Nhìn lại sự phát triển của làng nghề ở Đồng bằng Sông Hồng
Từ năm 1993 trở lại đây đã có khá nhiều ngành nghề và làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển. Có những làng nghề truyền thống vẫn còn duy trì được cả nghề nghiệp và mặt hàng truyền thống. Ví dụ như làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), làng nghề thêu Quất Động (Thường Tín, Hà Tây), làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội)... Cũng trong thời gian này, trước nhu cầu đòi hỏi của thị trường và giải quyết việc làm trong nông thôn, nhiều làng nghề mới xuất hiện. Các làng nghề mới này có thể làm nghề xưa, như làng gốm Xuân Quan được hình thành và phát triển từ sự du nhập nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng, nhưng cũng có nhiều làng làm nghề mới bằng các công nghệ cổ truyền hoặc hiện đại. Như làng Đồng Kỵ trước đây chuyên sản xuất pháo nay chuyển hoàn toàn sang làm đồ gỗ mỹ nghệ, làng nghề Dương Ổ (Bắc Ninh) chuyển từ làm giấy dó truyền thống sang làm giấy tái sinh (cả làng hiện nay chỉ có 3 hộ làm giấy cổ truyền theo đơn đặt hàng), làng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc) đến nay không sản xuất chum vại nữa mà chuyển sang làm gạch ngói xây dựng.
Tỉnh Thái Bình đã khôi phục làng nghề trên 400 xã với 40.603 lao động. 10 làng nghề mới xuất hiện. Một số làng nghề truyền thống đã mở rộng phạm vi thành xã nghề như xã Nam Cao, Hồng Thái... Giá trị sản lượng của những xã này đạt trên 3 tỷ đồng một năm. Tỉnh Nam Định và Hà Nam có 320 xã với 605.433 hộ, đến nay đã có 123 làng nghề truyền thống với 28.176 cơ sở sản xuất (47). Bên cạnh đó một số làng nghề mới xuất hiện như làng thủ công xã Thanh Hà, làng dệt lưới xã Hải Thịnh, làng dệt chiếu xã Nghĩa Sơn. Những làng nghề này nhanh chóng trở thành tụ điểm kinh tế, là nơi giao lưu hàng hoá giữa các vùng nông thôn, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ phát triển.
Hiện nay, các làng nghề đang cố gắng phát triển để tham gia vào khu vực phi nông nghiệp ở nông thôn, nhưng đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay cả nước có trên 2971 làng nghề, với khoảng 1,43 triệu hộ (theo tiêu chí mỗi làng có trên 20% số hộ làm nghề), thu hút khoảng 1,5 triệu lao động (Bộ NN & PTNT, 2005).
Trong các làng nghề có 300 làng nghề truyền thống, tập trung ở đồng bằng sông Hồng. Tại vùng này, có 668 cụm làng nghề (chiếm 48% số lượng của cả nước); trong số này 308 cụm được hình thành từ năm 1987. Hà Tây là tỉnh có số lượng làng nghề lớn nhất, chiếm 26% số lượng của vùng, nơi thấp nhất là thành phố Hải Phòng chỉ chiếm khoảng 2%. Kết quả điều tra trong vùng gần đây cho thấy bình quân một cụm công nghiệp làng nghề có 944 lao động làm việc thường xuyên; số hộ thuần nông chiếm khoảng 34,7%; hộ sản xuất công nghiệp nhỏ, thủ công nghiệp và làm dịch vụ trên 14,3% và số hộ kết hợp nông nghiệp và thủ công nghiệp chiếm gần 51%. Các tỉnh hiện nay được coi là tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển làng nghề ở ĐBSH là Bắc Ninh và Hà Tây.
