Nhân nhanh giống địa lan bằng máy lắc tự chế
Lâu nay, trong lĩnh vực nhân giống bằng nuôi cấy mô và tế bào trong ống nghiệm, Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nhân giống ở hầu hết các đối tượng (trong đó có địa lan) ở quy mô phòng thí nghiệm, nhưng các quy trình này chưa thích ứng cho yêu cầu quy mô sản xuất lớn. Hiện trên thị trường cần một số lượng rất lớn các giống Địa lan tuyển chọn để sản xuất trong nước và xuất khẩu. Vì thế, đã có những cải tiến để nâng cao tốc độ nhân giống nhanh địa lan như cấy đỉnh sinh trưởng, nhân protocorm trên môi trường rắn, lỏng, tĩnh... Tuy nhiên hầu hết các phương pháp này đều cho hiệu quả kém hơn phương pháp nuôi cấy lỏng lắc. Giải pháp này tiết kiệm được thời gian và nhân công, dễ dàng cho nhân giống số lượng lớn, tốc độ sinh trưởng và phát triển được tăng hơn nếu được tăng cường không khí. Mẫu cấy được tiếp xúc đầy đủ hơn với môi trường dinh dưỡng nên tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh. Nhờ việc liên tục được di chuyển trong môi truờng nuôi cấy nên ít xảy ra hiện tượng ưu thế ngọn, sự ngủ của chồi biến mất và kết quả là tạo ra được nhiều chồi hơn. Tuy nhiên để thực hiện phương pháp này chúng ta phải mua máy lắc của nước ngoài có giá gần 2000 USD.
Khá bức xúc trước thực trạng đó, GSTS Nguyễn Văn Uyển (Trường đại học mở bán công TP HCM) đã tìm cách chế tạo được chiếc máy lắc rẻ tiền để có thể đưa vào ứng dụng đại trà trong sản xuất nhân cây giống thương mại tại Việt Nam. Sau nhiều năm trăn trở, cùng với nhóm sinh viên Thái Hữu Phú, Lò Xuân Dũng, Hứa Mỹ Ngọc, GS Uyển đã cho ra đời chiếc máy lắc tương đối chuẩn mực với số vòng quay ổn định và giá thành khá rẻ.
Máy được hoàn thành từ một quạt trần cũ, bốn phuộc nhún xe hơi đã cũ, một miếng nhôm cũ 0,36m2, bốn thanh sắt 20 cm, bốn ốc vít. Tổng chi phí chế tạo khoảng 300 ngàn. Máy lắc tự chế có thể chứa được từ 40 - 45 bình nước biển loại 250 ml dùng trong phương pháp nuôi cấy lắc.
GSTS Nguyễn Văn Uyển đã hướng dẫn hai sinh viên Nguyễn Sĩ Tuấn và Hứa Mỹ Ngọc tiến hành thực hiện các thí nghiệm trên cây hoa địa lan.
Sau một năm thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình nhân nhanh một số giống địa lan (Cymbidium) bằng phương pháp nuôi cấy lỏng trên máy lắc tự chế tạo”, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận gây ngạc nhiên trong giới khoa học. Máy lắc tự chế cũ có thể sử dụng hiệu quả trong việc sản xuất các giống Cymbidium thông qua nhân nhanh các mầm rễ.
Đề tài này đã được hội đồng khoa học Eureka 2005 đánh giá cao và cho điểm cao nhất trong nhóm đề tài về Công nghệ sinh học.
Ý kiến chuyên gia
Theo ThS Võ Kiếm, Giám đốc trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ và tin học (Sở Khoa học và công nghệ Lâm Đồng), nhu cầu cung cấp cây giống từ nuôi cấy mô của nông dân rất lớn. Trung tâm đang đầu tư thêm thiết bị, lập dự án mở rộng các phòng thí nghiệm, nhà xưởng phục vụ cho việc lưu giữ nguồn gen các giống mới. Với hệ thống thiết bị do nhóm nghiên cứu của trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh chế tạo ra, Trung tâm có thể đạt đến công suất 300.000 cây giống địa lan/năm, tương đương khoảng 1 triệu cành hoa/năm.
Địa lan Cymbidium có khoảng 40 - 60 loài hoang dã có nguồn gốc Châu Á. Cymbidium sống bám trên cây hay mặt đất với lá dài hẹp, phần gốc phình to . Hoa to, 3 lá dài và 2 cánh hoa rời....