Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 18/03/2008 15:33 (GMT+7)

Nhiều, ít vấn đề vị trí của định tố tính từ trong danh ngữ tiếng Việt

Xtankêvích, trong luận án tiến sĩ của mình đã coi định tố (bà gọi là định ngữ) là thành tố phụ sau của danh ngữ, và khẳng định trong tóm tắt luận án: “chỉ có các tính từ chỉ lượng như nhiều, ítlà không có khả năng giữ vai trò định ngữ cho danh từ” [8]. Như vậy, bà cho rằng nhiều, ítlà thành tố phụ sau của danh ngữ, còn việc nó có thể làm thành tố phụ trước hay không chưa được bà đề cập.

Nguyễn Tài Cẩn lại cho mọi thành tố phụ trong danh ngữ đều là định tố. Về các tính từ chỉ lượng và tính từ nhiều, ítông viết: “Tính từ chỉ lượng, (...) thường chỉ dùng để làm vị tố ở trong mệnh đề hoặc làm thành tố ở sau một số danh từ chỉ đơn vị nhất định, ví dụ: nửa nhiều, nửa ít, mớ nhiều, mớ ít[3, tr 20]. Quan niệm rằng định tố có thể là thành tố phụ ở đầu hoặc cuối danh ngữ, nhưng chỉ đưa ra các ví dụ có nhiều, ítở vị trí sau danh từ, chứng tỏ ông cho rằng nhiều, ítđứng trước danh từ không phải là định tố, mà có một vai trò ngữ pháp khác.

Gần đây, Cao Xuân Hạo trong một công trình của mình, một khẳng định: “khi một danh ngữ được lượng hoá, phụ ngữ chính là lượng từ”, mặt khác lại cho rằng: “khó lòng có thể từ đó mà khái quát hoá cho tất cả những từ nào cho biết (số) lượng các vật sở chỉ của danh ngữ” [4, tr 389]. Những ví dụ đưa ra để minh hoạ cho ý kiến này chính là ví dụ về các từ nhiều, ít. Theo ông, trong các trường hợp như:

(1) a. Nó đau bụng vì ăn nhiều.

b. Nó kiệt sức vì làm nhiều.

c. Nó không tiến vì đọc ítquá.

nhiều, ít“có chức năng cú pháp của một trạng ngữ của vị từ đi trước nhiều hơn là lượng ngữ của một danh từ đi sau” [4, tr 389]. Còn trong các trường hợp như:

(2) a. Tôi biết ơn anh nhiềulắm.

b. Em biết anh chỉ yêu em ítthôi.

“nhiều, ítchỉ có tư cách trạng ngữ” (còn gọi là bổ ngữ/ bổ tố cảnh huống, gia ngữ. NTN). Thậm chí nhiều, ítcũng là trạng ngữ trong các câu:

(3) a. Nó ăn nhiềumỡ lắm/ quá/ hơn/ nhất

b. Nó ăn ít rau quả lắm/ quá/ hơn/ nhất.

Tuy nhiên, ông cũng phân vân trong việc khẳng định vai trò trạng ngữ của nhiều, íttrong trường hợp danh từ được lượng hoá là một DĐV (danh từ đơn vị) như:

(4) Nó làm quá nhiềuviệc.

Cuối cùng, ông viết: “liệu có thể kết luận (theo phép loại suy rằng) tất cả các lượng từ đều là trung tâm của danh ngữ được không? Tôi nghĩ rằng trắc nghiệm Jakhontov không cho ta một câu trả lời thật dứt khoát”. Giải pháp ông đưa ra là: người nghiên cứu cần suy xét thêm, hoặc chọn giải pháp tạm thời, chẳng hạn chọn “cách giải quyết có cơ may đúng hơn cả” là tạm coi cái gì đi trước trong ngữ đoạn là trung tâm [4, tr 390].

Như vậy, chưa có một nhà nghiên cứu nào khẳng định nhiều, ítcó thể giữ vai trò thành tố phụ trong danh ngữ. Nhưng, thực tế thì nhiều, ít có thể là định tố không? Chúng tôi cũng xin phép loại suy để trả lời câu hỏi này.

Trong sử dụng, nhiều, ítcó thể xuất hiện trước danh từ trong rất nhiều trường hợp. Chúng tôi sẽ lần lượt xét các trường hợp ấy.

