Nhiên liệu sinh học - Khả quan nhưng thiếu chính sách
Biodeisel từ dầu, mỡ động thực vật
Các nhà khoa học Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) đã có nhiều công trình nghiên cứu nhiên liệu biodiesel từ dầu thực vật như đậu nành, dầu hạt cao su, dầu mè…
Qua chạy thực nghiệm trên động cơ máy phát điện và ô tô chạy bằng dầu diesel đều cho kết quả khả quan. Sau khi phối trộn biodiesel với dầu diesel (dầu mỏ) theo tỷ lệ: 5, 10, 15 và 20%, hàm lượng các chất độc hại trong khí thải đều nằm trong khuôn khổ cho phép. Do đó, có thể sử dụng từ 5%-20% biodiesel cho máy phát điện, 20% biodiesel cho ô tô không ảnh hưởng đến cấu tạo và chế độ làm việc của máy.
Nhóm các nhà khoa học gồm TS Nguyễn Đình Thành, Th.s Phạm Hữu Thiện, KS Võ Thanh Thọ và Lê Trần Duy Quang cũng đã có công trình tổng hợp biodiesel từ nguồn dầu mỡ phế thải (mỡ cá basa, dầu ăn phế thải). Cho phối trộn biodiesel với nhiên liệu diesel theo tỷ lệ 20%, các nhà khoa học cho ra sản phẩm nhiên liệu biodiesel B20. Khi đem phân tích một số chỉ tiêu hóa lý của B20 tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chế biến dầu khí, cho thấy đáp ứng được một số tiêu chuẩn cơ bản của nhiên liệu cho động cơ diesel.
Mặt khác qua thử nghiệm trên động cơ xe ô tô Mercedes 16 chỗ với quãng đường 1.000km, B20 đảm bảo độ khí thải trong mức cho phép và không ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ. Không chỉ trên động cơ ô tô, các nhà khoa học cũng đã cho thử nghiệm trên động cơ máy nổ, tàu đánh cá và đều cho kết quả tương tự.
Bên cạnh dầu mỡ thực vật, động vật, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu phối trộn cồn vào xăng để cho ra sản phẩm nhiên liệu mới. Nhóm các nhà khoa học Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và thử nghiệm xăng pha cồn cho kết quả khả quan.
Từ các nguồn nguyên liệu trong nước và một số nguyên liệu nhập khẩu, các nhà khoa học đã phối trộn được xăng pha cồn (10% thể tích cồn) đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật của xăng không chì A92. Kết quả thử nghiệm động cơ cho thấy các chỉ tiêu trong quá trình vận hành động cơ của xăng pha cồn so với xăng thương phẩm Mogas 92 không có thay đổi nhiều.
Cần một chính sách cụ thể
Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định việc phối trộn biodiesel vào diesel, cồn vào xăng là hoàn toàn cho phép và không ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động của động cơ, thế nhưng, đến nay các nhà khoa học vẫn băn khoăn vì Chính phủ chưa có một chính sách cụ thể về việc sử dụng biodiesel, trong khi các nước trên thế giới đã cho phép sử dụng biodiesel rộng rãi và có cả chiến lược phát triển biodiesel.
Tháng 8-2004, PGS.TS Đỗ Huy Định - Ủy viên Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, đã có đề án “Phát triển năng lượng, nhiên liệu sinh học ở Việt Nam” gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020-2025, Việt Nam phải sản xuất được 4,5-5 triệu tấn (xăng, diesel pha cồn và biodiesel), chiếm 20% nhu cầu xăng dầu cả nước.
Mục tiêu trước mắt là đến 2010 phải sử dụng thử xăng/diesel pha 10% cồn ở một vài đô thị đông dân cư với số lượng 300.000- 400.000 tấn/năm. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đó là một đề án thiết thực cho việc phát triển biodiesel của Việt Nam và góp phần phát triển kinh tế.
Vừa qua, Bộ Công nghiệp cũng đã thông báo đang xây dựng đề án phát triển biodiesel đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Mục tiêu từ 2006-2010, Việt Nam tiếp cận công nghệ sản xuất biodiesel, xây dựng mô hình thí điểm. Đến 2020, Việt Nam sản xuất biodiesel với sản lượng đạt khoảng 5 tỷ lít xăng E10 (xăng pha cồn với hàm lượng cồn tối đa là 10% thể tích) đáp ứng hoạt động của động cơ ô tô, xe máy.
Tuy nhiên, tại hội nghị về biodiesel tổ chức mới đây tại TPHCM, nhiều nhà khoa học thắc mắc về việc nhà nước chưa có chính sách phát triển biodiesel. PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, cho rằng nhà nước nhanh chóng ban hành những quy định về thành phần, tính chất và các chỉ số của biodiesel làm tiêu chuẩn chung để sớm sản xuất biodiesel.
Còn theo GS.TSKH. Hồ Sĩ Thoảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, thì đã đến lúc cần có một chiến lược đồng bộ phát triển biodiesel, từ việc tạo nguồn nguyên liệu (trồng đậu nành, dầu mè…) cho đến chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất (kinh phí đầu tư, thuế…) và kế hoạch tiêu thụ biodiesel ra thị trường…
Nguồn: sggp.org.vn, 19/09/2006