Làng nghề ở Bắc Ninh
Bắc Ninh là quê hương của nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm nổi tiếng như: đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, giấy dó Dương Ô, sơn mài Đình Bảng, đúc gò đồng Đại Bái, tranh dân gian Đông Hồ, gốm Phù Lãng, rượu Quân Đình, mộc dân dụng Phù Khê, Hương Mạc, Đồng Quan, cày, bừa Tuyên Bá - Quảng Phú, sản xuất sắt thép Đa Hội. Theo thống kê, Bắc Ninh có 120 làng nghề, trong đó có 62 làng nghề truyền thống chiếm 18% số làng nghề và trên 30% số làng nghề truyền thống của cả nước, mô hình chủ yếu là hộ gia đình (18.405); công ty TNHH (245); doanh nghiệp tư nhân (170).
Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương trong những năm qua (tính từ năm 1997 đến nay giá trị sản xuất của khu vực làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) chiếm khoảng 75 – 80% giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh và trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Tạo khối lượng hàng hoá đa dạng, phong phú phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy quá trình phân công lao động ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng làng, từng xã, từng huyện và cả tỉnh; tạo diện mạo nông thôn mới, góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của làng nghề, ngay sau khi tái lập, Tỉnh uỷ Bắc Ninh đã có nghị quyết về phát triển các làng nghề TTCN. Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, TTCN Bắc Ninh đã có bước phát triển quan trọng; với 62 làng nghề, trong đó 53 làng nghề công nghiệp chế biến, 4 làng nghề xây dựng, 3 làng nghề dịch vụ thương mại, 1 làng nghề thuỷ sản, 1 làng nghề vận tải thuỷ, thu hút trên 6,5 vạn lao động. Trước nhu cầu phát triển sản xuất thì nhu cầu hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, cụm công nghiệp nhỏ và vừa tại các vùng nông thôn là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về công cuộc CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn. Đến nay toàn tỉnh quy hoạch 21 cụm công nghiệp làng nghề, đa nghề (9 cụm đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật).
Để làng nghề Bắc Ninh phát triển có hiệu quả và vững chắc, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015, phương hướng phát triển làng nghề TTCN các năm tới: Một là củng cố, giữ vững, hiện đại hoá các làng nghề hiện có đang phát triển, khôi phục các làng nghề truyền thống, tạo thêm nghề cho các huyện, nhân rộng những điển hình về công nghiệp hộ gia đình ở từng làng, từng xã, khắc phục tình trạng thuần nông trong từng hộ gia đình. Hai là phát triển làng nghề theo hướng quy hoạch, thành lập và quản lý các cụm công nghiệp làng nghề, cụm công nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với thực tế về điều kiện tự nhiên – môi trường, điều kiện KT – XH, thực tế sản xuất và nhu cầu thị trường nhằm mang lại lợi ích thiết thực nhất về kinh tế, văn hoá, xã hội cho người dân tại các làng nghề nói riêng và cho phát triển KT – XH của tỉnh nói chung. Ba là khuyến khích và tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho các làng nghề theo hướng kết hợp khoa học kỹ thuật hiện đại với công nghệ - kỹ thuật truyền thống tạo ra những sản phẩm tinh xảo, giữ được bản sắc truyền thống của Bắc Ninh và hiệu quả sản xuất cho các làng nghề. Bốn là phát triển làng nghề phải gắn với hoạt động văn hoá, du lịch; phải đi đôi với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, từng bước xây dựng một số tua du lịch làng nghề.
Trên cơ sở những phương hướng chiến lược đó, Bắc Ninh xây dựng mục tiêu phát triển làng nghề đến năm 2010: về giá trị tổng sản lượng đến năm 2010 hơn 2 nghìn tỷ đồng (theo giá 1994); tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2000 – 2010 đạt 15 – 16%; về việc làm và thu hút lao động đến năm 2010 đạt 110 nghìn người trở lên, mở rộng và phát triển các làng nghề theo hướng hình thành các cụm sản xuất hàng thủ công xuất khẩu, đến năm 2010 tăng thêm từ 20 – 30 làng nghề mới và các xã thuần nông đều có làng nghề mới.