Trường hợp 1:

(5) a. Nhiềusao quá!

Loại câu này về cơ bản được thống nhất gọi là câu tồn tại, được cho là có tính chất trung gian giữa hai loại câu song phần và đơn phần. Về giải pháp cho nó, có những tác giả coi đây là câu song phần, vị ngữ đứng trước chủ ngữ (xem Hoàng Tuệ, Giáo trình Việt ngữ, HN, 1962, tr 381 và Ngữ pháp lớp Sáu, tập II, H., 1963, tr 16 - 17 - dẫn theo Diệp Quang Ban [1, tr 19 và 25]). Một số tác giả khác lại coi đây là câu đơn phần - một loại câu đặc biệt, vị từ làm trung tâm (xem Nguyễn Kim Thản [7, tr 228]; Diệp Quang Ban [1, tr 37]). Coi là câu song phần thì danh từ saobị coi là thành tố phụ cho nhiều- tính từ làm trung tâm của câu. Theo chúng tôi, nếu cho chủ ngữ làm bộ phận câu có ý nghĩa chỉ chủ thể của hoạt động, trạng thái được nói tới ở vị từ làm vị ngữ (xem Nguyễn Văn Lộc [5]) thì saolà chủ thể của trạng thái nhiều, saocần được coi là chủ ngữ, nhiềulà vị ngữ của câu và loại câu này là câu song phần có ý nghĩa tồn tại. Trong dạng câu như:

(5) b. Cơm rang nhiềumỡ quá!

nhiềumỡ quácó tư cách là mệnh đề tồn tại làm vị ngữ của câu.

Như vậy, trong trường hợp này, danh từ đứng sau không có quan hệ chính phụ mà có quan hệ chủ vị với nhiều, kết hợp T - D ở đây không phải là một đoản ngữ.

Trường hợp 2:

(6) a. lắmđiều lắm!

b. Cô ítmồm ít miệng quá!

Đây là những trường hợp tính từ gắn liền với danh từ thành một tổ hợp cố định, nghĩa có tính thành ngữ cao đến mức nhiều nhà Việt ngữ học và những người soạn từ điển [6] đã coi là một tính từ. như vậy, nếu coi lắm điều (lắmcó nghĩa như nhiều), ít mồm(trong ngữ có định ít mồm ít miệng) là tính từ thì trong tư cách một từ tố lắm, ítlà thành tố chính, điều, mồmlà thành tố phụ.

Trường hợp 3:

(7) a. Nhiềutiền là tốt.

b. Nhiềutrâu là giàu rồi.

Hai câu này đều có từ biểu thị quan hệ đồng nhất giữa chủ ngữ và vị ngữ. Để đảm bảo quan hệ đồng nhất, từ thay mặt tổ hợp chủ ngữ quan hệ với các vị ngữ tính từ tốt, giàuphải cũng là tính từ. Vậy, tính từ nhiều,trong hai ví dụ trên đều có quan hệ ngữ pháp, ngữ nghĩa vượt biên giới ngữ đoạn nhiềutrâu, nhiềutiền.Theo trắc nghiệm mở rộng văn cảnh (trắc nghiệm đặt ngữ đoạn cần xét vào trong một ngữ đoạn lớn hơn và quan sát những mối quan hệ mới hình thành sau khi ngữ đoạn đang xét trở thành một bộ phận của ngữ đoạn mới), có thể cho rằng: nhiều, ít ở (7) a, (7) b là thành tố chính trong các đoản ngữ nhiềutiền, nhiềutrâu.

Trường hợp 4:

(8) a. Nó ăn nhiềumỡ lắm!

b. Nó làm quá nhiềuviệc .

c. Tháng này, nó đi nhiềunơi rồi.

d. Nó yêu ítngười thôi.

đ. Tôi có ítcho cháu.

e. Nó pha quá nhiềuđường!

g. Cậu biết nhiềuHà thế!

h. Rất nhiềunông dân đã ra đồng.

i. Nhiềuhộp đường có kiến.

Các trường này, danh từ đều có quan hệ ngữ pháp, ngữ nghĩa vượt khỏi biên giới ngữ đoạn T - D.

