Nhận diện và ứng phó với biến đổi khí hậu: Cảnh báo những thay đổi bất thường
GS.TS Lê Đình Quang, Trung tâm nghiên cứu Khí tượng thủy văn (KTTV) và môi trường (Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam) bình luận: Việc bất thường của thời tiết là chuyện năm nào cũng xảy ra và ở bất cứ đâu trên thế giới, không riêng gì Việt Nam . Trước đây, những biến động này thường nhỏ và diễn ra rất nhanh, nên người dân thường ít cảm nhận được. Nhưng đầu năm 2010, việc có mùa hè giữa mùa đông là dấu hiệu rõ nhất về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình tháng 2 năm nay cao hơn so với trung bình nhiều năm; mưa ít hơn và ít có rét đậm hơn mọi năm. Hầu như tháng 2 này không có đợt rét đậm nào (trong khi vào thời điểm này hàng năm vốn có từ 1-2 đợt rét đậm).
Đầu tháng 6, người dân lại phải hứng chịu những trận nắng nóng liên tục, với nền nhiệt độ trung bình 40 0C và kéo dài. Riêng khu vực Hà Nội có đợt nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức kỉ lục trên 40 0C đã khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, những bệnh có liên quan đến nắng nóng như các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa có chiều hướng tăng. Đây là đợt nắng kỷ lục nhất từ trước đến nay mà các nhà khoa học ghi nhận được. TS Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm KTTV Trung ương, cho biết: Dấu hiệu thời tiết bất thường này đã cảnh báo hiện tượng La Nina đang hoành hành, và là một trong những “sản phẩm” của biến đổi khí hậu.
Tại các tỉnh phía Nam mà điển hình là TP Hồ Chí Minh, nạn triều cường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Hai năm trở lại đây, mực nước triều cường tại TP.Hồ Chí Minh có chiều hướng tăng cao và đỉnh triều kỷ lục 1,55m là “minh chứng rõ nét nhất cho hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu.
Các nghiên cứu khoa học mới nhất của các cơ quan môi trường trong và ngoài nước đều khẳng định, Việt Nam là một trong bốn nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong báo cáo phát triển con người năm 2008 do UNDP tại Việt Namvà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tại Hà Nội, BĐKH sẽ làm 22 triệu người Việt Nam sẽ bị mất nhà cửa.
Theo tính toán của các nhà khoa học, vào năm 2070, thay đổi về thời tiết vùng sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trên các sông vừa và nhỏ, dòng chảy có thể giảm đi. Điều đó cũng có nghĩa sự khắc nghiệt ngày càng tăng đối với nguồn tài nguyên nước của Việt Nam . Cùng đó, biến đổi khí hậu cũng khiến vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc phải đối mặt với nguy cơ gia tăng cường độ hạn hán do biến đổi khắc nghiệt của thời tiết trong những năm tới. Khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Cụ thể, tại miền Trung, nhiệt độ trong các thập kỷ tới sẽ cao hơn, mùa gió Tây khô nóng có xu thế đến sớm và kết thúc muộn hơn. Với khu vực Tây Nguyên, mùa nóng ở các vùng núi vừa và thấp sẽ dài thêm, ngược lại, mùa lạnh sẽ thu hẹp lại.
Ở miền Trung, lượng mưa phổ biến sẽ tăng lên tại các khu vực Nam Trung Bộ nhưng sẽ phải gánh chịu mùa khô hạn khắc nghiệt từ tháng 12 cho đến tháng 8, tháng 9.
Tại Bắc Trung Bộ, tháng 5, tháng 6 có lẽ sẽ trở thành các tháng khô nóng thường xuyên như ở Nam Trung Bộ, mưa phùn sẽ hiếm hoi hơn. Còn khu vực Tây Nguyên, tính bất ổn trong chế độ mưa cũng tăng lên khiến vùng này phải đối mặt với nguy cơ hạn hán bất thường.