thế này". Mà GS Hoàng hát rất hay. Bài tủ của ông là Trên đỉnh núi Lê Nin và Tự nguyện. Thỉnh thoảng gia đình cũng rủ nhau đi hát karaoke, ông lại có dịp khoe giọng với những thính giả thân yêu của mình. "Tiếc là lúc ấy, cô không nghĩ tới việc quay hình hoặc ghi âm lại làm kỉ niệm. Giờ thì muộn quá rồi", giọng cô Nga buồn hẳn, đôi mắt thoáng ngấn lệ.
Một triển lãm ảnh của cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng dự kiến sẽ được tổ chức nhân ngày giỗ đầu của ông vào 26/2/2009. Hiện gia đình GS đang tiến hành thu thập và lưu giữ bằng cách đem in hoặc số hóa những bức tranh của ông để tránh thất lạc. Được biết, kho tranh của GS có đến vài trăm bức với rất nhiều bức có giá trị nghệ thuật được giới họa sĩ đánh giá cao. GS.VS Trần Đình Long, chủ tịch hội Giống Cây trồng Việt Nam: Người bạn hay "cao hứng" Với tôi, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng là chỗ "gần gũi". Từ những năm 1969, tôi và anh Hoàng đã là đồng nghiệp cùng dạy chung ở bộ môn Chọn giống cây trồng (Đại học Nông nghiệp I). Hồi ấy chúng tôi đã cùng lội ruộng, cùng thăm bờ với bà con nông dân. Rồi khi sang Nga, chúng tôi lại gặp nhau. Nói về anh Hoàng, quả thực là có nhiều kỷ niệm lắm. Nhưng tôi nhớ nhất trong một đêm thức trắng ở Nga, anh Hoàng đã "cao hứng" sáng tác bài "Đêm trắng trên dòng sông Nêva". Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhắc lại tôi vẫn nhớ những câu thơ ấy, thời khắc ấy. GS.TS Nguyễn Tài Lương, phó chủ tịch Tổng hội Các ngành Sinh học Việt Nam, chủ tịch Hội đồng xét phong GS Nhà nước ngành Sinh học: Giữ bức vẽ như một kỷ niệm đẹp GS.VS Vũ Tuyên Hoàng là một người bạn mà tôi trân trọng và quý mến. Ông là một nhà khoa học đã trọn đời hiến dâng tài năng cho đất nước. Những đóng góp của ông, đặc biệt là việc tạo ra giống lúa có hàm lượng protein cao... đã làm nên những bước đột phá cho khoa học nước nhà. Tôi còn nhớ, ngày 10/11/2001, trước cuộc họp của Tổng hội các ngành Sinh học Việt Nam, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng có giữ tôi lại phòng riêng và vẽ tặng tôi một bức chân dung trong vòng có 5 phút. Tôi đã phô tô bức chân dung ấy và giữ đến tận bây giờ, như là một kỷ niệm để tưởng nhớ về một người bạn đã đi xa. |