Trước hết, hãy xét trường hợp: Nó ăn nhiềumỡ lắm/ quá/ hơn/ nhất. Cao Xuân Hạo cho nhiềuở đây là trạng ngữ vì hai lí do: một là mỡ không quan hệ với lắmnhiềumới quan hệ với yếu tố ngoài tổ hợp đó; hai là “ăn nhiềumỡ lắmchẳng qua là “ăn mỡ nhiềulắm”, trong đó nhiềulà trạng ngữ của ănchứ không phải là lượng ngữ của mỡ” [4, tr 390].

Vấn đề Cao Xuân Hạo nói tới có liên quan đến quan hệ giữa nghĩa từ vựng và hoạt động ngữ pháp của mỗi từ. Các nhà ngữ nghĩa học đều thống nhất rằng nghĩa từ vựng của từ có quan hệ chặt chẽ với hoạt động ngữ pháp của nó. Vậy, tính từ biểu thị tính chất, tính chất có đặc trưng về mức độ nên tính từ có thể có thành tố phụ là phụ từ chỉ mức độ. Còn danh từ biểu thị sự vật, sự vật không có đặc trưng về mức độ nên các phụ từ chỉ mức độ không thể là thành tố phụ cho danh từ. Nhưng sự vật có đặc trưng về lượng, nên danh từ có thể có thành tố phụ là nhiều, ít; nhiều, ítlại có thể được phụ nghĩa bởi phụ từ chỉ mức độ. Trường hợp phụ từ chỉ mức độ lắm/ quáđứng gián cách nhiềubởi danh từ là trường hợp nó bị tách ra để nhấn mạnh. Bằng chứng là có thể nhập yếu tố phụ ấy lại với nhiềuthành Nó ăn quá nhiềumỡmà nghĩa câu cơ bản không thay đổi. Như vậy, lắm/ quálà thành tố phụ bậc hai trong danh ngữ, không có tư cách độc lập của một yếu tố ngoài danh ngữ, không thể thực hiện trắc nghiệm mở rộng văn cảnh với chúng. Các từ như hơn, nhấtcũng là thành tố phụ bậc hai của danh ngữ. Không thể đặc chúng ở vị trí như quáđược bởi các từ này luôn kéo theo một từ, ngữ biểu thị cái đem ra để so sánh; nhưng khả năng gắn bó của hơn, nhấtvới nhiều, ítvẫn có thể thấy rõ qua câu cải biến: Mỡ, nó ăn nhiềuhơn tôihay Mỡ, nó ăn nhiềunhất bọn.Vậy, có thực hiện trắc nghiệm mở rộng văn cảnh, chỉ nên đặt nhiềumỡ quá/ lắm/ hơn/ nhấttrong đoản ngữ bao hàm nó là ăn nhiềumỡ quá/ lắm/ hơn/ nhất. Và rõ ràng, thay mặt đoản ngữ nhiềumỡ quá/ lắm/ hơn/ nhấtđể quan hệ với ăn- yếu tố ngoài đoản ngữ, chỉ có thể là danh từ mỡ.Như vậy, mỡlà trung tâm của nhiềumỡ quá/ lắm/ hơn/ nhất.

Còn việc coi (8) a. Ăn nhiềumỡ lắm chẳng qua là (8) a’. Ăn mỡ nhiềulắmtheo chúng tôi là không hợp lí. Trên, chúng tôi đã khẳng định, trong ăn nhiềumỡ quá/ lắm, nhiềulà thành tố phụ cho mỡ. Còn trong ăn mỡ nhiềulắmtình hình không như vậy. Nhiềuở 8a’ không phải là thành tố phụ cho mỡ, mà cũng không phải là thành tố phụ trực tiếp của động từ ăn. Theo chúng tôi, động từ chỉ hoạt động nói chung có đặc trưng về cách thức, không có đặc trưng về lượng. Vì vậy nhiều, ítkhông thể là thành tố phụ trực tiếp của các động từ chỉ hoạt động như ăn.

