Nhân sâm & sức khỏe tim mạch
Sách “ Thần nông bản thảo” của vua Thần nông cách đây 3.000 năm trước Công nguyên đã xếp Sâm là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền Trung Hoa. Hiện có 2 loại Sâm được nghiên cứu nhiều nhất là Sâm châu Á (hay Nhân sâm, Sâm, Triều Tiên - Panax Ginseng C.A. Meyer) và Sâm Hoa Kỳ (còn gọi là Sâm Bắc Mỹ - Panax quinquefolius L.). Riêng Nhân sâm có thể nhầm lẫn với Sâm Siberia (Sâm Liên Xô - Eleutherococcus senticosus) dù đã được quảng cáo ở Nga là có thể thay thế Nhân sâm, nhưng lại không chứa các hoạt chất Ginsenosid (Triterpen saponin) có trong Nhân sâm.
![]() |
Nhiều nghiên cứu về Sâm đã được tiến hành, chủ yếu trên Sâm Triều Tiên và Sâm Mỹ cho thấy 2 loại có những tác dụng giống và khác nhau. Ít thấy có nghiên cứu về Sâm Siberia. Riêng với Sâm Ngọc Linh (còn gọi là Sâm Việt Nam, Sâm Khu 5 - Panax vietnamensis KL Dao [1973] ex Ha et Gruskv [1985]) cũng đã được nghiên cứu kỹ và cho thấy có dược tính tốt hơn cả Sâm Triều Tiên và Sâm Mỹ. Tuy nhiên, do không được quản lý kỹ từ đầu về khai thác và chế biến và mức độ an toàn của cây Sâm vẫn ở bậc E trong Sách đỏ Việt Nam.
Các tác dụng dược lý của Nhân sâm đối với sức khỏe đã được nghiên cứu nhiều, có thể tóm tắt như sau: gây hưng phấn thần kinh, tăng cường khả năng tình dục, tăng miễn dịch cơ thể, giảm cholesterol/ máu, tăng HDL - cholesterol và giảm LDL - cholesterol, hỗ trợ tuyến thượng thận tăng tổng hợp các corticoid giúp cơ thể chống stress hiệu quả hơn, hạ đường huyết, giảm nguy cơ ung thư… Trong các tác dụng trên cơ thể người, tác động trên hệ thống tim mạch của Nhân sâm vẫn là tiêu điểm được chú ý nghiên cứu nhiều nhất, và cũng gây ra nhiều tranh cãi nhất. Riêng về tác dụng này có nhiều nghiên cứu từ nhiều trung tâm trên thế giới như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản…. Trong đó có các nghiên cứu dựa trên y học chứng minh của Hội tim mạch Mỹ, cơ sở dữ liệu Medline, các trung tâm y khoa thuộc các trường Đại họ Y ở Mỹ, Canada, Trung Quốc…
Nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi tại khoa Y, Đại học Toronto, Canada và Bệnh viện St. Michael’s, Toronto năm 2005, cho thấy khi dùng Sâm Mỹ liên tục trong 12 tuần với liều 3g/ ngày không làm tăng huyết ápvà không ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Những tác giả tiến hành thí nghiệm cũng khuyến cáo đây là kết quả khi dùng Sâm đơn độc, các thí nghiệm dùng Sâm chung với các vị thuốc Đông y khác chưa được tiến hành.
Những nghiên cứu rút ra từ cơ sở dữ liệu Medline cho thấy Nhân sâm đóng vai trò như chất làm giảm sự oxy hóa của LDL - cholesterol và các tế bào não. Nhân sâm cùng làm giảm đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường týp II trước và sau bữa ăn. Tác dụng này tỏ ra rất hứa hẹn vì người ta nhận thấy Nhân sâm không làm giảm đường huyết quá mức, hay nói khác hơn, Nhân sâm đóng vai trò như một chất điều hòa đường huyết.
![]() |
Nhiều nghiên cứu trên huyết áp cũng đã được tiến hành và đều cho kết quả là Nhân sâm có tác dụng điều hòa huyết áp,nghĩa là có thể nâng huyết áp ở những bệnh nhân suy nhược với liều thấp và hạ huyết áp với liều cao (thông qua cơ chế tác động lên tần số co bóp tim). Điều này phù hợp với lý thuyết của y học cổ truyền khi cho rằng các triệu chứng của huyết áp thấp là do khí huyết hư nhược, mà Nhân sâm là thuốc đại bổ nguyên khí nên sẽ làm tăng trị số huyết áp. Đáng tiếc là nghiên cứu này chưa đưa ra được liều lượng hiệu quả và an toàn.
Nhân sâm phối hợp với các dược liệu khác có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh mạch vành và cải thiện tình trạng suy tim sung huyết. Ngoài ra, Nhân sâm có độc tính rất thấp với liều độc cấp diễn (LD50) là 16,5 mg dịch chiết/ kg cân nặng. Các tác dụng phụ có thể xảy ra (tuy rất hiếm) là tăng huyết áp, mất ngủ, bồn chồn, lo âu, phấn khích, tiêu chảy, đau ngực, chảy máu ở mũi và âm đạo.
Theo y học cổ truyền. Nhân sâm có vị ngọt hơi đắng, tính ôn (ấm), vào hai kinh Tỳ và Phế, có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân, định thần ích trí. Y học cổ truyền cho rằng Nhân sâm mọc trong khe núi, dùng trị ngũ thương, an thần, giảm hồi hộp, làm sáng mắt, dùng lâu sẽ tăng tuổi thọ. Y sư Trương Trọng Cảnh xem Nhân sâm là vị thuốc bổ dưỡng, nâng cao sức đề kháng của cơ thể (y học cổ truyền gọi là phù chính, khu tà).
Với những tính chất dược lý đã được xác nhận bằng y học chứng cứ như trên, các bệnh nhân có thể yên tâm khi dùng Nhân sâm theo sự chỉ định của thầy thuốc.