Nhân ngày Thấy thuốc VN 27-2: Vị bác sĩ 'thổi mỹ từ' vào trong chết chóc
Coi bệnh ung thư thú vị như…thơ ca
Từ năm 1975 đến năm 1984 bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng là Trưởng khoa Ung bướu của Bệnh viện Bình Dân, sau đó ông là một trong những người sáng lập ra Trung tâm Ung bướu TP.HCM (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bây giờ) và làm việc ở đó với cương vị Phó Giám đốc, Giám đốc cho đến năm 2007 thì về hưu.
Phải nói rằng, sau giải phóng, TP.HCM chưa hề có một nơi tầm cỡ để điều trị bệnh ung thư, thì việc ra đời của Trung tâm Ung bướu lúc bấy giờ như một sự cứu cánh và đạt được nhiều hưởng ứng của các bệnh nhân đến từ khắp nơi trên cả nước.
Người ta biết đến Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng là người tổ chức, đặt nền móng cho ngành Ung bướu Việt Nam, nhưng ít ai ngờ rằng những từ ngữ y khoa trong việc điều trị bệnh ung thư dễ hiểu, ý nhị hơn như bây giờ là nhờ có ông. Hay nói cách khác, chính Giáo sư – bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đã mỹ từ hóa những từ chuyên môn khoa học khô cứng để người bệnh cảm thấy yên tâm hơn, lạc quan hơn trong quá trình chiến đấu với căn bệnh nan y hiểm nghèo.
“Hồi đó, người ta gọi là siêu âm vú, kiểm tra hình ảnh của vú để phát hiện nếu bị ung thư thì cắt vú và chiếu tia phóng xạ điều trị chẳng hạn. Tôi thấy dùng từ như vậy có phần thô thiển quá, nghe ghê quá. Đặc biệt khi nhắc đến bộ phận nhạy cảm của phái nữ một cách trực diện như vậy sẽ làm bệnh nhân ngại.
Bệnh nhân đã có quá đủ lo lắng phiền muộn rồi, chúng ta nên quan tâm hơn đến từ ngữ khi tiếp xúc, tránh để họ bị tổn thương, mặc cảm. Vì thế tôi đã đổi cách gọi thành siêu âm nhũ, nhũ ảnh, đoạn nhũ, hoặc xạ trị. Cách đây mấy chục năm, ở các bệnh viện chỉ có khoa ung thư. Tôi thấy đặt tên như thế không ổn nên đổi thành khoa ung bướu. Từ ung bướu mang tính khái quát và chính xác hơn. Nó bao gồm cả những bướu lành tính và ác tính. Hiện nay, những từ ngữ mà tôi tiên phong dùng đã được đông đảo các bác sĩ và nhiều bệnh viện hưởng ứng sử dụng.” – bác sĩ Hùng tâm sự.
Công tác điều trị cho bệnh nhân ung thư khắc nghiệt, có lúc chứng kiến quá nhiều nỗi đau, mất mát tưởng chừng như không thể chịu nổi đến mức muốn bỏ nghề đã khiến vị bác sĩ đầy trăn trở.
Ông cảm thấy chỉ tập trung nâng cao chuyên môn, tổ chức không thôi chưa đủ cứu giúp bệnh nhân, thế là miệt mài lao vào viết sách trong quãng thời gian rảnh rỗi. Những cuốn sách lần lượt ra đời với lời lẽ văn chương vô cùng giản dị, phổ cập hóa bệnh ung thư cho người dân để họ không còn tuyệt vọng, không quá lo sợ và biết cách đề phòng, phát hiện đi điều trị sớm.
Nhiều bệnh nhân ung thư 30 năm vẫn sống tốt
Làm bác sĩ trong ngành Ung bướu, tất nhiên bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng biết tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh này rất cao. Tuy nhiên, ông bật mí, mọi người chỉ biết những bệnh nhân nặng đã chết nhưng ít ai biết cũng có rất nhiều người được điều trị tốt, thậm chí vẫn sống tốt tới vài chục năm.
Bác sĩ Hùng kể lại bằng khuôn mặt rạng ngời đầy tự hào: “Mới đây thôi, trong một lần lên lớp ở Trường Đại học Y dược TP, tôi gặp một cô sinh viên. Em chào tôi và hỏi thầy có nhớ mẹ em không. Em nói cách đây gần 30 năm tôi có điều trị ung thư cổ tử cung cho bà và đến bây giờ bà vẫn sống tốt. Lúc đó, đầu tôi hiện lên hình ảnh một phụ nữ trẻ.
Khi ấy trong phòng mổ, chị đã vô cùng hoảng sợ, nắm tay tôi khóc chỉ cầu xin ông trời cho mình sống thêm được 3 năm đợi con gái lớn tròn 18 tuổi đủ sức lo cho 4 đứa em. Nữ bệnh nhân ấy chỉ cầu có 3 năm vậy mà đến nay đã sống được đến gần 30 năm, có cháu, có chắt. Đấy, thấy chưa, ung thư đâu phải lúc nào cũng là tuyệt vọng!”.
Giáo sư – bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng còn liệt kê hàng loạt bệnh nhân cũ của mình, có nhiều người nhờ không mất niềm tin vào cuộc sống, tích cực điều trị mà mười mấy năm vẫn sống khỏe mạnh, thậm chí đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong xã hội.
Giờ đây, ở cái tuổi xế chiều, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng cũng có cách hưởng thụ, giải trí rất riêng. Ông giành phần lớn thời gian cho việc viết sách, báo về y học, tham gia các chương trình phổ cập kiến thức y học cho người dân. Ông cũng yêu đời và trẻ trung không kém khi thích tìm tòi xem những bộ phim mới được công chiếu ở rạp, tập thái cực quyền và nghe nhạc tiền chiến, nhạc cổ điển Tây phương.