Vậy, nhiềutrong (8) a’ có quan hệ với thành tố nào? Theo chúng tôi, nhiềutrong (8) a’ cũng như nhiềutrong các ví dụ (1) a. Nó đau bụng vì ăn nhiều; (1) b. Nó kiệt sức vì làm nhiều; (1) c. Nó không tiến vì đọc ítquá(mà Cao Xuân Hạo đã dẫn) đều là thành tố phụ của một yếu tố bị tỉnh lược. Có thể khôi phục yếu tố bị tỉnh lược ấy như sau:

(8) a”. Ăn mỡ với lượngnhiều(lớn)lắm.

(1) a’. Nó đau bụng vì ăn nhiềucác thứ(quá).

(1) b’. Nó kiệt sức vì làm với nhiềuthời gian, công sức(quá).

(1) c’ . Nó không tiến được vì đọc ítsách báo, tài liệuquá.

Nguyên nhân khiến các danh từ này bị tỉnh lược là do nó biểu thị những sự vật mà văn cảnh cho phép đoán định được, tức biểu thị những đối tượng biết sẵn. Ăn mỡthì tất phải có một lượngnào đó; đối tượng của ănnói chung là các thứmà người nào đó ăn; làmtất phải bỏ ra thời gian, công sức; đối tượng của hoạt động đọcnói chung tất yếu là sách vở, tài liệu. Chính Cao Xuân Hạo đã khẳng định: “Trong thực tế giao tiếp bằng ngôn từ, khả năng tỉnh lược không liên quan gì đến cấu trúc ngữ pháp của ngữ đoạn, mà chỉ liên quan đến cấu trúc thông báo của phát ngôn: cái gì biết sẵn, cái gì mới; chỉ có cái biết sẵn mới bỏ được, chứ cái mới thì không, mà cái mới lại rất hay nằm trong phụ ngữ, còn cái biết sẵn thì lại rất hay nằm trong trung tâm” [4, tr 362]. Nhận định sâu sắc này của ông rất chính xác với các trường hợp trên. Về mặt thông báo, lượng; các thứ; thời gian, công sức; sách vở, tài liệucó thể suy ra từ văn cảnh, không gian “cái mới” nên bị lược bỏ, nhiều, ítđược giữ lại bởi mang cái mới. Nhưng về ngữ pháp, các danh từ bị lược bỏ ấy mới là thành tố chính, nhiều, ítchỉ là thành tố phụ cho chúng.

Về vấn đề tỉnh lược, bên cạnh quy tắc nói trên, theo chúng tôi cần bổ sung thêm: khi một thành tố phụ đã được sử dụng phổ biến để thay mặt tổ hợp mà một thành tố chính cụ thể bị tỉnh lược thì nó không thể đồng thời có khả năng thay mặt cho một tổ hợp có thành tố chính khác. Nghĩa là, để không gây hiểu lầm về vai trò của nhiềuở đoản ngữ khác, các thành tố chính trong đoản ngữ đó nhất thiết phải có mặt. Có thể thấy rõ điều ấy qua việc so sánh hai trường hợp sau : Nó làm việc quá nhiềuvới (8) b. Nó làm quá nhiều việc(trường hợp khiến Cao Xuân Hạo băn khoăn). Nó làm việc quá nhiềuchính là Nó làm việc với quá nhiềuthời gian, công sức(như (1) b). Mà thời gian, công sứclà cái tất yếu phải bỏ ra để tiến hành làm việc,trở thành “cái đã biết” khi nhắc tới hoạt động làm việcnên bị lược bỏ. Trong (8) b, thành tố mà nhiềuphụ nghĩa lại là việc. Nên để không gây lầm lẫn với vai trò của nhiềutrong Nó làm việc quá nhiều,danh từ việcở (8) b đã không bị lược bỏ. Tương tự là quan hệ giữa: Tháng này, nó đi nhiềurồivà (8) c. Tháng này, nó đi nhiềunơi rồi. Tháng này, nó đi nhiềurồilà dạng tỉnh lược của Tháng này, nó đi nhiều chuyến/ lần rồi, nhiềuphụ nghĩa cho danh từ chuyến(hoặc lần). Nhiềutrong (8) c có vai trò khác, vai trò phụ nghĩa cho nơi.Nên để không lẫn với vai trò của nhiềutrong câu đầu, ở (8) c, nơikhông thể bị tỉnh lược.