Để thực hiện các mục tiêu trên cần áp dụng các giải pháp chủ yếu sau: Một là cần có quy hoạch tổng thể, chi tiết, tạo mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật từng cụm công nghiệp làng nghề một cách hợp lý nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đi đôi với phát triển thương mại, dịch vụ và chỉnh trang nông thôn, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, coi đó là hướng phát triển của kinh tế Bắc Ninh. Hai là xây dựng và có cơ chế quản lý các khu, cụm công nghiệp làng nghề; đa dạng hoá các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển các làng nghề. Ba là công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng là hết sức quan trọng đối với quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề; mở rộng và phát triển đồng bộ thị trường làng nghề (bao gồm khai thác triệt để thị trường nguyên liệu đầu vào, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm). Bốn là về cơ chế chính sách, xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích đồng bộ và hợp lý, tạo điều kiện để phát triển làng nghề, tranh thủ tất cả các nguồn vốn, chú trọng các đề án đầu tư chiều sâu thu hút vốn, vận dụng các cơ chế thuế hợp lý với chính sách ưu tiên khôi phục nghề cũ, phát triển nghề mới, có chính sách khuyến khích đầu tư chuyển đổi mới trang thiết bị, xử lý môi trường cũng như dành kinh phí cho đào tạo thợ, có chính sách khuyến khích thợ giỏi và các nghệ nhân...
Làng nghề Hà Tây
Hà Tây là tỉnh được xếp vào loại có nhiều làng nghề nhất trong cả nước, làng nghề ở Hà Tây trải đều trên tất cả các huyện, thị xã. Từ phía bắc tỉnh, vùng đồi quanh đỉnh Ba Vì huyền thoại có các làng nghề chế biến chè xanh Ba Trại, tinh bột Minh Quang, tơ tằm Thuần Mỹ... Vùng ven sông Hồng từ xã Tản Hồng (Ba Vì) đến xã Liên Trung, Liên Hà (Đan Phượng), Hữu Bằng, Chàng Sơn (Thạch Thất) xuống đến Vạn Điểm (Thường Tín) là các làng nghề chế biến lâm sản. Vùng trũng phía Nam có các làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), đan cỏ tế Phú Túc (Phú Xuyên), khâu áo dài Phí Trạch (Ứng Hoà). Người dân làng nghề làm việc rất cần cù, thông minh, sáng tạo, luôn tiếp thu kiến thức xã hội, khoa học - kỹ thuật áp dụng vào thực tế đưa sản phẩm làng nghề ngày càng đẹp và phong phú được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.160 làng/1.460 làng có nghề, trong đó có 219 làng đã được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận làng nghề. Làng nghề phát triển đã thu hút 82 nghìn hộ gia đình (chiếm khoảng 80% tổng số hộ) tham gia làm nghề với hơn 197 nghìn lao động (chiếm khoảng 72% số lao động ở nông thôn và 42% tổng số lao động làm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh). Giá trị sản xuất TTCN tại khu vực ngành nghề nông thôn của tỉnh năm 2005 đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm gần 40% giá trị sản lượng CN – TTCN của tỉnh.
Trong tổng số các làng nghề đã được tỉnh công nhận, số làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, manh mún vẫn chiếm số đông. Đơn cử như huyện Thanh Oai được coi là nơi có nhiều làng nghề nhất (44 làng) nhưng phần lớn các làng nghề đều hoạt động nhỏ lẻ với mức thu nhập thấp, chủ yếu là giải quyết việc làm cho người lao động trong lúc nông nhàn. Các làng nghề truyền thống có sản phẩm xuất khẩu như mây, giang đan, sơn mài... đa phần đều xuất khẩu gián tiếp nên hiệu quả kinh tế không cao.