Trường hợp quan hệ của cặp câu: (2) b. Em biết anh chỉ yêu em ítthôivà (8) d. Nó yêu ítngười thôilại có điểm khác. Trong số các nhóm động từ, động từ biểu thị tâm lí, tình cảm (như yêu, ghét, lo, giận, tin, ngờ) là nhóm duy nhất có thể kết hợp trực tiếp với nhiều, ít.Bởi nhóm động từ này không chỉ sự việc có khả năng kết thúc như các nhóm động từ khác mà biểu thị sự việc có khả năng tăng giảm mức độ (xem Nguyễn Tài Cẩn, [2, tr 254 - 255]). Và nhiều, íttrong vai trò thành tố phụ trực tiếp của các động từ này (như ở ví dụ (2) b và (2) a của Cao Xuân Hạo) đã chuyển sang nghĩa chỉ mức độ: nhiềubiểu thị mức độ cao, ítbiểu thị mức độ thấp.

Trong (2) b, ítlà thành tố phụ chỉ mức độ cho động từ tâm lí tình cảm yêu;trong (8) d, ítlại là thành tố phụ chỉ lượng cho danh từ người. Để thấy được nghĩa và vai trò ngữ pháp của ítở (8) d khác hẳn với ítở (2) b, danh từ ngườiở (8) b cũng không thể bị tỉnh lược.

Như vậy , ăn nhiềumỡ lắmăn mỡ nhiềulắm(dạng tỉnh lược của ăn mỡ (với) lượng nhiều (lớn) lắm)có nghĩa giống nhau nhưng không giống nhau về ngữ pháp, nhiềuở hai trường hợp này là thành tố phụ cho hai danh từ khác nhau ( mỡlượng). Hai câu này không thể là một về ngữ pháp, càng không thể là trường hợp có nhiềulà thành tố phụ cho động từ ăn.Tương tự như vậy, trong Nó làm việc quá nhiều; Tháng này, nó đi nhiềurồi, nhiềucũng không phải là thành tố phụ cho động từ làm việcđi. Các lí do của nhận định này là: 1. ăn, làm việc, đilà các động từ chỉ hoạt động không thể có đặc trưng về lượng hay mức độ - đặc trưng mà nhiều, ítbiểu thị; 2. nhiều, ítcó danh từ thành tố chính của nó (là bổ ngữ trực tiếp của động từ, tuy đã bị tỉnh lược). Còn trong (8) a, (8) b, (8) c, (8) d, các danh từ làm bổ ngữ trực tiếp của động từ (danh từ mỡ, việc, nơi, người) không bị tỉnh lược; nhiều, ítlà định tố cho các danh từ đó.

Ở các trường hợp đ, e, g, h, i vai trò định tố của nhiều, ítcàng rõ ràng. Các danh từ qua, đường, Hàlà bổ ngữ trực tiếp của các động từ có, pha, biết;còn nông dân, hộp đườnglà danh từ thay mặt bộ phận chủ ngữ có quan hệ trực tiếp với động ngữ giữ vai trò vị ngữ là đã ra đồng, có kiến. Nhiều, ítkhông thể có quan hệ trực tiếp với các động từ/ cụm động từ nói trên. Vậy, danh từ là thành tố chính trong các tổ hợp này; nhiều, ítlà các thành tố phụ chỉ lượng của các sự vật được nói tới ở những danh từ đó.

Nếu dùng trắc nghiệm Jakhontov (trắc nghiệm xác định tính phụ thuộc của một yếu tố phụ trong ngữ đoạn bằng khả năng thay thế yếu tố đó bởi một đại danh từ nhân xưng hay một từ nghi vấn), tỉnh hình cũng không có gì thay đổi. Chẳng hạn, với Nó pha quá nhiềuđường,có câu hỏi là:

Nó pha cái gì?

Đường.

Vậy đườnglà thành tố phụ cho pha.Trong nội bộ tổ hợp quá nhiều đường, lại có câu hỏi bậc hai:

Bao nhiêu đường?

Quá nhiều.

Như vậy, đến lượt mình, đườnglại là thành tố chính trong tổ hợp quá nhiềulà thành tố phụ. Có thể hỏi tắt qua câu hỏi bậc một bằng một câu:

Nó pha bao nhiêu đường?

Quá nhiều.

Qua câu hỏi này, có thể thấy quá nhiềuvẫn là thành tố phụ cho đường. Trong trường hợp ngữ cảnh cho phép, có thể hỏi bằng câu hỏi rút gọn:

Nó pha bao nhiêu?

Quá nhiều

thì quá nhiềulà dạng tỉnh lược của quá nhièu đường, quá nhiềuvẫn là thành tố phụ của danh từ đường(bị tỉnh lược), chứ không phải của động từ pha.Hay nói cách khác, trong động ngữ có phalà thành tố chính thì đườngluôn là thành tố phụ bậc một (phụ nghĩa trực tiếp cho trung tâm), nhiềulà thành tố phụ bậc hau (phụ nghĩa cho thành tố phụ bậc một đường). Nghĩa là quá nhiềuluôn không có khả năng quan hệ trực tiếp với yếu tố ngoài danh ngữ, đó là quan hệ vượt cấp. Trường hợp với câu hỏi:

Nó pha thế nào?

Thì câu trả lời phải là cả tổ hợp:

Quá nhiều đường.

Tương tự, với câu như (8) h. Rất nhiềunông dân đã ra đồng,câu hỏi ở hai bậc cũnglà:

Ai đã ra đồng?

Nông dân

Bao nhiêu nông dân?

Rất nhiều.

Câu hỏi tắt qua bậc một cũng là:

Bao nhiêu nông dân đã ra đồng?

Rất nhiều?

Vậy, trong các ví dụ như đ, e, g, h, i: nhiều, ítlà thành tố phụ của danh từ trong các danh ngữ ít quá, quá nhiều đường, nhiềuHà, rất nhiềunông dân, nhiềuhộp đường.

Tóm lại, chưa kể các trường hợp danh từ trung tâm của đoản ngữ bị tỉnh lược, nhiều, ítphải thay mặt cả đoản ngữ như ở ví dụ (1), các trường hợp như ở ví dụ (8) đều là những trường hợp mà đoản ngữ trong câu có nhiều, ítlàm định tố đứng trước danh từ trung tâm. Điều này cho phép kết luận rằng vị trí của định tố tính từ không phải chỉ ở sau mà có thể ở trước danh từ mà nó phụ nghĩa. Như vậy là, trước danh từ trung tâm không phải là vị trí độc tôn của các hư từ, số từ, danh từ chỉ lượng và từ cáichỉ xuất. Mô hình danh ngữ mà các nhà Việt ngữ học đưa ra lâu nay có thể và cần phải bổ sung một từ loại vào vị trí các thành tố phụ chỉ lượng trước danh từ trung tâm: từ loại tính từ.

Như vậy, chỉ với một vài tính từ chỉ lượng mà định tố tính từ phải có thêm một vị trí khác với vị trí sau danh từ trung tâm của mấy nghìn định tố tính từ khác. Nhưng thực ra, điều này có tính tất yếu của nó: tính từ có thể chỉ tính về chất lượng, mà các từ chỉ lượng (dù là hư từ như lượng từ hay thực từ như số từ, danh từ) thường có vị trí trước danh từ trong danh ngữ. Việc định tố tính từ nhiều, ítcó vị trí trước trung tâm danh ngữ như vị trí của các từ chỉ lượng khác chỉ thêm phần khẳng định vai trò quan trọng có tính chất quy định của nghĩa từ vựng của tiếng Việt với hoạt động ngữ pháp của nó.

Tài liệu tham khảo

(1) Diệp Quang Ban - Một số vấn đề về câu tồn tại trong tiếng Việt, Nxb GD, H, 1998.

(2) Nguyễn Tài Cẩn - Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, Nxb KHXH H. 1975.

(3) Nguyễn Tài Cẩn - Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ, Nxb. ĐH & THCN, H. 1986 (sách tái bản).

(4) Cao Xuân Hạo - Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb GD H. 2003 (sách tái bản).

(5) Nguyễn Văn Lộc - Thử nêu một định nghĩa về chủ ngữ trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 3/ 2003, tr 1 - 15.

(6) Hoàng Phê (chủ biên) - Từ điển tiếng Việt, Nhà in Trần Phú, Tp Hồ Chí Minh, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, H. 1992.

(7). Nguyễn Kim Thản - Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, tập 1, Nxb Uỷ ban KHXH, H. 1963.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.