Toàn tỉnh đã quy hoạch 177 điểm CN làng nghề với tổng diện tích 1.201 ha, trong đó tập trung thực hiện 53 điểm với diện tích 454 ha nhưng đến nay, số điểm CN làng nghề của tỉnh đã cơ bản hoàn thiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, người làm nghề vẫn phải đối mặt với những khó khăn như: thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định; thương hiệu sản phẩm làng nghề chưa xây dựng được nên hiệu quả chưa tương xứng với công sức; môi trường làng nghề đang bị ô nhiễm và chưa được cải thiện; hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của làng nghề...
Để giúp các làng nghề của tỉnh phát triển bền vững, trước mắt cần phải tập trung khai thác thị trường. Tổ chức sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, của các hộ sản xuất cần phải được củng cố như: đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị để cơ khí hoá một số công đoạn sản xuất, nâng cao năng suất lao động; sử dụng công nghệ, thiết bị mới, sáng tác, chế tác mẫu mã, đào tạo lao động có tay nghề cao để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường... Cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề để kích thích sản xuất phát triển. Hiện nay, hầu hết các làng nghề đều chưa có đường giao thông đủ tải trọng cho xe tải, xe container đến tới đầu làng. Hệ thống điện sản xuất đã được nâng công suất nhưng lưới điện cũ nát.
Cuối cùng là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các điểm công nghiệp làng nghề để giúp các hộ mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sống cho nhân dân.
Xu hướng phát triển chung của làng nghề
Hiện nay quy mô và sự phát triển các làng nghề rất khác nhau:
- Về phương diện tổ chức sản xuất, đa số cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng nghề là các hộ cá thể, thủ công, tiểu chủ. Tính chất và quy mô sản xuất của các hộ này có khác nhau. Hộ tiểu chủ thuê mướn lao động, có thể huy động vốn vay để sản xuất, hộ cá thể sử dụng lao động gia đình là chủ yếu và dùng vốn tự có để duy trì sản xuất. Các hộ sản xuất có ưu điểm là tự chủ, mềm dẻo, linh hoạt tận dụng được lao động, thời gian nhàn rỗi và cơ sở vật chất sẵn có tại gia đình. Tuy vậy hộ sản xuất bị hạn chế về quan hệ, địa vị pháp lý thấp, khó khăn khi đổi mới công nghệ hoặc ký kết hợp đồng lao động.
- Tại một số làng nghề lớn, có điều kiện phát triển đã xuất hiện một số doanh nghiệp làng nghề, có quy mô sản xuất lớn, có điều kiện cơ khí hoá thay thế thủ công, trang bị ô tô vận tải để vận chuyển hàng hoá nguyên liệu, điện thoại di động... và doanh thu lớn hơn nhiều so với các hộ sản xuất. Chủ doanh nghiệp làng nghề thường tự mình khởi nghiệp, khả năng tiếp cận vay vốn Nhà nước đã xuất hiện nhưng cũng còn khó khăn bởi thủ tục chưa thuận lợi. Quan hệ kinh tế tại làng nghề vẫn được thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Các doanh nghiệp làng nghề thường không muốn đăng ký kinh doanh để lẩn tránh quản lý, kiểm tra thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
- Trong một số cụm công nghiệp làng nghề hiện nay đã thực hiện sự phân công chuyên môn hoá và hợp tác hoá lao động như cụm công nghiệp đồ gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), cụm công nghiệp mây tre đan Phú Nghĩa (Hà Tây), cụm công nghiệp dệt len tại La Phù (Hà Tây)... đã hình thành việc chuyên môn hoá theo các chi tiết sản phẩm do các hộ gia đình có tiềm lực thấp hơn thực hiện và được gọi là các hộ làm gia cônghoặc là các hộ vệ tinh. Đồng thời cũng hình thành một số cơ sở kinh doanh đầu mốithực hiện việc thu gom, tập trung các chi tiết đó để lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm cuối cùng để cung cấp cho thị trường. Điều đáng chú ý là giữa các hộ nhận làm gia công và các cơ sở sản xuất đầu mối có mối quan hệ chặt chẽ, có sự phát triển đồng bộ và ổn định cả về khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, xã hội và tổ chức để đáp ứng được nhu cầu của sản xuất và kinh doanh.
Trong nhiều cụm công nghiệp làng nghề, đặc biệt là các cụm chế biến thực phẩm ở Hà Tây, việc chuyên môn hoá cũng đã dẫn đến việc một số công đoạn sản xuất được cơ khí hoá, có thể bằng máy móc tự chế hoặc máy nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Như các máy rửa nguyên liệu, nghiền mài nguyên liệu thô thành bột, máy tráng bánh thành tấm, và máy cắt thành sợi... ở trong cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Dương Liễu (Hà Tây), khu công nghiệp chế biến bánh bún ở Yên Phú (Bắc Ninh).
Tại một số làng nghề, do tính chuyên môn hoá tăng lên, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang phục vụ dân cư và công xưởng tăng lên nhanh thông qua việc thành lập các khu công nghiệp làng nghề tập trung. Đặc biệt, Bắc Ninh có chính sách thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn với chính sách của địa phương. Bên cạnh đó, nhờ phát triển kinh tế mạnh trong làng nghề, thu nhập và tích luỹ của người dân làng nghề tăng lên, đồng thời quá trình đầu tư mở rộng khu dân cư cũng tăng lên nhanh hơn các làng thuần nông. Như vậy hai quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất dân cư và đất công nghiệp đang cùng diễn ra trên địa bàn các làng nghề. Hiện tượng này thể hiện quá trình đô thị hoá đang diễn ra trong nông thôn.
Trong những năm gần đây, tiến bộ kỹ thuật đã cho phép tăng sản lượng sản xuất tại làng nghề và dẫn tới gia tăng mức thu nhập ở nhiều làng nghề. Đồng thời tăng sản lượng cũng dẫn tới gia tăng chất thải sản xuất và sinh hoạt. Hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề đều không xử lý chất ô nhiễm hoặc quản lý chất thải. Điều này dẫn tới ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng dân cư tại làng nghề và lân cận.
Tóm lại để thấy được sự đa dạng của các làng nghề và có chính sách thúc đẩy phát triển phù hợp, trên cơ sở điều tra, nghiên cứu về các làng nghề tại Hà Tây và Bắc Ninh năm 2006, chúng tôi cũng đã phân ra làm 4 kiểu làng nghề.
Một là các làng nghề năng động(đất nông nghiệp ít, khả năng hiện đại hoá cao, đầu tư công nghệ hiện đại, có kỹ thuật phức tạp nên đòi hỏi sử dụng lao động có chất lượng, thu nhập của người làm nghề cao, giá trị sản xuất cao, có nhiều mối quan hệ với bên ngoài, sử dụng nhiều lao động bên ngoài làng nghề...).
Hai là nhóm làng nghề năng động trung bình(đất nông nghiệp trung bình, khả năng hiện đại hoá trung bình, sử dụng công nghệ có cải tiến trên cơ sở công nghệ truyền thống, có khả năng đầu tư các công nghệ hiện đại, thu nhập của người lao động khá, không có nhiều mối quan hệ với bên ngoài, sử dụng ít lao động từ bên ngoài).
Ba là nhóm làng nghề năng động thấp(nhiều đất nông nghiệp, bình quân thu nhập trên người dân trong làng thấp, khả năng hiện đại hoá trong sản xuất thấp do vẫn sử dụng công cụ thủ công, truyền thống, kỹ thuật sản xuất đơn giản, ít hoặc không sử dụng lao động của địa phương khác).
Bốn là nhóm làng nghề năng động kémdo kiêm nhiệm cả sản xuất nông nghiệp và ngành nghề (nhiều đất nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp trong giá trị sản xuất của làng cao, bình quân thu nhập trên người dân làm nghề thấp, không có khả năng hiện đại hoá, vẫn sử dụng công cụ thủ công, truyền thống, kỹ thuật sản xuất đơn giản...).
Các chính sách phát triển cần được nghiên cứu sâu hơn đối với từng kiểu làng nghề.